Rừng đa cổ thụ âm u, bí hiểm ở Quảng Nam, có cây 1.000 năm tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hơn nhiều giờ ngược núi, trước mặt chúng tôi, là một rừng cây đa cổ thụ, vẽ lên muôn hình vạn trạng giữa núi rừng thâm u kỳ vỹ. “Cả vùng này, có chừng 20 cây đa lớn, nhưng cây này là lớn nhất”. Vừa chỉ tay giới thiệu về một cây đa cổ thụ, người dẫn đường vừa cầm rựa phát dọn thật sạch cây cỏ nơi chúng tôi quyết định dừng chân.
Đây là cánh rừng bí hiểm thứ 3 được đồng bào Cơ Tu ở huyện biên giới Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) phát hiện, sau quần thể pơmu và đỗ quyên.
Vì thế, gần như nơi này rất ít bàn chân con người qua lại. Lần theo ký ức của già làng vùng cao, những câu chuyện kỳ bí về rừng cây đa cổ thụ dần được hé mở, nhuốm màu xanh rêu một thuở theo dấu tích huyền sử của đại ngàn.
Thám hiểm rừng thiêng
Cơn mưa dông vào buổi chiều hôm trước càng khiến con đường đến với rừng cây đa cổ thụ thuộc địa phận thôn A Ting (xã Ga Ry, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) khó khăn gấp bội. Vắt - một thứ “đặc sản” của rừng xanh lúc nào cũng sẵn sàng chờ đón bàn chân người.
Cộng đồng Cơ Tu quyết tâm giữ rừng, hướng đến hình thành điểm du lịch trải nghiệm cho du khách với những cây đa cổ thụ có bộ thân, bộ rễ đan bện vào nhau như bức tường thành chắc chắn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC.
Dù đã rất cẩn thận mang theo nhúm muối hột bọc trong túi nilông để đối phó, nhưng sau một đoạn đường dài, dưới lớp tất, máu vẫn hiện rõ từng vệt dài khiến chúng tôi ớn lạnh. Từ thôn A Ting (xã Ga Ry), chúng tôi băng qua những cánh đồng lúa nước đang vào mùa gặt của đồng bào địa phương.
Dưới ánh nắng lấp lánh, từng vạt lúa vàng trĩu đung đưa theo làn gió. Pơloong Plênh, một cán bộ ngành văn hóa - du lịch ở địa phương, nói với chúng tôi, rằng chưa có điểm khám phá nào mà anh đi qua, lại có cảnh đẹp kỳ thú như hành trình đến với rừng cây đa cổ thụ này.
Từ cánh đồng lúa bậc thang, dòng suối nước trong mát, cho đến những vườn hoa màu xanh mởn được trồng dọc đường vào khu đất sản xuất của đồng bào. Cảnh quan đầy mê hoặc, như trợ sức cho chúng tôi những bước chân mạnh mẽ để tiếp tục lên đường.
Một cây đa tại khu vực với tán lá khá rộng.
Bóng nắng đã dần dịu mát sau những tán rừng già. Vượt khỏi dòng thác, người dẫn đường giọng hổn hển chỉ tay về cánh rừng trước mặt cách chúng tôi đứng chừng hơn trăm mét hét lớn: “Đây rồi. Rừng cây đa cổ thụ đây rồi!”. Từ chân núi, phóng tầm mắt lên một quả đồi đối diện, những cây đa lớn nhỏ mọc san sát theo hình dích dắc.
Ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, đồi Hơ Rê, nơi chúng tôi tiếp cận cây đa cổ thụ bậc nhất vùng này có độ che phủ rộng lớn, bàn chân như được phủ kín bởi lớp mùn dày đặc. Dưới rừng cây rậm rạp, những tia nắng xuyên qua tán lá chi chít những sắc vàng lung linh, huyền ảo. Rừng thiêng mang trong mình vẻ đẹp vô cùng kỳ bí.
Người dẫn đường thích thú trèo lên từng nhánh cây đa xòe rộng vươn xa khỏi gốc hàng chục mét, để thử cảm giác lạ nơi rừng cây kỳ thú này. Hơn 13m đường kính, với độ phủ rộng của rễ được tính từ cành cây cắm thẳng xuống mặt đất khoảng hơn 35m, cụ “cây đa voi” - theo cách đặt của người dân địa phương có tuổi đời ước hơn 1.000 năm.
Cách đó không xa, những cây đa khác, độ lớn cũng không thua kém, cao chót vót, vươn mình đón nắng. Trưa, tựa lưng vào một tảng đá lớn, nhìn lên nhánh cây đa vươn dài, tỏa rộng, cảm giác sung sướng vô cùng. Cây thiêng của rừng, và rừng thiêng ẩn mật của đồng bào Cơ Tu.
Một đời sống ở núi rừng, Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry - ông Ríah Nhoóp nói với chúng tôi, rằng lần đầu tiên anh được tận mắt nhìn thấy những cây đa cổ thụ nên rất ấn tượng.
“Hồi còn nhỏ, chỉ nghe mấy cụ già kể lại thôi, cứ tưởng là chuyện cổ tích, ai ngờ có thật như thế này” - ông Nhoóp vỗ nhẹ vào thân cây xúc động, rồi thắp nén hương hàm ý báo cáo với thần rừng vì sự hiện diện của chúng tôi, theo tập tục lâu đời của đồng bào Cơ Tu ở nơi này.
Sau một hồi men theo đường rừng kiểm đếm những cây đa, lúc trở về, chúng tôi phải cắt rừng sâu hiểm trở. Núi đá dựng đứng, có lúc tưởng chừng bàn chân không chạm được tới đất. Dừng lại ngay chân thác nước đầu nguồn, xuôi mắt về phía thung lũng trước mặt, cánh đồng lúa nước bậc thang hiện ra đẹp như tuổi xuân của đời người con gái.
Câu chuyện giữ rừng
Với người Cơ Tu, cây đa (ra’rây) là nơi linh thiêng nhất, gắn với nhiều câu chuyện huyền bí mà cho đến bây giờ già làng vẫn kể. Vì thế, không một ai dám đến gốc đa, là bởi sợ thần linh quở trách, khiến dân làng ốm đau, dịch bệnh. Đồng bào ở đây kể câu chuyện, hơn chục năm trước, đã có một thanh niên ở làng A Ting, trong lúc vào rừng săn chim vô tình đến gần khu vực cây đa cổ thụ.
Sau khi trèo lên cành cây, người thanh niên này đã dùng rựa chặt nhánh cây để nhử chim đến. Trong lúc đặt bẫy, anh không may bị trượt chân ngã ở độ cao gần chục mét khiến bất tỉnh. Người thanh niên này sau đó đã kể lại, trong giấc mơ anh thấy một vị thần quở trách và phạt để cảnh cáo, khiến dân làng lo sợ (?).
Già làng A Ting - ông Ríah Nhoót cho hay, theo quan niệm của đồng bào Cơ Tu, những khu rừng già luôn chất chứa sự huyền bí, linh thiêng, là nơi thần linh trú ngụ. Xâm hại đến cánh rừng đồng nghĩa với việc xâm phạm lãnh địa của thần linh.
Bởi thế, nếu không được dân làng đứng ra tổ chức cúng tế, không một ai dám chặt phá cây rừng, nhất là khu vực đó mọc rất nhiều cây đa. “Người ta chọn đất phát rẫy, cũng tránh chỗ nào có cây đa cổ thụ. Trường hợp không còn cách nào khác, khu vực có cây đa mọc phải được chừa lại một khoảng đất trống tương đương độ che phủ của tán lá và tránh lửa cháy làm ảnh hưởng đến cây đa, như vậy mới khỏi bị thần linh trách phạt” - ông Nhoót kể. Nhờ vậy, những cây đa và nhiều cánh rừng ở đây đều tồn tại đến ngàn năm.
Biểu tượng hòa bình
Nỗi lo sợ truyền kiếp một phần là do quan niệm từ đời này cứ thế truyền đời khác, phần khác cây đa trở nên linh thiêng bởi nó được người Cơ Tu chọn làm biểu trưng, “chứng nhân” cho sự thỏa hiệp giữa các làng vùng cao sau hủ tục têng brâu (nội chiến) dai dẳng suốt nhiều thế kỷ. Tại làng Arâng (xã A Xan) hiện vẫn còn 2 cây đa sộp có tuổi đời xấp xỉ 1.000 năm tuổi, được đồng bào xem như một bản “hiệp ước hòa bình” gắn kết cộng đồng sau này.
Bí thư Huyện ủy Tây Giang - ông Bh’riu Liếc cho rằng, xuất phát từ lòng yêu mẹ rừng, yêu thiên nhiên hoang dã nên cha ông người Cơ Tu thuở trước đã nghĩ ra những câu chuyện kỳ bí để nhắc nhớ, giáo dục con cháu không xâm hại rừng đầu nguồn, không tự ý phá rừng nguyên sinh bừa bãi.
Đây thực sự là triết lý, thể hiện cách ứng xử rất văn minh của người Cơ Tu đối với mẹ rừng, với môi trường tự nhiên đã có công bảo bọc cộng đồng làng suốt hàng nghìn năm sinh tồn. Không chỉ mang lại nguồn sống, rừng với đồng bào còn là nơi sản sinh và chở che cho những chiến binh của làng chống lại kẻ thù, trở thành căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến sau này.
Vì thế, yêu quý rừng, yêu cái đẹp của núi rừng chính là góp phần gìn giữ sinh cảnh tự nhiên, bảo vệ được nguồn nước, cũng như môi trường sống trong lành.
Sẽ lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng cây Di sản Việt Nam

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin phát hiện rừng cây đa cổ thụ ở thôn A Ting (xã Ga Ry), bên cạnh cử đoàn đến khảo sát và kiểm đếm, chính quyền địa phương đang xây dựng kế hoạch mời Hội Bảo vệ cây Di sản Việt Nam trực tiếp khảo sát, lập hồ sơ để công nhận rừng cây đa cổ thụ này là rừng cây Di sản Việt Nam.

Bởi trong tương lai, đây sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách tham quan, khám phá theo tour du lịch trải nghiệm gắn với các chương trình du lịch văn hóa cộng đồng,sinh thái và tâm linh của đồng bào vùng cao. Trước đó, Hội Bảo vệ cây Di sản Việt Nam cũng đã công nhận 1.587 cây di sản cho Tây Giang, bao gồm 1.146 cây pơmu; 435 cây hoa đỗ quyên; 5 cây đa và 1 cây giổi.

Dân Việt (Theo ALăng Ngước/Báo Quảng Nam)

Có thể bạn quan tâm

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Những cuộc đời ven kênh

Những cuộc đời ven kênh

Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Người của biển khơi

Người của biển khơi

Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt