Cuộc thi viết "Từ trong ký ức": Chiếc mo cơm và tình bạn thời khói lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Trước đây nhà anh khá giả, vẫn đem mo cơm ở lại ăn trưa với tụi nhà nghèo như tôi thì tôi hiểu được cái tình của anh với bạn bè rồi" - Thiên nói và giúp tôi chuyển từ nghề chạy xe thồ sang làm giáo viên
Những năm trước ngày đất nước thống nhất, vì là vùng bán sơn địa nên cả một vùng rộng lớn quê tôi (nay là huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chỉ có một trường trung học đệ nhất (tương đương cấp II) với cái tên là Trường Trung học Bán công Hiếu Đức. Lũ học sinh chúng tôi hầu hết đều lớn tuổi nhưng được cha mẹ khai sinh nhỏ lại vừa được đi học, vừa trốn đi lính cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Như tôi sinh năm 1953 nhưng được sửa lại 1956.
Mo cơm thuở học trò
Đi học với chúng tôi ngày ấy là cuộc trường chinh vì nhiều đứa ở rất xa trường. Hành trang đến trường là một túi xách khâu bằng bao bố, trong đó có một ít sách vở và một phần cơm để ăn trưa vì thời đó chúng tôi học 2 buổi, nếu về nhà thì không kịp quay lại trường.
Trong lớp ngày ấy tôi có hai người bạn thân là thằng Lục và thằng Thiên, cả hai đều mồ côi cha nên gia cảnh khá khó khăn (sau này mới biết cha của hai đứa tập kết ra Bắc). Nhà tôi tuy ở gần trường nhưng sáng nào đi học, tôi cũng nói với mẹ gói cơm để trưa ở lại ăn cùng với bạn cho vui. Phần cơm của Lục và Thiên gói trong một chiếc mo cau, trong đó một ít cơm độn thêm khoai sắn, thức ăn có khi là muối mè, có khi là ít cá kho khô. Mo cơm của tôi thường có cá kho, thịt kho, trứng,… vì nhà tôi khá giả hơn. Và chúng tôi thường mang cơm ra ăn chung với nhau. Ăn xong, ba đứa lăn ra trên bàn học nằm nghỉ và tâm sự với nhau về chiến tranh và mong ước đất nước sớm thanh bình.
Bạn tôi là Việt cộng
Năm 1968, vào một đêm khuya, súng nổ vang trời ở hướng nhà thằng Thiên và thằng Lục. Sáng hôm sau, đến lớp chỉ có thằng Lục mà không thấy thằng Thiên đâu. Thằng Lục nó nói nhỏ vào tai tôi là thằng Thiên nhảy núi rồi (đi theo Việt cộng).
Vào giờ ra chơi, có mấy người lính xông vào lớp. Một người ra dáng chỉ huy hỏi: "Thằng Thiên sáng nay có đi học không". Cả lớp im lặng. Thầy giáo trả lời: "Sáng nay chưa thấy em Thiên đi học". Tên chỉ huy lạnh lùng nói: "Em Thiên cái gì, nó là Việt cộng nòi đó, trong lớp này, nó chơi thân với đứa nào đứng lên coi".

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Cả lớp im phăng phắc, tôi lo sợ, hai tay nắm chặt mép bàn. Thấy không ai trả lời, tên chỉ huy gằn giọng: "Thằng Thiên theo Việt cộng nhảy núi rồi, học không học lo theo Việt cộng, tao bắt được là bắn bỏ" rồi quay sang bọn lính vẫy tay ra hiệu đi về. Khi chiếc xe chở đám lính vừa ra khỏi cổng trường, tôi thở phào nhẹ nhõm. Sau buổi học ấy, tôi giận Lục đến mấy ngày, trách nó tại sao bạn bè thân thiết mà giấu tôi chuyện thằng Thiên là Việt cộng và ba của 2 đứa cũng là Việt cộng.
Về sau Lục giải thích nó phải giữ bí mật của gia đình, nếu lộ ra thì cả nhà gặp chuyện và chuyện học hành của nó, Thiên cũng bị ảnh hưởng. Khi hiểu ra chuyện, tôi không còn trách Lục và càng quý nó hơn.
Cuộc viếng thăm giữa bom đạn
Từ ngày thằng Thiên nhảy núi, tôi và Lục vẫn tiếp tục đi học. Đêm 30-10-1969, ngoài trời mưa tầm tả, tôi học bài xong thì đã khuya, chuẩn bị đi ngủ, bỗng nghe pháo sáng từ xa tạch đùng bắn lên, chớp sáng cả trời đêm, liền sau đó là tiếng súng vang rền. Cả nhà tôi thức giấc nháo nhào bò xuống hầm tránh đạn.
Hầm tránh đạn của nhà tôi nằm bên chái bếp, có một khung ván nhỏ thông ra ngoài, đậy sơ sài bằng tấm ván được phủ lên một lớp vải dầu mỏng.
Cả nhà chui xuống hầm được một lát thì có tiếng cộc cộc gõ liên hồi vào miếng ván và tiếng gọi "Học ơi, Học ơi". Cả nhà ai cũng run cầm cập vì không biết ai gọi. Ba tôi ra dấu bảo cả nhà im, ông bò lại miệng giở miếng ván lên thì một bóng đen chui tọt vào, trên mình mang đầy súng đạn.
Dưới ánh đèn dầu hỏa tò mò, tôi nhận ra thằng Thiên. Nó ra dấu cho mọi người im lặng, đến gần tôi và nói đêm nay nó về đánh chi khu nhưng bị lộ, chúng bắn rát quá nên phải rút lui. Nó tranh thủ ghé qua thăm tôi vì lâu ngày không gặp nhớ bạn quá.
Nghe Thiên nói tôi rất cảm động vì nguy hiểm kề bên vẫn còn nhớ đến bạn bè. Lúc ấy sẵn mấy cái bánh bắc (loại bánh làm bằng bột nếp và đường bên ngoài là giấy gương nhỏ đủ màu) mẹ cúng đầu tháng, tôi dúi vào tay nó. Cầm mấy chiếc bánh tôi đưa, nó lí nhí cảm ơn rồi bò lên miệng hầm. Ngoài kia, tiếng súng máy vẫn bắn liên hồi…
Đâu dễ phôi pha
Kể từ hôm thằng Thiên nghỉ học, tôi và Lục vẫn đi học bình thường nhưng nó có hơi khang khác. Thấy vậy, tôi hỏi nó có chuyện gì nhưng nó làm thinh. Tôi biết nó đang có điều gì đó nhưng không tiện nói nên không hỏi nữa. Dù vậy, trong lòng tôi cảm phục vô cùng vì mình có những người bạn dũng cảm, có chí khí.
Những buổi trưa ở lại trường, chỉ còn tôi và Lục ăn cơm với nhau. Bữa cơm từ bộ ba giờ chỉ còn 2 cũng có phần kém ngon. Đôi khi hai đứa bất giác thẫn thờ thở dài vì nhớ Thiên.
Mùa hè năm 1969 cũng là năm cuối cấp, tôi và Lục tiếp tục xuống Đà Nẵng để học tiếp lên cấp III. Chúng tôi tiếp tục chung trường, chung lớp.
Hồi đó, Lục rất thường xuyên về quê và mỗi lần trở lại trường nó lại có vẻ trầm ngâm hơn trước. Có lần nó không về quê mà nghỉ học liền 2-3 ngày. Tôi hỏi, nó bảo tôi cứ lo học, nó làm chuyện gì rồi có ngày, tôi sẽ biết. Nghe Lục nói vậy, tôi linh tính nó đang làm việc gì đó cho Việt cộng rồi, nên không hỏi nữa.
Đầu năm 1970, một lần về quê, thằng Lục kể nghe nói thằng Thiên bị máy bay Mỹ bắn và hy sinh trên đường ra miền Bắc rồi. Tôi bàng hoàng đau xót!
Sau ngày miền Nam giải phóng, thằng Lục về quê, xuất hiện ở Ủy ban Quân quản xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, với cái túi xách bên mình cùng khẩu súng nhỏ. Nó trở thành cán bộ của chính quyền cách mạng còn tôi không có việc làm nên làm nghề chạy xe thồ ở bến xe liên tỉnh Đà Nẵng.
Trưa hôm ấy, trong khi chờ khách ở bến xe, tình cờ và quá đỗi bất ngờ, tôi gặp được Thiên. Hai đứa nhận ra nhau, thằng Thiên không chết, nó kể được đồng đội cứu sống rồi tiếp tục học tập ở miền Bắc và mới được điều về quản lý bến xe.
Sau phút giây hội ngộ mừng ra nước mắt ấy, Thiên bảo: "Người anh ốm yếu, đi xe thồ làm chi, nộp đơn xin học sư phạm cấp tốc 4 tháng ra đi dạy".
Tôi băn khoăn khi mình mới lấy vợ, sinh con, đi học thì gạo đâu mà nuôi vợ con trong 4 tháng đó. Thiên quả quyết nói tôi cứ đi học, chuyện gạo cơm của vợ con tôi để nó lo. "Trước đây nhà anh khá giả, vẫn đem mo cơm ở lại ăn trưa với tụi nhà nghèo như tôi thì tôi hiểu được cái tình của anh với bạn bè rồi. Bây giờ tôi giúp lại anh". Thế là nhờ sự giúp đỡ của Thiên, tôi trở thành giáo viên cấp II.
Năm 1979, cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra, Thiên tình nguyện lên đường chiến đấu. Quyết định của nó rất bất ngờ và dứt khoát, tôi và Lục không thể can ngăn. Và đau đớn thay, cũng trong năm ấy, nó đã nằm xuống trên biên cương phía Bắc sau một trận đánh ác liệt. Được tin, tôi và Lục vô cùng đau đớn và tiếc thương. Đây là lần chia tay vĩnh viễn với Thiên - người bạn anh dũng, chí tình của Lục và tôi.
Giờ đây, tôi và Lục đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng chúng tôi cùng về thăm quê, ghé lại thắp cho thằng Thiên mấy nén nhang. Những lúc ấy, tôi vẫn còn mường tượng được khuôn mặt cương nghị của bạn mình. Mỗi lần như thế, tôi lại nhớ đến những bữa cơm trưa đạm bạc dưới mái trường xưa. Thương làm sao chiếc mo cơm thời khói lửa! 
NGUYỄN VĂN HỌC (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...