Một trận đánh không tiếng súng trước Hiệp định Genève

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 70 năm trước, ngay tại trung tâm huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) ngày nay diễn ra một trận đánh, quân ta giành thắng lợi lớn nhưng không hề có bất kỳ tiếng súng nào. Mặc dù còn một vài chi tiết chưa thống nhất trong ghi chép, song sự kiện này từ lâu đã đi vào nhiều sách lịch sử địa phương như một niềm tự hào.

  Ông Ngô Thành trò chuyện cùng tác giả bài viết (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Nguyễn Hoa
Ông Ngô Thành trò chuyện cùng tác giả bài viết (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Nguyễn Hoa

Cuốn sách được nhắc đến ở đây là Địa chí Gia Lai, xuất bản năm 1999; Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005), in năm 2009; Lịch sử Đảng bộ huyện Chư Prông (1945-2010), Lịch sử Đảng bộ huyện Đức Cơ (1945-2015) lần lượt phát hành trong các năm 2010 và 2015.

Theo đó, vào khoảng nửa đầu tháng 7-1954, trước sự bất lợi về chính trị, quân sự, lực lượng địch ở khắp nơi đều hoang mang, lo sợ. Tại Chư Ty (Đức Cơ), một số cán bộ cách mạng đã chớp thời cơ, lãnh đạo quần chúng bao vây, uy hiếp, gọi hàng toàn bộ đồn lính đóng ở địa phương. Kết quả, tên đồn trưởng người Jrai đã dẫn hơn 40 binh sĩ ra đầu hàng cùng toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng.

Trong phần lớn các tài liệu lịch sử đã dẫn, những người lãnh đạo trận đánh này không được nêu cụ thể mà chỉ viết chung chung, đó là các cán bộ của Đoàn (hoặc Đội) vũ trang xây dựng 118. Trong khi đó, Lịch sử Đảng bộ huyện Đức Cơ (1945-2015) viết, họ là “4 cán bộ của Đoàn 118 do đồng chí Trịnh Quang Ngọc (Tường) và Ngô Thành chỉ huy”.

Theo ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, chi tiết vừa nêu đúng nhưng chưa đủ. Ông Ngô Thành phân tích: Tham gia sự kiện này không chỉ có 2 người lãnh đạo là ông Trịnh Quang Ngọc (đã mất) và ông. Trên thực tế, khi đó, Đoàn vũ trang xây dựng 118 đã phân cho 3 người phụ trách khu vực phía Nam Chư Ty, gồm: Trịnh Quang Ngọc (Tường)-đoàn phó, Nguyễn Thành (Ui)-cán bộ trung đội và Huỳnh Đắc Dụng-y tá (ông Dụng hiện sống tại Đà Nẵng).

Vào thời điểm sự kiện sắp xảy ra, ông Ngô Thành (lúc này là Chính trị viên phó đại đội, phụ trách khu vực phía Đông Chư Ty của Đoàn 118) về báo cáo tình hình công tác với ông Trịnh Quang Ngọc. Liền sau đó, ông Ngọc thông tin cho ông Thành biết tình trạng dao động của binh lính trong đồn Chư Ty và ý định ta muốn tấn công chính trị, binh vận buộc chúng đầu hàng, giải phóng Chư Ty. Tuy nhiên, lúc này, lực lượng ta đang thiếu cán bộ, nhất là những người thạo tiếng Jrai. Vì lẽ đó, ông Ngọc yêu cầu ông Thành ở lại trợ lực. Ông Thành vui vẻ đồng ý và ở lại đây gần 1 tuần để tham gia sự kiện này. Như vậy, có 4 người tham gia lãnh đạo sự kiện này với họ tên, chức danh đầy đủ.

Một góc đồn Chư Ti xưa (nay thuộc sự quản lý của Trung tâm VHTT huyện Đức Cơ). Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Một góc đồn Chư Ty xưa (nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Văn hóa-Thông tin huyện Đức Cơ). Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ


Về cách thức ta lấy đồn Chư Ty khi ấy, các sách viết gần giống nhau về nội dung, tuy có khác nhau chút ít về diễn đạt. Theo nhân chứng Ngô Thành, sách lịch sử Đảng bộ các huyện Chư Prông và Đức Cơ diễn đạt rằng: Ta bao vây, đưa tối hậu thư buộc tên Đồn trưởng Bleng (người Jrai) cùng với 42 lính đầu hàng. Điều này có thể dẫn đến một cách hiểu khác. Thực tế, không có bất kỳ lá thư nào được đưa vào đồn giặc trong trường hợp này. Nói một cách ngắn gọn, nhân lúc địch hoang mang, ta bao vây, kêu gọi, thậm chí hăm dọa khiến chúng phải giao nộp vũ khí, đầu hàng. Tất nhiên, sự việc không hoàn toàn dễ dàng như vậy. Do địch đông, lại được trang bị vũ khí đầy đủ nên ta đã khôn khéo cử Phó tổng Nhàn và 2 chủ làng là cơ sở của ta vào đồn phân tích, tuyên truyền, vận động, thuyết phục chúng.

Về thời điểm diễn ra sự kiện, các tài liệu lịch sử địa phương nêu trên chưa thống nhất. Cụ thể, trong khi Địa chí Gia Lai, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005) và Lịch sử Đảng bộ huyện Chư Prông (1945-2010) xác định đó là ngày 15-7-1954 thì riêng sách Lịch sử Đảng bộ huyện Đức Cơ (1945-2015) lại cho rằng thời điểm ta lấy đồn Chư Ty là 12-7-1954.

Một số sách lịch sử viết về chiến thắng Chư Ti. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Một số sách lịch sử viết về chiến thắng Chư Ty. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ


Ngày 12 hay 15-7 là đúng? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Ngô Thành xác nhận: Đó thực chất là một ngày ước định. Vì khi ấy, tình hình rất khẩn trương, công việc cách mạng dồn dập, vả lại cũng không ai có ý thức ghi chép sự kiện vừa xảy ra. Sau này, trong một số hội thảo, mọi người chỉ áng chừng rằng nó đã xảy ra trước khi Hiệp định Genève được ký kết (ngày 20-7-1954) độ 1 tuần, tức là khoảng từ ngày 12 đến 15-7 năm đó. Khi làm sử địa phương, phần lớn tác giả chọn ngày 15-7 là ngày chiến thắng đồn Chư Ty như đã biết. “Cần nhắc lại rằng, 15-7 là ngày chính quyền cách mạng tổ chức mít tinh mừng huyện Chư Ty được giải phóng”-ông Ngô Thành giải thích thêm.

Chiến thắng Chư Ty năm 1954 là một sự kiện quan trọng vì đã nhổ được đồn Chư Ty không tốn một viên đạn, đồng nghĩa với việc ta giải phóng được cả một vùng đất rộng lớn ở phía Tây của tỉnh. Gần 70 năm đã trôi qua, trận đánh đặc biệt này đã đi vào sử sách địa phương. Năm 2008, địa điểm từng là đồn Chư Ty thời Pháp thuộc đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện tại, Đức Cơ đã khởi động một kế hoạch đầu tư, tôn tạo di tích này.

 

 NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.