Ông Cao báo bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Mỗi khi gió bão, tàu tôi đang giữa Biển Đông phải gọi liên tục về anh Cao nhờ xem giúp bão đi hướng nào để có kế hoạch đánh bắt và hướng tàu chạy tránh bão'.
Tàu đánh bắt xa bờ rất cần thông tin thời tiết kịp thời để tránh bão an toàn - Ảnh: HẢI LUẬN
Tàu đánh bắt xa bờ rất cần thông tin thời tiết kịp thời để tránh bão an toàn - Ảnh: HẢI LUẬN
Thuyền trưởng tàu mực xà (khơi xa) Nguyễn Ngọc Trai ở xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) kể chuyện.

Ban đêm, tôi đang nằm với vợ thì mấy bà vợ chủ tàu cá tỉnh Quảng Nam gọi điện hỏi thời tiết. Tôi phải bật loa ngoài lên cho bà xã nghe, kẻo vợ ghen.

NGUYỄN CAO

Trực tổng đài miễn phí 24/7
Ông Trai tâm sự tiếp: "Gần 10 năm nay, tôi nhờ anh Cao nhiều lắm nhưng chưa gặp mặt ảnh bao giờ. Vậy mà bất cứ cuộc điện nào yêu cầu trợ giúp, cho dù anh đang ngủ say lúc 2h, 3h sáng, anh vẫn nhẹ nhàng hướng dẫn cụ thể cho tàu tôi đến vùng biển an toàn, tuyệt đối không bao giờ khó chịu. Nhiều lần tôi đại diện các chủ tàu câu mực xà xã Bình Chánh đề nghị ảnh cho số tài khoản để anh em hỗ trợ tiền hằng tháng, nhưng ảnh nhất quyết không chịu".
Từ chia sẻ của thuyền trưởng Trai, tôi đã tìm gặp được ông Nguyễn Cao (50 tuổi, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang lái tàu kéo ở Cần Giuộc, tỉnh Long An. Tôi mới chào hỏi nhưng điện thoại ông lại đổ chuông, ông xin lỗi nghe điện thoại: "... 
Tàu ông đang neo tại đảo Đá Bắc (quần đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng) phải không? Ở ngoài đó đang có 3 chiếc tàu Quảng Ngãi núp gió. Ngày hôm nay và ngày mai, vùng biển Hoàng Sa và lên phía bắc vẫn có gió cấp 6 - 7, chưa đi được đâu...".
Ông Cao vừa dừng một lát, lại nghe và trả lời điện thoại: "... Gió dưới vùng biển nhà giàn DK1 còn lớn lắm, không đánh bắt gì được. Cứ cho tàu neo trong âu thuyền đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) chờ đi, đừng nôn nóng chạy xuống tốn dầu. Hai ngày sau anh điện lại, tôi xem chừng cho".
. Ông Nguyễn Cao với 2 chiếc điện thoại báo thời tiết cho các tàu đánh cá xa bờ - Ảnh: HẢI LUẬN
. Ông Nguyễn Cao với 2 chiếc điện thoại báo thời tiết cho các tàu đánh cá xa bờ - Ảnh: HẢI LUẬN
Mới 8h sáng, điện thoại ông Cao cứ reo liên tục, toàn tàu đánh cá ở ngoài Biển Đông gọi hỏi thời tiết ở vùng biển họ đang đánh bắt và các chỗ khác tàu có ý định di chuyển tới. 100% các cuộc gọi anh không lưu tên, vì người gọi đến anh chẳng biết mặt bao giờ.
"Ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... chuẩn bị ra khơi, họ gọi điện hỏi thời tiết ngoài biển như thế nào để chọn ngày xuất bến. Hiện giờ có gió lớn nên họ gọi hơi nhiều, từ 4h chiều đến 9h tối là lúc cao điểm nhất, nhiều lúc thuyền trưởng gọi liên hồi tôi quên cả ăn tối, máy điện thoại nóng ran. 
Gặp nhiều lúc nửa đêm, gà gáy cũng có nhiều tàu gọi điện, tất cả tôi đều nghe máy và trả lời cẩn thận cho họ. Biển Đông rộng lớn, sóng to gió lớn, tàu đánh cá nhỏ nhoi. Mình chỉ cho họ biết tránh né vùng biển phức tạp, cho tàu chạy vào chỗ nước êm để lợi dầu, đánh bắt hiệu quả, an toàn... Thế là họ đồn nhau và phổ biến số điện thoại của tôi ngoài biển. Có nhiều đội tàu Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau họ cũng gọi hỏi thời tiết thường xuyên" - ông Cao kể.
Ông Cao hiện có 2 máy điện thoại, một máy thông minh kết nối Internet truy cập vào các mạng dự báo thời tiết quốc tế, một máy "cùi bắp" để nghe và gọi với tàu đánh cá. Bất cứ làm việc gì, máy điện thoại của ông Cao cũng trực suốt 24 giờ/7 ngày trong tuần. 
Đa số trên tàu đánh cá xa bờ đều có loại máy Icom đường dài đăng ký qua tổng đài duyên hải, rồi kết nối với mạng viễn thông di động. Những tàu có điều kiện thì sắm loại máy trị giá gần 40 triệu đồng, gọi trực tiếp từ vệ tinh Vinasat vào máy điện thoại ông Cao.

Ông Nguyễn Cao theo dõi thời tiết trên mạng - Ảnh: HẢI LUẬN
Ông Nguyễn Cao theo dõi thời tiết trên mạng - Ảnh: HẢI LUẬN
Học kiến thức từ tàu hàng
Học hết lớp 12, ông Cao xuống tàu đi biển 10 năm. Nhiều đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (trừ những đảo bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp) và quần đảo Trường Sa, ông đã bước chân lên trên đảo. Chừng ấy năm sóng gió biển khơi, ông đã nếm đủ "mùi vị" nguy hiểm của đại dương, mấy lần xém bị chết vì gặp phải bão tố. Rồi ông chuyển ra cảng Đà Nẵng lái tàu kéo, sau đó phiêu bạt vào vùng sông nước Long An và TP.HCM.
Ông Cao kể lại câu chuyện duyên nợ: "Nhờ lái tàu kéo tôi mới lên được buồng lái tàu hàng, có lần nhìn thấy thuyền trưởng nhận một bản fax dự báo thời tiết từ đất liền gửi ra. Lạ quá, tôi tò mò hỏi thì được mấy anh lái tàu hàng giải thích, về sau tôi xin mấy tấm bản đồ hàng hải của tàu hàng thải ra mang về nghiên cứu. Lần khác, mấy anh tàu hàng chỉ cách xem trên các mạng dự báo thời tiết quốc tế".
Kết hợp kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm đi biển và nghiên cứu nhiều loại bản đồ hàng hải cùng các trang mạng dự báo thời tiết quốc tế, ông Cao bắt đầu điện chỉ dẫn cho tàu đánh cá của một người bạn thân tại đảo Lý Sơn. Chuyến biển nào bạn ông cũng làm trúng. Sau đó, mấy bạn tàu "méc miệng" cho người đảo Lý Sơn: "Cứ gọi điện ông Cao chỉ cho".
Thuận lợi cho ông Cao khi mới học cách xem trang mạng dự báo thời tiết quốc tế là do thường hay lái tàu kéo đi dọc biển Việt Nam nên có sự so sánh sóng biển thực tế. "Tôi điện báo với ông bạn ngày đó sẽ có cấp 6 nhưng thực tế trên biển không có gió. Thấy lạ, ông bạn "mắng vốn" báo chệch hướng rồi.
Về sau, tôi lái tàu đi trên biển kiểm nghiệm thực tế mới phát hiện trang mạng quốc tế lấy giờ nước ngoài, đối chiếu với biển Việt Nam nó chậm hơn 1 ngày. Bây giờ tôi khấu trừ, báo đúng y chóc" - ông kể.
"Điều quan trọng là anh báo hướng bão từ xa như thế nào cho bà con có thời gian tránh né?" - tôi hỏi thẳng vấn đề cốt tử trên biển.
"Có ba khâu quan trọng: Thứ nhất, bão hình thành từ xa, ngoài vùng biển Thái Bình Dương hướng vào Philippines thì sẽ vô Biển Đông. Mình phải xem kỹ trên các trang dự báo thời tiết cho biết bão sẽ vào vùng nào của Philippines, ở vùng đó có dãy núi cao như thế nào, đủ sức cản và làm thay đổi hướng của bão hay không? 
Thứ hai, xác định được nhiệt độ nước biển từng vùng chênh lệch nhau, kiểu gió thay đổi... Dự báo thời gian tới sẽ hình thành cơn áp thấp nhiệt đới và bão nằm trong khoảng tọa độ nào. Tôi yêu cầu tàu phải chạy lệch theo hướng nào cho an toàn. 
Thứ ba, hướng di chuyển tàu đến vùng biển khác đánh bắt cách xa 100 - 300 hải lý, phải tính toán độ sâu, độ cạn của biển để tránh không cho tàu chạy vào vùng biển có dòng chảy nguy hiểm".
Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Trai trải lòng về việc làm ý nghĩa của ông Cao: "Ngư dân thích anh Cao báo thời tiết từng vùng biển để đánh bắt. Nếu có gió bão, anh sẽ báo cho chúng tôi trước 7 - 10 ngày. Thời gian này đủ để chủ động sản xuất và cho tàu chạy trốn bão an toàn"...
“Ngư dân huyện đảo Lý Sơn đã nhờ anh Cao nhiều lắm về dự báo thời tiết, báo bão trên biển qua điện thoại. Mấy người trồng tỏi trên đảo cũng thường nhờ anh Cao dự báo khoảng thời gian nào có mưa to để không phải bơm nước tưới tỏi. Anh Cao đã làm công việc này nhiều năm rồi, không lấy của ai đồng tiền công nào” - ông Lê Huyn, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh (Lý Sơn, Quảng Ngãi) - cho biết.
“Thời gian này bão vào Biển Đông, miền Trung dồn dập, tôi phải hướng dẫn mấy thuyền trưởng đang đánh bắt cho tàu chạy tránh bão từ sớm. Cơn bão số 9, một số thuyền trưởng chủ quan, không nghe sự sắp xếp của chính quyền địa phương. Tôi phải điện gọi từng người để cảnh báo sức tàn phá của bão. Họ tin tưởng tôi và hợp tác với chính quyền” - ông Cao kể lại.
HẢI LUẬN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).