Bước qua lời nguyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người Rơ Măm đã cùng nhau bước qua lời nguyền, coi chăn nuôi bò là một mô hình phát triển kinh tế hiệu quả giúp họ vượt qua đói nghèo, lạc hậu
Ở tỉnh Kon Tum có một nơi mà nhiều đời nay cả dân làng không ai dám nuôi bò bởi một lời nguyền từ thuở xa xưa, đó là làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.
Ám ảnh không dám nuôi
Chúng tôi đến gia đình ông A Blong, già làng Le, vào một ngày cuối năm. Trong ngôi nhà ván đơn sơ vừa mới được tráng nền xi-măng, chúng tôi được nghe ông kể lại phong tục không nuôi bò của dân làng Le trước đây.
Ông không nhớ rõ phong tục ấy có từ khi nào, cách đây bao nhiêu mùa rẫy, mà chỉ biết rằng từ thời ông còn nhỏ xíu đã được nghe những người lớn tuổi trong làng kể người Rơ Măm có một lời nguyền là hễ ai nuôi bò thì bò sẽ chết, nếu không thì người trong làng sẽ chết. Chính vì thế, trước đây, trong đời sống của người Rơ Măm nơi này chỉ có bóng dáng những con trâu, không ai dám nuôi bò dù ở các làng khác nhiều người chăn nuôi bò rất tốt.
Nhiều gia đình người Rơ Măm ở làng Le đã biết cách chăn nuôi bò đàn. Ảnh: Vĩnh Hà
Chuyện kể ngày xửa ngày xưa, có hai chị em nhà nọ, do nuôi bò thả rông vào vườn phá hết các loại cây trồng nên họ gây gổ rồi từ bỏ nhau. Cũng trong năm đó, do bệnh dịch xảy ra mà không ai biết nên đàn bò của làng chết rất nhiều, rồi cả người trong làng cũng chết mà không rõ nguyên nhân. Từ đó về sau, mặc định như một lời nguyền, hễ ai nuôi bò là bò sẽ chết. Rồi còn có chuyện chủ nuôi bò cũng bị chết theo làm dân làng hoảng sợ nên không dám nuôi. Qua thời gian, do trình độ chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm của người dân thấp kém, trong đó có chăn nuôi bò, nên sự ám ảnh đó kéo dài và trở thành một phong tục lạc hậu cho đến những năm cuối thế kỷ XX mới thật sự chấm dứt.
Ông A Hrách Láo, Chủ tịch UBND xã Mô Rai, cho biết: "Ngày xưa, làng Le có khoảng 50 hộ gia đình, nhưng đặc tính của làng về phong tục tập quán so với dân tộc Gia Rai ở đây khác nhau lắm. Trong đó, về chăn nuôi bò, ngày xưa dân tộc Rơ Măm không được nuôi bò vì kiêng cữ. Mãi đến năm 1992, Viện Dân tộc học Việt Nam nghiên cứu và biết dân tộc Rơ Măm có những suy nghĩ như thế là không phù hợp, vì vậy đã xây dựng đề án đầu tư riêng với 8 tỉ đồng để phát triển chăn nuôi bò, xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm... Đây được xem là mốc đánh dấu lần đầu tiên người dân làng Le bước qua lời nguyền".
"Ban đầu, dự án cấp cho mỗi hộ 2 con bò, 50 hộ là 100 con. Qua thực tế nuôi thì ban đầu không có kết quả, bò chết dần. Ngoài ra, có một số bò bị mất, nên nhiều hộ chán nản, không muốn nuôi bò nữa. Qua đó, dân làng Le càng tin lời nguyền xưa là có thật, vì 100 con bò được hỗ trợ đầu tiên chết dần chết mòn, rồi bị mất, người dân ở đây nản thực sự" - ông A Hrách Láo tâm sự.
Gương mẫu làm cho dân tin
Nói rồi, ông A Hrách Láo trầm ngâm: "Đúng là việc nuôi bò ở làng Le đã có lúc gặp rất nhiều khó khăn như thế. Tuy nhiên, trong làng lúc đó vẫn có người kiên trì với chăn nuôi bò mặc cho người khác dị nghị".
Trường hợp mà ông A Hrách Láo muốn kể chính là gia đình ông A Rói, nuôi 2 con bò được nhà nước cấp và cũng bị chết. Lúc này, ông A Rói đang là thôn trưởng làng Le, ông muốn dân làng thay đổi thì ông phải gương mẫu làm cho người dân tin. Hơn nữa, chính quyền địa phương xuống vận động, bộ đội xuống tận nơi làm chuồng, hướng dẫn cách chăn nuôi nên vợ chồng ông A Rói mua bò của làng khác về nuôi tiếp và phát triển tốt. Dần dần, người dân trong làng nuôi bò theo gia đình ông A Rói và nay phát triển thành đàn rất nhiều.
Chăn nuôi dê là hướng đi mới mà dân làng Le chọn để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Vĩnh Hà
Từ khi gia đình ông A Rói thành công, dân làng dần biết tục lệ của làng lâu nay như thế là lạc hậu. Rồi Đảng ủy và chính quyền địa phương xây dựng nghị quyết chuyên đề phát động tuyên truyền bà con phát triển chăn nuôi, không chỉ bò mà cả trâu và các loài động vật khác nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình. Có những hộ rất kiên trì. Cùng với đó, dự án Rơ Măm tiếp tục triển khai cấp bò đợt 2, mỗi hộ được 1 con. Từ đó đến nay, dân làng vừa nuôi bò của dự án cấp vừa tự mua thêm từ các làng khác về nuôi và phát triển tốt. "Nay thì không còn ai kiêng cữ nữa, dân làng nuôi bò cũng như nuôi trâu, chẳng thấy ai băn khoăn gì" - ông A Hrách Láo phấn khởi.
Bà Y Mối, vợ ông A Rói, kể về chuyện quay lại nuôi bò: "Ngày trước, dân làng nuôi bò không được, chết hết, nhưng nhờ được cán bộ, bộ đội vận động nên mình nuôi. Hướng dẫn mình nuôi thì mình nuôi. Thấy con bò sống khỏe, tốt, nên dân làng nuôi theo mình. Nhờ chăn nuôi bò mà gia đình mình có thêm thu nhập, có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua sắm các vật dụng phục vụ cho sinh hoạt. Đến nay, ngoài những con bò đã bán đi thì gia đình mình còn 6 con bò. Những con bò này mình đã chia cho con cháu chăn nuôi khi lập gia đình".
Chỉ còn là chuyện cũ
Già làng A Blong tâm sự: "Tôi nay già rồi, không còn đủ sức để làm rẫy hay đi săn bắt con thú. Nhờ những con bò của nhà nước hỗ trợ mà già hiện nay có ngôi nhà kiên cố ở và tiếp tục với công việc chăm sóc những con bò khác để có thu nhập cho gia đình". Hiện hai vợ chồng già làng A Blong có 6 con bò, trong đó 3 con cho con trai nuôi để phát triển kinh tế riêng. Trước đây, già làng A Blong trồng mì nhưng trồng miết trên rẫy cũ nên năng suất không cao, phải chuyển qua chăn nuôi bò do nhà nước hỗ trợ. Bò phát triển tốt nên bán bò làm nhà cao, chắc chắn, không sợ gió bão nữa.
Anh A Thái, Thôn trưởng thôn Le, tâm sự: "Hiện nay, thế hệ trẻ ở làng Le lớn lên vẫn nghe các già làng kể về lời nguyền, về phong tục không nuôi bò của dân làng mình. Nhưng đó chỉ là câu chuyện cũ để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn. Các chàng trai, cô gái Rơ Măm nay đã biết trồng cây cao su để phát triển kinh tế và coi việc nuôi bò là một mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, từ 80% hộ nghèo của những năm 2010, đến nay chỉ còn 20% hộ nghèo và 30% hộ cận nghèo. Rồi tỉ lệ học sinh ra lớp các cấp đạt trên 90%, đặc biệt đã có 10 người làm việc trong các cơ quan nhà nước từ cấp xã đến cấp huyện và hiện có 2 cháu đang học đại học".
Anh A Thái còn nói thêm: "Cha ông ngày trước chỉ nuôi trâu thôi, nhưng mà thấy dân khổ quá. Nhà nước quan tâm vận động bà con phát triển nuôi bò nên bây giờ thu nhập của bà con tàm tạm và đã có nhiều hộ mua được tivi, xe máy. Hiện nay, người dân càng mong muốn nuôi bò, rồi cả dê, bởi vì nuôi bò và dê rất hiệu quả. Nếu chăm sóc tốt thì đàn bò, dê phát triển nhanh". 
Xóa định kiến lạc hậu bao đời

Người Rơ Măm ở làng Le hiện có 153 hộ với 446 nhân khẩu. Theo UBND xã Mô Rai, trên 90% người dân làng Le đang chăn nuôi bò thường xuyên, với tổng đàn 336 con, nâng tổng đàn gia súc trên địa bàn xã lên trên 1.000 con. Vẫn còn những hộ nghèo, vẫn còn nhiều việc phải làm để người Rơ Măm ở làng Le xóa đói, giảm nghèo. Người làng Le nay đã khác, biết trồng cao su để phát triển kinh tế gia đình, biết chăn nuôi bò để cải thiện thu nhập dù lời nguyền không nuôi bò vẫn là câu chuyện được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Thi thoảng, bên ánh lửa bập bùng trên bếp nhà rông, người dân làng Le vẫn kể cho nhau nghe việc dân làng đã cùng nhau bước qua lời nguyền ấy như thế nào để phát triển chăn nuôi, xóa đi định kiến lạc hậu bao đời đã làm người Rơ Măm rơi vào nghèo khó.

Vĩnh Hà (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.