Ký ức mùa len trâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần tìm theo miêu tả trong hai truyện ngắn liên quan đến mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ của nhà văn Sơn Nam là “Mùa len trâu” và “Một cuộc bể dâu”, chúng tôi tìm về vùng đất được gọi là Láng Linh, thuộc 2 huyện Châu Phú và Châu Thành của tỉnh An Giang.

Mùa len trâu là bức tranh đồng quê tuyệt đẹp mùa nước nổi.
Mùa len trâu là bức tranh đồng quê tuyệt đẹp mùa nước nổi.


Đối với người dân Việt Nam, hình ảnh con trâu rất đỗi thân thương, gần gũi và đã đi vào thơ ca, nhạc, họa. Riêng với người dân ở miền Tây Nam Bộ, con trâu gần như song hành, sẻ chia mọi nỗ lực của người nông dân trong công cuộc “khai hóa” vùng đất hoang vu, biến nơi đây thành trù phú, giàu có, là vựa lúa, cá lớn nhất cả nước.

Ngày nay, khi cuộc sống con người ngày càng phát triển, các loại máy móc nông nghiệp hiện đại thay cho sức kéo, cày của trâu thì hình ảnh cả đàn trâu hàng trăm băng qua những cánh đồng ngập nước mà như cách gọi của người miền Tây là “len trâu” gần như chỉ còn trong ký ức, trở thành những kỷ niệm khó quên đối với những ai đã từng đi qua "mùa nước nổi".

Về vùng rốn lũ miền Tây

Lần tìm theo miêu tả trong hai truyện ngắn liên quan đến mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ của nhà văn Sơn Nam là “Mùa len trâu” và “Một cuộc bể dâu”, chúng tôi tìm về vùng đất được gọi là Láng Linh, thuộc 2 huyện Châu Phú và Châu Thành của tỉnh An Giang.

Theo ghi chép, Láng Linh là cánh đồng thấp trũng, ngập nước ngập lênh láng và có nhiều cá linh - loài cá đặc trưng của mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ nên được gọi là Láng Linh. Nhà văn Sơn Nam trong truyện ngắn "Vùng Láng Linh" miêu tả: Láng Linh này rộng lắm, linh nhiều lắm, vì vậy gọi là Láng Linh; vào mùa lũ, bao nhiêu nước của trời của đất gom về đây rồi đổ ra biển Tây.

Thời nhà Nguyễn, Láng Linh thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Nay, Láng Linh thuộc các xã Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh (huyện Châu Phú) và xã Vĩnh An (huyện Châu Thành).


 

Người dân miền Tây dùng trâu để kéo lúa, do máy móc không thể vào thu hoạch.
Người dân miền Tây dùng trâu để kéo lúa, do máy móc không thể vào thu hoạch.



Theo lời giới thiệu, chúng tôi ghé nhà ông Lê Văn Chiến (Hai Chiến), 80 tuổi, ngụ ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú - một lão nông sinh ra và gắn bó với vùng Láng Linh từ khi sinh ra đến nay. Vừa châm điếu thuốc rê, ông Hai Chiến vừa kể: Trước đây, vào mùa lũ, vùng Láng Linh này nước ngập mênh mông, nhìn mãi không thấy bờ như biển vậy, còn vào mùa khô, Láng Linh lại là cánh đồng thấp trũng, sình lầy đầy muỗi và lau sậy.

Ông Chiến cho biết, sở dĩ gọi là Láng Linh vì ngày xưa vùng này có nhiều cá linh hoặc là vùng nước ngập lênh láng,... cách giải thích nào cũng đúng.

Theo lão nông Hai Chiến, vùng Láng Linh nằm sau dãy núi Thất Sơn, phía đông lại tiếp giáp với sông Hậu nên vào mùa mưa, hay còn gọi là “mùa nước nổi”, nước từ sông Hậu tràn vào cộng với lượng nước từ dãy Thất Sơn đổ xuống nên Láng Linh như cái túi hứng nước. Vậy nên cứ cách 2 - 3 năm là vùng này gặp thiên tai ngập lụt, người ta phải tìm đến những gò đất cao để ở.

Bây giờ, vùng  rốn lũ Láng Linh chỉ còn là ký ức trong lớp người cao tuổi như ông Chiến. Ngày xưa, bà con nông dân chỉ sản xuất được 1 hoặc 2 vụ lúa trong năm nên cuộc sống khó khăn, nhà cửa lụp xụp. Nay, thì nhà tường, nhà cao tầng đua nhau mọc lên phơi phới.

“Hơn 20 năm về trước, vào mùa nước nổi, muốn đi về vùng Láng Linh chỉ có thể di chuyển bằng thuyền, bởi tất cả mọi tuyến đường giao thông đều chìm trong biển nước. Còn bây giờ, Nhà nước làm đê bao 3 vụ, đường giao thông nâng cao nên nơi đây không còn là cánh đồng trũng, hứng lượng nước khổng lồ từ sông Hậu hay từ dãy Thất Sơn, trở thành vùng trồng lúa chuyên canh 3 vụ quanh năm” - ông Hai Chiến chia sẻ.

Cánh đồng “mùa len trâu”

 

Mùa len trâu là bức tranh đồng quê tuyệt đẹp mùa nước nổi.
Mùa len trâu là bức tranh đồng quê tuyệt đẹp mùa nước nổi.



Từ vùng Láng Linh nhìn về dãy núi Thất Sơn, thấy thấp thoáng những ngọn núi hùng vĩ mờ mờ như ảo ảnh, xa xa là núi Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) - nơi mà nhà văn Sơn Nam miêu tả: “Đó là nơi vào mùa nước lụt, người ta len trâu cả bầy trăm con từ các nơi về, lên đền vua chúa xưa tìm cỏ ăn, do đất núi cao ít bị ngập”.

Thế hệ như tôi biết đến “mùa len trâu” và cuộc sống cũng như khí chất hào sảng khí chất hào sảng của người miền Tây chủ yếu qua 2 truyện ngắn có liên quan đến mùa nước lũ của nhà văn Sơn Nam đó là “Mùa len trâu” và “Một cuộc bể dâu”. Sau này, 2 truyện ngắn này đã được đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh chuyển thể thành bộ phim điện ảnh cùng tên “Mùa len trâu”.

Phim khởi quay tháng 9/2003, sau đó bộ phim đã tham dự nhiều liên hoan phim, điện ảnh ở các nước trên thế giới, trình chiếu tại hơn 40 quốc gia và đoạt bốn giải thưởng quốc tế...

Cảnh trong phim “Mùa len trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh là cánh đồng ngập nước với núi đồi xa xa mờ ảo, bộ phim đã chuyển tải phần nào được hình ảnh mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ vào thời điểm đó; người xem bị choáng ngợp giữa khung cảnh nước nổi mênh mông trong phim. Cánh đồng trong phim không đâu xa lạ, nó nằm gần đồi Tà Pạ, một cánh đồng tuyệt đẹp thuộc xã núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang ngày nay.

Thời điểm đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh quay phim “Mùa len trâu”, cánh đồng gần đồi Tà Pạ còn là vùng đất thấp, vào mùa mưa trở thành điểm hứng nước từ các đồng cao đổ về, thành vùng ngập lụt. Điều thú vị là đạo diễn đã chọn được đúng điểm để bấm máy. Sau này, do làm đê bao 3 vụ kết hợp làm đường giao thông nên cánh đồng trong phim không còn vì nước mưa bị đê bao ngăn lại.

Người dân nơi đây kể, hồi đó đoàn làm phim đã thuê 350 con trâu để quay cảnh đi len trâu nên chiều về hay sáng ra, tiếng trâu rống vang động cả vùng.

 

Đàn trâu hàng trăm con băng đồng mùa nước nổi ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp để tìm thức ăn.
Đàn trâu hàng trăm con băng đồng mùa nước nổi ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp để tìm thức ăn.


Đang miên man với những suy nghĩ vu vơ, anh đồng nghiệp dẫn tôi vào nhà của ông Nguyễn Văn Hải, 67 tuổi, nhà ở xã núi Tô, huyện Tri Tôn - một người có thâm niên hơn 40 năm làm nghề nuôi trâu, rồi lang bạt theo những đàn trâu len qua các cánh đồng ngập nước. Mấy năm nay do lũ nhỏ và người nuôi trâu ít dần nên ông “giải nghệ”, ở nhà làm vườn.

Theo ông Hải, mùa len trâu ý nói mùa nước ngập đồng, người nông dân đưa những đàn trâu lên đến hàng trăm, hàng nghìn con cùng băng đồng nước tìm những vùng đất đất cao, có cỏ xanh cho trâu ăn.

Ở An Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, mỗi năm có một mùa khô và một mùa mưa. Mùa mưa kéo dài khoảng 4 tháng, thời điểm này, nước mưa cùng với nước sông dâng lên làm nhà cửa, đường giao thông bị ngập lụt, cỏ cây chết, tới nỗi không còn cỏ cho trâu ăn, không còn chỗ cho trâu ngủ. Để trả ơn cho con vật trung thành quanh năm cực khổ giúp nông dân làm ra hạt lúa, người nông dân đã đưa đàn trâu vượt qua những cánh đồng ngập nước đi tìm vùng đất cao với vạt cỏ xanh còn sót lại, đây là nơi cho những đàn trâu di trú suốt mùa nước ngập đồng.


 

Cưỡi trâu vượt đồng nước nổi mênh mông.
Cưỡi trâu vượt đồng nước nổi mênh mông.


Khi chúng tôi nhắc đến con trâu - linh vật của năm nay, dường như bao ký ức, hình ảnh những đàn trâu băng đồng nước dồn nén bấy lâu nay trong tâm thức của ông Hải lại được dịp ùa về. Ông Hải kể: Hồi mới giải phóng, một mình ông dẫn mấy con trâu nhà tháp tùng theo đoàn len trâu dọc theo tuyến biên giới Tây Nam để tìm cỏ. Vậy rồi những năm nước lụt đổ về miền Tây Nam Bộ là ông Hải lại khăn gói cùng trâu băng đồng nước, tới đâu thì dựng tạm chiếc chòi ngay trên gò đất, dưới tán một cây me tây cổ thụ, để có chỗ ngả lưng, ăn ngủ giữa đồng. Những năm nước lớn như năm 2000, 2011 cả cánh đồng này không còn một chỗ nào khô, cỏ ngập nước hết. Dân nuôi trâu phải đưa trâu qua tận miệt Tân Hưng (tỉnh Long An) hay qua tận đồng nước bạn Campuchia để cầm trâu suốt mấy tháng ròng, chờ nước rút.

“Dân len trâu thường đặt tên cho trâu như người đặt tên các loài vật cưng. Họ thấy cái gì hay hay thì đặt. Nhiều người thấy dáng trâu sao đặt tên vậy như: đực mẫm, đực ú, sừng âu, sừng bẹt, sừng gút… Đặc biệt, dân chăn trâu tụi tui thương trâu hơn thương vợ. Trâu ngủ phải đốt rơm hun khói, phải giăng mùng cho trâu nằm khỏi muỗi. Đi thả lang cùng bầy trâu ba bốn tháng cũng chưa muốn về” - ông Hải cười.


 

Đàn trâu hàng trăm con gặm cỏ trên một cánh đồng ở thị xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) vào mùa nước nổi.
Đàn trâu hàng trăm con gặm cỏ trên một cánh đồng ở thị xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) vào mùa nước nổi.



Nhấp xong ngụm trà, ông Hải bất chợt thời dài, “cách đây khoảng 20 năm, mùa len trâu được xem như một bức họa đồng quê ở miền Tây mỗi dịp vào mùa nước nổi. Mấy năm gần đây nước lũ về thấp, một phần do làm đê bao 3 vụ, phần do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên số người còn gắn bó với nghề len trâu còn rất ít. Hơn nữa, bây giờ cuộc sống đã khác xưa, máy móc làm thay con người và trâu hết rồi nên nhiều nơi mùa len trâu đã không còn tồn tại. Có chăng, bây giờ cũng chỉ còn lại ở một vài vùng tận Kiên Giang, Đồng Tháp, hay trong trong sách vở, phim truyền hình.

Theo Bài và ảnh: Công Mạo (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.