Chuyện đời trăm năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kính quý nhau, người ta thường chúc sống lâu trăm tuổi. Thế nhưng, con cháu và người thân của ông Trần Đức Tấn (16/2A Quyết Tiến, phường Ia Kring, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) lại không dám chúc như vậy, bởi năm nay ông đã… 99 tuổi! Qua gần 1 thế kỷ chứng kiến bao thăng trầm của thời cuộc, ông Tấn vẫn sống vui, sống khỏe với tâm thế viên mãn, an yên.
1. Ngồi nghe ông Tấn kể chuyện đời, chúng tôi không khỏi thích thú, thán phục trước sự minh mẫn vượt thử thách khắc nghiệt của thời gian. Khi được hỏi về bí quyết sống thọ, ông Tấn vui vẻ “bật mí” đó là nhờ thực hiện tốt nguyên tắc 4K: không thuốc lá, không rượu chè, không cờ bạc và không… quan hệ nam nữ bất chính. Lý giải về tiêu chí thứ 4, ông tự nhận ngày còn trẻ mình rất đẹp trai, đi từ Nam chí Bắc nhưng chưa bao giờ vì việc riêng tư mà làm ảnh hưởng đến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. “Tôi được Đảng giáo dục rằng: Bộ đội ta là của dân, phải vì dân phục vụ, vì dân đánh giặc”-ông tâm tình. 
Ông Tấn cho hay, ông sinh năm 1922 tại xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Năm 1949, ông vào bộ đội địa phương, năm 1952 tham gia bộ đội chủ lực, thuộc biên chế Tiểu đoàn Thu dung 343 (Bộ Tư lệnh Liên khu 5) đóng tại huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi). Nhiệm vụ của Tiểu đoàn là quản lý, giáo dục tù binh, đặc biệt là số tù binh trong trận đánh Đak Pơ diễn ra ngày 24-6-1954. Sau chiến thắng được ví như “Điện Biên Phủ ở Liên khu 5”, ông cùng 2 đồng đội được giao quản lý đến hơn 200 tù binh Âu châu. Ngoài việc cung cấp đầy đủ lương thực, ông còn tuyên truyền về chính sách ưu việt của cách mạng. Sau đó, những tù binh có ý thức tiến bộ được giao trả về Bộ Tư lệnh Liên khu 5. Ông Tấn chia sẻ: “Hồi đó, chúng tôi không hành hạ tù binh với quan điểm: Vào trận chiến là thù, ra khỏi trận chiến là bạn”. 
Niềm vui mỗi sáng của ông Trần Đức Tấn là chăm cây, tưới hoa. Ảnh: Phương Duyên
Niềm vui mỗi sáng của ông Trần Đức Tấn là chăm cây, tưới hoa. Ảnh: Phương Duyên
Sau thời điểm đình chiến, trao trả tù binh, ông Tấn được biên chế về Tiểu đoàn 3 (Sư đoàn 305, Liên khu 5) rồi tập kết ra Bắc. Ở tỉnh Phú Thọ, ông được phân công làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4 (thuộc Tiểu đoàn Công binh) trực tiếp tham gia huấn luyện. Thêm một nhiệm vụ “nóng” nữa thời bấy giờ là sửa chữa sai lầm trong thực hiện cải cách ruộng đất. “Hồi đó, “gạo trên sàng” mới được chọn đi. Bộ đội chúng tôi cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, tuyên truyền, vận động, xoa dịu nỗi đau của các gia đình. Những người bị oan sai thì tiến hành trả lại tài sản, ruộng đất đã thu hồi trước đó. Nghe chỗ nào rối ren thì mình tập trung đến tuyên truyền, vận động. Chúng tôi nói với dân rằng, làm gì cũng có cái sai, nhưng giờ cấp trên đã biết sửa sai”-ông Tấn hồi tưởng. 
Năm 1957, ông được điều về tỉnh Thanh Hóa làm Đội trưởng Đội 4 chuyên sản xuất lương thực và chăn nuôi để chi viện cho miền Nam. Những nếp nhăn trên gương mặt ông như giãn ra khi nhớ lại tháng ngày tham gia phong trào “Lang, lúa, lạc, lợn” góp phần đánh Mỹ. Ông kể: “Lúc tôi xuống đồng tát nước cùng dân, một người nói: “Chân anh trắng thế này, anh không xuống ruộng được đâu”. Nhưng tôi vẫn xuống làm vì mình cũng là con nhà nông mà. Sau đó thì họ bảo, sao anh tát nước giỏi vậy, tát với anh thì tụi tôi tát đến mai cũng được!”.

Ông Chế Văn Đủ-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Ia Kring: “Cụ Trần Đức Tấn là hội viên cao tuổi nhất Hội Cựu chiến binh tỉnh. Tuy năm nay đã 99 tuổi nhưng cụ tham gia sinh hoạt Hội rất đều đặn 2 tháng/lần và luôn nhiệt tình ủng hộ các phong trào. Tinh thần ấy của cụ rất đáng quý. Vì vậy, chúng tôi luôn xem cụ là tấm gương để học tập, noi theo”. 

Nhiều nhiệm vụ được giao phó khiến ông Tấn chẳng dừng chân ở vùng đất nào quá lâu. Năm 1960, ông được điều về công tác tại Nông trường Cam Bố Hạ (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Tại đây, anh bộ đội gần tứ tuần có duyên gặp gỡ và yêu cô gái xinh đẹp Phạm Thị Tải. Ông Tấn nhớ lại: “Bà ấy đồng ý lấy tôi nhưng không chịu về Nam. Tôi nói: Mình là người Việt Nam, sống trên đất nước Việt Nam thì ở đâu thích hợp nhất mình sống, cần gì phải sống trên quê hương. Nếu ở đây đối với tôi tốt, tôi sẽ sống ở đây. Cô cũng vậy. Nghe xong, bà ấy liền gật đầu”. Họ cưới nhau năm 1963 rồi lần lượt 5 đứa con ra đời. Đến năm 1977, nhận thấy cuộc sống ở Bắc Giang quá khó khăn, ông Tấn đưa cả gia đình về lại Bình Định sinh sống. Năm 2011, vợ chồng ông chuyển lên Pleiku ở cùng con cháu.
Ảnh 3: Dù đã 99 tuổi nhưng cụ Tấn vẫn đọc báo rất tốt.
Hàng ngày, ông Trần Đức Tấn vẫn thường xuyên đọc báo. Ảnh: Phương Duyên
2. Trải qua những tháng ngày nhiều biến động song ông Tấn luôn mang tâm thế thoải mái, vui tươi. Ngoài nguyên tắc 4K, trước kia, ông còn thường xuyên đi bộ, tập dưỡng sinh. Ông tự hào nhắc lại thành tích đạt giải nhất cuộc thi đi bộ 5 km do Hội Người cao tuổi xã Ân Thạnh tổ chức năm 1999; tiếp đó vào tốp 10 cuộc thi cấp tỉnh. Hiện nay, tuy sức đã yếu nhưng ông vẫn tìm niềm vui sống từ việc trồng cây, chăm hoa mỗi sáng. “Tôi còn tham gia Hội Cựu chiến binh phường, họp hành gương mẫu lắm”-ông nở nụ cười móm mém. Nhắc đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 mới đây, ông tự hào cho hay kể từ cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 đến nay, ông không bỏ sót một cuộc bỏ phiếu nào. 
Và cũng thật khó tin khi nghe ông Tấn chia sẻ về niềm yêu thích đặc biệt dành cho môn “thể thao vua” ở cái tuổi ngấp nghé 100. Ông cho biết mình là “fan” của Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai, cầu thủ yêu thích nhất là Công Phượng. Câu lạc bộ này đá trận nào ông cũng theo dõi. Khi nói về thành tích của đội tuyển nước nhà tại vòng loại World Cup 2022, ông không giấu vẻ hân hoan kể rằng mình vừa theo dõi trận bóng rạng sáng 8-6 giữa Việt Nam và Indonesia. Khi chúng tôi hỏi về tỷ số, ông trả lời ngay: 4-0. 
Hiện nay, dù mất đi chỗ dựa tinh thần to lớn sau khi vợ qua đời hồi đầu năm 2021 song ông Tấn vẫn tự biết cách chăm sóc bản thân. “Người ta nói: Trẻ cậy cha, già cậy con. Nhưng muốn cậy con thì cha phải mẫu mực, ngoài ra còn phải bỏ tính bảo thủ, hay tự ái của người già. 5 đứa con tôi giờ đứa nào cũng có trình độ, thành đạt, chăm sóc tôi chu đáo. Tôi còn có 10 đứa cháu và 3 đứa chắt. Đời người có lúc sướng lúc khổ, nhưng bây giờ tôi thấy hạnh phúc lắm!”-mắt ông Tấn long lanh niềm vui khi làm cuộc tổng kết. 
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.