Bánh mì Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Bánh mì về làm quà cho cả nhà, cô hai ơi!”. Cô bán bánh mì miệng rao ngọt xớt, tay xách một giỏ bánh mì nóng hổi, thơm phức, bạn tôi lật đật kêu chục ổ: “Gói lẹ cho con để xe chạy nha cô”. Có lẽ rất khó để trả lời trọn vẹn đặc sản ở thành phố này, nhưng chắc chắn bánh mì Sài Gòn là món ăn mà tôi sẽ mạnh dạn giới thiệu với bạn đầu tiên trên bản đồ ẩm thực nơi đây.
Một xe đẩy bánh mì dung dị, quen thuộc trên đường phố
Một xe đẩy bánh mì dung dị, quen thuộc trên đường phố
1. Những ngày cuối năm, bến xe luôn là nơi bộn bề và hối hả nhất, những chuyến xe về nhà lúc nào cũng đông khách. Tiễn cô bạn ra Bến xe Miền Tây như mọi năm, tay xách nách mang bao nhiêu đồ đạc, ấy vậy mà vẫn không quên mua mấy ổ bánh mì. Tôi thắc mắc: “Mua chi rồi xách cồng kềnh, dưới quê cũng có mà”. Bạn tôi huơ tay: “Nói gì dưới quê, bánh mì Sài Gòn mới quý nghen mày!”. 
Trả tiền xong, cầm chắc cả chục ổ bánh mì trên tay, bạn tôi nói với vẻ tự hào: “Mua bao nhiêu thứ đây, chứ chưa chắc ông bà già khoái bằng mấy ổ bánh mì không này, phải là bánh mì Sài Gòn đặc ruột, thơm bơ thì ăn không cũng ngon. Lần nào về, ông bà già cũng nhắc bánh mì, rồi đem qua cho hàng xóm chút mà họ quý lắm, bánh mì dưới quê người ta hông mê bằng”.
Bánh mì Sài Gòn có “giá” hồi nào mà tôi cũng không hay, bởi ở đây nó quen thuộc đến độ chừng vài bước chân ra trước cửa cơ quan đã có ngay ổ bánh mì “cứu đói” cữ xế. Người ta cứ ăn bánh mì năm này qua tháng nọ, ổ bánh mì - ly cà phê là xong cữ sáng, vừa nhanh vừa gọn để còn vào làm việc. Và bánh mì không chỉ dành cho buổi sáng, mà bất kể thời điểm nào trong ngày, nếu đói bụng nhưng muốn ăn nhanh thì bánh mì là phương án tối ưu. Cũng vì lẽ đó, mà khắp con đường, ngõ hẻm trong thành phố, tìm một tiệm, một xe bánh mì đều dễ dàng.
Để làm nên danh tiếng bánh mì Sài Gòn phải thỏa mãn 2 yếu tố: đặc ruột và thơm bơ. Ổ bánh mì nóng hổi vừa ra lò cắn một miếng nghe giòn rụm, ruột bánh vừa mềm vừa mịn, mùi bơ quyện cùng bột mì loại ngon được nướng chín thơm nức mũi, vài chỗ còn cho ít mè bên ngoài bánh để tăng thêm hương vị. Có một dạo, khắp các con đường, hẻm to, hẻm nhỏ trong thành phố, văng vẳng tiếng rao phát ra từ chiếc loa của những xe đạp bán bánh mì dạo: “Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ!”. Vài ngàn đồng đã có ngay ổ bánh mì nóng giòn, thơm lựng được bán tận cửa nhà.
Theo nhịp phát triển của cuộc sống hôm nay, tiếng rao bánh mì Sài Gòn cũng đã vắng thưa bớt, thay vào đó muốn ăn bánh mì, người ta chỉ việc ngồi ở nhà hay văn phòng vài cú quẹt, vuốt, lướt thì bánh mì được shipper giao tận nơi.
2. Nói về độ “dễ chịu” trong các món ăn thì bánh mì đứng đầu, nó có thể hợp vị và ăn kèm với nhiều món khác nhau một cách rất trọn vẹn. Bánh mì với jambon, chả lụa, bơ, pate, thịt nguội, chà bông... kèm chút đồ chua (củ cải và cà rốt cắt sợi ngâm chua), dưa leo, hành ngò, vài miếng ớt cắt sợi… Tất cả hòa quyện lại, gói trọn trong ổ bánh mì đủ no, mà cũng vừa đủ dinh dưỡng và bất cứ ai cũng có thể mua để thưởng thức, từ dân khá giả đến cánh lao động thu nhập thấp, hay kinh tế eo hẹp như sinh viên. Bánh mì vẫn luôn dễ ăn, dễ mua nhất. 
Để giữ chân khách hàng, người bán đã sáng tạo ra đủ loại nhân bánh mì theo kiểu lạ mà quen để khách ăn lâu không bị ngán: bánh mì chả, bánh mì chả cá, bánh mì ốp la, bánh mì bì, bánh mì thịt nướng, bánh mì phá lấu… đều có thể tìm thấy trong thành phố. 
Bánh mì ngon thôi thì chưa đủ, mỗi tiệm hơn nhau ở chỗ tạo được hương vị riêng mà những nơi khác không có được, một nét độc đáo để làm nên thương hiệu suốt mấy chục năm qua của các tiệm bánh mì nổi tiếng trong thành phố. Khách ăn quen cũng bởi “ghiền” vị pate thơm mịn, thịt nguội có độ mỡ và thịt vừa phải, chà bông làm “chuẩn” vị, hay bơ phết béo thơm… Cứ thế mà mỗi chỗ bán có một bí quyết riêng.
3. Tiệm bánh mì được mệnh danh đắt nhất nhì trong thành phố nằm trên đường Lê Thị Riêng (quận 1), 42.000 đồng/ổ, giá ngang ngửa một tô phở, thậm chí là hơn, nhưng khách vẫn xếp hàng dài để mua hơn chục năm qua. Ổ bánh mì với 5-6 lớp chả, thịt nguội đầy ắp, miếng nào miếng nấy được cắt bằng máy nên đều tăm tắp, đặc biệt vị pate thơm, mịn và luôn tươi vì được làm và bán trong ngày, khiến khách hàng ăn rồi lại muốn quay lại. 
Vừa giới thiệu tiệm bánh mì nổi tiếng trong thành phố với nhóm hơn chục khách nước ngoài, anh Huy Hân (31 tuổi, hướng dẫn viên tự do, ngụ quận 3), chia sẻ: “Lần nào dẫn tour trong thành phố, tôi cũng giới thiệu bánh mì với khách, dễ ăn, dễ mua và cũng hợp vị với nhiều khách nước ngoài. Nhiều khi phải xếp hàng khá lâu mới mua được một ổ, nhưng họ rất hào hứng, có người trở lại lần 2, lần 3 vẫn đề nghị đến chỗ mua bánh mì và họ gọi đó như đặc sản”.
Và trong thành phố cũng không thiếu những tiệm bánh mì có tuổi đời đã bảy, tám chục năm, như bánh mì Bảy Hổ (hơn 80 năm, đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1) với công thức pate gia truyền suốt 3 thế hệ, bánh mì Hòa Mã (hơn 60 năm, đường Cao Thắng, quận 3) với món bánh mì chảo lạ miệng... Dù ở bất cứ đâu, bánh mì cũng được bán phổ biến, bánh mì Hà Nội hay bánh mì chả bò Đà Nẵng, bánh mì bột lọc miền Trung đều có hương vị ấn tượng riêng. Nhưng không chỉ ẩm thực trong nước mà cả những kênh xếp hạng ẩm thực nước ngoài, người ta đến Hà Nội phải thử ngay món phở, còn bánh mì ăn vặt hay ăn no, bình dân hay kiểu nhà hàng thì phải kể đến bánh mì Sài Gòn trước tiên. Bởi ẩm thực dường như cũng phản chiếu phần nào cuộc sống, ổ bánh mì có thể kết hợp trọn vẹn nhiều món ăn, cũng như cuộc sống cởi mở và hội nhập nhiều nền văn hóa khác nhau ở đô thị này.
Theo KIM LOAN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…