Tôi đi làm công nhân - Kỳ 4: Tôi đi làm ca đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đầu óc trống rỗng, người lơ ngơ như chân không chạm đất, mắt khô khốc, cay xè. Ngày trằn trọc không ngủ được, khi chợp mắt lại mơ màng, mệt lả không muốn dậy… Đó là trạng thái của tôi những ngày đầu làm ca đêm.
 
Công nhân làm đêm mệt mỏi, ngả lưng ít phút trong khu tủ cá nhân - Ảnh: TÂM LÊ
Công nhân làm đêm mệt mỏi, ngả lưng ít phút trong khu tủ cá nhân - Ảnh: TÂM LÊ
Dòng người đi ngược
Làm được một tuần ca ngày thì dây chuyền nhà máy tôi làm ở KCN Vsip Bắc Ninh chuyển sang làm ca đêm, suốt từ 20 giờ tối đến 8 giờ sáng. Công việc không thay đổi, chỉ có trạng thái sinh lý của công nhân mới như tôi bị thay đổi so với thường ngày.
Với công nhân từng đi làm công ty, ca đêm không còn là chuyện lạ. Để tận dụng tối đa dây chuyền sản xuất, các nhà máy thường chia ca cho công nhân làm việc. Công ty nào có chế độ ưu đãi tốt thì tăng mức phụ cấp ăn uống.
"Cơn buồn ngủ thường kéo đến lúc 2 giờ sáng, rồi 4 giờ, 6 giờ có thể lặp lại" - chị Hoàng Thị Yên, công nhân trọ tầng dưới, cho tôi biết. Một người khác động viên tôi chỉ khó khăn thật sự vào tuần đầu, sau sẽ quen hết. Nhưng chị Yên nói ba năm rồi chị chưa hết buồn ngủ khi làm ca đêm. Tôi đã chuẩn bị tâm lý, dù chưa bao giờ phải làm việc xuyên đêm liên tục.
Màn đêm buông xuống, công nhân ca đêm lại bắt đầu "ngày làm việc mới" của mình. Ngoài đường, dòng người đi xuôi để trở về, còn chúng tôi đi ngược phía họ.
Nhưng sau lớp cửa từ của nhà máy, tôi khó phân biệt được ánh sáng của đêm hay ngày. Không khí lao động vẫn hừng hực, cả ngàn công nhân đang đứng dây chuyền miệt mài sản xuất. Chúng tôi đến thay ca cho những công nhân làm từ 8 giờ sáng đến 20 giờ tối, thời gian giao ca chỉ diễn ra khoảng mười phút.
Khu vực làm ca đêm của tôi vẫn bốn dây chuyền hoạt động y như ban ngày, quản lý, tổ trưởng, tổ phó, nhân viên kỹ thuật đều có mặt. Sản lượng đêm nay của dây chuyền yêu cầu đạt mức 3.800 sản phẩm, cũng bằng với mức sản lượng ban ngày.
23 giờ, nghỉ giải lao, ăn đêm, phòng ăn vẫn chật kín công nhân và vẫn phải xếp hàng. Các món ăn đầy đủ như ban ngày, tại cửa phát cháo công nhân xếp hàng đông hơn cả, vì nhiều cô gái chọn "ăn cháo cho nhẹ bụng".
Sau bữa ăn, công nhân kéo lên phòng trà - cà phê rất đông. Có một siêu thị nhỏ bên trong bán đồ ăn uống nhẹ và lại xếp hàng. Ai cũng chọn mua những thứ có thể đẩy lùi cơn buồn ngủ, như nước tăng lực "bò húc", cà phê, kẹo bạc hà. Tôi cũng mua cà phê uống, nhưng cơn ho kéo đến khiến tôi phải chuyển sang ngậm kẹo.
Một số công nhân nhanh chân về dây chuyền, gục xuống bàn để tranh thủ chợp mắt. Cảnh tượng không có gì lạ, ban ngày cũng diễn ra như vậy. Nhưng phòng ăn xa, lại phải xếp hàng qua các lượt cửa từ nên thời gian bị rút ngắn lại.
Thời điểm sau 12 giờ đến 4 giờ sáng, một số công nhân buồn ngủ phải đứng lên rửa mặt. Nam công nhân ngồi đối diện tôi kể chuyện tếu, mỗi người góp vào một câu về các món ăn đặc sản vùng miền, điểm du lịch, chuyện yêu đương nam nữ. "Thấy kể chuyện trai gái thì ai cũng tỉnh như sáo là sao nhỉ?" - cậu ta nói từ ngày mai sẽ kể tiếp cho tỉnh ngủ.
Dây chuyền vẫn chạy đều đều, sản lượng báo trên máy tính đạt. 4 giờ sáng thêm một lần ăn đêm nữa, nhưng một số bỏ ăn để ngủ, tôi cũng không thấy đói. Đêm đầu tiên trôi qua nhanh, chưa thấy nhiều vẻ mệt mỏi như những ngày tiếp theo.
 
Công nhân vào ca đêm khi trời đã tối mịt - Ảnh: TÂM LÊ
Công nhân vào ca đêm khi trời đã tối mịt - Ảnh: TÂM LÊ
Ho, sốt và thèm ngủ
Ca đêm tan lúc 8 giờ sáng, lại có công nhân ca ngày vào thay thế. Bên ngoài trời đã sáng tỏ, ánh nắng chiếu vào mắt nhăn nhó vì một đêm không ngủ.
Sang ngày thứ hai, thứ ba của ca làm đêm, nhiều công nhân mà trong đó có tôi đã lộ vẻ mệt mỏi, cộng với gió mùa về làm dịch cúm bùng phát. Nửa đêm, một nam công nhân đầu dây chuyền phải lên phòng y tế nằm, hôm sau thì đến lượt tôi.
Làm đêm thì công nhân phải cố gắng ngủ ngày. Vốn dĩ tôi ít ngủ ngày, cảm giác đặt lưng xuống giường, nhắm mắt lại cũng khác khi xung quanh mọi thứ đang thức. Tôi đóng kín cửa phòng, cố nhắm mắt trong tĩnh lặng thì tiếng nhạc từ nhà hàng xóm vọng sang. Tiếng người đi đường cười nói, tiếng khoan đục canh cách của hai xưởng gỗ quanh xóm hôm nay đều nghe rõ hơn mọi hôm.
Đêm thứ ba, tôi bị ho kèm theo những cơn sốt nhẹ nhưng vẫn cố gắng làm việc được. Khoảng 2 giờ sáng, ai cũng bị cơn buồn ngủ hành hạ, chỉ ước có chiếc giường bên cạnh ngả lưng thì sẽ ngủ một giấc như chết. Câu chuyện hài của cậu công nhân đối diện không còn tác dụng "giải buồn ngủ", nhưng con trai khỏe sức hơn con gái nên vẫn làm hăng hái.
Cúm mùa làm nhiều công nhân trong dây chuyền sụt sịt, khục khặc ho. Một công nhân nữa phải lên phòng y tế. Tôi cũng làm một bịch thuốc ho, hạ sốt mang vào tủ đồ cá nhân để uống.
Ngày thứ tư thì tôi mệt lả, sốt triền miên. 11 giờ đêm mọi người đi ăn thì tôi nằm gục trên dây chuyền thiếp đi, chốc chốc cơn ho lại đánh thức. Thuốc ở tủ đồ xa quá, tôi cảm thấy không đủ sức lực để đi. Gần 1 giờ sáng, Ngần - tổ trưởng dây chuyền - bảo tôi lên phòng y tế lấy thuốc uống, nhưng không cử ai dẫn đường. Cô vẽ đường bằng miệng và tay, tôi phải vừa đi vừa hỏi bảo vệ.
Phòng y tế nằm bên hành lang phía ngoài khu sản xuất, chừng 400m cách chỗ tôi làm việc. Có một bác sĩ nam túc trực, hai công nhân nam đang trình bày bệnh tình. Bác sĩ đưa cho cậu ta một liều thuốc, cậu lại xin thêm một liều nữa nhưng bị từ chối, vì quy định không được phép.
Đến lượt tôi báo biểu hiện ho sốt lâu ngày, vị bác sĩ lấy máy đo nhiệt độ bấm vào bên dưới vành tai và kết luận sốt. "Chị đang uống loại thuốc nào?" - "Siro và amoxicillin" - tôi trả lời. Vị bác sĩ liền ra kệ thuốc nhặt một số loại, đủ liều rồi bảo tôi uống ngay.
Sau đó, vị này bảo tôi ký vào sổ rồi về, nhưng tôi hỏi xin nghỉ lại một chút, anh ta chỉ sang phòng bên có nhiều giường bệnh. Có 6 giường trải drap trắng, phía góc tối đang có hai công nhân nữ nằm. Một người bị hạ huyết áp, người kia không rõ bệnh gì nhưng cả hai đang ngủ trong yên tĩnh.
Tôi nằm một góc, thi thoảng cơn ho nổi lên kéo dài, lại lo lắng hai bệnh nhân kia bị đánh thức. Vừa chợp mắt, đã thấy bác sĩ đánh thức báo với tôi hết giờ nghỉ, thời gian vừa tròn một tiếng. Không hỏi han hay thăm khám xem tình trạng bệnh nhân thế nào, vị này chỉ dặn tôi cần mua thuốc liều cao hơn, uống liều nhẹ như cũ sẽ không khỏi.
Đồng hồ trên tường chỉ 2 giờ sáng, một nữ công nhân cùng rời phòng với tôi. Trên đường về dây chuyền sản xuất, tôi bước trên mặt đất mà người như đang bay, toàn thân cảm giác lạnh toát.
Cuối cùng cũng về đến dây chuyền, hai công nhân nam đã gắng làm thêm cả phần việc của tôi, họ còn xin tổ trưởng để tôi nghỉ không phải tăng ca. Nhưng tổ trưởng nói không thể nghỉ vì đã có hai người xin, nghỉ nữa dây chuyền sẽ bị trống.
Gần 4 giờ sáng tôi lại sốt, tổ phó dán cao vào thái dương cho tôi, còn tổ trưởng bảo lên phòng y tế nghỉ tiếp. Tôi chẳng còn sức lực để đi nữa, cứ vạ vật ở dây chuyền, quản lý cũng chẳng buồn nhắc tôi phải ngồi nghiêm túc nữa.
Hai ngày sau, sức khỏe của tôi khá lên, nam công nhân cùng công đoạn lại nhiễm cúm. Tôi cố gắng để làm thêm phần việc như hôm trước họ đã gắng giúp tôi. "May người này ốm, người kia khỏe để gánh việc mới không bị ùn hàng, ốm hết thì gay to" - công nhân nam nói.
Sang tuần, chúng tôi được thông báo làm ca ngày, tôi thấy vui hơn trong khi một công nhân có kinh nghiệm nói: "Hai tuần đêm, hai tuần ngày còn đỡ, thay đổi liên tục mỗi tuần càng mệt".
Trải những đêm trắng tăng ca, tôi đã thật sự hiểu đời công nhân!

Ngậm chanh cho đỡ buồn ngủ

Biết tôi là "lính mới" chưa quen lấy đêm làm ngày, những công nhân lâu năm ở xóm trọ thôn Đại Vi, xã Đại Đồng (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) bày cách mang theo một quả chanh cắt lát. Lúc nào buồn ngủ quá ngậm một miếng chua lét sẽ tỉnh người ra, hoặc lên căngtin uống cà phê, nước "bò húc" tăng lực.

******************
"Ở nhà lấy đâu ra lương, đi làm thì xin được làm chủ nhật để có thêm tí tiền, thì anh ấy bảo ngày nghỉ cũng không về quê, ở lại mà hú hí".
Kỳ tới: Những nỗi lòng sau giờ làm
TÂM LÊ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).