Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Nhương: "Kỷ vật chiến trường là vô giá"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với những người từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, kỷ vật thời kỳ ấy là vô giá. Mặc dù đã cũ theo thời gian, nhưng chúng vẫn lấp lánh màu ký ức. Những ngày này, khi chia sẻ cùng chúng tôi câu chuyện về một số kỷ vật lưu giữ suốt nửa thế kỷ qua, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Nhương (tổ 8, phường Diên Hồng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) không khỏi xúc động.


1. Ngoài một số kỷ vật đã tặng Bảo tàng tỉnh gồm: 1 tấm chăn dù pháo sáng, Huân chương Chiến công và 1 bông hồng bằng nhung đeo ngực áo tại Đại hội Chiến sĩ thi đua anh hùng toàn miền Nam năm 1971, Anh hùng Nguyễn Văn Nhương còn lưu giữ nhiều kỷ vật chiến trường mà ông chưa từng công bố.  

 

 Anh hùng Nguyễn Văn Nhương và tấm mica đắp nổi bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh-kỷ vật ông được trao tặng nhân dịp khen thưởng đảng viên “4 tốt” năm 1976. Ảnh: Phương Duyên
Anh hùng Nguyễn Văn Nhương và tấm mica đắp nổi bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh-kỷ vật ông được trao tặng nhân dịp khen thưởng đảng viên “4 tốt” năm 1976. Ảnh: Phương Duyên

Nâng niu cuốn sổ nhỏ bé lọt lòng bàn tay, bìa đã cũ ố, gáy xộc xệch, ông kể: Cuốn sổ này ông được tặng tại Đại hội Chiến sĩ thi đua của Trung đoàn 95 lần thứ 7-1971, bên ngoài có lời đề tặng của Chính ủy Trung đoàn Lê Thư.

Ông hồi tưởng: Năm 1968, mãi đến khi đã bắn rơi 7 chiếc máy bay Mỹ, được tặng thưởng 4 Huân chương Chiến công, ông vẫn chưa được kết nạp vào Đảng. Một sáng tháng 8, Chính ủy Lê Thư tìm gặp ông với câu hỏi: “Đồng chí thấy mình đã đủ tiêu chuẩn để đứng vào hàng ngũ của Đảng chưa?”. Ông trả lời: “Tôi cũng không biết là đã đủ hay chưa. Nếu chưa thì tôi nguyện vẫn là người chiến sĩ Quân Giải phóng chiến đấu để bảo vệ, thống nhất đất nước”. Sáng hôm sau, ông lập tức có quyết định kết nạp vào Đảng ngay tại trận địa. Anh hùng Nguyễn Văn Nhương vẫn nhớ như in, đó là vào ngày 15-8-1968.

Quay lại câu chuyện về tặng phẩm tại Đại hội Chiến sĩ thi đua của Trung đoàn năm 1971. Dù chỉ là cuốn sổ nhỏ nhưng ông Nhương vô cùng trân quý. Trong đó, ông dành nhiều trang chép danh sách, quê quán đồng đội. Giấy hiếm, mực ít, sổ quá nhỏ nên viết chữ cũng li ti.

“Những anh em trong Trung đoàn khi vào Nam đều được lập 2 bản lý lịch trích ngang, 1 bản chỉ có danh sách ghi họ tên, 1 bản chỉ ghi quê quán (theo thứ tự đúng như bản danh sách). Khi đó, tôi là Chính trị viên Đại đội 14 (sau này là Đại đội súng máy 12,7 ly) nên được giữ bản số 1, Chính trị viên phó giữ bản số 2, phòng khi bị địch phát hiện thì cũng không khai thác được manh mối gì. Tháng 3-1971, khi biết tin chuẩn bị nhận công tác mới, tôi viết lại đầy đủ tên tuổi, quê quán anh em để khi ra Bắc có điều kiện sẽ ghé thăm, báo tin cho gia đình”-Anh hùng Nguyễn Văn Nhương kể lại.

Từ danh sách này, khi rời chiến trường ra miền Bắc học tập tại Học viện Chính trị trung-cao cấp vào cuối năm 1972, đầu năm 1973, ông đã tìm đến thăm nhà vài đồng đội ở Hà Nội và vùng lân cận. Nhiều gia đình không khỏi xúc động, ôm chầm lấy ông mà khóc.  

Ngày ông sắp sửa chuyển công tác, nhiều đồng đội cũng ghi vào cuốn sổ này những dòng lưu bút đầy mến thương, cảm phục. Sau 50 năm, vẫn còn đây dòng chữ của một đồng đội tên Nguyễn Văn Thuần: “Anh Nhương ơi, xa đơn vị đi nhận nhiệm vụ mới, tôi tin rằng anh sẽ đem hết khả năng của tuổi trẻ để học tập, trở thành người cán bộ có trình độ lý luận giỏi và có tri thức khoa học quân sự, xứng đáng là người con của Thanh Hóa anh hùng… Anh Nhương ơi, nhớ nhé đừng quên những ngày tháng gian khổ ở chiến trường có nhau…”.

Sau này, khi 2 người có dịp kết nối liên lạc trong thời bình, ông Thuần đã sao lại vài trang trong nhật ký chiến trường của mình gửi tặng ông Nhương. Thật xúc động khi thấy hình ảnh thật đẹp của người chiến sĩ trong lòng đồng đội: “…Ánh trăng soi vào trong hầm nhìn rõ khuôn mặt hồng hào, trẻ trung của anh. Tiếng súng ngoài trận địa thỉnh thoảng lại rộn lên giòn giã đủ loại. Chiếc C130 cỡ lớn ì ì trên đầu. Giọng anh Nhương nhỏ lại. Tôi biết anh đang nóng lòng nghĩ tới anh em đồng chí đang chiến đấu nên không hỏi thêm anh gì nữa. Tính cách anh hăng hái gan lì, trận này anh phải ở nhà đối với anh thật là điều không mong muốn. Tôi lại nhớ buổi chiều ra trận địa cùng anh, hai anh em vừa đi vừa nói chuyện, anh còn dặn tôi sau này có làm cán bộ thì khi đặt trận địa cần phải chú ý tránh những cây độc lập. Những điều căn dặn cuối cùng của người cán bộ trẻ ấy trước khi lên đường nhận công tác mới, tôi ghi nhớ không bao giờ quên”. Vài dòng ngắn ngủi ấy của ông Nguyễn Văn Thuần đã chỉ rõ những phẩm cách đáng quý của người anh hùng.

2. Một kỷ vật khác được ông Nhương cất giữ hết sức cẩn thận cũng lại là cuốn sổ tay. Đó là tặng phẩm của Học viện Chính trị trung-cao cấp sau khi ông tốt nghiệp. Cuốn sổ này lớn hơn cuốn cũ, bìa bọc da trang trọng in dòng chữ “Tặng phẩm thi đua”, ruột giấy trắng ngà. Trang đầu cuốn sổ in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, trang sau là hình ảnh lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trang tiếp nữa chỉ dành in câu khẩu hiệu đỏ chói như lời thề sắt đá: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Trong cuốn sổ đẹp đẽ này, ngoài ghi lại những chiến công, những địa bàn từng chiến đấu, Anh hùng Nguyễn Văn Nhương còn dành một số trang chép ý đẹp lời hay của các vĩ nhân, xem đó như lý tưởng sống: “Giản dị là cái đẹp nhất trong cuộc sống và lời ăn tiếng nói của con người”; “Chỉ có tình bạn cao cả mới nảy sinh tình yêu chân chính”; “Chỉ trong lao động con người mới vĩ đại. Tình yêu lao động nồng cháy bao nhiêu, con người càng trở nên vĩ đại bấy nhiêu”…

Có một trang đặc biệt mà giờ đây khi xem lại cả ông và bà Ngô Thị Mai-người con gái ông gặp năm 1973 trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2-đều mỉm cười. Đó là bài thơ chân tình, mộc mạc ông làm tặng bà: “Những ngày sống bên nhau/Lòng như cùng chiến hào/Thề sống chết có nhau/Đã ghi bao kỷ niệm/Tuy chưa được bao lâu/Nhưng nhớ ghi mãi mãi”. Chút lãng mạn cách mạng ấy đã khắc họa vẻ đẹp của bao cuộc tình thời chiến: Trong cái riêng có cái chung, trong tình yêu đôi lứa có tình yêu lớn lao dành cho Tổ quốc.

  Sau nửa thế kỷ, những cuốn sách, sổ tay vẫn được Anh hùng Nguyễn Văn Nhương gìn giữ cẩn thận như báu vật. Ảnh: Phương Duyên
Sau nửa thế kỷ, những cuốn sách, sổ tay vẫn được Anh hùng Nguyễn Văn Nhương gìn giữ cẩn thận như báu vật. Ảnh: Phương Duyên


3. Cùng với 2 cuốn sổ tay, Anh hùng Nguyễn Văn Nhương không quên khoe với chúng tôi cuốn sách do Bộ Tư lệnh Phòng không và Không quân nhân dân Việt Nam ấn hành, trong đó nêu rõ tính năng, kỹ thuật và chiến thuật của các loại máy bay Mỹ. Theo ông qua cả trăm trận đánh, thêm 46 năm lặng im sau hòa bình, nhiều trang trong cuốn sách đã bị mối mọt, long gáy nhưng luôn được chủ nhân nâng niu như báu vật.

“Cuốn này chỉ lính cao xạ mới có. Chỉ cần nghe tiếng động cơ máy bay địch, tôi có thể đoán biết đó là loại máy bay gì, F105 hay F4 để tính tốc độ, phán đoán cự ly rồi tra vào bảng ngắm. Tất cả đều nằm trong đầu rồi”-ông vẫn thuộc nằm lòng mọi tính năng và thông số kỹ thuật của các loại máy bay Mỹ.

Chính sự am hiểu cặn kẽ đã giúp Anh hùng Nguyễn Văn Nhương lập được nhiều thành tích đáng nể: Trong 6 năm (1967-1972), ông đã tham gia chiến đấu 175 trận, bắn rơi 13 chiếc máy bay, bắn cháy 2 chiếc xe tăng và diệt 54 tên địch.

Với những chiến công ấy, ông được tặng thưởng 11 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, nhì, ba; 1 Huân chương Kháng chiến hạng ba; 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; 5 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay cấp ưu tú; 1 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng; 1 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; 2 lần tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua anh hùng toàn miền Nam… Ngày 28-5-2010, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thêm một kỷ vật đến giờ vẫn được Anh hùng Nguyễn Văn Nhương nâng niu: Đó là tấm mica màu đỏ, kích thước 14,5x10,5 cm, bên trên là bức phù điêu màu trắng đắp nổi chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kỷ vật này ông được trao tặng nhân dịp khen thưởng đảng viên “4 tốt” năm 1976. Ngày ấy, không phải ai cũng vinh dự có được bức chân dung của Bác; nhiều người phải tự vẽ ảnh hoặc tạc tượng Người. Vậy nên tặng phẩm này khiến ông mừng rơi nước mắt, nhất là khi ông chưa một lần được gặp Người.

Trên thực tế, số hiện vật mà chúng tôi được tiếp cận chỉ là một phần nhỏ trong “gia tài” những kỷ vật chiến tranh quý giá mà Anh hùng Nguyễn Văn Nhương đang sở hữu. Ông bộc bạch, đến dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ông sẽ công bố toàn bộ và tặng lại cho bảo tàng. Với ông, đây là việc làm thiết thực nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về một thời ông cha đã anh dũng chiến đấu trong mưa bom bão đạn, để hôm nay cả đất nước được tận hưởng quả ngọt hòa bình.

 

 PHƯƠNG DUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).