Thăm "giang sơn" của ốc bươu đen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Lê Hoàng Thanh kiểm tra ốc thương phẩm. Ảnh: S.H
Thế kỷ trước, ai đó đã du nhập ốc bươu vàng về miền Tây, chỉ vài năm sau, chúng sinh sản tràn ngập các ánh đồng, thả sức cắn phá những trà lúa oằn bông, trở thành nỗi ám ảnh không chỉ đối với nông dân mà cả nhà quản lý. Ốc bươu Việt bị lấn ép gần như muốn tuyệt chủng... Thế nhưng, ở giữa đất Tây Đô, 10 năm trước có người đàn ông âm thầm gầy dựng lại giống ốc bươu đen. Và 3 năm sau đó, giống ốc bươu đen của ông đã xuất hiện khắp nơi trên địa bàn cả nước...
Bén duyên với ốc
Ông Lê Hoàng Thanh - dân cốt cựu của huyện Phong Điền - sau  4 cuộc thí nghiệm về sự đối kháng giữa ốc bươu vàng và ốc bươu đen đã đúc kết rằng: Ban đầu nhốt chung với số lượng như nhau, chúng sống với nhau rất hoà bình, nhưng khi đưa thêm cây lúa làm thức ăn chung cho cả hai thì một thời gian sau, con ốc bươu đen không sống được... Rõ là sức cắn phá và giành ăn của ốc bươu vàng rất mạnh. Chính vì thế, ông Hai Thanh khi thả nuôi ốc bươu đen dọn ao rất kỹ và ngăn cản đường xâm nhập của ốc bươu vàng.
Thật ra, duyên tình với loài nhuyễn thể này cũng ngặt nghèo lắm. Khai thác mảnh đất 5.000 mét vuông của ông cụ thân sinh để lại, ban đầu ông Hai Thanh cũng bị cuốn theo dòng chảy hồi đó “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi lợn”. Trên mảnh đất hương hỏa của ông bà để lại có cái ao tròm trèm 1.200 mét vuông mặt nước, ông tận dụng nuôi hết cá trê lai, rồi cá sặc, đến cá tai tượng trước làn sóng khi trồi khi sụt theo chiều thăng giáng của thị trường. Để trụ được với ao cá nhà, ông tìm đủ mọi cách giảm chi phí, trong đó có tận dụng mương vườn ở cạnh ao cá để nuôi ốc bươu làm thức ăn cho cá. Đợt nuôi năm đó cho ra kết quả là giảm được 50% chi phí thức ăn.  
Ông ra sức dọn mương vườn và duy trì mật độ trên khoảng diện tích mặt nước này, nhưng lợi nhuận chung vẫn chưa được cải thiện. Một ngày kia, có người  mua ốc dạo đến nhà ông thăm dò mua ốc. Khi khảo sát đàn ốc ông đang nuôi ở mương vườn, người này nhanh chóng xin ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài. Ông nhẩm tính, với mức tiêu thụ này, mỗi năm ông có dư gần 100 triệu đồng. Lợi nhuận cỡ này suốt những năm nuôi lợn, nuôi cá ông chưa từng đạt được. Điều hấp dẫn là chi phí nuôi ốc bươu rất thấp, vấn đề còn lại là kỹ thuật nuôi. Thế là ông cất công đi tìm tài liệu kỹ thuật... Nhưng những năm đó, thông tin về kỹ thuật nuôi ốc thật sự không đủ thoả mãn những điều ông muốn khám phá. Ông lao vào nghiên cứu đặc tính và đời sống sinh học của loài ốc thuần Việt này.
Ông Thanh chuẩn bị thức ăn cho ốc bươu. Ảnh: S.H
Ăn dơ, ở sạch và...
Không tìm thấy tài liệu khoa học chính thống, ông tổ chức thực nghiệm trên mảnh vườn nhà mình và đúc kết được bài học quý: Ốc ăn dơ nhưng ở sạch... Ông mạnh dạn dỡ bỏ ao nuôi cá chuyển sang nuôi ốc, tạo vùng nuôi thoáng sạch cho vật nuôi mới. Thương lái tìm tới mua ốc của ông ngày một đông hơn, đơn đặt hàng tăng nhanh, phải tăng sản lượng lên thôi! Vẫn ngần ấy mặt nước mà tăng sản lượng quả thật không dễ. Ngày nào ông cũng ra sau vườn, ngồi trên bờ ao nhìn đàn ốc bám vào 4 bên thành ao đầy nghẹt bỏ trống khoảng giữa của ao, ông tự hỏi sao không tận dụng các khoảng trống ấy.
Ngày nào, ông cũng ra ao nhìn ngắm đàn ốc, có khi ngồi hàng giờ trên bờ ao và hiểu được ốc bươu rất thích nơi vùng nước mát có bóng râm. Chính vì thế, chúng mới bám vào thành ao. Vì vậy, sau đó, ông chọn những cành cây khô cắm dầy xuống giữa ao tạo không gian cho ốc đeo bán sinh sống và tăng trưởng.
Ngoài ra, ông còn đẩy nhanh tiến độ trồng cây tạo bóng râm trên bờ xung quanh ao. Đàn ốc có nơi thích hợp nương tựa. Chẳng bao lâu sau, sản lượng ốc thịt cũng tại vùng nước ao sau nhà tăng lên gấp 4 lần, và mở ra hướng làm con giống ốc bươu đen cho ông Hai Thanh... 
Ông Hai Thanh cho rằng, thành công lớn nhất theo đuổi đàn ốc bươu thuần Việt này là chính là nắm bắt được đặc tính sinh học của con ốc: Ăn dơ, ở sạch... Nhưng không chấp nhận dừng ở đó, ông phản biện: Sao không phải là ở sạch, ăn cũng sạch? Ghim ý tưởng đó trong lòng rồi rẽ theo hướng sạch, ốc của ông nuôi chỉ thuần ăn thực vật (rong bèo và lá, trái cây).
Kết quả mỹ mãn đã trả lời ông về sự chọn lựa đúng đắn cho hướng đi. Ốc được thuần dưỡng trong môi trường thực vật rất mạnh và dễ thích nghi khi thay đổi vùng nuôi. Tỉ lệ sống đạt gần như 100%, trong khi với ốc nuôi trong môi trường tự nhiên chỉ đạt đến 60% là cùng.
Đáp tàu bay cho ốc
Hiệu ứng đẹp từ kỹ thuật nuôi sạch đã mở ra thị trường con giống nhiều hứa hẹn. Ốc thịt nhà hàng đặt mua không đủ cung ứng, còn ốc giống cũng được vùng nuôi trên cả nước tìm đến. Khách ở xa đến mua chuyển về theo phi cơ, đặt hàng qua điện thoại. Có lúc, ông phải đóng hàng vào thùng xốp mua vé máy bay chuyển ốc đến những địa chỉ xa. Ngồi nhìn ông chọn từng cánh bèo tai voi ngâm rửa thật kỹ trong từng thau chậu nhựa mới xé ra từng cánh làm thức ăn cho ốc con mới thấu hiểu công phu của người nông dân đất Tây Đô này dành cho đàn ốc trong vườn nhà mình.
Đối với ông, quy trình phải chỉnh chu... như bài học về nuôi cá những năm qua cho thấy, ào ạt dễ sạt đổ. Bao giờ cũng vậy, ốc thịt hay ốc con giống khi xuất ao, ông cũng giữ lại một lượng nhất định để tái tạo đủ lượng cho vòng quay xuất ao lần sau. Nghĩa là phải tuân thủ việc tuyển chọn theo lượng 25 con/kg, cứ mỗi đợt 100kg/tuần. Mấy ngày Tết Canh Tý bị cháy hàng do nhu cầu ẩm thực Xuân quá lớn buộc lòng ông phải chiều theo đầu mối khách hàng xuất ao vượt hơn bình thường gầp 3 đến 4 lần. Nên ông phải đóng ao ngâm chờ sau Tết kéo dài ngày hơn bình thường...
Ông cho rằng vì cả nể nên đã vi phạm nguyên tắc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được vận dụng vào việc sản xuất và kinh doanh con ốc mà ông đã duy trì hàng chục năm nay: Không được tận thu để giữ vững mặt bằng sản xuất và kinh doanh sản phẩm của mình làm ra. Phải chăng đó cũng là bài học cho việc thoát khỏi vòng xoáy trồng - chặt, đào - lấp nghiệt ngã lâu nay làm sản phẩm từ cây, con của người nông dân khốn đốn.

Khách ở xa đến mua chuyển về theo phi cơ, đặt hàng qua điện thoại. Có lúc, ông phải đóng hàng vào thùng xốp mua vé máy bay chuyển ốc đến những địa chỉ xa. Ngồi nhìn ông chọn từng cánh bèo tai voi ngâm rửa thật kỹ trong từng thau chậu nhựa mới xé ra từng cánh làm thức ăn cho ốc con mới thấu hiểu công phu của người nông dân đất Tây Đô này dành cho đàn ốc trong vườn nhà mình.


Sở Hạ (LĐO)

https://laodong.vn/kinh-te/tham-giang-son-cua-oc-buou-den-785809.ldo

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.