Để lời ru không buồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bầu trời xanh tỏa nắng xuống sân bóng phơi kín cà phê ở buôn Duệ (xã Đinh Lạc - Di Linh), những ngôi nhà bên cạnh cũng phơi đầy cà phê trong sân. Thỉnh thoảng có vài chiếc xe máy chở hàng hóa cồng kềnh chạy trên đường bê tông vào buôn gây ồn ã không gian một tí rồi cảnh vật trở nên yên tĩnh. Buổi sáng đẹp trời ở buôn Duệ nhưng lòng chúng tôi không vui khi bước vào căn nhà cấp bốn để nghe câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ hẹn hò bên sân bóng rồi cô gái nghỉ học bắt chồng khi mới 16 tuổi.

 

Bà ngoại địu cháu phơi cà phê ở sân bóng thôn Duệ - xã Đinh Lạc
Bà ngoại địu cháu phơi cà phê ở sân bóng thôn Duệ - xã Đinh Lạc


 
Nguyên nhân 50/50

 
Trong ngôi nhà nhỏ chất đống những bao lúa ở một góc phòng khách vừa làm phòng ngủ, bên ghế salon Ka Ly ngồi bồng con đã 9 tháng tuổi và chồng cô là K’Sol (21 tuổi) cùng trò chuyện với chúng tôi. Cán bộ dân số của tỉnh, huyện và xã cùng các phóng viên báo, đài truyền hình của tỉnh ghi lại câu chuyện đôi vợ chồng kết hôn khi còn quá trẻ. K’Sol nói rằng em có việc làm ở công ty xuất khẩu khoai lang sang Nhật Bản đóng ở trên địa bàn, nhưng vì trưa nay em sẽ đi dự tiệc cưới trong làng nên xin nghỉ việc một ngày; còn Ka Ly thì không có việc làm chỉ ở nhà trông con nhỏ.
 
Ka Ly cho biết: “Chúng em mới làm lễ hỏi, 3 chỉ vàng, chứ chưa làm lễ cưới vì Cha ở nhà thờ nói khi nào đủ tuổi kết hôn Cha mới làm lễ cưới”. K’Sol kể: “Cùng là bạn học, tới lớp 10 là chúng em nghỉ học lấy nhau. Bây giờ Ka Ly 17 tuổi đã có con 9 tháng”. Anh cán bộ dân số tỉnh hỏi vui: “Có phải là cậu nghỉ học rồi kết hôn hay lỡ có con rồi ta về ở với nhau?”. “Ồ 50/ 50, chúng em học cùng trường nhưng khác lớp, yêu nhau được 2 năm, buổi tối thường hay hẹn hò ở sân bóng bên nhà vợ đây!” - K’Sol cười trả lời. Ka Ly cho biết thêm: Đây là nhà của bố mẹ em, cả hai người đều đã đi làm vườn rẫy, em có một anh trai đã lấy vợ nên sống ở bên nhà vợ. Trong nhà nhỏ chỉ đủ kê một chiếc giường cho đôi vợ chồng trẻ và đứa con nhỏ, còn chỗ ngủ của bố mẹ trải chiếu ra phòng khách này”.
 
Chị Nguyễn Thị Quế - Chuyên trách dân số xã Đinh Lạc với kinh nghiệm 10 năm công tác tại địa bàn cơ sở cho biết: Do ảnh hưởng phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào DTTS nên học sinh nghỉ học là kết hôn sớm, nhất là các em gái nghỉ học sớm bắt chồng sớm. Tình trạng này xảy ra ở 2 thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống là thôn Duệ và thôn Kao Quynh. Không hẳn là nguyên nhân vì lỡ mang thai ở tuổi vị thành niên nên kết hôn sớm mà nguyên nhân sâu xa là do phong tục tập quán của đồng bào. Qua thống kê các cặp tảo hôn, năm 2020 có 3 cặp, năm 2019 có 2 cặp thì chỉ có trường hợp em Ka Ly là đã có con”.
 
Chúng tôi đến thăm Trạm Y tế xã Đinh Lạc đúng ngày có đông các bà mẹ đưa con từ 6-26 tháng tuổi đến uống Vitamin A. Ở đây, cán bộ dân số phỏng vấn nhanh một phụ nữ DTTS đang địu con nhỏ trong lúc đợi đến lượt cân đo trẻ, chị cho biết mình 33 tuổi đã sinh được 5 con và hiện không áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại nào.
 
Ông Đặng Đình Dũng - Trưởng Trạm Y tế Đinh Lạc cho biết: Trạm Y tế vừa được UBND tỉnh công nhận lại đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Xã Đinh Lạc có 2.889 hộ với 10.353 nhân khẩu, trong đó, có 2/ 11 thôn đồng bào dân tộc K’Ho với 680 hộ, 3.040 người (chiếm 29,3% dân số). Qua thống kê tình trạng tảo hôn: năm 2016 có 6 cặp, năm 2017 có 2 cặp; năm 2018 có 3 cặp; năm 2019 có 2 cặp; năm 2020 có 3 cặp. Theo dõi từ năm 2016-2020 không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Tình hình sinh con thứ ba trở lên: Năm 2016 có 21 cặp; năm 2017 có 20 cặp; năm 2018 có 19 cặp; năm 2019 có 18 cặp và năm 2020 có 16 cặp (tỉ lệ sinh có thứ ba trở lên 12,3%).


 

Chị Nguyễn Thị Quế - Chuyên trách dân số xã Đinh Lạc đang thăm và tư vấn sức khỏe KHHGĐ cho cặp vợ chồng Ka Ly - K’Sol kết hôn sớm ở thôn Duệ - xã Đinh Lạc
Chị Nguyễn Thị Quế - Chuyên trách dân số xã Đinh Lạc đang thăm và tư vấn sức khỏe KHHGĐ cho cặp vợ chồng Ka Ly - K’Sol kết hôn sớm ở thôn Duệ - xã Đinh Lạc



Mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn
 
Ông Trương Quốc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác dân số xã, cho biết: Xã Đinh Lạc đã được công nhận nông thôn mới từ năm 2016 và hiện đang làm các thủ tục công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trên địa bàn xã có thôn Duệ và thôn Kao Quynh với khoảng 700 hộ đồng bào DTTS K’Ho. Nhiều năm qua, xã đã triển khai thực hiện mô hình phòng chống tảo hôn, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục giới tính, duy trì hoạt động hàng năm. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên phối hợp với trường học (Trường THCS Đinh Lạc) tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính cho vị thành niên, nhờ vậy, tình trạng tảo hôn đã giảm hàng năm kể từ khi xây dựng mô hình này.
 
Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2020 với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng. Đề án triển khai thực hiện trên địa bàn các xã vùng khó khăn có đông đồng bào DTTS sinh sống, vùng có nguy cơ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao; học sinh các dân tộc có phong tục tập quán liên quan tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang theo học tại các trường dân tộc nội trú có xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đề án nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng DTTS trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Đồng thời, tạo sự đồng thuận xã hội nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn lực vùng DTTS trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Các hoạt động chính của đề án: khảo sát, điều tra thu thập thông tin; tổ chức biên soạn tài liệu, sản phẩm truyền thông phục vụ công tác tuyên truyền; duy trì và xây dựng mô hình điểm; tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và phổ biến kinh nghiệm tuyên truyền… Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố phối hợp Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo các trường triển khai thực hiện các mô hình điểm. Theo đó, có 12 mô hình điểm gồm: tiếp tục duy trì 4 mô hình tuyên truyền thường xuyên tại xã Đạ Quyn (Đức Trọng), Liêng Srôh (Đam Rông), Trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Di Linh; nhân rộng 5 mô hình tuyên truyền thường xuyên tại các xã: Đa Nhim (Lạc Dương), P’roh (Đơn Dương), Bảo Thuận (Di Linh), Phước Lộc (Đạ Huoai), Quốc Oai (Đạ Tẻh), Phước Cát II (Cát Tiên); xây dựng mới 3 mô hình tuyên truyền luân phiên tại các xã Lộc Bảo, Lộc Nam (Bảo Lâm), Tà Nung (Đà Lạt).
 
Hy vọng rằng, cùng với việc xây dựng các mô hình này gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ hủ tục như tảo hôn và hôn nhân cận huyết, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe đồng bào vùng DTTS, xây dựng buôn làng ngày càng văn minh, tiến bộ.

Phóng sự: DIỆU HIỀN
(Dẫn nguồn LĐ online)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.