Sống nơi "chảo lửa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 1 tuần qua, các tỉnh khu vực miền Nam trải qua những ngày nắng nóng, oi bức kinh khủng. Từ khoảng 9 giờ sáng, nhiệt độ ngoài trời đã lên tới 36-37 độ C, giữa trưa nhiệt độ có thể lên tới 39-40 độ C, kéo dài đến tận 5-6 giờ chiều, ban đêm chỉ hạ xuống mức 29-30 độ C. Thời gian nắng nóng kéo dài, lại thêm tia bức xạ UV thường xuyên ở mức cực kỳ nguy hiểm...
Đặc biệt, tại Tp. Hồ Chí Minh, do mức độ bê tông hóa nhiều, cộng thêm hiện tượng đảo nhiệt đô thị nên cảm thấy cực kỳ oi bức, khó chịu. Người dân vùng vẫy, vật lộn trong nắng nóng, đã xuất hiện muôn kiểu trốn nắng cười ra nước mắt.
Muôn kiểu trốn nắng
Anh Nguyễn Văn Thắng (29 tuổi) công nhân điện tử khu công nghệ cao Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh một tuần nay làm ca đêm nên ban ngày là khoảng thời gian Thắng dành để ngủ. Tuy nhiên, cái nóng hầm hập dội trực tiếp xuống mái tôn phòng trọ, thốc từ hai bên tường tạo ra luồng khí nóng nực, oi bức, ngột ngạt không thể chịu nổi.
Thắng ví von, cái nóng chẳng khác nào ngồi trong hầm xi măng giữa sa mạc, càng quạt thì càng nóng. Từ khoảng 10 giờ sáng trở đi, Thắng không thể ở trong phòng trọ được mà phải chạy ra quán cà phê máy lạnh kiếm một chỗ nào kín đáo, len lén ngủ thiếp đi. Có hôm mệt quá, Thắng ngủ quên đến tận 3 giờ chiều, bà chủ tới đuổi khéo: “Em ngủ ở đây gần 5 tiếng rồi đó, mệt thì về nhà nằm cho thoải mái”.
 
Những “lều trọ” ở Xóm Củi được bao bọc tứ bề bằng tôn, mùa nóng chẳng khác nào lò lửa.
Những “lều trọ” ở Xóm Củi được bao bọc tứ bề bằng tôn, mùa nóng chẳng khác nào lò lửa.
Thắng ngại ngùng cười cho qua rồi lủi thủi trở về phòng trọ, chuẩn bị cho một đêm tăng ca. Hôm sau, Thắng không dám vào quán cà phê đó nữa, cậu chạy xe máy xa hơn một chút, kiếm quán cà phê chòi, có võng riêng nằm cạnh hồ nước gần khu Làng đại học Thủ Đức. Thắng kêu một ly cà phê, một ly nước ép rồi ngả lưng xuống đánh một giấc thật dài. Giấc ngủ của Thắng chập chờn, lơ lửng, nửa tỉnh nửa mơ vì tâm lý lo sợ chủ quán phát hiện ngủ chực.
Phòng trọ của Thắng ở có 3 người, đều làm khác ca và hai cậu kia cũng dùng chiêu trốn nắng giống như Thắng. Cá biệt, có người còn chạy xe 10 cây số tới nhà người quen ở Bình Dương ở ké vì nhà có máy lạnh. Ở được vài lần, chủ nhà có vẻ xót ruột nên cậu này hiểu ý, không tới nữa. Ban đầu, nhóm bàn nhau góp tiền mua máy lạnh, sau cân đo đóng đếm, tính toán lâu dài lại thôi.
Theo lý giải của Thắng, mùa nóng đỉnh điểm cùng lắm là 3 tháng, trong khoảng thời gian đó, chỉ có hơn một tháng là làm ca đêm, thôi cố chịu. Mặt khác, dùng máy lạnh thì tiền điện mỗi tháng sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba và điện phòng trọ tính giá thương mại, đây cũng là một khoản thâm hụt đáng kể. Rồi, lỡ có ai trong phòng chuyển đi thì chia chác “tài sản” thế nào.
 
Ngày nóng, người đàn ông này ra gầm cầu ăn ở luôn.
Ngày nóng, người đàn ông này ra gầm cầu ăn ở luôn.
Chúng tôi đi một vòng quanh các khu trọ ở Làng đại học Thủ Đức, khu chế xuất Linh Trung II, khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) đều chứng kiến cảnh công nhân, sinh viên, người lao động “chiến đấu” vật vã với nắng nóng.
Dãy trọ trên đường số 27 (Dĩ An, Bình Dương) có khoảng 15 phòng được xây dựng từ 10 năm trước, mái tôn thấp đã hoen gỉ, lại không có la phông trần nên trong phòng chẳng khác nào “lò luyện linh đơn”. Chỉ cần ngừng quạt 30 giây là mồ hôi đầm đìa, ướt hết áo quần. Công nhân chủ yếu làm ca ngày, đỡ được cái nóng ban ngày. Đêm đến, cũng phải 10 giờ mái tôn mới nguội, không khí giảm xuống nhưng vẫn hầm hập và ngột ngạt. Nhiều phòng của nam thanh niên đêm đến mở toang cửa, nằm thò đầu ra ngoài hóng gió.
Phòng trọ của hai cô gái Nguyễn Thị Ái Nữ (26 tuổi) và Lâm Thanh Tú (22 tuổi) nằm ngay đầu dãy trọ, một phần sợ trộm cắp, phần khác sợ mấy gã “Sở Khanh” làm bậy nên không dám mở cửa. Để chống nóng, Nữ và Tú dùng 2 thau nước đá để trước 2 cái quạt. Một đêm phải thay nước 2 lần kèm theo chườm khăn ướt lên người. Đêm nào cũng phải đi tắm và thay đồ một lần.
 
Để tránh ruồi muỗi, người dân mắc màn dưới gầm cầu.
Để tránh ruồi muỗi, người dân mắc màn dưới gầm cầu.
Đời công nhân, mong nhất là Chủ nhật được nghỉ ngơi, thư giãn, đi chợ nấu bữa ăn đàng hoàng. Nhưng, mùa nóng này, họ lại sợ nhất ngày nghỉ, vì không có chỗ nào đi trốn nóng. Trong dãy trọ chỉ có một phòng, của cặp vợ chồng do mới có con nhỏ nên đầu tư lắp máy lạnh. Trước kia, chị vợ chưa sinh thì chị em hàng xóm hay qua chơi, tiện thể hưởng ké chút mát. Nay chị sinh con, sợ ảnh hưởng đến em bé nên mọi người không dám sang chơi nữa.
Tú cho biết, hơn một tuần nay nắng nóng khủng khiếp, cứ đến Chủ nhật là phòng nào phòng đó khóa cửa tỏa đi khắp nơi trốn nóng, chiều mát mới về phòng.
Người già không có tiền ngồi quán cà phê thì ra các gầm cầu, cắp theo cái chiếu nằm nghỉ dưới đó. Thanh niên vào quán cà phê, muốn chọn được chỗ ngồi thoải mái phải đi thật sớm xí phần vì ai cũng có tâm lý như vậy. Các quán cà phê máy lạnh mùa này luôn chật kín chỗ. Có quán, chủ phải ra điều kiện, chỉ được ngồi không quá 3 tiếng cho 1 ly cà phê, ai muốn ngồi tiếp phải mua thêm đồ uống.
Anh Lê Hành, chủ quán cà phê máy lạnh gần Làng đại học Thủ Đức cho biết, nếu không áp thời gian thì mọi người đều ngồi từ trưa đến tối, họ mang bánh trái vào ăn luôn. Quán của anh Hành chỉ ngồi được 30 chỗ, nếu chẳng ai chịu rời đi thì không có thêm thu nhập, mang tiếng quán đông mà lại thua lỗ.
 
Gầm cầu là nơi lý tưởng để người lao động trú ngụ ngày nắng nóng.
Gầm cầu là nơi lý tưởng để người lao động trú ngụ ngày nắng nóng.
Hoàn cảnh sao thì cuộc sống vậy
Các khu trọ công nhân, sinh viên dù ngột ngạt khổ sở nhưng vẫn được đánh giá với mức sống trung bình. Khổ tận cùng phải kể đến xóm trọ dưới chân cầu Xóm Củi (Bình Hưng, Bình Chánh).
Nơi đây, có khoảng 40 gia đình ở trong những chiếc lều trọ được quây bằng tôn. Nhiều năm như thế, cái nóng của mùa hè đã không còn xa lạ gì với người dân xóm Củi. Có lẽ vì nghèo, nên sức chịu đựng với thời tiết khắc nghiệt của họ cũng dẻo dai và bền bỉ hơn người khác.
Đã ẩm thấp, nóng bức mà còn rất chật chội, mỗi căn lều chỉ dao động từ 5m2 đến 9m2. Xóm trọ ở đây quy tụ những người già yếu, phụ nữ và trẻ em. Họ là dân lao động chân tay, làm đủ thứ nghề như lượm ve chai, bán hàng rong, hái rau, vé số...
Với mức thu nhập chỉ 3-4 triệu đồng/tháng thì nơi này là lựa chọn duy nhất và hợp lý với người lao động. Những ngày cao điểm của nắng nóng, xóm trọ không còn một ai ở trong nhà, người đi làm thì kiếm chỗ nào mát trú ngụ, ai ở nhà trông trẻ nhỏ thì xách chiếu, võng ra ngoài gầm cầu xóm Củi nằm đó chờ khi trời tắt nắng mới trở về, chỗ nào nhiều ruồi nhặng, họ còn mắc cả màn.
Bà Lê Thị Hiên (75 tuổi, quê Bến Tre) làm nghề bán vé số đã cư ngụ ở xóm này được hơn 5 năm. Ngày thường, bà Hiên đi bán từ sáng sớm, tới trưa thì về nhà nấu ăn, ngả lưng nghỉ ngơi. Mấy ngày nay trời đổ lửa, bà không dám trở về căn lều tôn của mình nữa, bà mua hộp cơm bụi, ghé xuống gầm cầu ngồi ăn rồi nghỉ ngơi tại đó. Bà móm mém nửa đùa nửa thật: “Tôi già rồi, người như con cào cào, toàn da với xương mà còn không chịu nổi cái nóng này, huống chi các cô cậu thanh niên, ăn uống đủ đầy, thừa cân, lắm mỡ”.
 
Chủ nhật, dãy phòng trọ của Tú và Nữ vắng tanh, không một bóng người.
Chủ nhật, dãy phòng trọ của Tú và Nữ vắng tanh, không một bóng người.
Bà Hiên ở với cậu con trai năm nay 40 tuổi. Năm ngoái, anh này kiếm được một cô gái từ Bắc Ninh dẫn về phòng trọ ở với nhau được 3 tháng thì cô ấy bỏ đi, đúng vào dịp nắng nóng như năm nay. Bà Hiên cho biết, diện tích nhà trọ chỉ 6m2, đủ kê chiếc giường một của bà, anh con trai mắc võng ngủ. Từ ngày có “dâu hờ”, bà Hiên bẽn lẽn nhường giường cho hai đứa, bà nằm võng. Trời mát mẻ thì không nói gì, thời tiết nóng như thế này nên chuyện sinh hoạt trong phòng khó khăn và rất nhạy cảm. “Có lẽ không chịu nổi cảnh ngột ngạt nên cô kia bỏ đi, đến lời chào còn không có”, bà Hiên thở dài.
Hàng xóm nhà bà Hiên là vợ chồng chị Hoàng Thị Thảo và anh Nguyễn Văn Tấn (cùng quê Bình Phước). Anh Tấn làm nghề phụ hồ, chị Thảo đi nhổ bồn bồn ở xóm Gò bên xã Phong Phú (Bình Chánh). Cuối năm 2020, chị Thảo hạ sinh con đầu lòng nên ở nhà. Con mới được hơn 5 tháng tuổi, gặp ngày trời nóng, chị Thảo ôm con ra gầm cầu tá túc. Có hôm ở gầm cầu vẫn cảm thấy khó chịu, con khóc suốt không chịu ngủ, chị Thảo lỉnh kỉnh giỏ xách bắt xe ôm đi vào trung tâm mua sắm Centre Mall trên đường Phạm Hùng (Bình Chánh). Vào đây, chị mua một bịch bỉm cho con để lấy cớ ngồi hóng mát, ru con ngủ.
Đến trưa, chị lật đật về nhà pha sữa, nấu cơm cho chồng. Ăn xong, vợ chồng lại bỏ chạy khỏi nhà. Mặc dù đã đầu tư quạt phun sương nhưng không ăn thua so với cái nắng dội tứ phía vào căn lều được quây ốp bằng tôn. Ở đây, có muốn lắp máy lạnh cũng khó, vì nhà trống trước hở sau. Nhiều người thấy cảnh sống khổ sở của bà con xóm Củi, khuyên nên chuyển đi chỗ khác rộng rãi, sạch sẽ, phòng ốc khang trang, có trần chống nắng.
Nhưng, câu trả lời chỉ là cái cười trừ đầy muộn phiền, ai chẳng muốn được sống ở nơi sạch đẹp mát mẻ, chỉ là điều kiện không cho phép. Anh Tân hiện là trụ cột trong nhà, lao động cả tháng trời được 10 triệu, tiền ăn uống, sinh hoạt cả nhà, còn lại 2 triệu đồng đóng tiền nhà trọ và điện nước. Đây là mức giá thấp nhất so với các khu vực nhà trọ khác, vậy mà có tháng còn phải khất nợ.  
Cư dân xóm Củi đã quá quen thuộc với cảnh trốn nắng, chạy mưa. Bao nhiêu năm qua, họ xem đó là chuyện bình thường, cần phải thích nghi và sống chan hòa với nó. Dù chật vật, khốn khổ với thời tiết như thế nhưng chưa bao giờ họ than trời trách đất. Hoàn cảnh nào thì cuộc sống vậy, đó là lẽ thường của tạo hóa. 
Mấy ngày nay, Tp. Hồ Chí Minh đã xuất hiện vài cơn mưa trái mùa nhưng cũng không làm dịu đi cái nóng bức oi ả. Mưa vừa tạnh, đường bốc mùi đất nồng nặc, một thoáng đã khô như rang và cái nóng lại ập về, chát chúa, rát đến cháy da cháy thịt.
Ngọc Hoa (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.