'Đời cá' ở hồ Trị An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ven lòng hồ Trị An có nhiều xóm nhà nổi, đó là nơi ở của những Việt kiều Campuchia về quê hương mưu sinh theo con nước. Không có cả cục đất chọi chim, chưa từng cầm cuốc, họ gửi gắm cuộc đời theo mỗi buổi giăng câu, bủa lưới...
Những thanh niên đi giăng lưới cá ở Trị An - Ảnh: DIỆU QUÍ
Những thanh niên đi giăng lưới cá ở Trị An - Ảnh: DIỆU QUÍ
Xóm vạn chài xã Thanh Sơn, huyện Định Quán (Đồng Nai) đã hình thành nhiều năm trên hồ Trị An. Đằng sau cảnh đẹp thơ mộng với núi đồi bao quanh là những phận đời lênh đênh.

Cả đời tôi chưa từng cầm cuốc, không biết chữ, hộ khẩu cũng không, giờ lên bờ lấy gì ăn, nên chắc tôi sẽ ở đây hết đời, mần được nhiêu ăn nhiêu, chứ biết đi đâu.

Ông TỐNG VĂN RỚT
Sống dựa theo con nước
Trở về "nhà" lo bữa trưa sau khi bán 2kg tép vừa bắt, bà Nguyễn Thị Lời (56 tuổi) nhăn mặt kể mình giăng lưới từ tối qua, tới 4h sáng cuốn lên chỉ được chừng đó. "2kg tép bán được 80.000 đồng, trừ tiền xăng dầu chạy ghe thì không còn lời nhiêu nữa" - bà nói.
Người đàn bà làng chài cho biết mình về đây đã 13 năm. Chiếc bè dài 8m, rộng 4m tạm bợ bằng tấm ván mỏng kê trên các cọc gỗ, đi cũng phải nhẹ nhàng như mèo vì sợ... sập, là chỗ chui ra chui vào của vợ chồng bà Lời với 3 đứa con.
Bà có 8 người con, 5 người đã lập gia đình ra riêng và một cháu nội 7 tuổi ở chung. Bè này bà mua thiếu rồi trả từ từ, đoàn từ thiện xuống cho mấy tấm tôn lợp. Mới rồi, bà Lời sử dụng pin mặt trời để có điện sinh hoạt.
Trước khi đến đây, gia đình bà Lời từng nhiều năm quăng lưới mưu sinh ở Biển Hồ, Campuchia. Nhưng đời sống xứ người ngày càng khó, nên cả nhà 10 người dắt díu nhau về lòng hồ quê hương này. Bà tâm sự ban đầu chỉ tính qua đây đánh cá vài năm rồi kiếm nghề khác, không ngờ hơn 10 năm trôi qua.
Hằng ngày, bà và người nhà thả lưới từ lúc 13h rồi về, đến 5h sáng hôm sau kéo lên, phân loại cá, đem ra chợ bán. Ngoài đánh bắt ở hồ, bà Lời còn nuôi khoảng 1.000 con giống để thêm thu nhập, nhưng phải mất gần một năm mới vớt bán được. "Người ta nuôi 3-4 tháng là bán. Mình không tiền mua thức ăn, nó chậm lớn, nên nuôi gần cả năm mới bán nổi" - bà kể chuyện.
Cũng như nhiều ngư dân ở đây, bà Lời thường bắt được các loại cá nước ngọt như cá lăng, cá rô phi, cá chép, cá mè vinh, cá hoàng đế... "Nhưng nghề đánh cá ở đây rất... hên xui. Nhiều hôm may mắn kiếm được bảy tám trăm ngàn, thường thì hai, ba trăm. Có hôm không đủ tiền xăng" - bà Lời nói.
Một góc làng chài ở Trị An - Ảnh: DIỆU QUÍ
Một góc làng chài ở Trị An - Ảnh: DIỆU QUÍ

Không ở đây thì biết đi đâu?

Tâm sự về ngày mai, bà Lời nói mình muốn lên bờ nhưng "tiền đâu mà đi". Lo miếng ăn còn chật vật, chuyện học hành con cháu cũng chẳng tới đâu, nên mấy đứa con bà Lời cũng đời ngư dân như cha mẹ. Nhà bà chỉ có đứa con trai út được đến trường, còn lại đều mù chữ. Đứa cháu nội không giấy khai sinh, đã 7 tuổi, cậu bé đèo đẹt vẫn chưa được đi học.
"Nếu lên bờ được, tui sẽ đi mần mướn, hoặc tiếp tục giăng câu đâu đó, tại từ nhỏ tới giờ chỉ biết nghề này. Vợ chồng cũng lớn tuổi rồi, khó xin mần công ty" - bà cho hay.
Khu vực bà Lời ở có 52 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu, được xem là vùng khó khăn của xã Thanh Sơn. Trước đó, ở đây rất nhiều "đời cá" mà đa số là người Việt từ Campuchia về. Một số hộ sau khi có chút vốn đã lên bờ tìm kế sinh nhai khác, còn mấy chục hộ nghèo quá chỉ biết sống dựa vào con nước, chưa thể đi đâu.
Là "lão làng" nơi này, ông Năm Thọ (Nguyễn Văn Thọ) đã 28 năm mưu sinh trên lòng hồ. Ông thuộc số ít hộ dân không phải Việt kiều Campuchia mà từ Hóc Môn (TP.HCM) di cư tới. Chỗ ông ở ngày trước rất đông, "dân miền Tây đến, dân Campuchia về, cứ cách chục mét là có bè".
Ông Năm Thọ gọi xóm chài mình đang sống là xóm... chạy. Không ở chỗ cố định, tùy vào con nước, người dân ở đây thường di chuyển bè bằng cách lấy ghe máy cột dây kéo đi. "Nước lên thì kéo sát bờ, nước xuống kéo ra xa mới có cá. Có khi sáng kéo ra, chiều kéo vô, rồi hôm sau kéo ra lại muốn sặc máu" - ông cười cho biết.
Trước khi gắn bó với sông nước, người đàn ông 62 tuổi này đã qua đủ thứ nghề. "Hồi đó nghe nói đây cá nhiều lắm, ai cũng đổ xô tới sống để đánh bắt, thấy vậy nên tui cũng mua bè rồi kéo vợ con theo".
Bà Lời nhóm lửa chuẩn bị nấu cơm trên bè - Ảnh: DIỆU QUÍ
Bà Lời nhóm lửa chuẩn bị nấu cơm trên bè - Ảnh: DIỆU QUÍ
Được thời gian, cá không còn nhiều như trước, người dân lần lượt rời bè đến nơi khác sống hoặc lên bờ làm công nhân. Vợ và ba cô con gái đầu của ông cũng đi làm xí nghiệp, bè giờ chỉ còn ông với đứa con trai út. Con đi học, ông bắt đầu đi bủa lưới từ 3h chiều tới 12h đêm ra cuốn về. Ông Thọ có học, có hộ khẩu nên con cái dù không học cao cũng đọc viết thành thạo rồi đi làm.
"Tôi ở đây cũng quen rồi, chịu khó giăng câu cũng đắp đổi qua ngày, nếu đi thì đi đâu bây giờ. Vợ con làm công ty hết, tôi chỉ còn lo cho thằng út đi học thôi, đợi nó học xong cấp II rồi muốn đi làm thì đi. Nó biết chữ để nuôi thân nó là tốt rồi" - ông Thọ nói rồi nhìn ra mặt hồ...
Đến sau những người khác, ông Tống Văn Rớt (55 tuổi) vừa kiểm tra lưới vừa kể ông đến xã này mới được 5 năm. Vợ chồng đang sống với 5 đứa con, 3 người con gái đã lấy chồng ra riêng.
Mấy chục năm, đại gia đình 10 người sống ở Biển Hồ, làm quần quật cả năm cũng chỉ đủ miếng ăn. Về quê hương, ngoài đánh bắt cá họ cũng chẳng biết làm nghề gì khác, ruộng rẫy, nhà cửa thì không có tiền mua. Thế là ông dựng bè, đóng hai chiếc xuồng rồi tiếp tục nghề cũ.
Ông chia sẻ thêm ngoài những lúc đi giăng câu, mỗi tuần ông cùng chục người dân ở đây còn chèo xuồng đi... học chữ. Lớp học tình thương trên bè nổi được một cán bộ kiểm lâm giúp bà con biết đọc, biết viết. Ông Rớt nói mình đi học để "ra đường biết người ta viết cái gì còn đọc được"...

Không biết bao giờ lên bờ được

Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Khéo (21 tuổi) kể theo cha mẹ từ Campuchia về đây đã 6 năm. Không được đi học, hằng ngày Khéo giăng lưới gần bờ, cha thì bắt ở xa.

Khéo nói: "Tui đi ngày hai chuyến, từ 6h sáng đi đánh tới 10h về, rồi chiều 1h đi tới 5h, mỗi ngày kiếm được cỡ 200.000 đồng. Hồi đó, tui có học tiểu học mà nghỉ lâu quá nên chữ nghĩa bay hết rồi".

Hôm gặp tôi là lúc Khéo vừa giăng lưới xong, anh tâm sự: "Tui muốn lên bờ, vô khu công nghiệp làm công nhân, nhưng cha mẹ còn ở đây, không tiền đi nơi khác, với lại tui còn phải lo cho mấy đứa em nhỏ nên không biết khi nào mới lên bờ được".

Theo DIỆU QUÍ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).