Vợ chồng và... 1 con mắt đưa đường yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông bị mù cả hai mắt vì bom đạn chiến tranh. Bà bị mắt phải mất ánh sáng từ nhỏ, mắt trái cũng chỉ thấy lờ mờ. Chọn góc nghĩa trang làm nhà, đôi vợ chồng nương tựa vào nhau với chỉ một con mắt đưa đường yêu thương...
Vợ chồng sẻ chia cho nhau từ tấm bánh, ly nước - Ảnh: D.Q.
Vợ chồng sẻ chia cho nhau từ tấm bánh, ly nước. Ảnh: D.Q.
Không nghĩ chuyện hèn sang, bà theo ông về làm vợ dù biết dông bão sẽ vây lấy gia đình mình suốt đường đời sau này. Ấy vậy mà đã 30 năm, đôi vợ chồng mù ấy vẫn đong đầy hạnh phúc, vẫn mỉm cười mỗi khi nhắc về nhau...
Mấy hôm không có tiền, sáng mua tô cháo hay cái bánh 10.000 đồng, ổng nói là em với anh mỗi người ăn một nửa nhe.
Bà Lan
Ông hành khất, bà ăn xin đến với nhau
Sáng thứ bảy, nghĩa trang thôn Hạnh Trí (xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) vắng vẻ. Hỏi đường đến nhà ông Hội mù, tôi được bà con tận tình chỉ dẫn.
Cái nắng nóng miền Trung bắt đầu gắt lên. Men theo con đường đất nhỏ, tôi thấy một đôi vợ chồng già đang cặm cụi bóc từng trái keo trước căn nhà ván xập xệ, được dựng tạm ngay góc nghĩa trang. Đó là ông Nguyễn Hữu Thái (69 tuổi, tên thường gọi là Hội) và bà Nguyễn Thị Thương (62 tuổi, tên thân mật là Lan).
"Em ơi, vào lấy ghế, rót nước mời khách đi" - ông Hội trìu mến nói với vợ khi tôi đến thăm. Ngôi nhà của họ, đúng ra là cái chòi với những mảnh gỗ mục nát chắp nối với nhau, bên trong chẳng có tài sản gì đáng giá. Ông Hội đốt điếu thuốc, thở dài kể lại chuyện bất hạnh đời mình 46 năm về trước...
Đó là lúc đất nước còn chiến tranh khốc liệt. Năm 1974, ông bị mảnh đạn văng vào đầu. May mắn giữ được tính mạng nhưng đôi mắt người thanh niên tên Hội đã vĩnh viễn mất đi ánh sáng, riêng mắt trái chỉ còn lại hốc mắt sâu hoắm.
Nhắc chuyện cũ, giọng ông Hội run run, gương mặt hằn nét khắc khổ sau bao dâu bể cuộc đời. Chàng trai trẻ 23 tuổi đã phải sống trong bóng tối suốt cuộc đời. Lần mò ra Huế, ông làm hành khất và tập làm quen với cuộc sống khó khăn mới. 
Năm 1990, ông gặp được duyên phận của đời mình, cũng làm nghề ăn xin giống ông. Đó chính là bà Lan - người vợ hiện tại của ông - tại chợ Đông Ba (Huế).
Bà Lan bị mù mắt phải do gia đình chữa trị sai cách khi bà bệnh hồi nhỏ ở quê Huế. Thương người đàn ông cùng cảnh ngộ, bà theo ông về xây dựng gia đình. Năm đó bà 32 tuổi, còn ông đã gần 40.
"Nhìn ổng tội quá nên tui thương, không nỡ để ổng lang thang một mình. Theo ổng về, sướng khổ có nhau, biết là khổ nhiều hơn mà tui vẫn chấp nhận" - bà Lan nhìn chồng mỉm cười. Và đến giờ, bà chưa một lần hối hận.
Con mắt còn lại của bà đưa đường cho ông - Ảnh: D.Q.
Con mắt còn lại của bà đưa đường cho ông. Ảnh: D.Q.
Thân cò lặn lội nuôi chồng con
Đứa con gái đầu ra đời, gia đình ba người dắt díu nhau về TP Cam Ranh (Khánh Hòa) tiếp tục xin ăn. Năm 1995, họ chuyển đến Ninh Thuận sống tạm nhờ nhà người quen, hai đứa con sau được sinh ra ở đây.
Về sau, vợ chồng họ chuyển đến mảnh đất nghĩa trang của huyện sống tạm. Bỏ nghề hành khất, bà Lan phải làm đủ việc để có rau cháo qua ngày cho người chồng mù lòa và các con thơ dại.
Mấy mươi năm trôi qua, con mắt còn lại của bà Lan cũng mờ đi nhiều. Khuôn mặt người đàn bà hằn nét khắc khổ, gầy guộc. Lặn lội thân cò, sáng bà cắt cỏ hoặc hái rau đem ra chợ bán rồi về nấu cơm cho chồng con. Chiều bà lại đi gánh nước thuê, kiếm từng đồng bạc lẻ.
"Tội nghiệp bả, mình bả quần quật lo toan tất cả. Tui mù lòa nên không làm được việc chi hết. Thương vợ lắm. Bây chừ mỗi ngày đợi bả hái keo về rồi hai vợ chồng ngồi bóc ra. Mỗi ngày được 50.000 đồng, hôm nào bệnh, làm ít thì chừng hai ba chục ngàn thôi, không đủ tiền mua thức ăn" - ông Hội trĩu giọng kể.
Nhà mấy con nhưng đứa nào lớn lên cũng nghèo nên chẳng giúp được nhiều. "Con gái lớn lấy chồng ở thôn bên cạnh, đứa giữa làm công nhân ở Sài Gòn, còn thằng út ở với tụi tui, nó đi làm tối mới về. Thỉnh thoảng mỗi đứa gửi cho cha mẹ vài trăm đi chợ, thuốc men" - bà Lan tâm sự.
Từ sau đợt trở bệnh "thập tử nhất sinh" của ông Hội, bà Lan không dám để chồng ở nhà một mình lâu nữa, đi chợ hay đi làm cũng tranh thủ về, sợ chồng có chuyện gì chẳng ai hay biết. 
Có lần nửa đêm, tự dưng ông ra máu miệng, giật kinh phong mà nhà chỉ có hai vợ chồng. Bà rối trí một lúc mới gọi được con gái đầu qua đưa cha đi bệnh viện.
Giờ đây, khi tuổi đã về chiều, sức khỏe yếu hẳn, bà Lan chỉ quanh quẩn làng trên xóm dưới để hái keo, nhận quét mộ và làm cỏ mộ thuê. Lâu lâu có gia đình tốt bụng cho đồ dùng trong nhà hay bao gạo đủ để ông bà lót dạ đôi ba bữa. 
Mỗi tháng gia đình ông nhận được 540.000 đồng trợ cấp và sự giúp đỡ của những người mà ông bà gọi là ân nhân.
Cái chòi của đôi vợ chồng mù ở góc nghĩa trang - Ảnh: D.QUÍ
Cái chòi của đôi vợ chồng mù ở góc nghĩa trang. Ảnh: D.QUÍ
Nghĩa tình yêu thương nơi nghĩa trang
Ngồi bên tôi ở góc nghĩa trang loang nắng, vợ chồng ông Hội đều đã tuổi lục tuần, vậy mà ông bà vẫn nói chuyện ngọt ngào yêu thương. Ông không nhìn thấy gì nhưng chốc chốc lại quay sang phía vợ đang nói chuyện, mỉm cười rồi gật gù theo lời vợ nói.
Ông kể nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ hạnh phúc gia đình mình khi thấy hai vợ chồng nắm tay nhau đi chơi. 
"Tụi tui già nhưng vẫn xưng anh em. Có người nói thấy vợ chồng bay như vậy tao thèm lắm đó, nghèo mà quá hạnh phúc. Người ta khen bà ấy giỏi, chịu thương chịu khó lấy người tàn tật như tui, rồi lo chu toàn cho gia đình mà không than trách chi" - ông vui vẻ chia sẻ hạnh phúc của mình.
Lấy bánh ra để cùng ăn sáng, bà Lan nhìn người đầu ấp tay gối với mình và tiếp lời: "Thương ổng lắm. Mỗi lần ăn cái chi cũng "em ăn đi", người ta cho đồ ăn cũng nhường vợ con trước, tui kêu ăn thì mới ăn. Mấy hôm không có tiền, sáng mua tô cháo hay cái bánh 10.000 đồng, ổng nói là em với anh mỗi người ăn một nửa nhe", bà trìu mến nhìn chồng.
Người dân ở thôn Hạnh Trí mấy mươi năm qua cũng đã quen với hình ảnh chiều buông, khi tiết trời bớt oi bức, đôi vợ chồng mù lại dắt tay nhau chậm rãi bước dọc theo con đường đất quanh khu nghĩa trang quạnh quẽ.
Có khi bà Lan dẫn chồng đi dạo mát, đi lễ nhà thờ. Có khi bà để ông ngồi chơi ghế đá, bà thắp nhang và quét lá quanh những ngôi mộ. Bà bảo rằng mình tự nguyện làm thế. 
"Ngồi ở nhà hoài cũng buồn, ở khu đất chung với "họ" thì mình làm chút gì đó để cầu bình an và xin người ta phù hộ", bà nhẹ nhàng tâm sự.
Mới rồi, bà nghe cái chòi của mình có thể sẽ bị thu hồi để lấy đất chôn cất người chết mà vợ chồng lo lắng. Bao năm nương tựa phận đời ở đây rồi, đôi vợ chồng sẽ về đâu ở tuổi xế chiều với chỉ một con mắt nhòe mờ đưa đường...

Mong một lần trở lại cố hương

Từ lúc qua Cam Ranh và chuyển đến Ninh Thuận sống đến giờ, đã 30 năm trôi qua đôi vợ chồng nghèo chưa một lần về thăm quê nhà. "Nhớ quê lắm, giờ tui chỉ mong một lần được về thăm mẹ, để khi mô (khi nào) mẹ có mất cũng còn được nhìn thấy mẹ với mấy chị em" - bà Lan chùng giọng, đưa mắt nhìn ra vệt nắng loang lổ trên nghĩa trang quạnh vắng...

DIỆU QUÍ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.