Bắt đất cằn "nở hoa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhắc đến xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai), nhiều người thường nghĩ đến vùng đất biên cương khô cằn, nắng nôi oi bức. Nhưng giờ đây, mảnh đất biên cương này đang từng ngày khởi sắc bởi những mô hình kinh tế của đoàn viên, thanh niên.

Ấn tượng vườn cây ăn trái

Đón tôi ở UBND xã Ia Tơi, anh Nguyễn Tuấn Toàn-Bí thư Huyện đoàn Ia H’Drai tranh thủ bắt tay rồi vội vàng đưa tôi đến nhà chị Võ Ngọc Bích để “mục sở thị” vườn cây ăn trái. Chị Bích là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Tơi, được mọi người ngợi khen là cán bộ trẻ năng nổ và làm kinh tế giỏi.

Theo chân chị vượt qua những con đường rừng gập ghềnh, đi giữa bạt ngàn rừng cao su đang mùa thay lá, chỉ tay về phía chân đồi, chị Bích cười tự hào: Vườn cây ăn trái của nhà tôi đấy, trồng nhiều loại lắm!

Nằm lọt thỏm giữa rừng cao su, vườn cây ăn trái rộng hơn 3ha của gia đình chị Bích với nhiều loại cây khác nhau như mít Thái, na, quýt đường, dừa xiêm… phủ xanh sườn đồi. Đang là mùa khô, nắng nôi oi bức, nhưng vườn cây tươi tốt, mát rượi.

Trong câu chuyện với chị Bích, tôi được biết năm 2018 với mong muốn làm giàu từ nông nghiệp và góp phần phủ xanh đồi trọc, gia đình chị có nhiều trăn trở trong việc lựa chọn giữa cao su và cây ăn trái để sản xuất. Sau nhiều đêm suy nghĩ và tính toán, chị quyết định không đi theo hướng của nhiều người đi trước là phát triển cao su mà lựa chọn cây ăn trái làm hướng đột phá.


 

 Chị Bích giới thiệu về cây quýt đường. Ảnh: V.T
Chị Bích giới thiệu về cây quýt đường. Ảnh: V.T


Chị Bích tâm sự: Khi mới bắt đầu trồng, gia đình lo lắm. Từ kỹ thuật đào hố, xử lý mối đến bón phân, tưới tiêu... cho cây trồng, tôi đều phải tự tìm hiểu kỹ thuật và các kiến thức trồng trọt thông qua các vườn cây ở miền Tây và trên mạng internet. Ia Tơi là vùng đất khô cằn, thường thiếu nước vào mùa khô nên gia đình đã đào ao trữ nước và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Khi đã có nguồn nước, để có cơ sở chắc chắn loại cây ăn quả nào sẽ phù hợp hơn với thổ nhưỡng và khí hậu ở vùng biên này, gia đình trồng thử nghiệm trước mỗi loại một vài cây.

Sau hơn hai tháng trồng thử nghiệm, cây trồng bén rễ và phát triển tốt. Qua khảo nghiệm về sự sinh trưởng, gia đình chị Bích mạnh dạn mua thêm cây giống về trồng. Đến nay, trên cùng một diện tích đất, gia đình chị Bích đã phát triển được 200 cây na Thái, 100 cây mít Thái, 150 cây dừa xiêm và 50 cây ăn trái các loại khác.

Trừ dừa xiêm, các loại cây còn lại đều cho thu hoạch vào năm vừa qua. Tuy là thu bói, nhưng nhờ đáp ứng đủ các điều kiện “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” nên các cây quả trồng trong vườn cho năng suất khá cao.

 

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cây ăn trái của chị Bích cho năng suất cao. Ảnh: VT
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cây ăn trái của chị Bích cho năng suất cao. Ảnh: VT


Chị Bích tâm sự: Trước đây tôi cứ nghĩ, vùng đất xã Ia Tơi chỉ phát triển được mỗi cao su, nhưng giờ đây mới thấy quyết tâm mở hướng đột phá phát triển cây ăn quả của mình là đúng. Vườn cây ăn trái của gia đình phát triển theo hướng hữu cơ, luôn luôn xanh tốt, loại cây nào cũng đều đảm bảo chất lượng, đạt chuẩn.

Để chứng minh, chị Bích hái quả mít Thái chín biếu cho chúng tôi thưởng thức. Mít xẻ ra, tỏa mùi thơm nức, múi to vàng. Múi mít vị ngọt kèm thêm chút chua đã tạo nên một hương vị khó quên.

Trái cây trong vườn chị sạch, ngon đã tạo nên thương hiệu. Chính nhờ vậy, năm vừa qua, trái cây trong vườn nhà chị bán hết, không đủ đáp ứng yêu cầu người mua và thị trường. “Năm vừa qua, gia đình thu được hơn 5 tấn mít và 4 tạ na. Trừ chi phí đầu tư ban đầu, gia đình lãi hơn 50 triệu đồng. Trong thời gian tới, vợ chồng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo phương thức hữu cơ, góp phần đa dạng cây trồng trên địa bàn” – chị Bích bộc bạch.

Hướng mới từ thỏ

Chia tay chị Bích, Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Tuấn Toàn tiếp tục dẫn tôi đến thăm mô hình của anh đoàn viên Ngọc Văn Ngôn ở thôn 8, xã Ia Tơi. Vào địa phương lập nghiệp với công việc ban đầu là công nhân cao su, sau hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất nơi biên cương này, anh Ngôn đã tìm thêm cho mình hướng đi mới bằng việc phát triển mô hình nuôi thỏ sinh sản và lấy thịt.

Trước đây, tôi từng có dịp ghé thăm trang trại thỏ của anh Ngôn, nhưng anh ngại lên báo vì chưa biết được hiệu quả mô hình nuôi thỏ của gia đình ra sao. Con thỏ lúc đó còn đang trong giai đoạn nuôi “nước rút”, chuẩn bị xuất chuồng phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Trở lại thăm mô hình thỏ lần này, anh Ngôn đã tự tin “khoe” với tôi về những thành công ban đầu mà mô hình nuôi thỏ của gia đình đem lại.

Anh Ngôn cho biết, thỏ là động vật dễ nuôi, chủ yếu ăn cây cỏ trong tự nhiên. Tận dụng thức ăn dồi dào ở địa phương, tháng 6/2020, anh xây dựng chuồng trại nuôi thỏ. Nhà nuôi thỏ được bố trí phía sau nhà trong khuôn viên rộng gần 100m2 với thành nhà vòm sắt, mái tôn kiên cố. Trong nhà bố trí các lồng sắt xếp ngay ngắn, có vách ngăn, cứ mỗi lồng chứa 1 - 2 con thỏ.

 “Tính tiền giống, cộng chi phí đầu tư chuồng trại khoảng 50 triệu đồng. Thuở mới nuôi, chưa có kinh nghiệm nên khó tránh khỏi việc thỏ bị bệnh tật, chết. Theo thời gian, kinh nghiệm nuôi thỏ ngày càng tích lũy, đến nay, số lượng thỏ mắc bệnh đã giảm đi đáng kể” – anh Ngôn nhớ lại.

Để thỏ luôn phát triển khỏe mạnh, ngoài việc cho thỏ ăn các loại cỏ trong tự nhiên, anh Ngôn còn bổ sung chất dinh dưỡng bằng việc ép cám gạo trộn với vitamin, các loại thuốc ngừa bệnh thành từng viên cho thỏ. Vì hệ tiêu hóa của thỏ rất yếu và dễ bị rối loạn, nên các loại cỏ, lá cây đều được anh hái vào lúc trời nắng hoặc hái vào để lá cây hơi héo, không đọng nước hay sương mới cho thỏ ăn. Anh Ngôn cho biết thêm: Để thỏ sinh trưởng tốt, đối với thỏ mẹ cần tiêm vacxin 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi cần tiêm vacxin 1 lần trước khi xuất bán.

 

Để thỏ hạn chế bị bệnh, anh Ngôn thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Ảnh: V.T
Để thỏ hạn chế bị bệnh, anh Ngôn thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Ảnh: V.T


Vì là lần đầu, gia đình anh chỉ nuôi 50 con thỏ giống để lấy kinh nghiệm và thăm dò thị trường tiêu thụ. Qua các đợt sinh sản, anh Ngôn lựa chọn những con thỏ mẹ đẻ con nhiều và khỏe mạnh để làm giống. Vì vậy, hiện nay, trong trại chỉ để lại khoảng 10 con thỏ giống sinh sản tốt, số còn lại anh đều bán thịt.

Bình quân mỗi con thỏ anh Ngôn xuất chuồng đạt khoảng 3 kg, giá bán ra dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Lứa thỏ xuất chuồng trong dịp Tết vừa qua, gia đình anh Ngôn thu về hơn 10 triệu đồng.

“Thỏ phát triển nhanh, con giống mua về nuôi khoảng 2 tháng thì sinh sản. Nuôi thỏ đầu tư ít, thu hồi vốn nhanh, rất phù hợp để phát triển trên vùng biên giới này. Trong thời gian tới, tôi sẽ tìm thêm các loại giống thỏ khác để mở rộng mô hình nuôi thỏ của gia đình” – anh Ngôn bày tỏ.

Rời Ia Tơi trong nắng chiều hanh hao, tôi nhớ mãi ánh mắt đầy tự tin, nhiệt huyết của chị Bích, anh Ngôn khi bàn về phát triển kinh tế. Và tôi tin rằng, với mô hình mới mang tính đột phá của chị Bích, anh Ngôn sẽ tiếp thêm động lực cho nhiều đoàn viên, thanh niên không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ dám làm cùng chung tay xây dựng Ia Tơi ngày càng đổi mới và phát triển.


http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/bat-dat-can-no-hoa-18057.html

Theo Văn Tùng (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.