Chuyện đẹp "Bầu bí thương nhau" (*): Tình người ở vùng có dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù đang trong những ngày vất vả chống dịch, người dân TP HCM vẫn sống đầy ắp nghĩa tình với niềm tin dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi
Tại nhiều nơi ở TP HCM, khi bên trong sợi dây giăng cách ly của đội phòng chống dịch là cuộc sống của không ít người dân lâm cảnh khó khăn thì bên ngoài là cả một đội ngũ tình nguyện viên không quản khó nhọc, nắng mưa, chạy lo cho đồng bào mình có đủ thực phẩm thiết yếu; nấu từng bữa cơm để phục vụ miễn phí người dân khu cách ly và lực lượng tuyến đầu yên tâm chống dịch. Những yêu thương của họ có sức lan tỏa mạnh mẽ, làm mát dịu lòng người trong những ngày tình hình dịch bệnh căng thẳng.
Thức khuya, dậy sớm lo cơm cho người nghèo
Từ sáng sớm, căn nhà nhỏ nằm trên đường Núi Thành (phường 13, quận Tân Bình, TP HCM) của anh Đinh Trung Việt đã rổn rảng tiếng xoong nồi, râm ran tiếng người. Nồi cơm sôi trên bếp bật vung, thơm lừng. Cả gia đình 4 người hết rửa rau, thái thịt, sơ chế hải sản đến xào nấu liền tay.
Anh Việt lau những giọt mồ hôi trên trán, chỉ vào những thùng xốp đựng thức ăn kế bên, hào hứng nói: "Cơm hôm nay có cá nục kho và mực xào. Toàn bộ là quà quê chuyển từ Nha Trang vào".

Anh Đinh Trung Việt chuẩn bị làm cơm gửi tặng người dân nghèo và lực lượng tuyến đầu chống dịch. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Đinh Trung Việt chuẩn bị làm cơm gửi tặng người dân nghèo và lực lượng tuyến đầu chống dịch. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đều đặn mỗi tuần 2 lần, anh Việt đến điểm hẹn để nhận hải sản từ Nha Trang quê anh gửi vào. Dịch bệnh kéo dài nên công việc kinh doanh của anh gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, những ngày gần cuối tháng 6, khi hay tin lực lượng chức năng ở khu cách ly thuộc ký túc xá Trường Đại học Văn hóa (phường Phước Long A, TP Thủ Đức, TP HCM) đang gặp nhiều khó khăn về nguồn cung thực phẩm, do cơ sở này mới được trưng dụng làm khu cách ly, anh đã tất tả đến tận nơi hỏi thăm tình hình.
"Thấy thương lực lượng trực chốt phải làm việc đêm ngày, bất kể nắng mưa để bảo đảm an ninh, hỗ trợ phòng chống dịch hiệu quả nên tôi tình nguyện tiếp sức cho anh em nơi đây 150 suất ăn mỗi ngày. Hôm thì cơm thịt, hôm khác là cá, mực, tôm...; thực đơn được thay đổi liên tục để không ai ngán" - anh Đinh Trung Việt bày tỏ.
Giữa trưa nắng nóng, những người trực chốt nép mình dưới những bóng râm, còn được giải nhiệt bằng nước chanh do gia đình anh Việt gửi đến.
Nghe phong thanh khu cách ly ở huyện Hóc Môn (TP HCM) cần giúp đỡ, anh lại tìm đến và chẳng ngần ngại bỏ tiền túi nấu cơm gửi tặng. Biết được công nhân, người nghèo tại nhiều điểm bị tạm cách ly ở quận 12, Bình Tân, Tân Phú... nơm nớp lo đứt bữa, anh lại chẳng nề hà chở "cơm nóng, canh ngọt" đến tận nơi hỗ trợ.
Chị Nguyễn Thị Ánh (ngụ quận 12, TP HCM), "mối ruột" của những phần cơm nghĩa tình này, cảm kích cho biết dần dà thành quen, người nghèo được giúp đều trìu mến gọi bếp cơm nhà anh Việt là "Bếp ăn mùa dịch". "Mở hộp cơm ra không chỉ đẹp đẽ mà còn thơm ngon, không khác gì cơm quán" - chị Ánh xúc động nói.
Tính đến nay, bếp ăn của anh Việt đã phát gần 10.000 phần cơm cho các khu cách ly, phong tỏa tại TP HCM.
"Bây giờ, gia đình có khả năng được bao nhiêu thì giúp bấy nhiêu. Khi nào có nhiều hơn, tôi sẽ giúp nhiều người hơn nữa vì chúng tôi biết còn rất nhiều người đang lâm cảnh khốn khó do dịch bệnh kéo dài" - anh Việt tâm sự.
Ngoài gia đình anh Việt, trong những ngày dịch bệnh căng thẳng ở TP HCM, còn có hàng trăm người đã chung tay nấu hàng vạn bữa cơm mang tặng lực lượng tuyến đầu và những người khốn khó do dịch bệnh.
Hơn một tháng qua, mỗi ngày, bếp ăn của Tường Nguyên thiền tự (quận 4, TP HCM) cung cấp từ 6.000 - 15.000 suất cơm cho người nghèo, người ở khu vực cách ly và đội ngũ y tế tại Bệnh viện Trưng Vương. Để có được những bữa cơm nóng hổi, thơm ngon này, mỗi ngày đều đặn, khoảng 50 tình nguyện viên phải làm việc liên tục từ 3 giờ đến tận khuya. Người có tiền góp tiền, người không tiền góp sức, ai nấy đều mong được chung tay vào công cuộc chống dịch của TP.
Đại đức Thích Minh Phú, bếp ăn Tường Nguyên thiền tự, bày tỏ: "Giờ cả TP đều chống dịch, chúng tôi cũng phải cố gắng chung tay hết sức, với tinh thần dịch đến đâu, bếp ăn của hội từ thiện Tường Nguyên đỏ lửa đến đó".
Thầy giáo trẻ "đi chợ" giúp người dân
Đúng 8 giờ, sau khi gọi điện xác nhận lại đơn hàng lần cuối, anh Nguyễn Duy Phương (giáo viên Trường Tiểu học Hòa Bình; quận 1, TP HCM) đi một mạch đến siêu thị. Sau 15 phút kiên nhẫn chờ đến lượt, anh được vào siêu thị để mua hàng. Anh cho biết đơn hàng hôm nay có nhiều loại rau anh mới nghe lần đầu. Vừa đọc danh sách cần mua, anh Phương lúng túng, phải nhờ nhân viên bán hàng giúp đỡ.
Anh Phương là thầy giáo trẻ, không mấy thành thạo chuyện bếp núc nhưng vẫn nhiệt tình đăng ký tham gia đội ngũ tình nguyện viên đi chợ giúp người dân trong các khu cách ly trên địa bàn quận 1, để họ yên tâm thực hiện tốt quy định phòng chống dịch.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Duy Phương nhận công việc đi chợ giúp mỗi ngày cho người dân yên tâm cách ly
Thầy giáo trẻ Nguyễn Duy Phương nhận công việc đi chợ giúp mỗi ngày cho người dân yên tâm cách ly
Anh Phương nói về công việc tình nguyện của mình: "Tôi thấy việc làm của mình quá nhỏ nhoi so với bao khó khăn của người dân TP hiện nay. Nhưng tôi rất vui vì được góp sức khi người dân cần".
Hiện người dân trên địa bàn quận 1 có thể tiếp cận đội ngũ giao hàng này qua đường dây nóng 028.3825.1861 (sau đó nhấn số 0); fanpage Tuổi Trẻ quận 1; ứng dụng GOBUS - GO (away) COVID. Sau khi tiếp nhận đơn hàng, gọi điện xác nhận, lãnh đạo nhóm sẽ phân bổ cho tình nguyện viên đến các siêu thị gần nhất để mua hàng.
"Mặc dù nhân lực mỏng nhưng nhờ sức trẻ, sau 10 ngày triển khai (từ 9-7), các tình nguyện viên trên địa bàn đã hỗ trợ gần 350 đơn hàng, giúp người dân trong khu cách ly. Để bảo đảm an toàn phòng dịch, các thanh niên tình nguyện đi chợ đều được tập huấn kỹ càng, đều đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19" - anh Trần Ngọc Trí, cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận 1, cho biết. 

Tất tả "chạy bữa" cho sinh viên

Là sinh viên năm cuối Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, những ngày khu trọ bị phong tỏa, bạn T.N.V.A (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) rơi vào cảnh "về không được, ở cũng không xong". Tiền chi tiêu ít trong khi không thể ra ngoài mua thức ăn, A. và 2 bạn khác cùng phòng gần như kiệt quệ. Nhiều sinh viên của Bộ môn Công nghệ môi trường Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chống chọi với cuộc sống khó khăn do dịch bệnh hơn tháng qua, phải "cầu cứu" đến giảng viên của mình.

Vì thương học trò, các thầy cô bộ môn rủ nhau hùn tiền mua thực phẩm tiếp tế. Trong những ngày TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc gom đủ thực phẩm cho khoảng 40 sinh viên là điều không dễ dàng. Các giảng viên vất vả nhưng chẳng nề hà, tất tả khắp nơi chỉ mong gom được thực phẩm cho sinh viên của mình đủ sống qua ngày.

"May mắn là trong sáng 17-7, các thầy cô giáo của bộ môn đã chuẩn bị đủ 40 suất quà gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu cho sinh viên. Hầu hết các bạn sinh viên "kẹt" lại TP HCM là sinh viên năm cuối, đang làm luận văn tốt nghiệp, không thể về quê cũng không còn tiền để chi tiêu" - đại diện các thầy cô giáo Bộ môn Công nghệ môi trường cho biết.

Ý Linh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.