Hồi ức chiến tranh kỳ cuối: Phá ấp, giành dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi được phân công lên công tác ở huyện 4 khi anh Lê Tam đang là Bí thư Huyện ủy. Nhiệm vụ lúc đó là bám các ấp chiến lược để tuyên truyền phá ấp. Khi ở căn cứ Khu 1, tôi đã biết nói một ít tiếng dân tộc Bahnar. Nay lên Khu 4 tôi phải học nói tiếng Jrai. 
Lúc đầu, tôi nhờ anh Tuyên người Jrai tốt nghiệp Đại học Sư phạm ở miền Bắc cùng đi B (sau năm 1975 phụ trách Trường Sư phạm Gia Lai), dạy chữ cái Jrai và cách phát âm. Sau đó, tôi dùng một cuốn sổ tay ghi chép khi giao tiếp với đồng bào dân tộc. Chỉ sau 2 tháng, tôi đã nói và viết thông thạo tiếng Jrai, có thể họp hành, tuyên truyền trong dân. Có lần tôi bận về huyện họp, viết thư lại cho du kích căn dặn bảo vệ một đoàn cán bộ từ huyện 5 vượt đường 19B qua huyện 4. Trong đoàn có anh Thứ-Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện 5 vô tình đọc được bức thư, thắc mắc với anh Lê Tam là có ai viết chữ rất đẹp bằng tiếng Jrai mà anh không biết? Sau năm 1975, anh Thứ là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thỉnh thoảng lại gọi điện đề nghị tôi cùng nói chuyện bằng tiếng Jrai để ôn lại kỷ niệm cũ.
Sau chiến dịch 1972, tôi được phân công trở lại Khu 4 phá ấp giành dân. Tôi bám ấp Mnú (xã B7) gần đèo Hàm Rồng. Lực lượng bảo an địch thường ban ngày đóng trong ấp, ban đêm rút về đồn. Có một lần gọi ấp trưởng ra họp để vận động phá ấp giành dân nhưng hắn nhất quyết không ra. Anh em trong đội công tác quyết định đột nhập vào ấp. Nửa đêm, du kích dẫn tôi vào trong ấp chiến lược. Sau khi gặp ấp trưởng, hắn nói là sợ quá nên không dám ra gặp cán bộ cách mạng. Lúc trở ra thì du kích người Jrai cũng lạc đường vì đường sá trong ấp chiến lược nhỏ mà rất nhiều ngã rẽ, mỗi nhà đều rào kín dây kẽm gai, trời thì tối đen như mực. May mà cuối cùng cũng tìm được đường ra trước khi trời sáng.
Có một chuyện mà đến giờ tôi vẫn không thể nào quên được: Khi tôi bám ấp Mnú có một lần bị địch phát hiện, chúng tấn công rất rát. Anh em đang chạy về phía sau thì một du kích Jrai dừng lại dưới chân dốc, dùng AK khống chế địch để anh em kịp chạy. Về đến căn cứ thấy không có đồng chí du kích, anh em quay lại tìm thì đồng chí đó đã bị địch bắn chết rồi dùng báng súng đập nát đầu. Nhìn cảnh tượng đó không ai kìm được nước mắt.
Năm 1972, địa bàn Khu 4, Khu 5 là chiến trường ác liệt. Địch tăng cường tấn công lấn chiếm để giành đất trước khi ký Hiệp định Paris. Một buổi sáng, tôi đang ở làng Boong (xã B10) bỗng nghe tiếng súng dữ dội và tiếng động cơ xe tăng. Từ trên nhà sàn nhìn ra đã thấy rất nhiều xe tăng địch bao vây làng. Tôi và đồng chí Siu Thoát ở Ban Tuyên giáo (sau này là Chủ tịch UBND huyện Chư Sê) dẫn dân làng chạy vào rừng, nhưng một bộ phận dân vẫn bị địch bắt đưa về tập trung ở Pleiku. Số chạy trong rừng thì không có lương thực. Từ trên B3, một lượng lớn lương thực được chuyển xuống cứu đói cho dân và phải chia nhau rất hạn chế. Khi đó, tôi có gạo nhưng cũng chia cho dân, ăn chủ yếu là lá mì một thời gian dài. Sau này, khi đưa dân trở về làng cũ, tình hình mới tạm ổn định.
Núi Hàm Rồng. Ảnh: Phan Nguyên
Núi Hàm Rồng. Ảnh: Phan Nguyên
Ngày nay, ở Gia Lai khắp nơi trồng cao su, cà phê. Còn thời kỳ kháng chiến, ngoài những nơi có rừng thì toàn bộ khu vực phía Tây là những đồng cỏ mênh mông. Sáng dậy có thể nhìn cảnh mặt trời mọc từ chân trời xa xa rất đẹp. Vào buổi chiều mùa khô, người dân thường đốt cỏ. Nhìn những đụn khói bay lên bảng lảng cuối chân trời, trong lòng tự nhiên thấy xốn xang. Đồng cỏ mênh mông đẹp thật, nhưng cũng là những cái bẫy đáng sợ. Có lần đi công tác nửa đêm, khi về một mình tôi lạc giữa đồng cỏ. Lúc đó, thấy tiếc là thời kỳ đi học không học cách nhìn sao tìm phương hướng. Đi mãi đi mãi tới gần đồn địch (có lẽ đã gần đường 19B), nghe tiếng lính người Kinh nói chuyện bên trong, biết là đã đến gần đồn địch, tôi vội quay trở lại tìm đường về.
*
Trong kháng chiến, huyện gọi là khu, các xã gọi là A, B, E... Khu 4 xưa giờ là huyện Chư Păh và Ia Grai. Một lần, khi mới lên Khu 4 công tác, tôi và anh Lê Tam (lúc đó là Bí thư Khu 4) đang ngồi trong căn lán của Huyện ủy ở B6. Anh Tam chỉ tay ra phía xa hỏi tôi: “Tôi đố ông Nghiệp cái màu trắng phía xa kia là gì?”. Tôi nhìn theo hướng tay anh Tam chỉ. Một màu trắng tràn ngập phía chân trời như mặt biển. Tôi lắc đầu không biết. Anh Tam nói: “Bông lau đó!”. Trời ơi! Cảnh đẹp mê hồn. Bây giờ, anh Lê Tam, một người anh sống rất tình cảm đã đi xa và Gia Lai thì chẳng bao giờ còn được nhìn những cảnh đẹp như thế nữa.
Trong kháng chiến thường bị đói nên rất hay nói về chuyện ăn. Huyện ủy Khu 4 có anh Ak (Quang) nổi tiếng về chuyện diệt ác phá kìm. Đêm trong rừng, anh Ak và tôi mắc võng nằm cạnh nhau. Anh Ak kể quê anh ở vùng biển Bình Định, anh mong sau này thắng lợi nhất định sẽ đưa tôi về quê, cùng đi thuyền ra biển đánh cá rồi luộc cá chấm nước mắm ăn cho đã. Đến ngày thắng lợi, anh sống được mấy năm thì mắc bệnh hiểm nghèo và sớm ra đi, không kịp hưởng thành quả mà mình đã suốt đời hy sinh để giành được.
Khi ký Hiệp định Paris, tôi đang bám tại ấp Mnú thì cơ quan cử anh Nguyễn Tử Lâm lên đón. Gặp nhau, anh Lâm nói: Chủ trương của tỉnh rút tất cả anh em kỹ sư về phía sau, anh đã làm việc với Huyện ủy để xin rút tôi về. Tôi về huyện chào tạm biệt và cùng anh Lâm về lại căn cứ Hà Nừng.
Về tới Hà Nừng, một không khí thật sôi nổi, khác lạ: đường ô tô đã mở tới bờ sông Ba để vận chuyển hàng vào Gia Lai. Các cơ quan đang chuẩn bị chuyển xuống để thành lập thị trấn Dân Chủ. Đồng bào làng Kinh đã chuyển hết về làm nhà hai bên đường, mở quán bán hàng tạp hóa. Ban Dân y mở quầy bán thuốc Tây tại vị trí nay là trụ sở UBND xã Krong (huyện Kbang). Ban Mậu dịch (sau này là thương nghiệp) mở cửa hàng cắt may quần áo tại ngã tư dốc Đất đỏ, đường lên làng Hà Nừng. Trạm Giao bưu được đặt trên bờ sông Ba gần cầu treo... Tôi có cảm giác như ngày thắng lợi đã cận kề. Ngày 1-5-1973, thị trấn Dân Chủ tổ chức buổi mít tinh mừng thắng lợi, người đi lại tấp nập như một thị trấn thời bình. Anh Bình được cử làm Chủ tịch đầu tiên của thị trấn Dân Chủ.
Khi đó, tôi làm Phó Bí thư Đoàn ủy Các cơ quan dân chính Đảng, anh Ngọc bên Cơ yếu làm Bí thư. Thời gian này không còn máy bay địch oanh tạc căn cứ, chúng tôi quyết định tổ chức cho thanh niên các cơ quan cắm trại nhân dịp Ngày thành lập Đoàn 26-3. Lúc đó vào mùa khô nên chúng tôi sử dụng bãi cát bồi giữa lòng sông Ba để cắm trại và tổ chức liên hoan. Cuộc cắm trại kéo dài 2 ngày, tất cả thanh niên các cơ quan trong tỉnh về tụ hội tại hội trại. Đến bây giờ, đã mấy chục năm trôi qua nhưng nhiều người vẫn nhắc lại những kỷ niệm khó quên về Hội trại Thanh niên lần đầu tiên được tổ chức trong chiến khu Gia Lai.
Cuộc chiến đã qua lâu rồi, nhưng với những người trải qua nó thì lúc nào cũng như mới hôm qua. Chỉ cần một cơn gió thoảng của quá khứ, hình ảnh những năm tháng xưa lại tràn về với tất cả niềm vui, nỗi buồn và những kỷ niệm khó quên của một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng.
BÙI KẾ NGHIỆP

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).