Gặp lại ông Uẩn 'Bao Công'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ xa thấy dáng ông cụ đầu bạc vun chậu cây cảnh, tôi xúc động: "Ông vẫn khỏe, vẫn đấu tranh cho công lý chứ ạ?". "Nghỉ sao được, nó đã thấm vào máu, vào tim tôi rồi!" - ông Uẩn cười, gạt mồ hôi.
Ông Uẩn (phải) cùng ông Nguyễn Thắng Hưng bàn chuyện khiếu kiện - Ảnh: TÂM LÊ
Ông Uẩn (phải) cùng ông Nguyễn Thắng Hưng bàn chuyện khiếu kiện. Ảnh: TÂM LÊ

Bao giờ trời bắt dừng, tôi mới dừng hành trình đi tìm công lý. Nó đã vào tim, vào máu tôi rồi.

Ông NGUYỄN CÔNG UẨN
Đó là ông Nguyễn Công Uẩn (83 tuổi), người đi tìm công lý suốt bao năm qua và được người dân tin yêu như "Bao Công ở làng".
Có ông, làng quê bớt tham nhũng
Đúng 10 năm trước, ông Uẩn vinh dự được nhận bằng khen của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Bài viết "Ông Uẩn đi tìm công lý" trên báo Tuổi Trẻ khi đó được ông lồng kính treo trang trọng cùng nhiều bằng khen khác.
Ngôi nhà nhỏ ở thôn Bùi Xá (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) của ông Uẩn và vợ đang sống không có gì đổi thay ngoài màu thời gian. Hỏi về những vụ kiện gần đây, ông đứng phắt dậy, mở hai chiếc hòm tôn xếp chồng lên nhau: "Tài liệu cả đấy, sự thật phải - trái ở trong ấy".
Lục các tập giấy gói cẩn thận trong túi bóng, ông lại dò sang góc nhà có bốn chiếc hòm nữa cũng chứa đầy tài liệu. Nhiều vụ việc mới tố cáo, vụ đang khởi kiện, sắp hoàn thành đều có. "Tôi đang giúp làng bên vụ lấn chiếm ao cá, xây nhà trái phép. Cô phải đi với tôi sang đó mới tỏ tường".
Rồi ông đeo vội cái túi đựng hồ sơ vắt chéo vai - một vật bất ly thân. Ra sân, ông gọi lớn: "Bà đâu rồi, nhớ trông nhà, đừng đi đâu nhé". Quay sang tôi, ông nói: "Tôi chỉ sợ bà ấy đi rồi có đứa nào vào lấy mấy thùng tài liệu". Trước khi đi ông còn tranh thủ cho đàn bồ câu uống nước. Những con chim này ông nuôi để có chút tiền đi tìm công lý.
Ngồi sau xe tôi, ông Uẩn trầm ngâm: "Vẫn còn nhiều gian nan lắm, nhưng thế này đã "trong" đi nhiều rồi. Có xã nào năm cán bộ gồm bí thư, chủ tịch bị kỷ luật không? Có thôn nào năm đời đều có trưởng thôn, bí thư bị kỷ luật không? Chắc chỉ có ở xã này!".
Tới thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, nơi vụ kiện đang dang dở. Tôi nhìn tận mắt hai ngôi nhà vẫn tiếp tục xây dựng thêm tầng, trong khi đã có kết luận vi phạm. Người đứng đơn kiện là ông Nguyễn Thắng Hưng, một người dân phát hiện sai phạm quyết định "vác tù và hàng tổng" giúp dân.
"Chúng tôi tố cáo ba nội dung, họ giải quyết được hai rồi. Tôi kiện vụ này năm 2018, ban đầu tôi đến nộp đơn họ bảo viết chưa đúng. Tôi nghĩ đến cụ Uẩn có kinh nghiệm nên sang nhờ giúp đỡ. Hôm chở cụ lên, họ nói bữa trước tôi say rượu nên không giải quyết. Mà có lần nào tôi uống rượu rồi đi nộp đơn đâu" - ông Hưng bức xúc.
Ông Uẩn cười: "Mặt cậu ấy đi nắng đỏ tía nên họ nghĩ uống rượu, hôm tôi đi cùng thì họ niềm nở đón tiếp ngay. Quan trọng là viết đơn thư rõ ràng, dẫn điều luật vào và nộp đơn đúng ngày tiếp dân thì họ phải tiếp mình thôi".
Hai người dắt nhau ra con đường đã được mở rộng sau vụ kiện, động lực để hai ông tiếp tục hành trình công lý. Ông Hưng trải lòng: "Tôi rất kính nể cụ Uẩn. Cụ đấu tranh lẽ phải từng bước chắc chắn và đặc biệt cụ nắm luật rất chính xác".
10 năm trước, ông Uẩn đã là nhân vật chống tham nhũng trên báo Tuổi Trẻ. Ảnh: PHAN TUẤN
10 năm trước, ông Uẩn đã là nhân vật chống tham nhũng trên báo Tuổi Trẻ. Ảnh: PHAN TUẤN
Học luật từ cán bộ
Tôi tò mò hỏi vì sao ông Uẩn nắm luật vững vậy? "Tôi học từ chính mấy anh cán bộ đấy, họ nói thường căn cứ vào điều này, điểm kia của luật. Tôi về nhà mua sách luật dò thêm, có đúng luật quy định như vậy?" - ông Uẩn cười.
Đúng là ông Uẩn có cả tủ sách luật. Những vụ đấu tranh nổi bật của ông gần đây có thể kể đến là vụ "chạy" giấy tờ thương binh giả. Biết ông rời quân ngũ, lại bị hỏng một mắt nên có người đến gạ làm giấy tờ để hưởng chế độ. Thế là ông "nhập vai" vào đường dây này từ năm 2010 và cùng phối hợp với ông Nguyễn Tiến Lãng.
Từ cuộc đấu tranh của hai lão nông, cơ quan chức năng đã vào cuộc "khui" ra gần 3.000 trường hợp làm giả hồ sơ hưởng chế độ thương binh, thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỉ đồng, giảm chi ngân sách mỗi năm hơn 20 tỉ đồng. Tháng 6-2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã trao bằng khen cho hai người lính già, hai lão nông dũng cảm này.
Tháng 10-2019, ông Uẩn lại giúp người dân xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) tố cáo lãnh đạo xã tham nhũng, bán đất sai thẩm quyền. Sự việc buộc 24 cán bộ đảng viên vào vòng lao lý.
Cùng năm 2019, ông còn giúp dân làng Điền (xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành) là xã kế bên xã ông đấu tranh về sai phạm đất đai. Bà con đã theo đuổi 11 năm nhưng không mang lại kết quả. Khi ông giúp sức, sự việc được đẩy về đích nhanh chóng.
Vụ khuất tất 49 miếng đất của thôn Đồng Ngư, sau khi ông gửi đơn thư lên cấp cao hơn đã có đoàn hơn 10 cán bộ về làm việc với dân. "Chưa bao giờ có đoàn kiểm tra nào về đông như vậy" - ông Uẩn hào hứng.
Hai lão nông nhận bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH, ông Uẩn (đứng giữa) và ông Nguyễn Tiến Lãng (bìa phải). Ảnh: nhân vật cung cấp
Hai lão nông nhận bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH, ông Uẩn (đứng giữa) và ông Nguyễn Tiến Lãng (bìa phải). Ảnh: nhân vật cung cấp
Lẽ phải trong tim, trong máu cựu chiến binh
Nếu không kiện tụng, đấu tranh vì lẽ phải thì ông sẽ làm gì, sẽ trở thành ai? Câu trả lời xưa nay của ông như một: "Tôi chỉ là một công dân bé nhỏ ở làng quê, mong muốn làm tròn trách nhiệm của một người dân bình thường".
Ở làng quê nghèo khó, cậu bé Uẩn chưa trưởng thành đã chịu thiệt thòi do biến chứng gây mù một bên mắt năm 12 tuổi. Nhưng giấu bạn bè và gia đình, năm 13 tuổi cậu xung phong làm liên lạc, rồi đi sâu vào cuộc kháng chiến của dân tộc, được tặng thưởng huy chương kháng chiến chống Mỹ.
Kết thúc chiến tranh, ông vào làm kế toán cho HTX, nơi đầu tiên cho ông khái niệm về tham nhũng. Tính ông thẳng nên bị họ tìm cách đẩy đi nơi khác, ông trở về quê gắn bó với ruộng vườn. Nhưng vùng quê yên bình cũng chẳng được bình yên khi nạn tham nhũng "mò" về.
Chính quyền thôn, xã thu tăng thuế phí đánh vào hạt gạo của người dân quê nghèo; lạm thu phí làm đường giao thông lên đến tiền tỉ. Ông bức xúc, cơm nắm, cà muối thu thập bằng chứng, rồi đạp xe lên huyện, lên tỉnh, trung ương yêu cầu xem xét, xử lý.
Giọt mồ hôi người đi tìm công lý của ông đã không rơi vô ích. Tham quan bị xử lý, niềm vui người dân quê nghèo vỡ òa. Ông được Nhà nước trao bằng khen về thành tích chống tham nhũng.
Vừa rồi bà con làng Điền mua tặng ông chiếc xe đạp mới, vì thấy ông cứ cọc cạch đạp chiếc xe quá cũ kỹ trên đường đi tìm công lý...

Đòn thù của kẻ xấu

"Việc chống tham nhũng của tôi đã khiến nhiều kẻ xấu hận thù. Lần họ ra tay tàn ác nhất là hơn 10 năm trước. Nửa đêm kẻ đó gọi tôi ra rồi đánh đấm túi bụi vào đầu. Giờ đó không ai cứu, tôi phải lợi dụng đêm tối mới chạy thoát được, trốn sang nhà bạn nửa tháng, rồi đạp xe lên tỉnh báo công an về điều tra.

Tôi còn bị dọa giết nhiều bận, bị đổ hóa chất tận diệt vườn cây ăn quả. Nhưng tôi đi đến đâu bà con cũng xem như người nhà, họ dừng xe giữa đường để chào tôi, đó mới là niềm hạnh phúc của đời tôi" - ông Uẩn xúc động.

TÂM LÊ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).