Cuộc thi viết "Từ trong ký ức": Nhớ lớp học đèn dầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong bóng tối, ánh những chiếc đèn dầu hắt lên như đom đóm, vừa chiếu sáng bóng đêm vừa khai sáng một vùng trời tri thức
Lớp trẻ ngày nay hẳn thấy lạ lẫm khi nghe lớp bổ túc văn hóa, đúng hơn là lớp "xóa mù chữ". Nhưng với không ít người, những buổi học dưới đèn dầu tù mù những năm 1980 là ký ức đẹp đẽ.
Đốt đèn dầu tìm tri thức
Một buổi chiều, thềm nhà tôi bỗng xếp đầy những chiếc đèn dầu. Tôi ngạc nhiên sao nhà mình có nhiều đèn như thế? Chị gái tôi, một cô giáo trẻ mới ra trường, bảo đèn dầu dành cho lớp học bổ túc văn hóa.
Ngôi trường cấp một của tôi, ban ngày dành cho trẻ con; ban đêm, một phòng học được dành cho người lớn.
Những năm 1980, ngôi làng nhỏ bé cạnh Quốc lộ 1 (hiện thuộc TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) của chúng tôi rất nhiều người không biết chữ. Thời đó điện chưa về làng nên nhà nước cấp đèn dầu cho những lớp học đêm.
Chị gái tôi mới ra trường, trẻ trung, nhiệt tình nên được phân công dạy lớp bổ túc văn hóa. Ban ngày chị dạy cho học trò nhỏ. Ban đêm chị dạy cho người lớn. Ban ngày tôi đi học. Ban đêm tôi cũng theo chị đi coi chị dạy học.
Tầm chiều tối, gà lên chuồng, ăn cơm xong thì các anh chị lớn tập trung ở sân nhà tôi. Ngày đầu tiên các anh chị tập trung rất đông, trai gái đủ cả, ríu rít chuyện trò. Những ngày sau thì thưa dần, nhất là những anh trai lớn. Chắc con chữ khó quá, nhớ nhức cái đầu nên nhiều anh lớn không muốn đi học. Chỉ còn những chị gái ngày nào cũng đến, chăm chỉ và kiên nhẫn.
Mọi người tập trung ở sân nhà tôi khúc khích chuyện trò. Tới giờ đi học, mỗi người lấy một chiếc đèn dầu, châm bấc, một tay cầm đèn, tay cầm sách vở bút, đi trên con đường làng tối để đến lớp học. Ôi chao sợ ma vì vắng vẻ! Trường học nằm ở đầu làng, giữa một vùng rộng vắng mênh mông, xung quanh là cánh đồng. Những ruộng lúa bình yên ban ngày nhưng ban đâm thì lập lòe ma trơi.
Chị tôi đi trước, các chị gái đi sau, một hàng đèn dầu lúc lặn xuống lúc bùng lên trong gió. Tôi lẽo đẽo theo, ôm sách vở thước giúp chị. Chúng tôi đi thành một hàng dài. Không đèn đường, không ánh điện, chỉ có ánh sáng chập chờn của những chiếc đèn dầu như đom đóm, như ánh sáng ma trơi giữa đêm thinh lặng. Một chút gió thổi qua ai nấy đều lo đèn tắt. Những bàn tay che bóng đèn cho khỏi gió. Chúng tôi cứ đi trong đêm tối, đến trường, đi tìm con chữ, đi tìm tri thức.
Những ma nữ tóc dài
Trong lớp học ngày đó tôi rất nhớ chị Phương. Nhà chị ở gần nhà tôi. Chị rất xinh đẹp, lanh lẹ, thông minh nhưng… không biết chữ. Ba chị đã định cư nước ngoài. Chị mắc cỡ khi đi học bổ túc nhưng cứ sợ bị mọi người chê lớn mà không biết chữ. Vì vậy, chị nói dối là đi học tiếng Anh, "để một ngày ba tôi có gọi về thì còn biết "hello" với ổng". Còn trong lòng, chị khao khát biết chữ để viết tên mình và… viết thư cho người yêu. Chị kể nhận thư người yêu mà chị không biết đọc, toàn nhờ người khác đọc giúp và bị chọc ghẹo.
Con đường đến trường dù chỉ trong làng nhưng vắng vẻ, đầy nỗi sợ. Ngoài vượt qua nỗi sợ hãi vắng vẻ còn phải vượt qua những thứ khác: tính siêng năng, kiên trì và sự xì xào của dư luận. Đi học bổ túc văn hóa coi như "lạy ông tôi ở bụi này", như báo cho mọi người biết tội… không biết chữ của mình. Có rất nhiều người lớn dù rất muốn nhưng không dám đăng ký học. Nhiều người đi học vài ngày rồi bỏ cuộc. Ai theo lớp học lâu dài phải dũng cảm và kiên trì lắm.

Cô Nguyễn Thị Kim Thúy, hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gò Đền (Ninh Thuận) - lúc là cô giáo của lớp học bổ túc văn hóa trong bài viết. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Cô Nguyễn Thị Kim Thúy, hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gò Đền (Ninh Thuận) - lúc là cô giáo của lớp học bổ túc văn hóa trong bài viết. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Những ngày khô ráo còn đỡ, những ngày mưa con đường đến lớp càng heo hút bởi gió lạnh và mưa buồn. Ướt lướt thướt, cô và trò chống chọi với bóng đêm khi những chiếc đèn dầu vụt tắt. Nhưng cả cô và trò đều là các cô gái mới lớn. Họ cười đùa trong bóng đêm. Tiếng cười khúc khích ngọt ngào, hồn nhiên. Có lẽ do trẻ nên người ta có thể vượt qua mọi khó khăn dễ dàng như thế.
Dù là một cô bé nhỏ nhưng tôi không thể nào quên lớp học ngày đó. Ban ngày trường học của chúng tôi đã vắng vẻ, bọn trẻ con hay nhát ma cho nhau là đã sợ rồi. Ban đêm các chị học càng nổi gai ốc hơn. Phòng học mở cửa nhìn ra đồng ruộng tối đen. Nhưng chẳng lẽ học mà đóng hết cửa. Ô cửa sổ mở ra, gió ruộng xộc vào, tiếng dế gáy, ễnh ương kêu làm tôi lúc nào cũng trong trạng thái lo sợ. Chị gái tôi đứng viết bảng, tóc cột đôi khi buông dài. Trên bàn chị ngoài sách vở là một chiếc đèn dầu. Bên dưới, mỗi bàn có hai, ba chiếc đèn dầu. Các chị gái cũng mới lớn như chị tôi, tóc cột đuôi gà hay xõa ngang vai. Có người mới gội đầu, mùi bồ kết còn thoảng bay trong gió.
Nhìn từ phía xa, lớp bổ túc giống như một lớp học ma. Những con ma nữ tóc dài và những ánh đèn chập chờn, chuyển động. Lâu lâu lớp học rộ lên tiếng cười. Học trong đêm tối vắng vẻ như thế nhưng cô trò dạy và học rất nghiêm trang, nghiêm túc. Cô dạy thật sự. Trò học thật sự. Phải học chớ. Không học là không biết chữ suốt đời. Học để viết tên mình. Viết thư cho người yêu. Viết thư cho người cha đang ở nửa vòng bên kia trái đất. Biết chữ để đọc những cuốn sách, đọc những dòng chữ tụi con nít viết bậy trên tường trêu ghẹo mình…
Mấy anh trai không đi học nhưng lại thích đi tán gái. Cứ chờ lớp học gần kết thúc, mấy anh lại xuất hiện, trêu đùa, gọi tên các chị, nhại bài vừa học. Nhờ có mấy anh mà lớp học xôn xao, nhộn nhịp. Cuối giờ học bao giờ cũng vui nhất vì mấy anh tháp tùng các chị về. Con đường khuya nhờ thế mà bớt hoang lạnh.
Không dễ lãng quên
Lớp học bổ túc văn hóa tồn tại một thời gian khá dài. Chị gái tôi dạy được vài khóa. Lớp này vừa biết chữ thì lớp mới vào. Những gương mặt học trò ngày càng trẻ. Gieo chữ trong đêm khó khăn, vất vả vậy mà "mùa gieo hạt" không thất bát. Rất nhiều người lớn trong làng biết chữ nhờ học lớp bổ túc văn hóa.
Chị Phương ngày nào không biết tên chị và tên người yêu, sau khi đi học đã biết viết lồng tên mình vào tên anh ấy, biết đọc những lá thư ba gửi về từ nửa vòng trái đất. Học xong lớp bổ túc, chị Phương còn định học thêm tiếng Anh. Các chị khác, lấy chồng xa quê, mang chút ít con chữ vừa mới học theo quê chồng xa ngút ngái. Ở nơi đó, nhờ con chữ, các chị cũng viết được thư về để hỏi thăm mẹ cha, em út. Cái thời điện thoại không có, những lá thư là cầu nối duy nhất cho người thân xa xứ.
Theo thời gian, lớp học không còn vì số lượng người không biết chữ trong làng đã ít. Những người trẻ đi học ban ngày rồi. Lớp học bổ túc đêm đóng cửa. Chị gái tôi đã hoàn thành nhiệm vụ dạy lớp bổ túc văn hóa đêm.
Bây giờ, điện đường đầy làng. Chỉ còn vài ngôi làng vùng núi, sâu, xa còn lớp học bổ túc văn hóa nhưng không dành cho người lớn mà dành cho trẻ nhỏ. Những em học sinh không học ban ngày thì sẽ học ban đêm. Lớp học ban đêm dưới ánh đèn ở những vùng ấy bây giờ cũng tiện nghi hơn những lớp học đèn dầu ngày cũ.
Cơn gió đêm lạnh thoảng qua cửa sổ tôi bỗng nhớ hàng dài những cô thiếu nữ mới lớn cầm đèn dầu đi học. Vui sao những đêm trăng, đèn có tắt cũng không cần thắp vội. Hàng dài các cô thiếu nữ cười khúc khích, đọc thơ, ôn bài, trêu đùa trong ánh trăng quê. Con đường đến trường qua những bụi keo, qua cánh đồng lúa xào xạc, đẫm ánh trăng, đẹp như một bài ca dao hay một bài thơ thuở nào.
Một lần tôi hỏi chị gái có nhớ lớp học bổ túc văn hóa thời đó không? Chị bảo nhớ. Rồi bảo dạy học ngày đó khổ và vui. Chị tôi, cô giáo tuổi hai mươi ngày nào giờ đã là một hiệu trưởng ngay tại ngôi trường làng. Những học trò chị, dù nhỏ hay lớn, học ngày hay đêm đều đã trưởng thành, đi tứ xứ.
Chị tâm sự rằng con người ta, nhiều khi làm một công việc nào đó, lặp đi lặp lại, không thấy kết quả hay ý nghĩa của nó. Nhưng thời gian trôi đi, nhìn lại, công việc ta tưởng chừng bình thường ấy lại có ý nghĩa không ngờ. Biết bao nhiêu người đã thoát mù chữ nhờ lớp học bổ túc văn hóa. Và tôi gọi đó là lớp học đèn dầu.
Ánh trăng ấy, con đường ấy, bóng đêm ấy, tiếng cười khúc khích của những cô gái mới lớn, nỗi khao khát học con chữ và dạy con chữ ấy… một thời không dễ lãng quên đâu. 
KHÁNH LIÊN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).