Từ "lâm tặc" trở thành người giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thôn 4 (xã Đak Jơ Ta, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) nằm liền kề những cánh rừng khi xưa bạt ngàn gỗ quý như hương, pơ mu, dổi... Nhiều “sơn tràng” nơi đây nghiễm nhiên trở thành “lâm tặc” vì chỉ cần “lên rừng 1 ngày là có thể nuôi sống gia đình trong 1 tháng”. Thế nhưng, đó là chuyện đã qua, bởi những “lâm tặc” cộm cán ngày nào nay đã trở thành người giữ rừng chân chính.
Trả nợ cho rừng
Khi chúng tôi tìm đến thôn 4 để hỏi thăm nhà ông Dương Xuân Kiếm, một người dân buột miệng hỏi lại: “Kiếm “lâm tặc” à? Đi khoảng 1 cây số nữa, nhà ông ấy nằm bên phải, trước nhà có cái ao cá lớn”.
Tiếp chúng tôi là một người đàn ông to cao, vạm vỡ, trên người có rất nhiều hình xăm trổ, trông rất bặm trợn khiến chúng tôi không khỏi ái ngại. Thế nhưng, cảm giác đó nhanh chóng bị xua tan bởi chất giọng ấm áp, thái độ tiếp đón xởi lởi. Ông tự giới thiệu mình là Dương Xuân Kiếm-Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn 4, xã Đak Jơ Ta.
Trước khi trở thành Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng, ông Kiếm từng là đầu sỏ phá rừng ở địa phương. Năm 1998, ông rời tỉnh Lạng Sơn vào huyện Đức Cơ lập nghiệp với đủ thứ nghề, từ chẻ đá móng nhà, vạt gỗ mít cho đến đánh cộ bò sang Campuchia khai thác gỗ. Làm được hơn 1 năm, thấy việc lén lút đi lại qua biên giới khai thác gỗ, vận chuyển đầy rẫy hiểm nguy, lúc nào cũng lo sợ bị lực lượng Biên phòng truy bắt… nên ông rút.
Năm 2005, ông đưa vợ và 3 con từ quê vào và chọn thôn 4 lập nghiệp. Lúc bấy giờ, chỉ với 2 sào lúa nước 1 vụ năng suất kém, ông không nuôi nổi gia đình. Kể cả khi đảm nhận việc trông coi, chăm sóc rừng thông mới trồng rồi rời nhà lên xã Kon Thụp làm công nhân cao su, ông Kiếm vẫn không đủ tiền nuôi con. Đến năm 2009, cuộc sống quá khó khăn nên ông chọn cách vào rừng kiếm kế sinh nhai, dù biết đây là việc làm phi pháp.
Ông Dương Xuân Kiếm với chiếc lưỡi rìu khi còn là “lâm tặc”. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Dương Xuân Kiếm với chiếc lưỡi rìu khi còn là “lâm tặc”. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Kiếm kể, khu vực này lúc đó được bao bọc bởi bạt ngàn những cánh rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang, Hà Ra với rất nhiều gỗ quý như hương, dổi, pơ mu… Ban đầu, ông chỉ chặt những cây gỗ nhỏ, gỗ tạp, tiếp đến là lựa chọn gỗ quý, có giá trị hơn để khai thác. Chỉ 1 ngày đi rừng mà có thể tiêu xài, uống rượu cả tháng không hết nên dần dà nhiều người bỏ ruộng nương, theo nhau vào rừng chặt gỗ bán. Tuy không “nổi tiếng” bằng ông Kiếm nhưng các ông: Nông Xuân Trường, Hoàng Văn Hành (quê Lạng Sơn), Hoàng Văn Bằng (quê Cao Bằng) cũng là những “lâm tặc” có “số má” ở khu vực này.
Các “lâm tặc” này ngoài làm thuê cho chủ gỗ để hưởng tiền công, khai thác gỗ theo đơn đặt hàng của các xưởng mộc thì còn làm “mánh lẻ”. Gỗ quý nằm ở bìa rừng dần bị khai thác hết. Để tiếp tục mưu sinh, họ ngày càng lấn sâu vào lõi rừng. Đường vận chuyển ngày càng khó khăn. Nhưng những phách gỗ quý vẫn lần lượt tuồn ra khỏi địa bàn bởi sức hút mạnh mẽ của nghề “không vốn nhưng… bốn lời”.
Cứ hết tiền tiêu, nhóm “lâm tặc” này giắt rìu lên lưng leo lên chiếc xe đạp thồ vào rừng, chặt hạ cây rồi vạt thành phách 40x40 cm, dài 2,5 m chở khỏi rừng. Công việc tự do, dễ kiếm tiền nên lần lượt các cây gỗ quý có giá trị đều bị đưa vào tầm ngắm. “Đã làm nghề này thì không thích làm nghề khác nữa”-ông Kiếm hồi nhớ.

Đã có nhiều người tìm đến nhà dụ dỗ, mua chuộc tôi trở lại “nghề” cũ, nhiều lần không được thì quay ra đe dọa. Thậm chí, có người còn cho rằng, việc giao rừng cho “lâm tặc” giữ là vi phạm. Nhưng theo tôi, không giữ được rừng mới là vi phạm. Chỉ cần hạ 1 cây dổi, làm 2 bộ phản là đã có trong tay 100 triệu đồng. Nhưng khi đã nhận lời giữ rừng thì mình không thể trộm của rừng được.

Ông Dương Xuân Kiếm

Thế nhưng, từ hơn 9 năm nay, điểm nóng phá rừng ở khu vực này không còn nữa. Cái tên Kiếm “lâm tặc” lẫy lừng một thuở giờ chỉ còn là chuyện quá khứ, nhóm “lâm tặc” khét tiếng cũng tự giải tán. Đưa cho chúng tôi xem “kỷ vật” gắn với một thời “chinh chiến” là chiếc lưỡi rìu dài khoảng 30 cm, từng hạ biết bao cây gỗ quý trong rừng, ông Kiếm thở dài: “Kiếm tiền dễ thì tiêu tiền cũng dễ, nhưng lúc nào tôi cũng trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bị bắt. Bệnh sốt rét, tai nạn do cây rừng gãy đổ luôn rình rập”.
Thế nên, khi nghe cán bộ cắm chốt thuyết phục, từ năm 2013, ông Kiếm bắt đầu tham gia vào lực lượng bảo vệ rừng. Ban đầu, ông tham gia cùng cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra. Năm 2018, ông đứng ra nhận giao khoán bảo vệ rừng và vận động thêm 3 người trong làng tham gia.
“Đã có nhiều người tìm đến nhà dụ dỗ, mua chuộc tôi trở lại “nghề” cũ, nhiều lần không được thì quay ra đe dọa. Thậm chí, có người còn cho rằng, việc giao rừng cho “lâm tặc” giữ là vi phạm. Nhưng theo tôi, không giữ được rừng mới là vi phạm. Chỉ cần hạ 1 cây dổi làm 2 bộ phản là đã có trong tay 100 triệu đồng. Nhưng khi đã nhận lời giữ rừng thì mình không thể trộm của rừng được. Người ta tạo việc làm cho mình, quan tâm thăm hỏi, động viên gia đình thì mình không thể bắt tay với người khác làm việc gian dối”-ông Kiếm bộc bạch.
Hiện nay, với mức lương mỗi tháng chỉ gần 3,8 triệu đồng nhưng có thời điểm, ông phải túc trực trong rừng 3-4 ngày liền để thường xuyên kiểm tra. Thông thuộc đường rừng, lại nhận thức rõ ý nghĩa công việc hiện tại, ông Kiếm trở thành người giữ rừng xuất sắc.
Quyết định mạo hiểm, táo bạo
Với người dân thôn 4, việc ông Kiếm trở thành người giữ rừng được xem là chuyện khó tin, nhưng ông Nguyễn Văn Chính-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra lại dám đứng ra chịu trách nhiệm trước quyết định ấy. Ông Chính kể: Năm 2013, sau khi kiểm tra vùng rừng giáp ranh xã Đak Jơ Ta, ông nhận thấy “lâm tặc” đang nhăm nhe khu vực rừng do đơn vị quản lý. Trong khi đó, khoảng cách từ đơn vị đến khu vực này rất xa, phải đi mất 2 ngày đường mới đến nơi, chưa kể phải vượt suối sâu rất nguy hiểm. Nếu cắm chốt ở đây tối thiểu 3 người thì rừng vẫn bị mất. Chỉ có giải pháp cắm lực lượng “lâm tặc” giữ rừng thì mới hiệu quả”.
“Thú thật, lúc đầu cũng thấy lo với quyết định của mình. Thậm chí, khi tôi đưa ra quyết định trên, có người còn nói tôi bắt tay với “lâm tặc”. Sau khi nắm bắt được thông tin mẹ ông Kiếm trước khi vào đây từng là cán bộ lâm trường, chúng tôi đã đến nhà vận động và nhận được sự đồng tình của bà. Sau đó, tôi mới quay sang vận động ông Kiếm. Khi chính “đầu sỏ” phá rừng lại là người “giác ngộ” đầu tiên, trở thành cầu nối để vận động người khác tham gia bảo vệ rừng, mọi nghi ngại đã bị đánh tan”-ông Chính nói.
Những “lâm tặc” khét tiếng ngày nào nay đã trở thành người  bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn
Những “lâm tặc” khét tiếng ngày nào nay đã trở thành người bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn
Mưa dầm thấm lâu. Ban đầu chỉ một mình ông Kiếm tham gia tuần tra bảo vệ rừng. Sau đó, chính ông vận động thêm 3 người nữa thành lập Tổ quản lý bảo vệ rừng, thay nhau tuần tra phần diện tích nhận khoán bảo vệ hơn 375 ha, có việc làm, thu nhập ổn định. Từ khi họ đoàn kết giữ rừng, không ai bén mảng đến khu vực này nữa. Khu vực rừng giao khoán được giữ ổn định, không có hiện tượng chặt phá, xâm lấn.
Ông Chính cho biết thêm: “Thời gian đầu, chúng tôi cũng bí mật cử cán bộ theo dõi khu vực rừng giao khoán, mỗi tháng từ 2 đến 3 lần, thậm chí kiểm tra đột xuất, khi thấy độ tin cậy và an toàn cao, chúng tôi mới dừng việc cử cán bộ cắm chốt. Tuy vậy, chúng tôi vẫn thường xuyên quan tâm động viên họ những lúc ốm đau, tạo điều kiện ứng lương mỗi khi gia đình gặp khó. Mặt khác, thấy anh em chúng tôi làm việc nghiêm túc, quản lý chặt chẽ nên họ dần cũng hiểu được mục đích ý nghĩa của việc giữ rừng”.
Thực ra, câu chuyện giao cho “lâm tặc” giữ rừng không mới. Cách đây hơn 20 năm, vị thủ lĩnh giữ rừng khu vực Hà Ra này cũng đã từng có quyết định táo bạo như thế. Trước đây, khu vực đèo Mang Yang (hay còn gọi là xóm đèo) có khoảng 20 hộ dân di cư tự do, bám ven quốc lộ 19 mưu sinh.
“Không có việc làm ổn định, họ lại vào rừng khai thác gỗ. Thấy vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động, chúng tôi cũng chọn thành phần cốt cán, dân “anh chị” đưa vào giữ rừng. Giờ đây, toàn bộ 20 hộ nói trên tham gia trồng, chăm sóc bảo vệ 500 ha rừng trồng, rừng tự nhiên toàn bộ khu vực này, thành lập tổ khai thác rừng trồng ở các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên. Đặc biệt, việc lựa chọn những cựu chiến binh để giao khoán bảo vệ rừng cũng là một trong những quyết định thành công, phát huy được vai trò của người lính Cụ Hồ, đem lại những cánh rừng bình yên, xanh mãi”-ông Chính tự hào kể lại.
Tùy từng nơi, từng vùng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra lựa chọn từng thành phần giao khoán bảo vệ rừng như: cựu chiến binh, cộng đồng; hộ hoặc nhóm hộ nhận khoán. Nhờ đó, hơn 6.373 ha rừng giao khoán luôn được gìn giữ, không bị xâm lấn.
“Chúng tôi giao khoán bảo vệ rừng theo phương châm “tự canh, tự quản”, rừng gần thôn, làng nào thì nơi đó bảo vệ. Chúng tôi có đến 9 chốt trạm nhưng chỉ có 15 cán bộ chuyên trách nên phải sử dụng lực lượng hộ nhận khoán phối hợp với lực lượng chốt trạm tuần tra bảo vệ rừng. Mình thật tâm đối với họ, tạo việc làm và xem họ như người nhà, là chủ rừng thực thụ thì không bao giờ họ đem nhà của mình đi bán cả”-ông Chính “bật mí”. 
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).