Chuyện chưa biết về thiếu niên bắn rơi 2 viên tướng Mỹ - Kỳ cuối: Cần vinh danh xứng tầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lùi sâu vào ký ức mỗi người sau 46 năm yên tiếng súng. Âm vang từ chiến công của Puih Glớ lắng dần và người du kích Jrai quả cảm ấy cũng đã về cõi atâu cách đây hơn 30 năm. Phải chăng vì thế mà thành tích xuất sắc ấy chưa được tìm hiểu cặn kẽ và vinh danh xứng tầm?
“Khó khăn, gian khổ nào cũng không chối từ”
Theo bản báo cáo thành tích của ông Puih Glớ mà chúng tôi may mắn được tiếp cận, sau thành tích bắn rơi 2 chiếc máy bay và diệt 2 tướng Mỹ, người du kích thiếu niên này còn có nhiều lần quả cảm đối mặt với kẻ thù, lập thêm nhiều chiến công. 
Tháng 4-1972, tiểu đội của Puih Glớ gồm 5 người, do ông làm Tiểu đội phó phụ trách đánh phục kích giao thông trên đường từ làng Ó đi Pleiku. Trận này, tiểu đội của ông phối hợp với du kích xã B5 diệt 1 xe GMC, giết 4 tên địch, thu 3 khẩu súng AR15 cùng nhiều vật dụng khác. Tháng 2-1974, khi được trang bị 5 khẩu súng các loại gồm B40, cối 60 mm, M79, AK và AR15, tiểu đội của ông tiếp tục tấn công 1 đại đội địch, tiêu diệt 5 tên. “Ngoài nhiệm vụ đánh địch như trên, tôi luôn hăng hái nhận và làm bất cứ nhiệm vụ gì, khi Xã đội giao cho đều hoàn thành. Dù là khó khăn gian khổ đều tìm cách khắc phục, chưa lúc nào tôi từ chối, luôn tìm sơ hở của địch để đánh địch và liên tục hoạt động. Tháng 11, tháng 12-1972, gần 2 tháng liên tục tôi đi với bộ đội ĐKB (pháo hỏa tiễn ĐKB-P.V) tìm đường đi ngõ rẽ, xuyên rừng mò mẫm trong đêm tối để đưa bộ đội đi đánh Sân bay Cù Hanh và thị xã”-những dòng như là tự sự trong bản báo cáo đã khẳng định ý chí cũng như tình cảm mà Glớ dành cho cách mạng.
Xã Ia Hrung (huyện Ia Grai) ngày càng đổi mới và phát triển. Ảnh: Phương Loan
Xã Ia Hrung (huyện Ia Grai) ngày càng đổi mới và phát triển. Ảnh: Phương Loan
Chỉ trong 6 năm (1968-1974), khi chưa đầy 20 tuổi, Puih Glớ đã tham gia đánh tất cả 45 trận, diệt 26 tên địch, trong đó có 2 tướng Mỹ, bắn cháy 2 máy bay, thu 8 khẩu súng, 1.300 viên đạn các loại... Chưa kể, ông còn 20 lần dẫn bộ đội chủ lực và bộ đội pháo binh đánh vào trung tâm Pleiku và các đồn, ấp ven thị xã. Bản thân ông nhiều lần bị thương nhưng vẫn can trường chiến đấu. Ông viết: “Những việc làm và thành tích nhỏ bé của tôi có được như vậy là nhờ ơn Đảng, cách mạng và cán bộ, du kích đã giúp đỡ, chỉ vẽ cho tôi làm nên. Hôm nay được báo cáo, tôi hứa sau Đại hội ra về tôi sẽ phát huy hơn nữa để đánh thắng hoàn toàn Mỹ-ngụy”.  
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Trần Quốc Bảo-nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Ia Grai, nguyên cán bộ Ban 04 (đảm trách nhiệm vụ truy quét FULRO) của Huyện ủy Chư Păh (cũ) cung cấp nhiều thông tin có giá trị. Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2-2-1977 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục phát động quần chúng xây dựng cơ sở chính trị, truy quét FULRO, bảo vệ an ninh chính trị ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Khu 6 cũ, Ban 04 của Huyện ủy đã được thành lập. Dưới sự chỉ đạo của Ban 04 Tỉnh ủy cùng sự phối hợp của lực lượng an ninh tỉnh tăng cường, huyện đã chọn những du kích có thành tích nổi bật trong kháng chiến để thành lập Đội Thường trực truy quét FULRO, trong đó có Puih Glớ. Ông được giao nhiệm vụ nằm vùng phụ trách 2 xã Ia Sao, Ia Hrung. 
“Sau chiến tranh, cuộc sống rất khó khăn. Chúng tôi ở huyện thì có lương nhưng những đội du kích chỉ được huyện hỗ trợ gạo, đạn dược mỗi đợt tấn công truy quét. Khó khăn là thế nhưng anh Glớ luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Ngoài việc vận động một số tên FULRO nằm rừng trở về, anh còn nắm thông tin những đối tượng cốt cán để báo về Ban 04, cùng với lực lượng an ninh kết hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ bóc gỡ và làm tan rã dần tổ chức này”-ông Bảo hồi tưởng. Ông Bảo thông tin thêm, trong cuộc chiến truy quét FULRO, ông Glớ lập được nhiều thành tích, được Huyện ủy biểu dương. Có thời kỳ ông được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Ia Hrung.
Những điều trăn trở

Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Cuộc chiến tranh giữ nước của Nhân dân ta là cuộc chiến tranh toàn dân tộc, rất to lớn, cho nên sự đóng góp của mỗi người dân ở một góc độ, một thời điểm, ở một sự kiện là vô cùng phong phú… Chúng ta đang xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì vậy những đóng góp cho đất nước phải được ghi nhận. Đây là việc làm lâu dài, bất kỳ một phát hiện nào mới cũng rất quan trọng, qua đó các nhà sử học sẽ tiếp tục nghiên cứu, còn các cơ quan khác thì phát huy trên lĩnh vực của mình. Đặc biệt, các cơ quan thực thi chính sách xã hội phải quan tâm đến, sao cho mọi sự đóng góp đều được ghi nhận và có chính sách phù hợp với quy định của Đảng và Nhà nước”.

Năm 1986, sau một cơn bạo bệnh, ông Glớ đã từ trần, bỏ lại vợ và 2 con thơ. Vợ ông cũng đau bệnh, mất sau đó vài năm. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm gặp 2 người con của ông, già làng Puih Ping chẳng nề hà dẫn đến tận nhà. Chị Huyn (SN 1980), con gái ông hiện đang sống tại làng Maih. Giãi bày cùng chúng tôi, người phụ nữ có gương mặt khắc khổ, già trước tuổi cho hay sau khi cha mất thì nhiều giấy tờ liên quan cũng bị đốt hết. Rồi mẹ cũng bỏ 2 anh em mà đi, chị và anh trai bấu víu nuôi nhau trong sự giúp đỡ của bà con, họ hàng. Hỏi về chiến công của cha năm xưa, chị Huyn gật đầu chỉ tay về hướng được cho là địa điểm máy bay rơi rồi kể: Vùng đất ấy khi xưa có lẽ do xăng máy bay loang ra và bị ảnh hưởng của vụ cháy mà chẳng cây gì mọc nổi. Sau này, người dân múc lớp đất ấy đi và bồi lớp đất mới thì cây cà phê mới lên xanh, che phủ vết tích bi thương của chiến tranh.  
Với chị Huyn (bìa phải), con gái người thiếu niên du kích năm xưa, điều lớn lao nhất mà 2 anh em chị còn giữ được đến giờ chính là niềm tự hào về người cha đã khuất (ảnh Phương Duyên)
Với chị Huyn (bìa phải, con gái người thiếu niên du kích năm xưa), điều lớn lao nhất mà anh em chị còn giữ được đến giờ chính là niềm tự hào về người cha đã khuất (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Phương Duyên
Đến thăm nhà anh Huông (SN 1977), anh trai chị Huyn, chúng tôi được biết anh đã vào Bình Dương làm công nhân vài tháng nay. Trò chuyện qua điện thoại, anh Huông kể: Do chỉ học đến hết lớp 9, nhận thấy trình độ học vấn còn hạn chế nên anh xin nghỉ làm Trưởng thôn Maih, sau đó khăn gói vào Bình Dương xin làm công nhân cho một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất. Hiện giờ, do dịch Covid-19 lan rộng với diễn biến khó lường nên anh chưa thể về lại Gia Lai. Nhắc nhớ về cha mình, anh Huông nói chắc nịch: Người dân Ia Hrung ai mà không biết chuyện cha anh bắn rơi máy bay. Sau giải phóng, ông đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ ở xã, huyện, cả tuần mới về nhà một lần. “Cha ngủ cùng tôi 1 đêm rồi lại đi. Có hôm tôi thức dậy thì cha đã đi rồi”-anh Huông nhớ lại. Khi ông mất, anh còn quá nhỏ. Điều lớn lao nhất 2 anh em vẫn giữ được đến ngày hôm nay chính là niềm tự hào về cha mình. Nhưng họ và nhiều người dân làng Maih vẫn cùng một niềm trăn trở, ấy là dường như những cống hiến ấy chưa được ghi nhận xứng đáng.  
Cũng xin nói rõ thêm, chúng tôi tiếp cận được bản báo cáo thành tích năm 1974 của ông Puih Glớ chính là nhờ sự giúp sức của ThS. Sử học Nguyễn Thị Lành-giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương. Năm 2012, cô Lành bắt tay vào làm luận văn thạc sĩ với đề tài “Chiến tranh du kích trên địa bàn Gia Lai từ năm 1961 đến năm 1975”. Liên quan đến đề tài này, cô đã thu thập được rất nhiều chi tiết, sự kiện lịch sử có giá trị, nhưng những thông tin về du kích thiếu niên Puih Glớ là nổi bật hơn cả. Khi tìm thấy một xấp tư liệu được lưu tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, trong đó có bản báo cáo thành tích trên, cô Lành đã photocopy đóng tập đưa vào luận văn. Sau khi bảo vệ luận văn với điểm giỏi, cô Lành đã có 1 bài viết đăng trên báo Gia Lai năm 2014 góp thêm tư liệu làm sáng rõ hơn những cống hiến của du kích Puih Glớ trong thành tích chung của quân và dân xã B6 thời kháng chiến chống Mỹ.
Tiếp chuyện chúng tôi mới đây, cô Lành chia sẻ: “Khi tìm hiểu sâu về những chiến công của ông, đặc biệt là thành tích xuất sắc bắn rơi 2 chiếc máy bay, trên đó có 2 tướng Mỹ, sau nữa là gặp gỡ nhân chứng và các con ông, bản thân tôi cứ thấy trăn trở. Tôi nghĩ, lẽ ra, với sự anh dũng trong chiến đấu cùng những thành tích nêu trên, ông phải được xem xét để phong tặng những danh hiệu xứng đáng hơn”. Già Ping cũng nói một câu gan ruột: “Nhiều đêm mình không ngủ được, cứ nghĩ đến Glớ mình thấy xấu hổ vì chưa làm được gì cho đồng đội”. Già Ping xác nhận: Puih Glớ là người lập được nhiều chiến công nhất trong Trung đội du kích xã B6. Năm 1998, xã Ia Hrung được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là có sự đóng góp không nhỏ của Glớ. Già Ping mong mỏi: “Mong sao Glớ cũng được Nhà nước quan tâm đầy đủ và xứng đáng”.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại sau khi nắm bắt những thông tin nói trên về du kích Puih Glớ, nhà sử học Dương Trung Quốc-Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay-cho biết: “Đây có thể là trường hợp bị bỏ sót, là người có công mà vì nhiều lý do khác nhau mình chưa xác lập được hình thức tặng thưởng phù hợp… Tất nhiên là không đơn giản như mình nghĩ đâu. Nhưng chúng ta có trách nhiệm làm cho lịch sử ngày càng sáng tỏ, điều này tác động tích cực vào sự phát triển của đất nước, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ để tiếp tục phát huy trong bối cảnh hiện nay. Chính vì thế, quá khứ, lịch sử có gì chưa sáng tỏ thì chúng ta phải làm cho sáng tỏ”. 
Ia Hrung nay phủ xanh một màu no ấm. Đi dọc trục đường chính trong xã có thể cảm nhận rõ sự đổi thay của một vùng đất từng hứng chịu nhiều lửa đạn. Nắng chiều buông nhẹ trên đường làng, trâu bò thủng thẳng về nhà, khói bếp thơm vấn vít. Ở một nơi xa lắm, chứng kiến khung cảnh bình dị đó, có lẽ người du kích năm xưa cũng mỉm cười. 
PHƯƠNG LOAN-PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.