Những chiến binh K 'lạ đời': Nữ bác sĩ tự 'chữa lành' mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu có ai nói đến nghị lực của bệnh nhân K, tôi nghĩ ngay đến chị. Nói đến người truyền cảm hứng và vì bệnh nhân K, tôi cũng nghĩ ngay đến chị.

Bác sĩ Nghĩa chinh phục đường chạy 21 km khi đang điều trị ung thư ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Bác sĩ Nghĩa chinh phục đường chạy 21 km khi đang điều trị ung thư ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Tôi bắt đầu chú ý đến nữ bác sĩ tóc tém, xông xáo, thân thiện ấy kể từ năm 2013, khi cùng tham gia chuyến tình nguyện khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho người dân vùng nam Lào Attapeu, sát biên giới Việt - Lào. Dù bất đồng ngôn ngữ, chị luôn có cách để “hiểu” những bệnh nhân đặc biệt của mình muốn gì, cần gì... Nhưng tôi thực sự bị thuyết phục khi biết được đằng sau mái tóc đẹp chị cắt tém ấy là hành trình đau đớn sau 2 năm “chung sống” với ung thư vú.

Nơi miền biên viễn trong chuyến đi ấy, Nguyễn Thị Ái Nghĩa (Bệnh viện Mắt Đà Nẵng), nữ bác sĩ mà tôi vừa nhắc, mỗi lúc đêm xuống phải tự kiểm soát mình với chế độ nghỉ ngơi riêng. Có thế, mới đủ sức tăng đề kháng, nâng cao thể trạng để chống chọi bệnh tật. Bởi chị đã được ghi vào danh sách bệnh nhân K.

Chị thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao
Chị thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao
Nón hồng, dù hồng, ước mơ hồng
“Tôi được chẩn đoán ung thư vú khi gần 35 tuổi, đến nay đã hơn 7 năm rồi. Dĩ nhiên sau nhiều năm sống cùng ung thư, tôi cũng có cho mình khá nhiều thành tích, vẫn xinh đẹp, vẫn rạng rỡ, vẫn tự tin, vẫn đi làm và có thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình”, bác sĩ Nguyễn Thị Ái Nghĩa bắt đầu câu chuyện.

Nếu có ít hơn một ngày để sống, tôi vẫn luôn sống tử tế với chính bản thân mình theo cách đó. Nếu tôi còn có một ngày để sống, tôi sẽ sống với phiên bản tốt nhất 

của chính mình

Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Nghĩa

Nhiều năm qua rồi kể từ lần gặp đầu tiên, hình ảnh nữ bác sĩ chiến đấu từng ngày với ung thư vẫn vậy. Trẻ trung, nhiều năng lượng. Với một người bình thường đã khó, một người mắc ung thư thì khó không tưởng. Nhưng ở chị, có vẻ như nó rất đơn giản. Chị tham gia các lớp học yoga. Chị tập thư giãn. Dinh dưỡng hợp lý… “Trước mỗi đợt phẫu thuật, xạ trị, xạ hình, tôi đã làm như vậy đấy. Chuẩn bị cho cơ thể mình khỏe nhất. Sau phẫu thuật, tôi chú ý tập luyện những động tác phục hồi vận động...”, chị Nghĩa trải lòng.
Trong 6 chu kỳ hóa trị, chị vẫn đi làm và đi học. Sau hóa trị, chị rèn luyện nâng cao thể trạng đỉnh điểm với bơi 750 m, đạp xe 20 km và chạy bộ 21 km, một kỷ lục của bản thân. “Theo kinh nghiệm của tôi, bơi lội là môn phục hồi rất tốt đối với bệnh nhân sau phẫu thuật đoạn nhũ. Tôi nỗ lực để mọi sinh hoạt trở lại bình thường với cường độ tăng dần. Chẳng mấy chốc, mọi người dần quên tôi là… bệnh nhân”, chị lạc quan.
Không chỉ là K vú, cắt bỏ một bên vú, cắt cả 2 buồng trứng, gần 2 năm trước chị còn phát hiện mình mắc K tuyến giáp và tiếp nhận bước vào giai đoạn điều trị mới. Giai đoạn này, chị vẫn duy trì song song điều trị với chạy bộ và các môn thể thao phối hợp. Quyết không để K đánh gục mình, chị tham gia và trở thành một trong những thành viên tích cực của BCVN (Mạng lưới ung thư vú VN). Thông tin, thông điệp về ung thư nói chung, các ung thư liên quan đến phụ nữ nói riêng được chị cùng san sẻ.
Hết gây quỹ cho thư viện tóc, lại thấy nữ bác sĩ Nghĩa có mặt cùng các chương trình Nón hồng, Nơ hồng, Dù hồng. Kinh nghiệm của một người “chung sống” hòa bình với K nhiều năm liền đã giúp chị tự tin mỗi khi chia sẻ thông điệp về K vú, về sự ổn định tâm lý...
“Nếu có thời gian nhiều hơn, tôi ước mơ có một hoạt động chia sẻ định kỳ tại bệnh viện chuyên ung bướu, tư vấn tâm lý cho những người sắp bước vào quá trình điều trị. Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình qua những lần phẫu thuật, hóa trị, điều trị iode phóng xạ, xạ hình... bằng kinh nghiệm, kiến thức của một bác sĩ. Nếu họ nhìn thực trạng của tôi, sẽ có lòng tin hơn”, chị tâm sự.

Bác sĩ Nghĩa (giữa) cùng đồng nghiệp hát xin cơm cho những bệnh nhân nghèo  ẢNH: AN DY
Bác sĩ Nghĩa (giữa) cùng đồng nghiệp hát xin cơm cho những bệnh nhân nghèo ẢNH: AN DY
Hát để xin cơm cho bệnh nhân
Khi chương trình Dĩa cơm trên tường tại Đà Nẵng chính thức khởi động năm 2019, tôi đến dự và nghĩ ngay đến chị. Trong chương trình, các y bác sĩ đi hát để gây quỹ xin cơm cho bệnh nhân nghèo. Quả đúng như vậy, trên sân khấu, chị đang đứng hát với cả thanh xuân…
Nét duyên dáng và mạnh mẽ của chị khiến tôi bất ngờ. Bởi chị vừa trải qua phẫu thuật cắt tuyến giáp, nạo hạch và điều trị bằng phóng xạ. Phải mất rất lâu để có thể nói lại được, ấy vậy mà lúc ấy tôi thấy chị đang cất cao giọng hát…
Trước phẫu thuật, chị còn dẫn chương trình và hát cho một sự kiện của bệnh viện. Chị kể, vào phòng phẫu thuật vẫn cười nói rộn ràng, đến tối khi tỉnh mê thì không nói được. Giống như có gì đó “chặn” lại ở cổ… Ấy là bởi khi mổ tuyến giáp và nạo hạch gây phù nề, dây thần kinh quặt ngược thanh quản nên gây tắt tiếng tạm thời. Bác sĩ điều trị tư vấn rằng sẽ mất khoảng 6 tháng mới hồi phục như bình thường, còn giọng hát thì… chưa biết sẽ thế nào. Vậy mà chị kiên trì tập luyện.
Cứ như vậy, không có đêm nhạc Dĩa cơm trên tường nào vắng giọng hát của chị. “Sau tròn 1 năm, Dĩa cơm trên tường đã gây quỹ và tặng hơn 20.000 suất cơm cho bệnh nhân nghèo. Mình thấy vui vì mình cũng góp được một phần nhỏ cùng đồng nghiệp”, chị cười rạng rỡ.
Sống với “phiên bản tốt nhất” của mình
“Mình có đến 3 ngày sinh nhật. Một ngày cha mẹ cho chào đời. Một ngày sống sót sau ung thư vú. Một ngày sống sót sau ung thư giáp. Quá vẻ vang nhỉ!”, nữ bác sĩ Nghĩa viết trên trang Facebook cá nhân.
Tài khoản mạng xã hội là nơi chị thường xuyên chia sẻ những điều tích cực, những góc nhìn lạc quan. Ở đó, chị tương tác với những người yêu quý mình. Cứ vài ngày lại thấy chị đăng những bức ảnh xinh tươi, tâm trạng vui vẻ, nhiều năng lượng tích cực… Sau mỗi dòng trạng thái ngồn ngộn sức sống ấy, bạn bè lại thêm yêu thương chị.
"Không có chống chỉ định lao động trong quá trình điều trị ung thư", vị bác sĩ chữa trị ung thư từng giải đáp cho chị Nghĩa về nghi vấn liệu mình có thể đi làm trong thời gian điều trị ung thư không. Từ đó, chị rất thích từ "lao động". Không chỉ bao hàm công việc 8 tiếng ở công sở, mà cả những phần việc khác trong gia đình, ngoài xã hội. Vậy nên, từ việc nhỏ đến việc lớn, cứ thấy vừa sức mình là chị đều cố gắng hoàn thành. Và chị hạnh phúc với từng khoảnh khắc.
Dần dà chị nhận ra mình có thêm sự mạnh mẽ, tự tin. Chị nhắn nhủ đến các đồng bệnh: Đừng tự biến mình thành bệnh nhân vĩnh viễn. Sau điều trị, hãy mạnh mẽ đứng lên và hòa nhập cuộc sống. Vẫn điều trị, vẫn uống thuốc, vẫn làm việc, vẫn hưởng thụ. Cứ như một người bình thường. Sẽ tìm thấy khát vọng sống trong những khốn khó… “Nếu có ít hơn một ngày để sống, tôi vẫn luôn sống tử tế với chính bản thân mình theo cách đó. Nếu tôi còn có một ngày để sống, tôi sẽ sống với phiên bản tốt nhất của chính mình”, nữ bác sĩ Ái Nghĩa tâm sự.
Theo An Dy (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.