Qua miền khô hạn - Kỳ 1: Những dòng sông khô nứt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những cánh đồng nứt nẻ, cây cối chết khô. Những kênh rạch không bị trơ đáy thì lại nhiễm mặn nặng nề. Phóng viên Tuổi Trẻ nhiều ngày đi ghi nhận toàn cảnh hiện trạng nghiêm trọng này.
Ông Hà Văn Hinh có thể đi bộ trên kênh xáng Minh Hà - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Ông Hà Văn Hinh có thể đi bộ trên kênh xáng Minh Hà - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Nếu chọn một nơi để thấy rõ thiệt hại do biến đổi khốc liệt của khí hậu thì đó chắc chắn là Cà Mau. Sụt lún, nước biển dâng, nhiễm mặn, khô hạn..., xứ này đều bị hết và bị đầu tiên, bị nặng nhất.

 Ông TÔ QUỐC NAM

Có hay không giải pháp căn cơ, chiến lược cho vựa lúa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia ở miền Tây Nam Bộ?

Người đàn ông chân trần, xách chiếc thau cũ kỹ men theo dải đất nhuộm phèn, nứt nẻ. Cố kiếm trong những vũng nước ít ỏi sót lại chút hi vọng cho bữa cơm chiều.
Không có cá, tôm nào "mắc kẹt" lại cả. Chỉ thấy phía sau lưng ông là hàng chục chiếc ghe thương hồ tứ xứ nằm vạ trên bãi kênh trơ đáy từ nhiều ngày nay.
Trên dòng kênh trơ đáy
Những chiếc ghe hàng bông "việt vị" với con nước không kịp quay về, đành nằm lỳ trên kênh xáng Minh Hà, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đã khô cạn, trơ đáy gần tháng nay. Những gì người dân trong vùng từng hi vọng về nó cũng trơ theo cơn hạn hán khắc nghiệt.
Nhưng thay vì than thở, dân ở đây chỉ biết ngạc nhiên trước sự thay đổi "kỳ cục" của thiên nhiên.
"Chắc đợi tới mùa mưa tui mới về xứ", Hai Quán (Nguyễn Văn Quán, 54 tuổi), quê xã Long Điền, huyện Đông Hải, Bạc Liêu, thở dài.
"Đâu ai tưởng tượng con kênh xáng bự chảng vậy mà khô kiệt nước. Ông trời bây giờ lạ quá", người thương hồ không rành lý do xa xôi gì đó từ thượng nguồn, đành chỉ biết đổ thừa ông trời.
Hơn 30 năm trước, khi rời cuộc sống giữa trung tâm Sài Gòn để chọn cảnh yên bình bên kênh xáng Minh Hà, ông Tư Hinh (Hà Văn Hinh, ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho rằng mình may mắn khi an cư ở một nơi bốn bề xanh ngát.
Sau nhà là ruộng, rẫy, xa hơn là rừng tràm U Minh bao quanh. Trước nhà là con kênh xáng mênh mông, cá nhiều vô số.
"Cực ăn, chỉ cần xách tay lưới kéo qua kênh xáng là có cá đủ cho cả chục người ăn", ông nói đó là chuyện không quá lâu về trước mà giờ kể lại nghe như là truyện bác Ba Phi. Cả bác Ba Phi ổng còn sống cũng không nghĩ ra được chuyện kênh xáng Minh Hà bị khô nứt đáy", người nông dân nói vừa lạ lẫm, vừa cam chịu.
Sở dĩ có tên kênh xáng Minh Hà là do sau khi đào kênh người ta ghép từ giữa hai tỉnh kết nghĩa là Minh Hải (nay là Cà Mau, Bạc Liêu) và Hà Nam Ninh (gồm ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình).
Những dòng người từ miền Bắc vào khai hoang rừng rậm, đào ao giữ cá, lập vườn trồng rau, be bờ sạ lúa... xóm làng tươm tất hẳn khiến dân bản xứ phải trầm trồ. Minh Hà cũng là tên đặt cho một nông trường, mà ở đó người ta ví rằng cá nhiều đến mức nhìn... phát ngán.
Một vùng xanh tươi ấy lại được nuôi nấng bằng nguồn nước từ sông mẹ Ông Đốc dẫn về qua con kênh xáng dài hàng chục cây số. Từ những con kênh trục, vô số kênh tẻ luồn lách qua từng xóm nhà, chằng chịt như mạch máu nuôi sống cơ thể là các xóm làng trù phú.
"Một thời nếu không có kênh xáng Minh Hà, dân xứ này đã sống trong thế bị cô lập, bởi giao thông cách trở". Ghe thương hồ, ghe cá, ghe hàng bông... cũng hiện diện khắp nơi dọc theo kênh xáng. Hàng hóa từ chợ về đến đây cũng qua thủy lộ này.
Kênh rạch khô cạn ảnh hưởng nghiêm trọng sinh kế người dân Cà Mau - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Kênh rạch khô cạn ảnh hưởng nghiêm trọng sinh kế người dân Cà Mau - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Khát cháy ở vùng "ngọt hóa"
"Đó là chuyện hồi trước. Năm nay thì chú thấy rồi đó, sông phơi đáy rồi", ông Giang Sĩ Công (55 tuổi, quê Bạc Liêu) chia sẻ rằng ông có chiếc ghe hay men theo kênh xáng Minh Hà để vào mua nông sản của người dân. Năm nay sông khô, vô phương mà tàu ghe vào được như trước.
"Vào xứ này, muốn kiếm con kênh nào còn nước chắc hiếm lắm", anh Trương Văn Tỉnh, cán bộ nông nghiệp xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), đưa chúng tôi đi dọc bờ những kênh lạch trơ đáy nứt nẻ.
Nếu chưa hiểu về vùng đất này, có lẽ ít người nghĩ đó từng là các con kênh đầy ắp nước. Đáy kênh khô như mặt lộ, xuồng ghe cũng nằm sắp lớp như cá mắc cạn. Dân ở đây nén nỗi buồn bằng việc ví von xuồng ghe sinh kế của họ đang mùa "ngủ hạn".
Bận trước vào những ngày này, các kênh rạch chảy qua những xóm ấp này rộn rã bởi vào mùa thu hoạch lúa, tát đìa bắt cá, cắt chuối chín... được chở bằng ghe xuồng. Nhưng năm nay đường thủy vốn là huyết mạch của vùng đang bị tê liệt. Trên bờ nông dân trồng chuối, gặt lúa muốn bán thì phải chở từng chuyến xe gắn máy ra lộ lớn để tìm xe tải mua hàng.
"Trước giờ mình quen sống theo kênh rạch. Đi đâu cũng đi bằng đường nước. Đâu có ai biết đến hồi kênh còn khô hơn trên bờ như vầy. Con nít xóm này chiều chiều chúng lại đem xe ra... để chạy dưới đáy kênh. Chắc chúng thấy lạ. Còn người lớn hổng vui nổi", bà Hồng Thị E (60 tuổi, ấp 4, xã Khánh Bình Đông, Trần Văn Thời) chỉ kênh Ngây trước nhà đang khô phơi đáy.
Bà E kể theo chồng từ Tắc Thủ về đây, điều đầu tiên bà biết đến xứ sở bên chồng là kênh Ngây, rước dâu phải đi bằng xuồng chèo. Dọc kênh là xóm nhà sung túc. Họ trồng thêm rau, nuôi cá... Thế rồi cuộc chơi dừng lại đột ngột khi con kênh là nguồn sống đã không còn một giọt nước. Người dân xứ này đã đi qua bao mùa hạn hán, nhưng hạn đến nứt nẻ cả đáy thì quá khó tin mà có thật.
Lý giải hiện trạng hàng trăm con sông ở vùng Bắc Cà Mau gần như đồng loạt trơ đáy, ông Tô Quốc Nam, phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho rằng do năm nay hạn đến sớm trong khi mùa mưa lại kết thúc chóng vánh. Nước mặn xâm nhập quá nhanh đe dọa việc sản xuất của người dân.
Ngay từ trước Tết Nguyên đán, gần như toàn bộ các cửa cống ngăn mặn khép kín một vùng "ngọt hóa" của tỉnh Cà Mau (gồm ba huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình) đã được sập xuống để bảo vệ mùa màng.
Sông ngòi, kênh rạch len lỏi ruộng rẫy, rừng tràm bị cách ly nguồn nước của những con sông lớn từ biển vắt qua bán đảo Cà Mau vốn đã nhiễm mặn rất nặng. Đến mùa xuống lúa giống, người dân đồng loạt bơm nước từ kênh lên đồng. Không có nguồn nước bù lại từ sông cái, hệ thống kênh rạch vùng ngọt khép kín bị khô nước.
Một vùng tây bắc của tỉnh đang dầu sôi lửa bỏng.
"Phía ngoài nước mặn đang gây áp lực kinh khủng lên đê bao, cống bọng. Bên trong, khô khát lại đang gay gắt. Mùa hạn năm nay dự báo kéo dài. Người dân gặp khó khăn càng chồng chất khó khăn", ông Nam nói cũng có ý kiến mở cống cho nước mặn tràn vào sông rạch đang khô.
Tuy nhiên, nó lại đưa những con sông đang chết khô thành nhiễm mặn, hậu quả có khi lại nặng nề hơn!
__________________________
Ngày đẹp trời, người nông dân thức dậy thấy mảnh sân, con đường trước nhà bỗng dưng đổ sụp. Họ chỉ biết nhìn những dòng sông khô hạn mà ngước mặt than trời...
Kỳ tới: Miền đất gãy
Theo TIẾN TRÌNH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.