Đi tìm miền Tây yêu dấu - Kỳ 6: Xe lôi ơi!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mưa dông trái mùa rải hạt xuống miền châu thổ. Màn nước bay bay theo gió nhưng nắng vẫn rải vàng trên đường quê. Nhiều khách bộ hành tìm chỗ trú mưa, mà ông già đạp xe lôi vẫn cần mẫn với vòng quay mưu sinh...
Ông Võ Văn Nhánh chở khách tại khu vực chợ Châu Đốc - Ảnh: T.NHƠN
Ông Võ Văn Nhánh chở khách tại khu vực chợ Châu Đốc - Ảnh: T.NHƠN

Hồi những năm 1980, mỗi dịp về miệt Châu Đốc, Hà Tiên, tui đều ngoắc xe lôi đạp để hưởng chút thư thả, yên bình thời khó khăn. Nhớ mấy ông già đạp xe hiền hậu và phóng khoáng lạ lùng. Có khi còn biếu khách cả bọc cá khô làm quà.

Ông NGUYỄN HOÀNG
Một thời ngược xuôi khắp nẻo miền Tây
Ngày nay, nhìn hình ảnh chiếc xe lôi đạp, nhiều người như sống lại miền Tây một thuở. Đó là những năm cuối thế kỷ 20 trở về trước, chiếc xe dùng sức người này từng rong ruổi khắp nơi rồi dần dần vắng bóng.
Ngày nay, nghề chạy xe lôi đạp hầu như chỉ còn tập trung tại Cần Thơ, An Giang, mà đông nhất có lẽ là thành phố biên viễn Châu Đốc.
Đậu xe lôi đạp phía trước chợ Châu Đốc (An Giang), ông Võ Văn Nhánh (55 tuổi, ngụ huyện Châu Phú) ngồi lặng lẽ đợi khách. Ông tranh thủ nghỉ ngơi lại sức sau cuốc xe chở rau củ hồi tờ mờ sáng.
"Nghề này cũng hổng biết chừng, lúc đông lúc vắng, chỉ kiếm bạc lẻ đắp đổi qua ngày" - ông Nhánh thở dài tâm sự.
"Xe lôi đạp có từ khi nào?" - đem thắc mắc hỏi mấy người lớn tuổi chạy xe lôi đạp tại Châu Đốc, tôi chỉ nhận được cái lắc đầu. Họ chỉ biết từ lúc nhỏ đã thấy những chiếc xe có dáng người lòm khòm ngồi đạp phía trước như con ngựa này.
Trong ký ức của nhiều người dân cao tuổi nơi biên viễn, họ từng là hành khách trên những chuyến xe lôi đạp ra chợ với mẹ hay đi vãn cảnh chùa với bà.
Theo ông Nhánh, mấy chục năm trước Châu Đốc có cả ngàn người già, trẻ chạy xe lôi đạp. Xe có mặt trên từng tuyến đường từ phố thị sầm uất đến nông thôn hẻo lánh. Nhưng bây giờ khu vực chợ Châu Đốc hiện chỉ còn hơn chục người chạy xe lôi đạp mà đa phần đều có thâm niên trên 20 năm nắng gió bụi đường.
"Xe máy ôm ngày càng rẻ, càng nhiều, rồi xe buýt máy lạnh làm xe lôi đạp khó cạnh tranh. Tiếp theo là quy định cấm xe ba, bốn bánh tự chế nên một số sợ công an phạt đành bỏ nghề. Chỉ còn ít người vì miếng cơm manh áo mà không thể xoay nổi nghề khác đành bám đường.
Lời lớm nhiêu đâu, giờ còn mỗi người già không mần gì nặng được mới đạp xe lôi" - ông Nhánh thở dài cho biết.
Xe lôi đạp, đơn giản chỉ là chiếc xe đạp gắn theo thùng phía sau để chở người hoặc hàng hóa. Chở được vật cồng kềnh khắp hang cùng ngõ hẻm nên xe lôi đạp từng được nhiều người lựa chọn.
Thời nay, dân đạp xe lôi sống lay lắt là được nhờ mấy mối quen, chỉ cần khách alô một tiếng là được đưa đón tận nơi. Và đa phần khách hàng là người cao tuổi hoặc không biết chạy xe máy.
"Ngồi xe lôi cũng có thú riêng, mấy hôm trời mát thì sướng phải biết. Lâu lâu tui cũng nhờ mấy ổng đón cháu, chở đi chùa" - bà Nguyễn Thị Tình, dân địa phương, cho biết.
Ngày trước, vía Bà vào tháng 4 âm lịch hằng năm là mùa "ăn nên làm ra" của dân xe lôi đạp. Có thời điểm khu vực núi Sam tập trung hàng trăm xe cùng lúc tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, vui mắt. Dân thập phương đổ về lúc tảng sáng hoặc nhập nhoạng tối. Người chạy xe lôi cũng thức trắng đêm chở khách.
"Không còn được chuộng như trước nữa, nhưng giờ dân xe lôi đạp vẫn trông mùa vía Bà. Nhiều người chạy xe lôi dạo "thời vụ" thường đợi đến mùa vía đổ về núi Sam chở khách tứ phương tò mò đi cho biết. Nếu chịu khó một ngày có thể kiếm được cả triệu đồng chứ chẳng chơi. 
Nhưng nói thì nói vậy chứ được mấy dịp đâu, còn lại ế chỏng chơ" - ông Lê Văn Lơ (66 tuổi, ngụ TP Châu Đốc) chia sẻ.
Ông Lơ thường đậu đón khách dưới chân núi Sam, có hơn nửa đời người còng lưng đạp xe nên nếm trải đủ buồn vui của nghề.
"Thời này có xe buýt, xe honda ôm nên người ta cũng ít đi xe lôi đạp. Sau mùa vía, ế khách, dân chạy xe lôi lại tứ tán khắp xứ. Có người chỉ làm thời vụ, xong mùa vía lại về mần ruộng" - ông Lơ kể...
Xe lôi chở hàng hóa tại Châu Đốc - Ảnh: T.NHƠN
Xe lôi chở hàng hóa tại Châu Đốc - Ảnh: T.NHƠN
Thợ làm thùng xe lôi đạp cuối cùng
Xe lôi đạp giờ cũng đổi mới để tồn tại. Về hình dáng tương đối giống nhau nhưng mỗi chiếc xe lôi lại "độ" thêm các chi tiết nhỏ để trông bắt mắt hơn, giúp người chạy đỡ mệt hơn.
Theo giới thiệu của giới chạy xe lôi đạp, tôi tìm đến xưởng ông Nguyễn Văn Thuận (67 tuổi), thợ đóng thùng xe lôi cuối cùng của Châu Đốc. Trong xưởng của ông là chiếc thùng xe lôi đang đóng dang dở cùng những công cụ đục đẽo đã nhuốm màu thời gian.
Ông Thuận kể mình sinh tại Campuchia, về Việt Nam những năm chiến tranh biên giới Tây Nam. Trước ông làm nghề thợ mộc rồi chuyển sang đóng thùng xe lôi do yêu thích và nhu cầu từ người chạy xe lôi đạp.
Ông Thuận tếu táo: "Bây giờ người ta đi tìm tui, chứ tui hổng có đi tìm họ à nghen. Nghe ngon ghê hông? Nguyên cái xứ này lúc trước có chừng chục người đóng thùng xe lôi như tui, bảy tám năm trở lại đây còn có mình tui. Tui mà chết thì nghề này cũng biến mất tại Châu Đốc này".
Cũng theo ông Thuận, thùng xe lôi lúc trước được làm bằng gỗ trắc, gỗ sao vì chỉ những loại gỗ đó mới chịu được sức nặng, dãi dầu nắng mưa mà vẫn bền. "Nhìn vậy chứ xe lôi chở được ba, bốn người vẫn ngon lành" - ông Thuận cho biết.
Hiện giá đóng thùng xe lôi bao gồm bánh xe hơn 3 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, tùy nhu cầu chủ xe như sơn phết, bọc inox hoặc thay đổi kiểu dáng thùng xe cho mới lạ thì giá sẽ tăng thêm chút đỉnh. Một thùng xe lôi đạp "ngon lành" cũng lấy mất của thợ lành nghề khoảng một tuần.
"Bây giờ, ngoài làm thùng xe người ta còn độ đề, líp xe để giảm sức người đạp" - ông Thuận nói.
Anh Nguyễn Văn Bé, thợ chạy xe lôi, mang thùng xe đến nhờ ông Thuận tân trang giúp chia sẻ: "Mấy cái xe lôi sau này đẹp hết hồn, chạy lại nhẹ nên người ta khoái. Tui nhờ ổng bọc inox cho sang, du khách giờ cũng lựa xe đẹp, xe ngon mới chịu đi".
Những năm gần đây, du lịch phát triển nên khách đổ về Châu Đốc ngày càng nhiều. Nhiều công ty du lịch, cơ sở lưu trú cũng chọn xe lôi đạp giúp du khách trải nghiệm vẻ đẹp vùng đất, con người An Giang.
"Lâu lâu bên công ty du lịch cũng gọi cho tui thuê chở khách đi tham quan thành phố. Có mối, tui giới thiệu thêm cho anh em bên ngoài chở cùng. Cũng kiếm được thêm thu nhập để duy trì nghề" - ông Võ Văn Nhánh chia sẻ.
Dân chạy xe lôi còng lưng kiếm bạc cắc nhưng hào sảng. Dù là người chạy tự do hay có bến bãi trước những khách sạn lớn cũng ít khi tranh cãi giành khách. Ai đến đậu trước thì "lấy tài" trước.
"Quy luật bất thành văn này từ lâu và dân xe lôi đạp nay vẫn xem trọng tình nghĩa, phải trái" - ông Nhánh tâm sự.

Rước dâu bằng xe lôi đạp

Nhằm tái hiện hình ảnh quá khứ hoặc để đám cưới thêm phần "độc, lạ", nhiều đôi uyên ương chọn xe lôi làm phương tiện rước dâu.

"Lâu lâu lại có cặp rước dâu bằng xe lôi nhằm tạo sự mới lạ cho đám cưới. Mỗi lần vậy, anh em chạy xe lôi chúng tôi lại được lì xì vài trăm ngàn. Đây cũng là cách hay quảng bá hình ảnh xe lôi đạp đến với mọi người" - ông Đỗ Văn Điền (62 tuổi, ngụ TP Châu Đốc) vui vẻ cho biết.

_________________________________________________
Về miền Tây có nhiều đặc sản để nhớ để thương. Và những người đứng tuổi chắc khó quên được một thời khô cá tra phồng Biển Hồ thơm lừng mũi mỗi bữa cơm chiều...
Kỳ tới: Con cá tra phồng thơm lừng bữa cơm chiều
Theo THÀNH NHƠN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...