Vào rừng tìm nấm quý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi những cơn mưa đầu mùa tưới mát khắp các cánh rừng Kbang, màn hơi ẩm dưới tán lá rừng sẽ “đánh thức” những mầm nấm quý đang chờ được trỗi dậy. Đây cũng là lúc các tay săn nấm chuyên nghiệp bắt đầu vào mùa thu hái.

Ẩn dưới những cánh rừng nguyên sinh Kbang là vô số loài dược liệu quý. Ảnh: Hải Lê
Ẩn dưới những cánh rừng nguyên sinh Kbang là vô số loài dược liệu quý. Ảnh: Hải Lê



“Săn” lộc rừng

Anh Đinh Văn Nhang (trú tại làng Kon Lốk 1, xã Đak Rong, huyện Kbang) là “tay” săn nấm có tiếng trong vùng. Khi vụ Đông Xuân kết thúc cũng là lúc anh chuẩn bị vào rừng thu hái dược liệu quý. Ngay từ sáng sớm, vợ chồng anh Nhang đã trở dậy, nấu cơm nắm đem theo. Để tìm được nhiều nấm quý, thợ săn nấm buộc phải lặn lội vào những cánh rừng xa, ít người lai vãng. “Quý nhất hiện nay ở Đak Rong là nấm linh chi cổ cò. Nấm tươi được tiểu thương mua đến 800 ngàn đồng/kg. Tiếp đến là linh chi đen (hắc chi), linh chi đỏ (hồng chi) có giá bán từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng mỗi ký tùy độ lớn nhỏ”-anh Nhang chia sẻ.

 Một thợ săn tìm nấm quý tại khu rừng thuộc xã Đak Rong (huyện Kbang). Ảnh: H.L
Một thợ săn tìm nấm quý tại khu rừng thuộc xã Đak Rong (huyện Kbang). Ảnh: H.L



Giữa bạt ngàn rừng sâu, nếu thợ săn nấm không có kinh nghiệm định vị những nơi thường có nấm mọc sẽ chẳng khác gì “mò kim đáy bể”. “Ở rừng Đak Rong, nấm linh chi thường mọc trên thân khô một vài loại cây như: dẻ, thông nàng… Thợ săn phải lần theo những khu rừng có nhiều loại cây trên thì mới có cơ may tìm thấy nấm. Theo quy luật, cứ tầm nửa tháng, linh chi cổ cò sẽ mọc một đợt, nếu không thu hái, chừng 1-2 tháng sau cây sẽ tự hủy. Linh chi đen cũng chỉ sống tầm 2-3 tháng sẽ tự hủy. Riêng linh chi đỏ mọc trên cây quế vàng có thể sống được khoảng 1 năm”-anh Nhang tiết lộ. Sau mỗi lần tìm thấy nấm tại vị trí nào đó, thợ săn nấm sẽ đánh dấu và căn tính thời gian để quay lại tìm nấm.

Từng có những chuyến lên rừng thu về bạc triệu nhờ săn được nấm quý, anh A Siết (trú tại làng Kon Lanh Te, xã Đak Rong) chia sẻ một kinh nghiệm sống còn của cánh thợ săn nấm là phải đi nhiều người. “Mùa săn nấm là mùa mưa. Nấm thường mọc trên những thân cây cao lớn, dọc hành trình luồn rừng luôn đối mặt với nguy cơ “chạm mặt” rắn độc, ong độc hay trượt chân, rớt núi… Nếu không may xảy ra chuyện còn phụ giúp nhau”-anh A Siết nói. Thực tế, nhiều người từng bị rắn độc cắn, hầu hết là rắn lục bởi mùa sinh trưởng của nấm quý cũng là mùa rắn lục xuất hiện nhiều. Vì thường xuyên va chạm với loại rắn này, người Bahnar ở Đak Rong đúc kết cho mình bài thuốc cứu chữa, đó là ngay sau khi bị rắn lục tấn công phải bằng mọi cách đập chết con rắn ấy, xẻ bụng lấy mật uống tươi để “lấy độc trị độc”.

“Mỏ vàng” dược liệu

Sở hữu gần 27.598 ha rừng (chiếm gần 81% tổng diện tích tự nhiên) nằm trên cao nguyên bazan cổ Kon Hà Nừng với độ cao trung bình 1.000-1.400 m, xã Đak Rong là nơi lý tưởng cho các loài dược liệu quý. Theo ông Đinh Nao-Bí thư Đảng ủy xã Đak Rong, nghề thu hái dược liệu xuất hiện từ khoảng chục năm gần đây. Nhờ nguồn thu này, nhiều hộ đã cải thiện thu nhập, từng bước thoát nghèo.

Khách hàng tìm mua dược liệu tại cơ sở kinh doanh các loại dược liệu rừng. Ảnh: H.l
Khách hàng tìm mua dược liệu tại cơ sở kinh doanh các loại dược liệu rừng. Ảnh: H.L

Ông Phạm Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: “Nghề khai thác dược liệu đã góp phần tạo sinh kế, đem lại thu nhập cho một bộ phận người dân sống gần rừng gắn với công tác nhận khoán, bảo vệ. Dược liệu Kbang cũng giống như “mỏ” tài nguyên. Do vậy, phải quản lý, khai thác hợp lý mới đảm bảo hiệu quả lâu dài, bền vững. Chúng tôi mong có các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu; đồng thời, nhà đầu tư đến triển khai các dự án phát triển cây dược liệu”.

Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PAN Nature) đã chọn Đak Rong làm nơi nghiên cứu đề tài khoa học “Đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ”. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh làm chủ nhiệm đề tài này. Kết quả nghiên cứu từ đề tài đã khẳng định, Đak Rong nói riêng và huyện Kbang nói chung là khu vực có nguồn tài nguyên dược liệu vô cùng phong phú, đa dạng và có giá trị. Các công bố trước đây cho rằng, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 573 loài cây thuốc (Kbang ghi nhận 457/573 loài). Tuy nhiên, qua nghiên cứu, nhóm thành viên thực hiện đề tài đã phát hiện, bổ sung thêm 48 loài cây thuốc có giá trị khác chưa từng được ghi nhận. Nhóm nghiên cứu còn chỉ ra rằng, có đến 15 loài cây làm thuốc có mặt tại Đak Rong nằm trong Sách đỏ Việt Nam (năm 2007) hoặc nằm trong diện thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Trong đó, có thể kể đến các loài: cẩu tích, đảng sâm, hoàng đằng, lan kim tuyến, vàng đắng, trầm hương…

Giáp ranh với Đak Rong, xã Kon Pne là xứ sở của các loài sâm rừng (sâm đá, sâm cau), “củ khỏe” và các loại nấm linh chi, lan kim tuyến, sa nhân tím... Phần lớn các loài dược liệu này nằm trong rừng tự nhiên do xã và cộng đồng dân cư quản lý. “Nguồn lợi từ rừng đã góp phần không nhỏ giúp Kon Pne kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước tiến tới mục tiêu trở thành xã nông thôn mới đề ra vào năm 2020”-ông Dương Quốc Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne-nêu quyết tâm.

 

HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).