Hoàng Sa xa mà gần: Khát vọng vụ nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thuyền trưởng Hồ Đình Thủy quả quyết: 'Ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa từ đời tiên tổ đã là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam...'

Những con tàu lớn ở thủ phủ tàu đánh cá xa bờ Cửa Việt sẵn sàng cho những chuyến đánh cá vụ nam ẢNH: THANH LỘC
Những con tàu lớn ở thủ phủ tàu đánh cá xa bờ Cửa Việt sẵn sàng cho những chuyến đánh cá vụ nam ẢNH: THANH LỘC

Ngư dân Quảng Trị có 2 vụ mùa đánh bắt. Vụ bắc, dong thuyền lên vùng biển vịnh Bắc bộ; vụ nam xuôi thuyền xuống ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Mùa đánh cá vụ nam mang kỳ vọng chinh phục vùng biển mà ngàn năm trước tổ tiên đã hiện diện...

Những ngày đầu năm 2021 rét mướt, tôi về Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị), nơi được ví là “thủ phủ” của tàu đánh cá xa bờ. Thời tiết không mấy thuận lợi nên nhiều tàu cá xa bờ vẫn đang nằm bờ, trong khi các ngư phủ cũng tranh thủ khâu vá lại tay lưới, chuẩn bị dầu đèn, mắm muối... đợi ngày ra khơi.

Ngư dân Quảng Trị đóng tàu lớn cho chuyến biển vụ nam sau Tết Nguyên đán  ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Ngư dân Quảng Trị đóng tàu lớn cho chuyến biển vụ nam sau Tết Nguyên đán ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Tiếng trống thúc giục
Ông Bùi Đình Sành, một ngư dân cao tuổi nay sống ở KP.5 (TT.Cửa Việt), bảo rằng thường cá vụ bắc chiếm 40% tổng sản lượng đánh bắt cá tôm ở địa phương, còn lại nhờ cả vào vụ nam. “Việc chia vụ chẳng biết có tự bao giờ. Hầu hết được đúc kết từ cả ngàn đời đi biển của cha ông để lại. Với chúng tôi, chỉ là những người kế thừa, làm theo. Cứ tháng đó, theo cơn gió đó, theo con nước đó... để dong thuyền, hướng về ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ít thì 7 - 10 ngày, nhiều thì từ 15 - 20 ngày, có khi cả tháng mới trở về đất liền”, ông Sành nói.

Ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa từ đời tiên tổ đã là ngư trường truyền thống của ngư dân VN

Ông Hồ Đình Thủy, thuyền trưởng tàu cá QT 90709 TS

Ngày ra quân đánh cá vụ nam, với ngư dân địa phương là một ngày trọng đại, cần được sự “cho phép” của biển cả, cần dấy lên những khát vọng trong bạn thuyền để có khí thế, mong chuyến tàu ăm ắp cá tôm khi trở về. Nhưng khoảng chừng 15 năm trở lại đây, ngư phủ đã không “ra quân” một mình mà được chính quyền tổ chức những buổi lễ rất long trọng, cờ hoa phất phới, diễn ra khoảng tháng 3 dương lịch sau Tết Nguyên đán. Có năm, lãnh đạo tỉnh cũng về trực tiếp, đánh trống thúc giục những đoàn tàu xa bờ xuất phát. Trong ánh bình minh, giữa những hồi trống vang dội, đoàn tàu hướng ra Biển Đông. Trên bờ, những người mẹ, người chị, người em đứng vẫy cờ phất nón, tiếp sức cho chuyến đi dài của họ.
“Quen rồi, chúng tôi chờ ngày ra quân đánh bắt vụ nam như là dấu mốc cho mùa đánh bắt mới. Cứ nghe tiếng trống là hừng hực trong người, như kiểu “trống trận” ngày xưa gọi quân binh lên đường”, ngư dân Võ Lới, ngụ xã Gio Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị) nói.

Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đánh trống thúc giục ngư dân địa phương ra khơi đánh bắt cá vụ nam  ẢNH: THANH LỘC
Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đánh trống thúc giục ngư dân địa phương ra khơi đánh bắt cá vụ nam ẢNH: THANH LỘC
Đi biển có bạn, sá gì “tàu lạ” !
Qua rồi thời những ngư phủ Quảng Trị “liều mạng” vươn khơi xa với những chiếc tàu bé tẻo teo, công suất nhỏ, đến gió cấp 5 còn không trụ vững. Ngày nay, cùng với Nghị định 67 của Chính phủ, hàng trăm con tàu đánh cá xa bờ ở Quảng Trị đã được đóng mới, cải hoán... Và cũng qua rồi thời ngư phủ Quảng Trị lẻ loi trên biển lớn mênh mông, bởi họ đã tập hợp nhau lại thành những đội nhóm sản xuất trên biển.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị, địa phương đã thành lập trên 110 tổ, đội sản xuất trên biển với hơn 2.600 ngư dân tham gia. Ngư dân có tàu cá công suất lớn từ 90 CV trở lên cũng được hỗ trợ hàng chục tỉ đồng mỗi năm, để khuyến khích vươn khơi...
Còn thực tế đánh bắt trên biển, có vẻ như những thứ gọi là “Quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông” do Trung Quốc áp đặt phi lý trên Biển Đông, gồm một phần và quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền bao đời nay của Việt Nam, không hề có giá trị gì với những ngư phủ Quảng Trị vươn khơi đánh bắt cá vụ nam. Ông Hồ Đình Thủy (trú thôn 4, xã Gio Hải, H.Gio Linh, thuyền trưởng tàu cá QT 90709 TS) quả quyết: “Ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa từ đời tiên tổ đã là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Lẽ nào vì cái “lệnh cấm” đơn phương, bị cả cộng đồng quốc tế phản đối mà mình bỏ đi thì có lỗi với tiên tổ. Nói thật, chúng tôi không mấy ai quan tâm đến cái lệnh vô lý đó”, ông Thủy nói.
Ngư dân Nguyễn Công Thành ở xã Gio Việt (H.Gio Linh, thuyền trưởng tàu cá QT 93557 TS) cũng khẳng khái nói rằng phía Trung Quốc càng cấm đánh bắt thì ngư dân càng phải đồng tâm hiệp lực, đoàn kết ứng phó.
“Trên biển, ngoài việc làm kinh tế, chúng tôi tự hào là phên giậu của nước nhà. Chúng tôi ra khơi với quy mô từ 5 - 10 tàu/tổ, đánh bắt cách nhau từ 2 - 3 hải lý và luôn giữ thông tin liên lạc bằng máy thông tin liên lạc tầm xa (ICOM), máy giám sát hành trình, để có thể hỗ trợ lẫn nhau. Và hơn hết, chúng tôi biết lúc nào cũng có các lực lượng thực thi pháp luật của nước ta đồng hành, bảo vệ, giúp ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản”, ông Thành quả quyết.
Họ tộc vươn khơi và những ngôi nhà đẹp
Với việc quyết không từ bỏ ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa trong vụ nam, cá nặng lưới đầy đã trở về cùng rất nhiều chuyến biển của ngư dân Quảng Trị. Chỉ trừ khi quá xui xẻo, gặp sự cố trên biển, hầu hết những chuyến biển vụ nam đều mang về cho ngư dân thu nhập từ 150 - 500 triệu đồng/tàu, sau khi trừ chi phí.
Như ngư dân Bùi Đình Bảo, với con tàu vỏ gỗ công suất 700 CV, sau mỗi chuyến chừng 15 ngày ở Hoàng Sa cùng 6 bạn thuyền thu được trên dưới 10 tạ cá thu, cá ngừ, mực ống... “Năm nay, số lượng đánh bắt không cao do thời tiết bất lợi, mưa bão quá nhiều nhưng bù lại giá hải sản rất cao. Cá thu có thời điểm giá gần 300.000 đồng/kg, cá ngừ hơn 100.000 đồng/kg nên hầu như các tàu xa bờ đều có nguồn thu nhập khá lớn. Riêng tàu của tôi, sau khi chia cho thuyền viên 10 triệu đồng/người thì gia đình tôi cũng có lãi khoảng 200 triệu đồng/chuyến”, ông Bảo nói.
Chính vì thế, ở TT.Cửa Việt và xã Gio Việt (H.Gio Linh) nay đã hình thành những họ tộc danh tiếng trong đánh bắt cá xa bờ. Cần phải nhắc đến đầu tiên là họ tộc Bùi Đình, tiếp đến là Bùi Chí, Võ, Võ Văn... Ở những dòng họ này, khi lớp người đi trước vẫn đang ăn nên làm ra trên biển thì lớp người đi sau cũng đã kịp lớn lên, đóng tàu, gọi bạn vươn khơi. Hầu hết họ là chủ nhân của những ngôi nhà đẹp ở làng biển.
Khi nhìn thấy những ngôi nhà của họ, hãy trầm trồ thay vì ghen tị. Bởi để có những thành quả đó, được sống trong những ngôi nhà đó, họ đã dám đối đầu với những hiểm nguy trên biển, từ cuồng nộ thiên nhiên đến chiêu trò của “tàu lạ”.
Với nhiều người, ngư phủ đánh cá vụ nam là những “cột mốc sống” đầy tự hào, can trường trước sóng gió, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc giữa trùng khơi... Nhưng có vẻ họ cũng không suy nghĩ nhiều như vậy, bởi với người ngư phủ, đơn giản vụ nam là cuộc chinh phục không bao giờ ngơi nghỉ!
Số liệu từ Chi cục Thủy sản thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, tính đến cuối năm 2020, Quảng Trị có 372 tàu cá xa bờ chiều dài từ 15 m trở lên, thường xuyên đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Chỉ tính riêng “thủ phủ” Cửa Việt đã có hơn 100 tàu có công suất 400 - 1.000 CV, chủ yếu làm nghề lưới rê bùng nhùng khai thác cá ngừ và cá thu, nghề pha xúc kết hợp vây rút chì, nghề chụp mực kết hợp với lồng bẫy ghẹ, ốc hương.
Theo Nguyễn Phúc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.