Kiếp ve chai: 'Làm lộ' bí mật giấu tiền, vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều người thu mua và lượm ve chai tình cờ phát hiện bí mật giấu tiền vàng của gia chủ. Trong đó, có những vụ cả người giấu lẫn kẻ khui ra đều... sảng hồn!
 
Lựa “đồ món” trong vựa ve chai, để bán lạc xoong NHƯ LỊCH
Lựa “đồ món” trong vựa ve chai, để bán lạc xoong NHƯ LỊCH
Giấu tài sản trong chẹt cây, sọt chén, máy cassette...
Đang rong ruổi mua ve chai dạo, chị Võ Thị Dung (ngụ Nam Chính, H.Đức Linh, Bình Thuận) được một chủ nhà quen biết kêu vào nhờ dọn nhà kho chứa phế liệu. Trong khi thu gom, chị Dung tìm thấy 1 đôi bông tai, 1 chiếc lắc, 1 sợi dây chuyền và một số tiền để trong góc cột. Chị vội vàng đậy lại...
“Vì sao chị đậy số tài sản đó mà không báo chủ nhà biết?”, tôi thắc mắc. Chị Dung giải thích: “Tui nghi bà vợ giấu, nên sợ báo ông chồng thì gia đình họ lục đục”. Vì vậy, chị ráng giữ bí mật, chờ bà vợ đi công chuyện về rồi nói nhỏ: “Chị để vàng, tiền kỳ cục vậy”. Người vợ giật mình: “Ở đâu?”. Chị Dung thật thà: “Trong này nè! Chị cất đi, em không dám nói cho anh biết”. Người vợ cũng “sảng hồn”, rối rít cảm ơn chị Dung.
Lần khác, một bà cụ kêu chị Dung vào bán sọt đựng chén bằng nhựa lâu ngày đã mục. Khi chị đạp sọt để bỏ bao cho gọn, từ một cái ống có nắp đậy bỗng lọt ra chiếc nhẫn kim loại. Vừa gõ gõ nhẫn, chị Dung vừa hỏi chủ nhà: “Ủa, bác Chín ơi, cái này vàng thiệt hay vàng giả vậy? Con thấy như vàng thiệt á! Nó có số và in tên tiệm vàng K.V”. Nghe vậy, người con dâu của bà cụ từ nhà trên lật đật chạy xuống, xác nhận: “Chiếc nhẫn vàng này của em, em tìm đỏ con mắt không thấy. Em cất lâu rồi không nhớ chỗ nào”.
Không chỉ con dâu bà Chín, bà T. (xã Nam Chính, H.Đức Linh, Bình Thuận) cũng giấu vàng trong sọt chén. Trước Tết Nguyên đán, khi bà T. đi vắng, con trai bà dọn dẹp nhà cửa. Thấy chiếc lắc rơi ra từ đáy sọt úp chén, anh vứt vô bao ve chai. Vài ngày sau, bà T. hỏi con: “Sọt chén của mẹ đâu rồi?”. Người con đáp: “Nó cũ quá, con bỏ hết rồi”. Bà T. hoảng hốt: “Vậy con có thấy chiếc lắc vàng của mẹ không?”. Người con giải thích: “Con tưởng nó bằng đồng, nên quăng đại vô bao”. Bà mẹ kêu: “Chết chết con ơi, chiếc lắc mấy chỉ vàng mẹ dành dụm bấy lâu, lỡ đem đổ rác thì...”. Sau khi lục lọi, bà T. may mắn tìm lại được tài sản của mình.
Cùng làm nghề ve chai, chị Tý (xã Đa Kai, H.Đức Linh, Bình Thuận) từng thu mua trúng... vàng mà không biết. Cách đây khá lâu, chị Tý mua chiếc máy cassette cũ của một bà cụ ở xã Đức Phú (H.Tánh Linh, Bình Thuận). Hôm sau, bà cụ hớt hải tìm chị, bảo rằng con trai bà giấu một chỉ vàng trong máy cassette.
“Chỉ vàng hồi đó rất có giá trị, nên bà cụ gặp lại tôi bả khóc quá chừng. Tui nói đã mang đi bán tại vựa ve chai tận bên Phương Lâm (tỉnh Đồng Nai). Bả sảng, run luôn, nghĩ mình lấy rồi mà không khai thiệt. Tui nghe xong cũng sảng! Tui để xe máy chất đầy hàng cho bả coi, rồi đi cùng con dâu bả vượt 30 - 40 cây số qua Phương Lâm”, chị Tý nhớ lại.
 
Chị Dung mua ve chai từng phát hiện tiền, vàng giấu trong chẹt cây, sọt chén...  ẢNH: NHƯ LỊCH
Chị Dung mua ve chai từng phát hiện tiền, vàng giấu trong chẹt cây, sọt chén... ẢNH: NHƯ LỊCH
Tới nơi, chị Tý xin chủ vựa cho vô lục lại mớ đồ ve chai chị đã bán. Và khi tìm thấy chỉ vàng trong chiếc cassette, chị mừng rỡ như chính mình là chủ nhân. Tìm lại vàng, bà cụ tặng chị Tý 100.000 đồng nhưng chị kiên quyết không lấy. “Bả mời tui ăn tô mì, no ngất ngư”, chị Tý hồn hậu chia sẻ.
Lộc trong rác
Mưu sinh bằng việc lượm ve chai suốt 12 năm nay, chị Hậu (quê Vĩnh Phúc, ở trọ Q.Tân Phú, TP.HCM) bật mí rằng đã nhiều lần chị nhặt được tiền trong các đống rác. Đặc biệt, chị Hậu khẳng định hễ gặp mớ phong bì người ta vừa đem bỏ là y như rằng chị kiếm được tiền trong đấy. Thông thường là 100.000 - 200.000 đồng, đôi khi 500.000 đồng. Giọng chị Hậu vừa hào hứng vừa ngạc nhiên: “Chẳng biết có phải phong tục trong này hay không, nhưng tôi nghĩ gia chủ cố ý để lại ít tiền. Bởi, hầu như nhà nào cũng để phong bì như thế sau các đám tiệc. Có thể gia chủ thương người nghèo, muốn chia sớt chút lộc cho chúng tôi”.
Cũng có thâm niên lượm ve chai tại TP.HCM, bà Vân (quê Tiền Giang, ngụ Q.Bình Thạnh) cho hay bà từng nhặt được bao thư chứa 200.000 đồng kẹp giữa quyển sách và 500.000 đồng nhét trong túi da cũ. Lâu lâu, bà còn lượm được 100.000 - 200.000 đồng trong những phong bì hiếu hỉ.
 
Chị Hậu cho biết nhiều lần lượm được tiền trong phong bì hiếu hỉ  ẢNH: NHƯ LỊCH
Chị Hậu cho biết nhiều lần lượm được tiền trong phong bì hiếu hỉ ẢNH: NHƯ LỊCH
Trong khi đó, anh Phạm Văn Hùng (P.5, Q.8, TP.HCM) cho rằng những người đi lượm ve chai như anh được coi trúng mánh là lúc vớ được “đồ món” (đồ cũ còn dùng được để bán lạc xoong) như điện thoại, đồng hồ và những vật dụng khác do “nhà giàu” thải ra. Anh Hùng khoe điện thoại di động của anh lượm được trong thùng rác. Còn 5 cái ly in hình Doraemon anh Hùng nhặt ở cầu Chà Và, được chưng ở bàn thờ Ông Địa. Riêng chiếc tủ sắt đựng áo quần, anh Hùng mua 50.000 đồng từ một người quen cùng lượm ve chai...
Chỉ vào đầu đĩa cũ nằm trong góc phòng trọ, anh Hùng tiếc nuối so sánh: Ngày trước, mấy loại này lượm được, bán đồ món ngon lắm. Bây giờ, nó rẻ bèo, ngang ngửa giá ve chai thôi! (còn tiếp)

Cân gian, bán thiếu

Ông Tiến (Q.Tân Bình, TP.HCM) làm thợ hàn, thường dồn hàng tấn sắt vụn bán phế liệu. Một lần, người phụ nữ hay đến nhà ông Tiến mua ve chai bỏ quên cái cân, ông Tiến trèo lên cân thử. Ông tá hỏa thấy chỉ số cân nặng của mình chỉ còn 42 kg, trong khi thực tế là 63 kg. Cầm chắc mình mất mấy triệu đồng sau mỗi lần bán hàng lâu nay, ông Tiến đành đổi “mối ruột” bằng người khác. Rút kinh nghiệm, ông Tiến cân trước đống sắt rồi mới kêu bán.

Trong khi đó, phía người mua ve chai cũng chỉ ra những chiêu gian dối của người bán. Theo bà Lành (quê Quảng Ngãi, 10 năm hành nghề mua ve chai tại TP.HCM), gần đây, có hai người đàn ông chở nhau trên xe máy, mời bà Lành mua đồng. Nhờ có nhiều kinh nghiệm, bà Lành phát hiện cục đá nằm giữa nùi đồng. Trước đó, bà Lành bị người bán giấy nhét gạch đá vào bên trong cho nặng ký…

Đèn học chưa kịp gửi cho con, đã ra đi...

Chiều 5.4, bốn người lượm ve chai trong gia đình bà C.T.N.L (trọ tại Q.12, TP.HCM) và ông H., người đi làm cùng đã bị bỏng nặng liên quan đến cháy nhà trọ. Sau khi được đưa đi cấp cứu, lần lượt ông H. và ông T.T.S - chồng bà C.T.N.L tử vong do bệnh quá nặng. Bà C.T.N.L cho biết ông H. năm nay 48 tuổi, có vợ và hai đứa con ở Thanh Hóa. Trước khi tai nạn xảy ra, ông H. đi lượm ve chai ban đêm và nhặt được hai cái đèn để bàn còn mới. Bà C.T.N.L ngậm ngùi: “Ông H. bảo để dành hai cái đèn này, sửa lại rồi gửi ra quê cho hai đứa con ổng học bài. Ổng chưa kịp gửi, thì đã ra đi…”.

Theo Như Lịch (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).