Cuộc chiến bí mật thời đại dịch - Kỳ 2: Dự án "Khí thở" của Israel

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong một tháng rưỡi qua, Israel đã mua được khoảng 61 triệu khẩu trang y tế, 930.000 khẩu trang N95, 1,4 triệu bộ quần áo bảo hộ y tế, 403.000 áo blouse dùng một lần, 800.000 kính chắn giọt bắn, 1 triệu bộ kit xét nghiệm và 811 máy thở.
Một nhân viên đơn vị 81 cải tiến máy thở gia đình thành máy thở dùng trong điều trị COVID-19 - Ảnh: QUÂN ĐỘI ISRAEL
Một nhân viên đơn vị 81 cải tiến máy thở gia đình thành máy thở dùng trong điều trị COVID-19 - Ảnh: QUÂN ĐỘI ISRAEL

Cuộc chiến bí mật kiểm soát nguồn trang thiết bị y tế gồm nhiều bên liên quan, từ quốc gia, các vùng cho đến tư nhân và người trung gian.

Chuyên gia phân tích Pháp Abdelali Arherbi
Đơn vị quân báo 81 cải tiến máy thở
Cuối tháng 4-2020, Bộ Quốc phòng Israel đã tiết lộ như trên. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, Chính phủ Israel đã thành lập ngay một nhóm hỗn hợp gồm các đại diện của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng làm việc suốt ngày đêm để cung cấp trang thiết bị y tế chống dịch. Kết quả Israel đạt được là ước mơ của nhiều quốc gia khác, kể cả những quốc gia phát triển như Mỹ hay châu Âu...
Đơn vị Bộ Quốc phòng đi đầu trong công tác săn lùng trang thiết bị y tế là cơ quan tình báo đối ngoại Mossad vốn nổi tiếng trong nhiều thập niên với các đặc vụ táo bạo liên quan đến ám sát, bắt cóc. Ngoài khẩu trang và máy thở, Mossad còn có công mang về nhiều thuốc men và dụng cụ y tế như hóa chất xét nghiệm, nước rửa tay diệt khuẩn, thuốc điều trị HIV, thuốc giảm đau.
Với vai trò là một trong những trung tâm nghiên cứu và phát triển trên thế giới, Israel đã huy động nhiều đơn vị tình báo và lực lượng phòng vệ chống dịch COVID-19 trên ba mặt trận: phát triển vắcxin, cải tiến khâu xét nghiệm virus và cải thiện công tác chăm sóc bệnh nhân.
Đơn vị 81 là một trong những đơn vị quân báo bí mật nhất của Israel chuyên về công nghệ tình báo quân sự. Đơn vị này đã phá vỏ bọc bí mật truyền thống để tham gia dự án "Khí thở" theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. 
Dự án khởi động từ tháng 3-2020 nhằm cải tiến máy thở áp lực dương liên tục BiPAP thường được sử dụng trong gia đình để ngăn chặn chứng ngưng thở khi ngủ thành máy thở dùng trong phòng điều trị tích cực. Hàng trăm máy thở cải tiến đã được chuyển giao cho các bệnh viện. Máy có giá thành rẻ nhưng vẫn bảo đảm các chức năng điều trị cần thiết.
Ngoài máy thở, đơn vị 81 còn phát triển nhiều giải pháp chống dịch khác như bảo đảm không khí trong phòng bệnh không gây nhiễm, lập lá chắn bảo vệ tài xế xe cấp cứu khỏi lây nhiễm, sản xuất khẩu trang (1.000 khẩu trang/ngày), xây dựng phần mềm giúp bệnh viện lưu trữ dữ liệu và truy nguyên nguồn lây nhiễm.
Các ngành công nghiệp quốc phòng Israel đã chuyển sang giải quyết nhu cầu y tế cấp bách. Bộ Quốc phòng phối hợp với Công ty giải pháp y học InovyTec và Tập đoàn Israel Aerospace Industries (IAI) xây dựng dây chuyền sản xuất máy thở Ventway Sparrow tại cơ sở sản xuất tên lửa bí mật. 
Đơn vị 108 của không quân hợp tác với nhiều cơ quan dân sự phát triển máy thở đơn giản có thể sản xuất hàng loạt với giá rẻ trong thời gian ngắn. Lực lượng đặc nhiệm hải quân Shayetet 13 cũng chuyển đổi bình khí nén dùng để lặn thành bình oxy y tế. Quân đội còn cải tiến dây chuyền lắp ráp ghế xe tăng để sản xuất kính bảo hộ y tế.
Có ít nhất hai cơ quan quan trọng của Israel đang phát triển vắcxin ngừa COVID-19. Ngoài Viện Nghiên cứu Migal Galilee, còn có Viện Nghiên cứu sinh học Israel (IIBR), cơ quan chuyên nghiên cứu vũ khí hóa học và sinh học. 
50 nhà khoa học hàng đầu của IIBR được chia làm ba tổ cùng làm việc với các công ty công nghệ sinh học có chuyên môn sâu. IIBR còn tham gia thu thập huyết tương của bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục để nghiên cứu thuốc điều trị.
Trong lĩnh vực xét nghiệm, dự kiến đến tháng 6-2020 một công ty Israel do Bộ Quốc phòng Israel chỉ đạo sẽ thử nghiệm phương pháp sàng lọc bệnh COVID-19 bằng giọng nói. Thử nghiệm sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ quan sát các kiểu thở và lời nói của bệnh nhân, từ đó phát hiện dấu hiệu bất thường. 
Phương pháp này đặc biệt hữu ích vì có thể áp dụng tại nhà và theo dõi bệnh nhân đã qua chẩn đoán nhiễm bệnh. Bộ Quốc phòng còn dạy cho chó nghiệp vụ nhận dạng bệnh nhân COVID-19 bằng cách ngửi mẫu nước bọt.
Cảnh sát Israel mặc trang phục bảo hộ túc trực trên quốc lộ làm nhiệm vụ giám sát người nhiễm COVID-19 - Ảnh: timesofisrael.com
Cảnh sát Israel mặc trang phục bảo hộ túc trực trên quốc lộ làm nhiệm vụ giám sát người nhiễm COVID-19 - Ảnh: timesofisrael.com
Chống dịch và quyền riêng tư
Thật ra, không phải biện pháp chống dịch COVID-19 nào của Israel cũng được người dân tán thành. Trung tuần tháng 3-2020, được phép của Chính phủ Israel, cơ quan tình báo nội địa Shin Bet đã sử dụng công nghệ theo dõi khủng bố để giám sát người nhiễm COVID-19 nhằm biết mục tiêu đi đâu, tiếp xúc với ai, sau đó nhắn tin mời những người tiếp xúc đi cách ly. 
Để giám sát người nhiễm, Shin Bet sử dụng dữ liệu định vị từ điện thoại di động, dữ liệu mua sắm bằng thẻ tín dụng và tương tác giữa các thiết bị điện tử cá nhân. Mỗi ngày, cảnh sát chọn ngẫu nhiên 500 số điện thoại từ danh sách người nhiễm COVID-19 do Bộ Y tế cung cấp để kiểm tra.
Những người ủng hộ quyền riêng tư đã phản đối biện pháp giám sát của Shin Bet. Nhiều chuyên gia y tế cũng chỉ trích biện pháp này không bảo đảm độ tin cậy. Ngày 22-4, Ủy ban giám sát của Quốc hội đánh giá biện pháp giám sát của Shin Bet đã xâm phạm quyền riêng tư công dân. 
Hai ngày sau, tòa án tối cao phán quyết dừng biện pháp giám sát của Shin Bet và yêu cầu phải có một đạo luật riêng cho phép thực hiện biện pháp giám sát như vậy. Tòa lưu ý đạo luật sắp tới phải có luật trừ, cho phép nhà báo không chuyển dữ liệu di động cho Shin Bet để bảo vệ nguồn tin.
Ngày 5-5, Tiểu ban tình báo Quốc hội Israel đã nhất trí gia hạn chương trình giám sát người nhiễm COVID-19 của Shin Bet đến ngày 26-5, tức kéo dài thêm ba tuần nữa. Dự kiến đến ngày 18-5, dự luật cho phép giám sát phải được soạn thảo xong. 
Bộ Y tế cho biết đã phát hiện 5.516 người bị nhiễm trong tổng số những người tiếp xúc gần với người nhiễm nhận được tin nhắn của Shin Bet, chiếm tỉ lệ 7%.
Tương tự Israel, Pakistan cũng đã áp dụng công nghệ theo dõi khủng bố để giám sát người nhiễm COVID-19. Ngày 23-4, Thủ tướng Imran Khan tiết lộ trên truyền hình: "Cơ quan tình báo quân sự (ISI) đã cung cấp cho chúng tôi hệ thống theo dõi và nhận dạng tuyệt vời. Ban đầu hệ thống này được sử dụng để chống khủng bố, nhưng giờ đây rất hữu ích trong chống dịch COVID-19".
Các tướng lĩnh Pakistan tuyên bố "quân đội đang sử dụng mọi nguồn lực quân sự ở tất cả các cấp để ngăn chặn đại dịch". Hoạt động hỗ trợ của quân đội bao gồm sử dụng mạng lưới viễn thông và tình báo, thiết lập trạm kiểm soát quanh các khu vực cách ly, điều động lực lượng bác sĩ quân y dập dịch và sử dụng 5 phòng thí nghiệm quân đội để gia tăng công suất xét nghiệm.

Tại Đài Loan, chính quyền đã sử dụng dữ liệu định vị từ điện thoại thông minh để kiểm tra người bị cách ly tại nhà. Cảnh sát sẵn sàng can thiệp khi có dấu hiệu bất thường.

Còn Ba Lan giám sát người cách ly bằng hình thức "nhẹ nhàng" hơn bằng cách sử dụng một ứng dụng yêu cầu người cách ly gửi ảnh tự chụp tại nhà nhiều lần trong ngày.

...................
Tai họa càng thảm khốc, lừa đảo càng tung hoành. FBI ghi nhận lừa đảo đủ mọi hình thức đã bùng nổ trên Internet trong thời dịch COVID-19, từ mồi chài, dụ dỗ đến cung cấp hàng giả.
Kỳ tới: Từ khẩu trang giả đến lừa tiền cứu trợ
Theo HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.