Thâm nhập đường dây 'tín dụng đen' qua app: Công an đột xuất kiểm tra công ty cho vay qua app

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công an TP.HCM phối hợp với Công an Q.1 đột xuất kiểm tra công ty cho vay qua app, liên quan đến loạt bài Thâm nhập đường dây 'tín dụng đen' qua app mà Báo Thanh Niên đã phản ánh.
Lực lượng công an thi hành nhiệm vụ tại tòa nhà nơi Công ty Cashwagon thuê. ẢNH: KIM QUI
Từ thông tin mà PV Thanh Niên cung cấp, hôm qua 2.6, Công an TP.HCM phối hợp với Công an Q.1 đột xuất kiểm tra trụ sở Công ty TNHH Cashwagon tại tòa nhà cho thuê số 17 Tôn Thất Tùng, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khoảng 10 giờ 15, hàng chục cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM phối hợp với Đội cảnh sát hình sự Công an Q.1, Công an P.Phạm Ngũ Lão (Q.1) kiểm tra trụ sở Công ty TNHH Cashwagon (gọi tắt Công ty Cashwagon).
Đây chính là công ty mà PV Báo Thanh Niên thâm nhập điều tra, phản ánh tình trạng cho vay với lãi suất “cắt cổ”, nhân viên có hành vi “khủng bố” tinh thần khách vay cùng bạn bè, người thân của họ. Việc kiểm tra diễn ra xuyên trưa, đến 22 giờ hôm qua vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Ngoài lực lượng công an, tại hiện trường kiểm tra còn có sự xuất hiện của lực lượng kiểm sát viên.
Thông tin về số khách hàng, số tiền giải ngân trên website được cho của Cashwagon. ẢNH: THANH NIÊN
Một nguồn tin cho PV Thanh Niên biết, khi công an vào kiểm tra, các nhân viên của Công ty Cashwagon được yêu cầu ở lại văn phòng, viết bản tường trình nhằm phục vụ công tác kiểm tra, khám xét của cơ quan công an. UBND P.Phạm Ngũ Lão cũng hỗ trợ cung cấp thức ăn, đồ uống cho khoảng 175 nhân viên công ty này.
Công ty “hai trong một”
Trong khi đó, theo điều tra của PV Thanh Niên, đường dây cho vay qua app này có dấu hiệu núp bóng công ty “ma” để tránh né cơ quan chức năng sờ gáy. Cụ thể, trong thời gian được huấn luyện trước khi vào làm nhân viên đòi nợ qua điện thoại cho Công ty Cashwagon, PV thường xuyên nghe nhân viên phòng nhân sự tên Ch. nhắc nhở: “Khi giao dịch, chúng ta phải nhớ tự giới thiệu với khách hàng mình là nhân viên của Công ty TNHH Lendtech (gọi tắt Công ty Lendtech), là đối tác của Công ty Cashwagon. Nếu vi phạm về việc này, chúng ta có thể bị sa thải”.
Vậy Công ty Lendtech là ai? Ch. giải thích: “Với những hồ sơ vay của khách hàng hợp lệ, chúng ta sẽ chuyển giao cho bên thứ 3. Và công ty đó mới là nơi giải ngân cho khách hàng. Hiện công ty chúng ta chỉ liên kết với một công ty thứ 3, đó là Công ty Lendtech. Đây là công ty cung cấp và xử lý khoản vay để đúng về mặt pháp lý. Khi các nhân viên gọi điện cho khách hàng thì không được nói chúng ta là nhân viên của Công ty Cashwagon. Vì sao? Vì Công ty Cashwagon không có chức năng cho vay, không dính dáng gì tới hồ sơ vay của khách hàng. Do vậy chúng ta sẽ nói: gọi từ Công ty Lendtech, đối tác của Cashwagon”.
Sau cùng, Ch. thừa nhận Công ty Cashwagon và Lendtech thực chất là “hai trong một”: “Nói cho dễ hiểu Lendtech là ai? Là mình luôn chứ ai. Lendtech là mình đó, mình chỉ tạo ra một cái tên như vậy thôi, để nó đứng ra làm chủ đầu tư của mình, để mình có thể hoạt động một cách chính thống. Đây là cách “lách luật”. Những công ty vay tiền qua app của Trung Quốc không lập công ty thứ 3 và trực tiếp cho vay, do các công ty này không hiểu về mặt pháp lý nên vừa bị công an “hốt”. Riêng Công ty Cashwagon làm đúng luật nên... vẫn hoạt động bình thường (!?)”.
Lần theo dấu vết công ty “ma”
Qua xác minh, ngày 23.6.2017, Công ty Cashwagon được Sở KH-ĐT TP.HCM cấp giấy phép kinh doanh, do bà N.T.T.H (34 tuổi, ngụ Q.7) làm đại diện pháp luật, vốn điều lệ hơn 2,3 tỉ đồng, với chức năng “dịch vụ tư vấn tài chính” nhưng không có chức năng cho vay tiền. Còn Công ty TNHH Lendtech, trụ sở đặt tại 326 Cách Mạng Tháng 8, P.10, Q.3, được Sở KH-ĐT TP.HCM cấp giấy phép kinh doanh vào ngày 20.9.2017. Công ty này do ông C.M.Q (43 tuổi, ngụ Q.3) làm giám đốc, vốn điều lệ 50 triệu đồng, với chức năng đa ngành nghề có chức năng “hoạt động tín dụng khác, chi tiết: dịch vụ cầm đồ”.
Chiều 21.5, PV gọi vào số điện thoại của ông Q. (số điện thoại đăng ký với Sở KH-ĐT TP.HCM) thì hệ thống thông báo: “Xin lỗi, số điện thoại quý khách vừa gọi không đúng”. Tiếp đó, PV đến địa chỉ 326 Cách Mạng Tháng 8 để xác minh, liên hệ làm việc với Công ty TNHH Lendtech, thì được bảo vệ tòa nhà khẳng định: “Công ty này không có văn phòng hoạt động ở đây mà chỉ đăng ký gửi thư từ về đây”. PV liên lạc với người tự xưng là nhân viên phòng thương mại của tòa nhà và người này đưa số điện thoại khác, nói “đây là người nắm rõ về Công ty Lendtech”. Gọi vào số điện thoại trên, đầu dây bên kia thừa nhận mình có liên quan đến Công ty Lendtech, nhưng khi nghe PV trình bày: “Đứa em dưới quê nó vay tiền của Lendtech, nợ nần tùm lum. Tôi muốn làm việc với công ty để làm rõ và thanh toán tiền cho đứa em”, thì người này vội thoái thác: “Gọi nhầm số rồi?!”.
Trong khi đó, thông tin từ hợp đồng cho vay của Công ty Cashwagon, Công ty Lendtech lại có địa chỉ 48A Võ Văn Tần, P.6, Q.3. PV tìm đến địa chỉ này, nhân viên bảo vệ ngôi nhà khẳng định ông làm việc ở đây 7 năm và chưa từng biết đến cái tên Lendtech. “Ngôi nhà này hiện đang rao cho thuê mặt bằng, không có công ty nào hoạt động ở đây đâu”, người bảo vệ nói.
“Vòi bạch tuộc” rộng khắp
Từ lời quảng cáo có cánh của nhân viên về Công ty Cashwagon như: “Trở thành công ty chuyên cung cấp dịch vụ tài chính lớn mạnh nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Có mặt ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á”, PV vào website được cho của Công ty Cashwagon và thấy “vòi bạch tuộc” của công ty này vươn ra nhiều quốc gia. Ở VN, công ty giới thiệu có hơn 280.000 khách hàng, đã giải ngân 100 triệu USD; Indonesia có hơn 310.000 khách hàng, đã giải ngân 105 triệu USD; Philippines có hơn 280.000 khách hàng, đã giải ngân 85 triệu USD; Malaysia có hơn 15.000 khách hàng, đã giải ngân 6 triệu USD và Sri Lanka có hơn 210.000 khách hàng, đã giải ngân 45 triệu USD...
Địa chỉ đăng ký với Sở KH-ĐT TP.HCM hiện không có “bóng dáng” của Công ty Lendtech
Theo thông tin từ một quản lý của Công ty Cashwagon, khách hàng của công ty tại Việt Nam tập trung ở cả 3 miền. Khách tìm đến công ty qua mobi app (chiếm 83%) nhiều hơn so với website (17%), trong đó có hơn 60% khách hàng đã vay lại. “Trong quá trình làm việc, chúng ta không cần phải lưu trữ bằng bất cứ tờ giấy nào hết. Tất cả đều là hệ thống, công nghệ. Chúng ta có những vị sếp ở nước ngoài về, đa số sếp của chúng ta đến từ Nga và Ấn Độ”, Ch. tiết lộ. Đúng như công bố của Ch., trong những ngày xâm nhập thực tế, đúng là chúng tôi có chứng kiến nhiều “sếp” người nước ngoài ra vào làm việc tại đây.
Thanh toán qua cửa hàng tiện lợi
Theo tìm hiểu của PV, hiện việc khách vay thanh toán tiền cho Công ty Cashwagon khá dễ dàng. Hầu hết hệ thống cửa hàng tiện lợi đều “hợp tác” với công ty, nhưng thông dụng nhất là tại FPT shop, ứng dụng Momo, Viettel Post... Đặc biệt, công ty không hỗ trợ cho những người làm việc trong các lĩnh vực: quân đội, công an, nhà báo, luật sư... để đỡ “mích lòng nhau”.
Tối 30.5, PV đến cửa hàng FPT shop trên đường Trần Hưng Đạo (P.2, Q.5) để tìm hiểu việc thanh toán tiền vay, tiền lãi cho Công ty Cashwagon. Tại đây, nam nhân viên cửa hàng cho biết muốn đóng tiền cho Cashwagon chỉ cần mang theo giấy CMND hoặc số hợp đồng vay tiền, là nhân viên có thể đóng tiền được. “Nếu đóng tiền mặt thì khách không mất phí. Chuyển khoản thì mất phí 1% số tiền đóng”, nhân viên tư vấn. Tương tự, tại một cửa hàng tiện lợi trên đường Hồ Xuân Hương (P.6, Q.3), nhân viên cũng gật đầu, đồng ý thanh toán tiền cho Công ty Cashwagon.
Còn với ứng dụng thanh toán trực tuyến như Momo, khách chỉ cần tải ứng dụng này, sau đó đăng nhập và chọn mục thanh toán vay tiêu dùng - thanh toán dịch vụ - Cashwagon/nhập số hợp đồng hoặc số CMND - tiếp tục - xác nhận...
Hối thúc làm phiền khách hàng, người thân đến tột độ

Mỗi ngày, các nhóm nhân viên đòi nợ qua điện thoại liên tục được “sếp” chỉ đạo, khích lệ tinh thần nhằm đạt được doanh thu (số tiền thu nợ được - PV) lớn.

“Tìm kiếm thông tin qua Zalo, Facebook, Google, công ty của khách để gây áp lực. Khẩn trương quay số, nhắn tin, làm phiền khách hàng và người thân đến mức tột độ. Tận dụng cả điện thoại cá nhân để gọi điện liên tục, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trên bất kỳ tình huống nào”, P.N (43 tuổi), một trong những “sếp” của nhóm đòi nợ, đốc thúc.

Trong khi đó, vì có “khiếu chửi” nên một số nhân viên như K.N, X.L, N.A, H.Y, L.H... liên tục dẫn đầu doanh số thu về. Điển hình như nửa đầu tháng 5, K.N thu về hơn 422 triệu đồng; X.L hơn 403 triệu đồng; N.A hơn 337 triệu đồng; L.H hơn 273 triệu đồng. Cuối tháng, nếu ai nằm trong tốp đầu doanh thu nợ sẽ được Công ty Cashwagon treo thưởng, tăng lương.

Thanh Niên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.