Đời mía... đời người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dưới nắng hè gay gắt, những ngọn mía non tơ vẫn vươn mình trỗi dậy như chính sức sống mãnh liệt của nó trên dải đất phía Đông tỉnh Gia Lai suốt gần nửa thế kỷ qua. Dẫu đôi lúc gian khó bủa vây, song cây mía vẫn được người nông dân đặc biệt coi trọng. Dường như vị ngọt của mía đã quyện hòa cùng dư vị thăng trầm của cả đời người...
1. Mới sáng sớm mà tiết trời ở xã Đak Hlơ (huyện Kbang) đã khá oi bức. Hơi nóng phả thẳng vào người khiến ông Nguyễn Cang phải liên tục đưa tay quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt rám nắng. Khoác bộ quần áo lao động quen thuộc, ông Cang với tay lấy chiếc mũ cối đội lên đầu rồi vác cuốc ra đồng mía làm cỏ. Sau gần nửa năm, cây mía đã cao ngang người, sum suê nhánh, đem lại cho gia chủ sự kỳ vọng vào mùa vụ mới bội thu. 
Ông Cang gắn bó với cây mía từ những năm đầu đất nước thống nhất, khi nó vừa bắt đầu cắm rễ trên vùng đất Đông Gia Lai. Là công nhân của Nông trường quốc doanh Sông Ba (thuộc huyện An Khê cũ), ông ngày ngày xoay quanh cây mía từ niên vụ này qua niên vụ khác. Theo ông Cang, Nông trường lúc bấy giờ rộng chừng 6.000 ha, trải dài trên địa bàn các xã Đak Hlơ, Kông Pla (huyện Kbang) và một phần xã Thành An (thị xã An Khê ngày nay). Trong đó, diện tích trồng mía chiếm 300-500 ha, còn lại là đất trống tạo đồng cỏ tự nhiên để chăn thả khoảng 800 con bò thịt. Lúc mới thành lập vào năm 1976, Nông trường có khoảng 400 cán bộ, công nhân làm việc ở tất cả các khâu, sau tăng lên gần 800 người. 
“Ngày đó, chỉ cày đất, cắt hàng trồng mía là bằng máy, còn lại các công đoạn khác đều phải làm thủ công. Vì là cây trồng mới, giống chưa thật sự tốt, kỹ thuật trồng lẫn chăm sóc còn hạn chế nên năng suất mía chỉ đạt 40-50 tấn/ha. Mía thu hoạch xong được đưa vào xưởng chế biến và li tâm thành đường vàng, rồi sau này đến đường trắng để cung ứng ra thị trường”-ông Cang nhắc nhớ.
1- Ông Nguyễn Cang (bìa trái; thôn 3, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) chăm sóc vườn mía của gia đình. Ảnh: Hồng Thi.
Ông Nguyễn Cang (bìa trái; thôn 3, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) chăm sóc vườn mía của gia đình. Ảnh: Hồng Thi
Năm 1992, Nông trường quốc doanh Sông Ba giải thể. Nhiều công nhân gói ghém hành trang trở về quê nhà, riêng ông Cang vẫn chọn ở lại vùng đất này để bắt đầu cuộc sống mới. Với kinh nghiệm sẵn có, ông quyết định lập nghiệp bằng cây mía. Những hom mía giống được ông mua lại của nông trường cũ, thậm chí lặn lội xuống Bình Định, Quảng Ngãi để... săn lùng. Thời gian đầu khởi sự chẳng chút dễ dàng, đôi lúc chính ông còn thấy mình liều lĩnh. Bởi lẽ, giống mía khi đó hầu hết kém năng suất, giá đường thì lại bấp bênh. Cả xã Đak Hlơ cũng chỉ có 19 ha mía với sản lượng 760 tấn, dù thành lập trên nền tảng của một nông trường quốc doanh mía đường. Để cây mía trở thành cây hàng hóa mũi nhọn của địa phương như hôm nay là sự quyết tâm, thấm đẫm cả mồ hôi và nước mắt của bao người, trong đó có ông Cang.
Tạm dừng nhát cuốc, ông Cang đưa tay chỉ về vùng mía rộng lớn trước mặt, phấn khởi nói: “Cả xã hiện nay đã có trên 1.400 ha mía, trong đó có gần 30 ha canh tác theo mô hình cánh đồng lớn. Hầu hết bà con đã áp dụng cơ giới đồng bộ từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Cùng với đó, nhiều giống mía mới được nghiên cứu đã giúp tăng đáng kể năng suất, sản lượng. Thu nhập từ mía đã giúp vợ chồng tôi xây được ngôi nhà khang trang để ở; dành dụm thêm nguồn vốn đầu tư cho các con làm ăn sau khi lập gia đình. Cả vùng đất này cũng thay da đổi thịt nhờ mía”.
2. Mùa này, bơ đang chín rộ. Ông Nguyễn Thới (thôn 5, xã Thành An, thị xã An Khê) chọn những quả bơ chín mềm, căng mướt đem ra mời khách. Bên cạnh là chén đường màu nâu vàng vừa được ông tán nhuyễn để ăn kèm. “Sao chú không dùng đường cát trắng mà phải tán đường miếng vậy ạ?”-tôi hiếu kỳ hỏi. “Đường trắng thì tiện nhưng không được đậm đà như đường tán cháu à. Ngày xưa ăn với mật mía còn ngon hơn nhiều”-ông Thới mỉm cười đáp và không quên giục tôi ăn thử. Quả thật, độ ngọt béo quyện hòa vừa đủ, thật sự khác biệt với hương vị của đường cát hoặc sữa đặc mà tôi từng dùng trước đây.
Nhắc đến mật mía, ông Thới hồi tưởng: Sau Nông trường quốc doanh Sông Ba độ 3 năm, cây mía cũng bắt đầu bén rễ trên những triền đất vừa khai hoang ở xã Thành An. Lúc bấy giờ, ông cùng người dân nơi đây vẫn trồng mía cho hợp tác xã dưới hình thức các tập đoàn và liên tập đoàn. Bước vào thời kỳ đổi mới, Nhà nước giao khoán đất sản xuất cho từng hộ dân căn cứ theo số lượng lao động, gia đình ông khi ấy được cấp hơn 2,7 sào đất. Tất cả ông đều dành trồng mía. Một thời gian sau, ông mua thêm đất và nhân rộng diện tích mía lên 3 ha. 
Vợ chồng ông Nguyễn Thới (thôn 5, xã Thành An, thị xã An Khê) bên những chiếc chảo gang từng theo mình làm che mía nấu đường một thời. Ảnh: Hồng Thi
Vợ chồng ông Nguyễn Thới (thôn 5, xã Thành An, thị xã An Khê) bên những chiếc chảo gang từng theo mình làm che mía nấu đường một thời. Ảnh: Hồng Thi
Năm 1994, nhận thấy mía trong vùng đã khá nhiều, nhu cầu ép mía cũng tăng theo nên ông Thới quyết định góp vốn cùng người em trai mua chiếc che mía trị giá hơn 50 triệu đồng đi ép thuê. Trước mỗi vụ thu hoạch, tùy theo số lượng chảo nấu đường (3 chảo, 7 chảo hay 10 chảo-N.V), ông Thới mất tầm 3-4 ngày cho việc đào lò và lắp đặt đường ống. “Mía chặt đến đâu sẽ được ép nước nấu đường đến đó vì nếu để lâu sẽ khiến mía bị chua, ảnh hưởng đến chất lượng đường. Muốn đường đóng cát, khi nấu phải cho thêm vôi tôi từ vỏ ốc quắn với tỷ lệ thích hợp. Nhiên liệu đốt lò là bã mía phơi khô cùng với lá mía. Việc canh nhiệt độ lửa cũng phải thật khéo vì nếu già quá sẽ tạo thành mạch nha, còn non quá thì lâu thành đường. Mật đủ độ dẻo cần múc ra đánh đường ngay rồi để nguội. Bình quân 1 ngày 1 đêm nấu được khoảng 1,3 tấn đường. Việc ăn chia giữa chủ máy và chủ mía theo tỷ lệ 20:80 trên tổng sản lượng đường đạt được. Hồi ấy, tôi làm theo kiểu cuốn chiếu, cứ xong của nhà này lại chuyển sang nhà khác. Ăn vội, nghỉ tạm ở trên ruộng mía cho đến lúc mãn vụ mới trở về nhà”-ông Thới chia sẻ.
Nghe ông kể, bao ký ức tuổi thơ năm xưa trong tôi bất chợt ùa về. Đó là những buổi đi học tranh thủ ghé vào lò nấu đường để hít hà và thưởng thức những thìa đường non thơm ngọt, nóng hổi cùng lũ bạn; hay những đêm cầm đèn măng xông lẽo đẽo theo má gánh giỏ cơm lên lò cho ba và nhân công ăn lót dạ lấy sức nấu đường đến tận sáng hôm sau. Nghĩ đến, tôi chợt thấy mình thật may mắn khi có thể cảm nhận và lưu giữ những kỷ niệm một thời gian khổ ấy của thế hệ cha ông. Cũng giống như cách ông Thới thẳng thừng trả lời những người từng gạ hỏi mua mấy cái chảo gang nấu đường mà ông đang lưu giữ: “Chúng là cả bầu trời ký ức của tôi, mà đã là ký ức thì tôi sẽ không bao giờ bán với bất kỳ giá nào. Sau này, tôi sẽ trao lại cho các con như một kỷ vật nhắc nhớ về những tháng ngày khó khổ của cha mẹ; đồng thời, chia sẻ cho chúng những ruộng mía tươi tốt mà hiện tôi đang vun trồng để có thể tiếp tục nối dài hành trình với mía-loài cây đã góp mật nuôi chúng lớn khôn”.
3. Trời ngả bóng về chiều. Tôi tranh thủ theo chân ông Nguyễn Đình Luân (thôn 5, xã Thành An) đến mục sở thị địa điểm chế biến đường thủ công của người dân năm xưa. Ẩn dưới đám cỏ mọc um tùm là những cái hố có đường kính 1-1,2 m đã bị bồi lấp gần hết. Ông Luân bảo rằng, đây là chiếc lò che mía nấu đường cuối cùng còn hiện hữu dấu tích, minh chứng cho cả một giai đoạn sản xuất đường thủ công hưng thịnh ở địa phương này trước khi khép lại sứ mệnh lịch sử vào năm 1996. Kể từ niên vụ 1997-1998, mía thu hoạch được bà con chở xuống Quảng Ngãi bán cho nhà máy đường. Không còn tiếng máy che nổ xì xoạch bên ruộng mía cùng làn khói tỏa thơm lựng mùi đường non. Càng chẳng còn những đêm nông dân phải thức trắng chạy che nấu đường. Tất cả lùi dần vào dĩ vãng.
“Những tưởng mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, vậy mà đùng một cái, cuộc khủng hoảng ngành mía đường vào năm 1999 khiến mía rớt giá thê thảm. Nhà máy không nhập, thương lái cũng chẳng ngó ngàng. Thậm chí gọi đến cho chặt để giải phóng đất, họ cũng lắc đầu. Chỉ một số ít hộ bán được với giá rẻ, phần lớn còn lại đều chặt mía bỏ bờ ruộng. Đến tận bây giờ, đó vẫn được xem là vụ mía đắng nhất mà chúng tôi phải đối mặt. Sau năm ấy, không ít người đã từ bỏ cây mía để chuyển sang trồng mì, bắp. Riêng tôi, vẫn tiếp tục tin tưởng và kỳ vọng vào cây trồng này cho tới nay. Dù sao, cây mía cũng đã đem lại cuộc sống ấm no hơn cho gia đình, giúp vợ chồng tôi nuôi 8 đứa con ăn học nên người. Và giờ đây, nó lại tiếp tục giúp con tôi có điều kiện để chăm lo cho các cháu”-ông Luân bộc bạch.
Ông Nguyễn Đình Luân (thôn 5, xã Thành An, thị xã An Khê) bên vườn mía của gia đình. Ảnh: Hồng Thi
Ông Nguyễn Đình Luân (thôn 5, xã Thành An, thị xã An Khê) bên vườn mía của gia đình. Ảnh: Hồng Thi
Cuối năm 2001, Nhà máy Đường An Khê (thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi) đứng chân trên địa bàn thôn 2 (xã Thành An) chính thức đi vào hoạt động, mở ra điều kiện thuận lợi để người dân tiếp tục gắn bó với cây mía. Tính đến niên vụ 2020-2021, 4 huyện, thị xã khu vực phía Đông tỉnh (An Khê, Kbang, Đak Pơ, Kông Chro) có 18.000 ha mía nguyên liệu cung ứng cho nhà máy này. Người trồng mía giờ đây đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; biết tổ chức sản xuất nguyên liệu mía hàng hóa; xóa dần tập quán canh tác cũ, lạc hậu. Chính họ cũng đã xây dựng được những vùng mía chuyên canh có năng suất, chất lượng cao trên một đơn vị diện tích, thu nhập không ngừng tăng lên. 
Nhìn cái cách ông Cang, ông Thới và cả ông Luân nâng niu, chăm sóc từng cây mía; lắng nghe những câu chuyện về “đời mía-đời người”, tôi càng thấm thía lời khẳng định chắc nịch của ông Cang: “Dẫu có năm giá mía xuống thấp, mùa mía có phần... kém ngọt hơn, nhưng hầu hết bà con chưa bao giờ có ý định phá bỏ. Chính cây mía đã từng mang lại cho chúng tôi cuộc sống tốt đẹp cả về vật chất lẫn tinh thần trong suốt mấy chục năm qua. Đó là điều không ai có thể phủ nhận!”.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.