Tôi đi làm công nhân - Kỳ 3: Bát canh chia nhau ở xóm trọ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quanh khu công nghiệp (KCN) khan hiếm phòng trọ, tôi phải tìm thuê ở xa công ty nhưng đổi lại xóm yên tĩnh. Công nhân cùng cảnh xa quê, tình thân quý như một gia đình.

Góc phòng trọ với những hũ rau củ muối của cặp vợ chồng công nhân - Ảnh: TÂM LÊ
Góc phòng trọ với những hũ rau củ muối của cặp vợ chồng công nhân - Ảnh: TÂM LÊ
Mời cơm từng phòng
Xóm trọ của tôi nằm sâu trong khu dân cư thôn Đại Vi, xã Đại Đồng (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) cách công ty tầm 4km. Dãy nhà trọ hai tầng, có 10 phòng khép kín, diện tích 12m2 một phòng. Về chất lượng thì phòng không tốt cũng không quá tệ với nhu cầu của công nhân.
Nếu ở một mình thì vừa đủ, nhưng để tiết kiệm và bớt buồn, có phòng ở ghép đôi, phòng hai vợ chồng. Con cái phải gửi ở quê cho ông bà, vì giờ giấc đi làm hạn hẹp nên các cặp vợ chồng không thể mang con cái theo cùng.
Giá tiền 500.000 đồng cho một người ở, nếu ở thêm người sẽ thêm tiền. Phòng trọ lợp mái tấm ximăng, tất nhiên là không có nước nóng lạnh, máy điều hòa. Một công nhân lâu năm động viên tôi: "Mùa hè chỉ nóng ban ngày, ráng chịu sẽ quen thôi, ban đêm đỡ hơn".
Giá điện 3.000 đồng một số, nước 60.000 đồng một tháng. Chủ nhà mắc cho cả xóm một vòi nước máy nhưng chỉ được dùng để nấu ăn, còn tắm giặt bằng nước giếng khoan.
Một nhược điểm nữa là hệ thống vệ sinh kém chất lượng nên không ngăn được mùi hôi thối ngược lên từ cống thoát nước. 
Chị Hoàng Thị Yên, người vừa chuyển phòng, bày cho tôi cách: "Xả nước vào chậu, rồi đặt chậu lên miệng cống sẽ bớt mùi". Nhưng cũng có hai điều "động viên" tôi ở phòng trọ là chiếc giường bằng sắt chắc chắn và khung cửa sổ có tán cây vú sữa thấp thoáng che ánh nắng.
Công nhân trong xóm phần lớn quê ở Thanh Hóa và Hòa Bình, một người quê Tuyên Quang, một người quê Ba Vì và một bạn trẻ ở Bắc Giang là tỉnh gần nhất. Tuy trọ cùng nhau nhưng người làm ca đêm, người làm ca ngày nên hiếm khi có mặt ở nhà đầy đủ.
Người làm ca đêm thì ngày ngủ và ngược lại. Một tháng công ty lại đổi ca, lúc hai ca, khi lại ba ca. Chủ nhật có công nhân vẫn tranh thủ làm thêm, vì tiền công cao gấp đôi ngày thường nên ai cũng ao ước dù cả tuần vất vả không được nghỉ ngày nào. Dây chuyền của tôi ngày nào cũng tăng ca từ 8 lên 12 tiếng, về nhà tắm rửa xong đã 10 giờ tối.
Thi thoảng xóm trọ được khuấy động bởi một, hai công nhân vui tính. Chị Hoàng Thị Yên có biệt danh "bà béo", 9 giờ tối chị đi làm về và ngày nào cũng phải chạy gõ cửa vài phòng để "tám" chuyện rồi ngủ mới ngon giấc. Có bữa nấu ăn mời bạn bè còn dư, chị bê nồi cơm và thức ăn đi khắp xóm hỏi ai đói thì ăn kẻo phí.
Có tối, chị Yên gõ cửa phòng tôi, ân cần thúc giục: "Có bát canh khoai ngon lắm, sẻ đôi cho Lam rồi, ăn đi cho nóng". Mắt tôi cay cay, húp chén canh như chưa bao giờ ngon đến thế. 
Công nhân nam tên Nghĩa ở dưới tầng một, làm ở công ty thực phẩm, có hôm về cũng vui vẻ mua vài gói bim bim, vài quả lựu đi các phòng chia cho từng người, chuyện trò tếu táo vài câu rồi về phòng ngủ.
Bữa nào sang hơn, các công nhân góp tiền mua vài lon bia, nước ngọt, gói đậu phộng, vài quả cóc, ổi, ngồi với nhau chuyện trò. Trong nhiều câu chuyện được bàn luận mỗi tối, chuyện tăng ca, tổ trưởng dây chuyền, hoàn cảnh éo le... được quan tâm hơn cả. 
Có bữa về, chị Yên bức xúc kêu tôi và một bạn nữ phòng bên ra hiên kể lể: "Hôm nay bực lắm, cái đứa con nhỏ, nhà mới xây đang thiếu tiền xin tăng ca mà tổ trưởng nhất định không cho. Lại cho mấy đứa trẻ khỏe, mới đến làm được vài hôm". Ở trong cuộc mới hiểu, công nhân khát khao được tăng ca thế nào!
Những ngày đầu chưa quen việc, thời tiết thay đổi, tôi bị ho sốt triền miên, mọi người động viên mang cho lọ dầu, quả cam. Đôi vợ chồng ở phòng ngoài cùng tầng, nấu cơm gọi tôi sang ăn cho mau khỏe. Những lúc ốm đau, càng hiểu rõ tấm lòng người lao động nghèo dành cho nhau!

Bữa liên hoan chỉ có cái lẩu rau và tí thịt của công nhân xóm trọ - Ảnh: TÂM LÊ
Bữa liên hoan chỉ có cái lẩu rau và tí thịt của công nhân xóm trọ - Ảnh: TÂM LÊ
Sau tiếng cười là ngập nỗi lo
Những tháng đi làm công nhân và ở cùng xóm trọ nghèo, tôi luôn cảm nhận nỗi lo quay quắt không được tăng ca. Khi chưa làm, tôi cứ nghĩ tăng ca là nỗi khổ của công nhân bị ép buộc, bây giờ đi đến đâu cũng thấy đó là mong ước của công nhân.
"Tăng ca mới đủ sống, không tăng có mà chết đói!"- câu trả lời như ném thẳng vào tôi khi hỏi lố sao lại thích tăng ca. Có rất nhiều thứ trông chờ lương công nhân vào cuối tháng. Thậm chí, có người đã làm 7 năm vẫn phập phồng lo lắng.
Chị béo vui tính có một con trai 15 tuổi, cậu bé đang ở với chồng cũ nhưng chị vẫn thường xuyên phải chu cấp tiền. Chị sống một mình, lại đang mang bệnh ung thư tuyến giáp, tuy lành tính nhưng hằng tháng phải đón xe lên Hà Nội khám, điều trị thuốc thang tốn kém.
Ít ai thấy chị buồn ra mặt, chỉ một lần làm ca đêm về chị đóng cửa sớm, hóa ra hôm đó có công nhân nói chị bị bệnh không được dùng chung đồ ăn. "Mình nghĩ nói ra bệnh tình họ sẽ thông cảm, đâu biết lại bị xa lánh, khinh bỉ" - giọng chị trĩu nặng.
Còn Nguyễn Văn Nghĩa quê ở Ba Vì, Hà Nội, làm ở công ty thực phẩm và có bố nhiều năm điều trị gút biến chứng ở bệnh viện Hà Nội. 
Tiền lương của Nghĩa và em gái đang làm công nhân ở KCN Thái Nguyên đều dành để chữa bệnh cho bố. Ngoài 30 tuổi, Nghĩa vẫn chưa lập gia đình, anh luôn tự ti vì chưa có khoản tiền nào tiết kiệm để tính chuyện riêng.
Với mức lương thâm niên 7 năm làm công nhân, chị Bùi Thị Hồng quê ở Hòa Bình vẫn than thở: "Được lương tháng nào hết tháng đó mà em". Mỗi tháng chị phải gửi tiền về để nuôi ba miệng ăn, gồm chồng và hai con ăn học. Chồng chị còn trẻ nhưng biếng làm, chỉ ngồi trông chờ vợ gửi tiền về ăn tiêu.
Có bữa chị điện về cho mẹ chồng than thở: "Con vừa chuyển khoản 2 triệu về cho bố con nó, giờ lại kêu hết. Tiền học của đứa lớn hết 200.000, mà anh ấy bảo con hết 600.000. Tiêu thế thì kiếm sao lại". Đợt nào chưa kịp gửi, anh chồng lại đón xe xuống ở mấy ngày, quanh quẩn hút thuốc lào, nấu ăn rồi dỗ khéo chị cho tiền về.
Cùng xóm trọ, hai phòng đồng hương Thanh Hóa của tôi cũng "hoàn cảnh". Đôi vợ chồng trẻ Sơn và Hoa ở huyện Thạch Thành lúc nào cũng quấn quýt nhau. Hằng ngày chồng đưa đón vợ đi làm rồi lại về nấu cơm. Có bữa 8 rưỡi tối chưa thấy Sơn ăn, thì ra hôm nào Sơn cũng đợi vợ về mới ăn. "Ăn một mình buồn, vợ về muộn hơn nữa cũng vẫn đợi" - Sơn xoa đầu cười nói.
Đến xóm trọ gần hai tháng, nhưng chỉ mình Hoa có việc làm. Bữa hai vợ chồng cùng đi tuyển dụng, Sơn thiếu giấy tờ hồ sơ nên không kịp nộp. Nhiều ngày tìm công ty khác để nộp đơn, đến nay Sơn vẫn chưa có nơi nào gọi đi làm.
Hơn một tuần nay công ty Hoa lại hết việc làm, công nhân phải tạm nghỉ và nhận lương cơ bản 70%. Hai vợ chồng Sơn đã đèo nhau về quê, nói khi nào công ty gọi điện mới ra.
Sát bên phòng tôi là Phạm Thị Ánh, cô làm cùng công ty với Hoa và cũng đang phải nghỉ việc. Cô than thở: "Cứ kéo dài tình trạng thì chết mất, tiền phòng trọ cũng không đủ ấy". Ánh đã ly hôn, chồng cũ không hỗ trợ nuôi hai con nhỏ nên mình Ánh phải cáng đáng. Bà ngoại bệnh tật lại phải trông hai cháu khiến Ánh càng thấp thỏm lo âu.
Bữa cơm chỉ có dưa xào, cá khô của vợ chồng Sơn ăn vẫn dư là mức tiết kiệm cao nhất tôi thấy. Chỗ góc phòng của đôi vợ chồng trẻ khác, cô vợ tên Lam làm cả chục hũ rau củ muối chua, nào măng, sung, cà, rau cải để ăn dần.

Ở xóm trọ nghèo của công nhân, tôi còn thấy nhiều cách tiết kiệm khác, như dù trời đã tối mà nhiều phòng vẫn chưa bật điện. Họ tiết kiệm từng tí để có thêm ít tiền gửi về quê cho con, cho cha, cho mẹ...

Đầu óc trống rỗng, người lơ ngơ như không chạm đất, mắt khô khốc. Ngày trằn trọc không ngủ được, khi chợp mắt lại mơ màng, toàn thân mệt lả không muốn dậy... Đó là trạng thái của tôi những ngày đầu làm ca đêm.
Kỳ tới: Tôi đi làm ca đêm
TÂM LÊ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.