Kỳ cuối: Phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo có vị trí vô cùng quan trọng đối với lịch sử-văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng. Những năm gần đây, ngành chức năng và chính quyền địa phương đề ra nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.
Nỗ lực trùng tu, bảo tồn
Từ khi quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được công nhận là di tích cấp quốc gia đến nay, các địa phương đã nỗ lực trùng tu, tôn tạo nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Đặc biệt, thị xã An Khê đã đầu tư xây dựng Nhà trưng bày Tây Sơn Thượng đạo để lưu giữ, giới thiệu các hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Nơi đây hiện đang lưu giữ hơn 300 hiện vật, hình ảnh liên quan đến nhà Tây Sơn gồm: tiền xu, kiếm, gươm, giáo, súng thần công, sành sứ…
Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo di tích Tây Sơn Thượng đạo tại thị xã An Khê đang dần hoàn tất. Ảnh: Hồng Thi
Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo di tích Tây Sơn Thượng đạo tại thị xã An Khê đang dần hoàn tất. Ảnh: Hồng Thi

Bà Trần Thị Kim Dung-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho hay: Bên cạnh xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo” giai đoạn 2017-2020; thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ và phát triển du lịch; ban hành Kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn thị xã An Khê giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo…, thị xã đã tranh thủ các nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh và vốn đối ứng của địa phương với hơn 48,8 tỷ đồng để đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Trong đó, chủ yếu là đầu tư, tôn tạo Cụm di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo và đang hoàn tất Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo di tích Tây Sơn Thượng đạo với kinh phí trên 27,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, địa phương còn nâng tầm tổ chức các lễ, hội truyền thống như: lễ kỷ niệm Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa; lễ kỷ niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung và các lễ hội tín ngưỡng dân gian trên địa bàn (cúng Khai sơn, Quý Xuân, Quý Thu, Hội hát Cầu Huê…); khôi phục và phát triển các bài võ thuật cổ truyền, đưa vào chương trình rèn luyện thân thể cho các em học sinh. Những hoạt động này diễn ra hàng năm ở địa phương đã trở thành nơi hội tụ, sum vầy để người dân vùng Tây Sơn Thượng nói riêng và khắp nơi nói chung tưởng nhớ, tri ân những vị anh hùng dân tộc.

Bà Đinh Thị Lớt-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Pốt (xã Song An, thị xã An Khê) phấn khởi chia sẻ: “3 năm trở lại đây, dân làng Pốt đều tích cực tham gia lễ hội Ngọc Hồi-Đống Đa. Tại đây, chúng tôi được biểu diễn cồng chiêng, múa xoang và bán các mặt hàng nông sản. Đây là hoạt động thật sự ý nghĩa, vừa giúp mọi người ôn lại truyền thống của anh em nhà Tây Sơn, vừa tăng cường mối đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn”.
Lễ kỷ niệm Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa được thị xã An Khê tổ chức hàng năm vào mùng 4 Tết Nguyên đán tại Cụm di tích An Khê Trường. Ảnh: Hồng Thi.
Lễ kỷ niệm Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa được thị xã An Khê tổ chức hàng năm vào mùng 4 Tết Nguyên đán tại Cụm di tích An Khê trường. Ảnh: Hồng Thi
Cùng với An Khê, thời gian qua, các huyện còn lại cũng đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn di tích trên địa bàn. Ông Nguyễn Trọng Hiếu-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kông Chro-cho biết: “Từ khi được xếp hạng đến nay, huyện đã vận động các đơn vị kết nghĩa tổ chức trông coi, bảo vệ cụm di tích. Trên cơ sở nguồn kinh phí của tỉnh và ngân sách địa phương, huyện đã tiến hành làm cổng, hàng rào, nhà bia, đường bê tông dẫn vào các di tích; tôn tạo con đường nội bộ trong di tích, Nền nhà và Hồ ông Nhạc bằng đá ong. Sắp đến, với nguồn kinh phí dự trù gần 9 tỷ đồng từ tỉnh, chúng tôi sẽ tiếp tục làm đường bê tông dẫn vào di tích Kho tiền và tiến tới tôn tạo di tích này”.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê Trần Thị Kim Dung, trong số các di tích thuộc quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được công nhận trên địa bàn có nhiều di tích không còn trong thực tế (Cây Ké, Cây Cầy, Lũy An Khê, Gò Chợ); nhiều di tích không có định vị cụ thể và khoanh vùng bảo vệ nên người dân đã trồng rừng, canh tác nông nghiệp (Hòn Bình, Hòn Nhược, Hòn Tào, Gò Kho, Xóm Ké) gây khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ. Hơn nữa, các di tích lại phân bố rải rác ở nhiều địa phương khác nhau nên công tác quy hoạch, trùng tu, tôn tạo thiếu sự đồng bộ.
Gắn với phát triển du lịch

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: “Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư, tôn tạo các hạng mục trong khu di tích để bảo vệ nguyên vẹn di tích, đồng thời nâng quy mô di tích khang trang, đẹp và xứng tầm, hướng đến là điểm đến cho khách du lịch vùng Tây Sơn Thượng đạo. Cùng với đó, liên kết vùng 4 huyện, thị xã phía Đông trong đầu tư đồng bộ hạ tầng và kết nối; liên kết với huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) trong xây dựng sản phẩm du lịch gắn với kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án, từng bước tạo hạ tầng du lịch, các dịch vụ để phát triển du lịch”.

Với những gì hiện có, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo cần được trùng tu, tôn tạo xứng đáng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử-văn hóa của nó; cần tạo sự liên kết đồng bộ, thống nhất từ việc quản lý quần thể di tích đến việc xác định các giai đoạn trùng tu, tôn tạo sao cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương có di tích và gắn với phát triển du lịch.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân nhận định: “Khu vực phía Đông tỉnh là vùng đất giàu tiềm năng và có giá trị về lịch sử, văn hóa và thiên nhiên; lại là trung điểm nối liền giữa cao nguyên và đồng bằng. Vì vậy, các địa phương nơi đây có khá nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Muốn làm được thì lãnh đạo tỉnh và các địa phương cần có sự quyết liệt. Khi đó mới có thể quy tụ được những nhà khoa học quan tâm đến đây nghiên cứu, phát lộ hết tất cả tiềm năng của vùng đất này; mới thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư và du khách đến với địa phương”.
Năm nào, trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, hoạt cảnh chiêu binh tụ nghĩa và những chiến thắng vang dội của nghĩa quân Tây Sơn cũng được tái hiện sinh động phục vụ du khách gần xa. Ảnh: Hồng Thi
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, hoạt cảnh chiêu binh tụ nghĩa và những chiến thắng vang dội của nghĩa quân Tây Sơn được tái hiện sinh động phục vụ du khách gần xa. Ảnh: Hồng Thi
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Kim Vân, bên cạnh tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, mỗi địa phương có di tích cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thật tốt để thu hút và níu chân khách du lịch. Riêng Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, TS. Nguyễn Thị Kim Vân đề xuất: “Nên phục dựng một đoạn Lũy An Khê cùng cổng lũy; xây dựng một số mô hình lán trại của nghĩa quân; không nên cơi nới, làm mới các đình cổ để khách thập phương khi đến tham quan có thể hình dung phần nào về khung cảnh nhà Tây Sơn trước kia. Nếu có thể thì tái hiện trường đua ngựa, bắn cung, bắn nỏ… và làm rõ hơn dấu ấn, mối đoàn kết giữa người Kinh và người Thượng trên đất An Khê xưa. Cùng với việc khai thác giá trị văn hóa truyền thống, chúng ta cũng nên kết hợp với những yếu tố hiện đại phù hợp thị hiếu, nhu cầu của du khách để tăng hiệu quả khai thác du lịch”.

Còn ông Phan Duy Tiên-nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện An Khê (cũ) thì cho rằng, nhiều di tích có giá trị liên quan đến cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vẫn còn hiện hữu nhưng chưa được quan tâm khảo sát, xếp hạng để có cơ sở quản lý, bảo vệ như: dinh thờ Yă Đố, ấp Tây Sơn Nhì, hang Tối trời, bàu Mừng quân, giếng Mạch, làng Cổ Yêm, rừng Mộ Điểu, núi Hoàng Đế… Vì vậy, tỉnh và địa phương cần nghiên cứu, lập hồ sơ bổ sung để làm sống lại các di tích này, tạo thành một khối thống nhất trong phát triển du lịch.

Một đoạn Lũy An Khê được phục dựng và trồng tre. Ảnh: Hồng Thi
Một đoạn Lũy An Khê được phục dựng và trồng tre. Ảnh: Hồng Thi
Về góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê Trần Thị Kim Dung cho hay: Trên cơ sở quy hoạch chi tiết quần thể di tích được phê duyệt, thị xã sẽ ưu tiên nguồn lực sẵn có cùng với sự đầu tư của tỉnh để tôn tạo, bảo tồn di tích theo lộ trình phù hợp; tiếp tục nâng tầm tổ chức các lễ hội truyền thống và sưu tầm các hiện vật có giá trị để trưng bày tại Nhà trưng bày Tây Sơn Thượng đạo. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động kết nối giữa các địa phương vùng Tây Sơn Thượng đạo với vùng Tây Sơn Hạ đạo thành một tổng thể hoàn chỉnh di tích lịch sử của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Vận động người dân tại các điểm di tích đầu tư cơ sở dịch vụ phục vụ cho việc tham quan, đi lại và phải có giải pháp phù hợp để “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Đồng thời, thị xã sẽ phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và các đơn vị liên quan củng cố hồ sơ, tài liệu để tiếp tục lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với quần thể di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo; tổ chức khảo sát, đánh giá và lập hồ sơ một số di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn chưa được xếp hạng năm 1991 để đề nghị công nhận và bảo tồn theo quy định.
Bà Dung cũng nhận định, việc đẩy mạnh quảng bá địa chỉ di tích và giới thiệu những sản vật đặc trưng, truyền thống của địa phương; kết hợp mô hình du lịch sinh thái-lịch sử-văn hóa gắn kết với quần thể di tích sẽ là hướng đi phù hợp cho việc phát triển kinh tế-xã hội của 4 địa phương có điểm di tích trong thời gian đến.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.