Sống trên đỉnh lũ: 6 ngày nhai mì tôm sống, 7 người co cụm trên 1 chiếc giường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến sáng 14-10, những người dân vùng lũ Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) đã có 6 ngày sống trên đỉnh lũ. Lũ dâng lên rồi hạ xuống liên tục đến ba lần trong chừng ấy ngày khiến những người dân ở đây vô cùng mệt mỏi.
 

Sống trên đỉnh lũ, cháu Phùng Xuân Phúc, con anh Kỷ, đã 6 ngày phải ăn sáng bằng mì tôm sống - Ảnh: QUỐC NAM
Sống trên đỉnh lũ, cháu Phùng Xuân Phúc, con anh Kỷ, đã 6 ngày phải ăn sáng bằng mì tôm sống - Ảnh: QUỐC NAM


Đến sáng 14-10, những người dân vùng lũ Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) đã có 6 ngày sống trên đỉnh lũ. Lũ dâng lên rồi hạ xuống liên tục đến ba lần trong chừng ấy ngày khiến những người dân ở đây vô cùng mệt mỏi.

Nhưng đó vẫn chưa phải đã là con số cuối cùng khi hiện tại nước lũ vẫn đang ở mức cao và những trận mưa vẫn tiếp tục dội xuống đầu nguồn. Người dân vùng lũ Quảng Trị vẫn sẽ phải cố gồng mình lên để tiếp tục chống chọi với đợt lũ dai dẳng và có phần "đỏng đảnh" này.

6 ngày nhai mì tôm sống

Nhà anh Phùng Tấn Kỷ (thôn Phú Mỹ Kiên, xã Triệu Giang) ngập lũ lâu ngày đến mức những mảng tường đã ố vàng vì bùn đất. Mực nước trong nhà anh đến sáng 14-10 vẫn còn ngập đến gần 1 mét.

Anh chỉ vào những vạch bùn ngang bên vách tường gần cửa "méc" đỉnh lũ cao nhất trong 6 ngày qua. Anh nói đó là dấu vết của trận lũ lần thứ 3 mới lên từ ngày 12-10. Còn dấu vết đỉnh lũ của hai trận lũ trước vào sáng ngày 7 và ngày 9-10 thì đã bị trận lũ sau đó vượt qua nên xóa sạch.


 

 Trên chiếc giường kê cao, cả nhà ông Trà 7 người được ăn bữa cơm sau nhiều ngày nhà hết gạo - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Trên chiếc giường kê cao, cả nhà ông Trà 7 người được ăn bữa cơm sau nhiều ngày nhà hết gạo - Ảnh: ĐOÀN NHẠN



Hai vợ chồng anh có 3 người con. 6 ngày rồi cả nhà anh chuyển lên sống trên tra (như gác xép) sát mái nhà. Không điện. Không nước. Nhà không có đò, cả nhà từ sáng đến tối chỉ biết ngồi nhìn đếm nấc của con nước và thở dài.  

Đến giờ ăn sáng, anh Kỷ gọi vợ kéo thùng mì tôm dự trữ ở trên góc bàn lấy 5 gói rồi chia cho 5 người trong nhà. Phúc cầm gói mì tôm xé ra cho vào miệng nhai một cách vô thức ngay trên chiếc ghế kê cao khỏi mặt nước. Ở trên gác xép, mấy mẹ con cũng mở và nhai sống mì tôm.

Anh Kỷ nói từ ngày lũ dâng đầu tiên 8-10 cả nhà đã chuyển lên gác xép sống. Trước đó anh cũng đã mua sẵn mấy thùng mì tôm dự trữ cho qua ngày lũ. Nhưng ngay cả anh cũng không thể ngờ đến hôm nay đã là ngày thứ 6 rồi mà lũ vẫn còn ngập trong nhà. Gói mì anh đưa cho ba đứa con mỗi đứa chỉ nhai được một nửa là trả lại vì ngán. "6 ngày nước lũ lên cũng là 6 ngày mất điện. Ở trên mái nhà cũng chỉ đủ chỗ cho 5 người ngồi chứ không thể bỏ bếp nấu nướng gì. Cả nhà không còn cách nào khác", anh Kỷ kể.

 

 Con gái ông Trà khuấy nước ruốc làm thức ăn - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Con gái ông Trà khuấy nước ruốc làm thức ăn - Ảnh: ĐOÀN NHẠN


Anh Kỷ cũng nói bình thường mấy đứa con mình thi thoảng cũng thích ăn mì tôm. Nên một hai ngày đầu sáng nào mỗi đứa cũng ăn hết một gói. Nhưng đến ngày thứ 3, thứ 4 thì cả ba đứa đều không còn muốn nhai nữa.

Ngày thứ 4 và thứ 5, anh liều lội ra ngoài rồi tìm đường lên quốc lộ cách đó hơn cây số mua cơm về cho cả nhà ăn. Nhưng mỗi lần lội lụt ngang cổ ra ngoài là một lần mạo hiểm. Nên bữa sáng của gia đình anh Kỷ vẫn không có lựa chọn nào khác ngoài mì tôm sống.

Xóm anh Kỷ ở có vài chục hộ dân thì hầu như đều ngập sâu vì gần sông. Chỉ trừ một số người được đưa đi tản cư tránh lũ từ trước, còn lại đều phải chung cảnh nhai mì sống qua bữa nhiều ngày qua trên đỉnh lũ.

Nhà 7 người co cụm trên một chiếc giường

Những ngày trên đỉnh lũ, nỗi ám ảnh lớn nhất với người dân ở vùng lũ Hải Lăng là mực nước vừa thấy rút lại lên bất ngờ. Nhất là khi đêm xuống không điện, cả nhà chìm trong bóng tối.

Gia đình 7 người của ông Hồ Thanh Trà (56 tuổi) thôn Trung Đơn, xã Hải Định, huyện Hải Lăng, Quảng Trị đã 6 ngày qua phải co ro trên một chiếc giường kê cao bằng 4 cây ghế quá cửa sổ.


 

Chiếc lò được bà Thảo kê lên cạnh bàn nước để dùng khi hết gas - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Chiếc lò được bà Thảo kê lên cạnh bàn nước để dùng khi hết gas - Ảnh: ĐOÀN NHẠN



Bà Lý Thị Lệ Thảo (50 tuổi), vợ ông Trà, cuốn chiếc chiếu lên đầu giường che mớ gối đang rịn nước để có chỗ dọn mâm cơm. Trải qua 7 ngày lũ nhưng đã 4 ngày nay nhà hết gạo, thùng mì tôm cứu trợ là nguồn lương thực chính của gia đình. Người lớn còn gắng chịu, chỉ tội đứa con út bà Thảo mới lên lớp 3 và đứa cháu trai hơn 2 tuổi thèm cơm.

Đứa cháu nhỏ đút mì tôm vào miệng lại nhả ra. Hôm này hàng xóm hay tin, cho nhà ông Trà mấy lon gạo. Cây chuối bị lũ xô đổ xuống, ông Trà lội ra cắt lấy nải chuối xanh làm thức ăn. Cô con gái xắn quần cao quá bắp chân lội sì sụp xuống chỗ chiếc bàn kê bếp, khuấy thêm chén nước ruốc chan cơm. Thế là bữa cơm ngày lũ trên chiếc giường chưa đầy 3 mét vuông diễn ra nhanh gọn. Ăn xong, cả nhà lại ngồi co cụm trên giường nhìn ra mép nước trông trời ngớt mưa.

Từ ăn uống, ngủ nghỉ thậm chí vệ sinh cũng quanh chiếc giường. Xe máy chìm nghỉm trong nước. Thứ quý giá nhất lúc này là một chiếc ghe nhỏ đẩy vào sát mép giường. Ông tính toán nếu nước lên quá giường, cả nhà sẽ ngồi hết vào ghe.

Sống trên đỉnh lũ nhiều ngày, nhà ông Trà không có cách nào khác là phải hứng nước mưa để ăn uống. Chiếc xuồng được tận dụng làm nơi chứa nước mưa. Nhưng nước mưa chỉ để chống khát, không thể đảm bảo vệ sinh. "Cứ hứng xong là phải chờ để lắng cặn và chất bẩn xuống đáy rồi mới dùng", bà Thảo nói

Bà Thảo nhớ lại trận lũ trước trong xã đều có người vì lo vớt lợn, gà mà chết trong dòng lũ, những đứa trẻ hỏng chân xuống giường bị nước cuốn trôi nên bà không dám rời mắt khỏi đứa cháu.

Suốt 5 đêm rồi, đêm nào cả nhà cũng ngồi co ro trên giường. Đêm nào ông Trà cũng gần như thức trắng. Nhắm mắt lại là ông lại giật mình khi nghe tiếng mưa. "Canh con nhỏ, trông chừng nước lên thôi là đã không thể nhắm mắt nổi rồi", ông Trà nói.  

Theo QUỐC NAM - ĐOÀN NHẠN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).