Nhớ về Anh Hai Nghĩa Trương Vĩnh Trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người dân Bến Tre từ lâu đã quen với cách gọi thân thương “Anh Hai Nghĩa”, “Thầy Hai Nghĩa” và hình ảnh nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng ngày ngày chăm vườn, tưới cây và mang cây trái tự tay ông trồng đem biếu bà con lối xóm. Ông ra đi để lại niềm tiếc thương lớn lao cho bà con xứ Dừa!

"Thầy Hai Nghĩa" sống một cuộc đời thanh bạch. Ảnh: Kỳ Quan
"Thầy Hai Nghĩa" sống một cuộc đời thanh bạch. Ảnh: Kỳ Quan


Hai lần đến thăm nhà ông

Trong cuộc đời làm phóng viên, tôi có nhiều lần gặp ông khi ông còn là Phó Thủ tướng cũng như khi đã về nghỉ hưu. Trong đó có 2 lần tôi về thăm ông ở nhà riêng trong khu vườn trồng đầy cây ăn trái ở xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Lần thứ nhất ông mời tôi về thăm nhà sau khi ông dự Đại hội Công đoàn tỉnh Bến Tre đầu năm 2018. Ấn tượng đầu tiên của tôi là ngôi nhà của ông cũng bình thường như nhiều nhà dân trong xóm, nhưng được chăm sóc kỹ, nhiều cây ăn trái, hoa phong lan…


 

Ông Trương Vĩnh Trọng trồng nhiều cây ăn trái để biếu tặng bạn bè, bà con lối xóm. Ảnh: Kỳ Quan
Ông Trương Vĩnh Trọng trồng nhiều cây ăn trái để biếu tặng bạn bè, bà con lối xóm. Ảnh: Kỳ Quan


Ông cho biết, khu đất này ông mua đầu thập niên 1980 khi ông còn công tác ở huyện Giồng Trôm. Cứ mỗi năm gia đình ông tu bổ một chút, đến khi ông về hưu ông bắt tay vào trồng bưởi, trồng cam…, trở nên tươm tất như ngày nay.

Ông đưa tôi đi thăm khắp khu vườn, ông nhớ rành rọt từng cây trồng lúc nào, duyên cớ gì. Chỉ những cây bơ đang bắt đầu cho “trái chín”, ông cho biết, ông đang trồng thử nghiệm loại cây này trên nền đất phèn Bến Tre, nếu thành công sẽ san sẻ giống, giúp mang lại thu nhập cao cho bà con. Ông cũng đã trồng thử nghiệm thành công giống khoai lang Mỹ chịu hạn, lớn nhanh, ăn ngon từ củ đến thân lá. Đi đâu ông cũng kêu bà con đến nhà cho cây giống, chỉ cách trồng.

Ông cho biết, với hàng trăm cây ăn trái thuộc hàng chục loại trái cây khác nhau, mỗi năm ông thu hoạch hàng chục tấn trái cây. Ông không bán trái nào, mà dành toàn bộ để tặng bà con lối xóm, bạn bè gần xa. Mỗi khi tới kỳ thu hoạch, nếu bà con lối xóm ghé thăm, ai cũng ra về với lỉnh kỉnh giỏ trái cây ông tặng. Còn ai không tới được, đích thân ông mang tặng trái cây tận nhà cho bà con.

Lần thứ hai tôi đến thăm ông đầu năm 2021 nhân dịp ông được tỉnh Bến Tre trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng khởi”. Sau chưa tới 3 năm mà ông đã yếu đi nhiều. Tôi còn đang bâng quơ lo lắng về quy luật tất yếu của cuộc sống thì hơn 1 tháng sau điều tôi lo đã trở thành hiện thực, ông đã ra đi ở tuổi 79.

Người Công dân Đồng khởi

Nhân dịp kỷ niệm 61 năm ngày Bến Tre Đồng khởi (16.1.1960 – 16.1.2021), tỉnh Bến Tre lần đầu tiên tổ chức trao danh hiệu “Công dân Đồng khởi” - danh hiệu cao quý được UBND tỉnh Bến Tre xét và trao tặng cho các cá nhân trong và ngoài tỉnh có những đóng góp tiêu biểu, xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà. Ông Trương Vĩnh Trọng là 1 trong 3 người được đầu tiên được nhận danh hiệu cao quý này.

Do điều kiện sức khỏe, ông không thể đến dự lễ và nhận danh hiệu “Công dân Đồng khởi” ngày 16.1.2021. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ trao danh hiệu “Công dân Đồng khởi” cho ông tại nhà riêng ở huyện Giồng Trôm. Dù đã yếu, nhưng ông rất vui trước sự tôn vinh của quê hương dành cho mình.

Như nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh Bến Tre, ông cũng tham gia cách mạng từ phong trào Đồng Khởi năm 1960. Thuở ấy, sau thắng lợi phong trào Đồng Khởi, Bến Tre có vùng giải phóng rộng lớn, trong đó ta mở cả lớp dạy học. Ông được giao đứng lớp dạy bổ túc. Hai Nghĩa là tên ông theo cách gọi của người miền Tây, khi ông dạy học, có thêm chữ “Thầy” – Thầy Hai Nghĩa. Nhiều thế hệ cán bộ tỉnh Bến Tre đã trải qua lớp học văn hóa do Thầy Hai Nghĩa phụ trách. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông rời khỏi ngành giáo dục, kinh qua nhiều vị trí công tác khác, nhưng cái tên “Thầy Hai Nghĩa” còn mãi trong lòng đồng chí, đồng bào tỉnh Bến Tre.


 

Hình ảnh giản dị của ông Trương Vĩnh Trọng trở nên quen thuộc với người dân Bến Tre. Ảnh: Kỳ Quan
Hình ảnh giản dị của ông Trương Vĩnh Trọng trở nên quen thuộc với người dân Bến Tre. Ảnh: Kỳ Quan


Không chỉ là người có nhiều đóng góp xây dựng quê hương Bến Tre, ông còn làm rạng rỡ xứ Dừa khi trải qua nhiều cương vị lãnh đạo từ địa phương đến trung ương, ở cương vị nào, ông luôn nhiệt thành với công việc và quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Từ cái thời còn công tác ở huyện Giồng Trôm, ông đã luôn trăn trở, tìm cách để đưa vùng đất anh hùng này vươn lên thoát nghèo. Rồi khi lên tỉnh Bến Tre, sau ra công tác ở Hà Nội, ông vẫn tiếp tục gắn bó, dành nhiều tình cảm cho vùng đất đã nuôi ông lớn lên, che chở ông trong chiến tranh. Bằng khả năng của mình, ông đã vận động lo cho bà con khi thì một cây cầu, lúc đoạn đường, một ngôi trường, một căn nhà tình nghĩa…

Ông luôn trăn trở về cái nghèo, những khó khăn của quê hương Đồng Khởi trong quá trình phát triển, từ đó, thôi thúc ông có những chủ trương, những đóng góp cho quê nhà. Trong đó, ông đã cùng Tỉnh ủy và chính quyền của tỉnh thực hiện việc kéo lưới điện về Bến Tre, mở ra một thời kỳ mới, đưa Bến Tre phát triển hiện đại hơn.

Năm 1989, khi đang là Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, trong ngày khánh thành đường điện quốc gia vượt sông Tiền về quê hương Đồng Khởi, ông đã vui mừng la lớn: “Đồng bào ơi! Đồng chí ơi! Điện đã về Bến Tre!”. Năm 2009, khi đã là Phó Thủ tướng, trong lễ thông xe cầu Rạch Miễu nối 2 bờ sông Tiền, giúp Bến Tre thoát khỏi thế cù lao, ông cũng la lớn: “Đồng bào ơi! Đồng chí ơi! Đã có cầu bắc qua Bến Tre!”. Ông tin tưởng một ngày không xa, ông sẽ còn đủ sức để la lớn: “Đồng bào ơi! Đồng chí ơi! Bến Tre đã thật sự giàu đẹp rồi!”.

Tỉnh Bến Tre đang từng ngày thay đổi, đi tới cái đích giàu đẹp. Nhưng con đường còn dài, còn nhiều việc phải làm, thì Anh Hai Nghĩa - Thầy Hai Nghĩa đã vội ra đi, chưa kịp nhìn thấy điều Anh hằng chờ đợi. Anh ra đi, nhưng tình cảm, tấm lòng Anh để lại sẽ tiếp tục là hành trang của người dân Bến Tre trên con đường xây dựng quê hương giàu đẹp.

 

https://laodong.vn/thoi-su/nho-ve-anh-hai-nghia-truong-vinh-trong-881602.ldo

Theo NGUYỄN PHẤN ĐẤU (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.