Những con đập tử thần - Kỳ cuối: Trả lại tôm cá cho dòng sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hai ngày mưa kỷ lục, đập thủy điện Edenville bằng đất cao 16m (bang Michigan) ở Mỹ bị vỡ tối 19-5-2020, xả 81,4 triệu m3 nước xuống sông Tittabawassee trong chưa đầy hai tiếng.

Phá bỏ đập Howle and Turner (bang Alabama) vào tháng 6-2019 - Ảnh: annistonstar.com
Phá bỏ đập Howle and Turner (bang Alabama) vào tháng 6-2019 - Ảnh: annistonstar.com
Đập Sanford dưới hạ lưu cũng không chịu nổi sức nước. 10.000 dân ở ba hạt phải sơ tán. 2.500 căn nhà bị hư hại. Hai năm trước, chính quyền liên bang đã từng đánh giá đập Edenville không còn đủ khả năng đối phó với mưa lớn sau 96 năm hoạt động.

Lúc này những dòng sông trong lành tự do chảy chưa bao giờ quan trọng đến thế đối với hạnh phúc và tương lai chúng ta.

Tổ chức AMERICAN RIVERS

Mỹ âm thầm phá bỏ đập cũ và mất an toàn
Câu chuyện hai đập Edenville và Sanford tiếp tục đánh động dư luận Mỹ về các con đập cũ. Mỹ có 84.000 đập các loại. Tuổi thọ bình quân của đập là 56 năm.
Đến năm 2025, số đập tuổi thọ trên 50 năm sẽ chiếm đến 70%. Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Mỹ phân loại có 14% trong số 15.500 con đập tiềm ẩn nguy cơ cao (xảy ra sự cố sẽ gây thiệt hại về người và của đáng kể) không được bảo trì đầy đủ và cần tổng vốn đầu tư 45 tỉ USD để sửa chữa.
TS Jon Honea ở Trường cao đẳng Emerson (Mỹ) ghi nhận đập có thể tạo ra điện, trữ nước, kiểm soát lũ lụt và môi trường giải trí như chèo thuyền, trượt nước.
Dù vậy, một xu hướng đang âm thầm phát triển ở Mỹ, đó là phá bỏ các con đập cũ hoặc đập xuống cấp để bảo vệ sinh thái và bảo đảm an toàn.
Có nhiều yếu tố kết hợp dẫn đến xu hướng phá đập như số đập cũ ngày một nhiều; mưa gió thường xuyên hơn và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu; các công trình xây dựng ven sông nhiều hơn trước, nếu vỡ đập sẽ rất nguy hiểm.
Năm 2017, mưa lớn đã từng uy hiếp đập Oroville cao 230m trên sông Feather (bang California), con đập cao nhất nước Mỹ. Mặc dù đập chính vẫn đứng vững nhưng hai đập tràn khẩn cấp chịu thua khiến gần 200.000 người phải sơ tán.
Tổ chức Sông ngòi Mỹ (American Rivers) giải thích: "Một trong những biện pháp xử lý mang lại hiệu quả kinh tế nhất đối với các con đập cũ và không an toàn là phá bỏ.
Dỡ bỏ đập giúp sông ngòi chảy tự nhiên, từ đó cải thiện chất lượng nước, chống ngập lụt, bảo vệ môi trường sống của cá và động vật hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái và nhu cầu giải trí...
Lũ lụt và hạn hán gia tăng do biến đổi khí hậu, nhiều quần thể cá và động vật hoang dã giảm sút. Lúc này những dòng sông trong lành tự do chảy chưa bao giờ quan trọng đến thế đối với hạnh phúc và tương lai chúng ta".
Theo số liệu của American Rivers, năm 2019 đã có 26 bang phá hủy tổng cộng 90 con đập. Bốn bang đi đầu là California (23 đập), Pennsylvania (14 đập), New Hampshire (6 đập) và Vermont (6 đập).
Tiêu biểu là đập Howle and Turner trên sông Tallapoosa ở bang Alabama đã bị phá bỏ vào tháng 6-2019. Đập bằng thép và bêtông cao 4,8m được xây dựng vào năm 1935.
Làn sóng phá bỏ đập bùng nổ ở Mỹ sau khi đập Edwards trên sông Kennebec ở Augusta (bang Maine) được phá bỏ năm 1999. Kể từ đó, quần thể cá trích sông đã tăng đáng kể, từ dưới 100.000 con lên hơn 5 triệu con. Cá trích còn thu hút chim ưng biển và đại bàng đầu bạc đến săn mồi trên dòng sông.
Hầu hết các đập bị phá là đập nhỏ như đập hồ Burton ở Burton (bang Ohio). Năm 2014, do mưa lớn cuối mùa đông, nước đã tràn qua con đập cao 2,7m. Nếu nâng chiều cao đập và xây thêm đập tràn theo đúng quy chuẩn hiện hành phải tốn 3,5 triệu USD. Năm 2019, hạt Geauga bèn chi 100.000 USD thuê nhà thầu phá bỏ luôn.
Hầu hết các đập ở Mỹ thuộc sở hữu tư nhân. Ngày càng nhiều chủ đập chọn giải pháp phá bỏ đập bởi lẽ đập càng cũ, chi phí nâng cấp và bảo trì càng cao. Nếu chọn phá đập, đôi khi chủ đập còn nhận được hỗ trợ tài chính với danh nghĩa cải thiện môi trường sống.
Năm ngoái, Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) đề xuất chương trình hỗ trợ nâng cấp các đập không đạt tiêu chuẩn nhưng kinh phí chỉ 10 triệu USD/năm, chẳng bõ bèn gì so với nhu cầu.

Phá dỡ đập Vezins cao 36m trên sông Sélune (Pháp) - Ảnh: La Manche libre
Phá dỡ đập Vezins cao 36m trên sông Sélune (Pháp) - Ảnh: La Manche libre
Châu Âu thay đổi thái độ với sông ngòi
Theo tổ chức American Rivers, đập giết chết sông ngòi bằng bốn hình thức:
. Đập ngăn cá di cư: Từ đó, cá không thể tiếp cận môi trường sinh sản, tìm kiếm thức ăn và tránh bị săn mồi.
. Đập ngăn dòng chảy: Một số loài cá như cá hồi, cá trích sông phụ thuộc vào dòng chảy ổn định để dẫn đường. Nước bị giữ lại làm cá di cư mất phương hướng. Đập còn hủy hoại những biến đổi tự nhiên theo mùa của dòng chảy vốn giữ vai trò kích hoạt chu kỳ sinh trưởng và sinh sản của nhiều loài.
. Đập thay đổi môi trường sống: Đập có thể bẫy trầm tích chôn lấp lòng sông nhiều đá vốn là nơi cá tìm đến đẻ. Nhiều yếu tố cần cho sinh vật bị ảnh hưởng khiến môi trường sống ở hạ lưu phức tạp hơn. Các đoạn dưới đập thủy điện có thể bị mất nước hoàn toàn.
. Đập ảnh hưởng đến chất lượng nước: Nước hồ chứa không được luân chuyển nên nóng lên, dẫn đến biến động nhiệt độ bất thường ảnh hưởng đến các loài nhạy cảm. Từ đó tảo tăng nhanh và lượng oxy giảm. Đập còn làm giảm nhiệt độ khi xả nước lạnh thiếu oxy từ đáy hồ chứa.
Ở châu Âu, đến nay đã có 4.984 con đập được phá bỏ. Vụ phá đập lớn nhất trong lịch sử châu Âu là vụ phá đập Vezins cao 36m trên sông Sélune (Pháp) vào năm 2019 sau 92 năm hoạt động. Đây là dự án tham vọng nhất ở châu Âu mặc dù Tây Ban Nha và Phần Lan đã phá hủy nhiều đập nhỏ lỗi thời trong những năm gần đây.
Phá hai đập Vezins và La Roche quy Boit (xây năm 1914, phá năm 2020) sẽ giải phóng thông suốt 90km sông Sélune, cải thiện chất lượng nước, tạo điều kiện cho cá hồi, cá chình cùng nhiều loài động vật hoang dã trở lại và đến vịnh di sản thế giới Mont-Saint-Michel.
Ông Roberto Epple - chủ tịch tổ chức Mạng lưới sông ngòi châu Âu (ERN), người đã nhận giải thưởng bảo vệ môi trường EuroNatur (Đức) năm 2018 - nhận xét: "Dỡ bỏ đập Vezins đánh dấu một cuộc cách mạng trong thái độ với sông ngòi của châu Âu.
Thay vì xây dựng đập mới, các quốc gia đang trả lại môi trường trong lành và khôi phục tính đa dạng sinh học cho dòng sông". Ông bộc bạch: "Thiên nhiên có thể phục hồi nhanh chóng khi dỡ bỏ đập. Tôi nóng lòng được nhìn thấy cá hồi bơi qua vịnh Mont Saint-Michel và sinh sản trên sông Sélune như lần đầu tiên nhìn thấy lúc ông bà tôi còn trẻ".
Tại Pháp, đập Larive trên sông Célé (tỉnh Lot) chặn toàn bộ chiều rộng con sông tạo thành thác nước cao 2m nên cá không thể vượt qua.
Mùa thu năm 2018, đập đã bị phá bỏ. Một năm sau, Văn phòng Đa dạng sinh học Pháp đã lấy mẫu cá để so sánh trước và sau khi phá đập. Kết quả công bố vào tháng 7-2020 cho thấy số lượng các loài cá nhiều hơn trước, hai loài cá vắng bóng là cá kim cương đầu lân (sinh vật ngoại lai có nguồn gốc ở Bắc Mỹ) và cá chép vây đỏ (loài cá thích nước tù đọng), nhưng nhiều loài cá quay trở lại, trong đó có một số loài cá đặc hữu của sông Célé như cá mù làn, cá chạch, cá hồi nâu.
Chỉ thị khung về nước (DCE) của Liên minh châu Âu (EU) đã quy định chậm nhất đến năm 2027, các nước EU phải có biện pháp khôi phục sông ngòi đạt được "tình trạng tốt về sinh thái". Phá bỏ đập cũ và mất an toàn chính là biện pháp hiệu quả đáp ứng cam kết của chỉ thị này.

Phá đập để khôi phục 25.000km sông

Ngày 20-5, Ủy ban châu Âu đã thông qua chiến lược mới về đa dạng sinh học đến năm 2030. Mục tiêu hấp dẫn nhất là khôi phục ít nhất 25.000km sông bằng cách dỡ bỏ đập, khôi phục đồng bằng ngập lũ và vùng đất ngập nước.

Bà Eva Hernandez - người phụ trách Sáng kiến Sức sống sông ngòi châu Âu của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) - nhận xét: "Khôi phục 25.000km dòng chảy tự do là một bước đột phá và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dỡ bỏ đập nhằm mang lại sức sống cho các dòng sông đang chết dần chết mòn ở châu Âu".

HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.