Chuyện khó tin về cô bé viết bằng chân ở Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chuyện về cô bé “chim cánh cụt” Đinh Thị Hlonh (SN 2001, trú làng Krối, xã Đak Smar, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) tôi đã biết qua các bài viết của đồng nghiệp. Thời điểm đó, Hlonh chỉ mới học lớp 6 Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar. Nhiều người nghĩ rằng cô học trò Bahnar khuyết tật ấy sẽ không đủ kiên trì để học tập. Thế nhưng, Hlonh hiện là học sinh lớp 12A8 Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Kbang, Gia Lai). Nghị lực của Hlonh và tình bạn đẹp đẽ của em với Đinh Thị Thiết-người đã đồng hành cùng Hlonh suốt 12 năm học qua đã khiến nhiều người cảm phục.
Viết ước mơ bằng... chân
Chúng tôi đến Trường THPT Lương Thế Vinh để tìm gặp Hlonh vào tiết học cuối cùng của buổi sáng. Hlonh được thầy cô ưu tiên xếp ngồi bàn đầu để dễ quan sát và tiếp thu bài giảng. Mỗi bàn có 4 học sinh, riêng bàn đầu tiên chỉ có Hlonh và 2 bạn khác để chừa một khoảng trống cho em xoay người dùng chân viết chữ. Dù phải vừa viết vừa tập trung lắng nghe cô giáo giảng, thế nhưng nét chữ của cô học trò này rất đẹp và tròn trịa. Em cũng ghi chép rất nhanh những kiến thức mà cô giáo truyền đạt.
Thầy Đinh Xuân Hiến-Bí thư Đoàn trường-nhớ lại: “Lúc Hlonh mới vào lớp 10, qua rà soát danh sách học sinh có hoàn cảnh khó khăn và hoàn cảnh đặc biệt, giáo viên nhà trường đều bất ngờ về trường hợp của Hlonh. Bởi quãng đường từ nhà em tới trường dài hơn 20 km, trong khi Hlonh lại không có tay, phải viết chữ bằng chân. Đồng cảm với hoàn cảnh của em, nhà trường đã sắp xếp cho em ở lại trong khu tập thể của giáo viên”.
Không được may mắn như những người khác, Hlonh phải viết chữ bằng chân. Ảnh: P.L
Không được may mắn như những người khác, Hlonh phải viết chữ bằng chân. Ảnh: P.L
Tiếng trống tan trường vang lên, chúng tôi cùng Hlonh đi bộ về khu tập thể giáo viên cách trường khoảng 500 m. Căn phòng em ở khá nhỏ nhưng rất sạch sẽ, 2 chiếc giường kê sát nhau, bàn học chứa đầy sách vở nhưng rất ngăn nắp. Dù đã 18 tuổi nhưng Hlonh cao chưa đầy 1,5 m, thân hình nhỏ bé hơn so với các bạn cùng lớp. Đôi mắt rất đẹp của em ánh lên nghị lực khi kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của mình: “Để viết được chữ, em mất mấy tháng trời tập kẹp bút vào giữa 2 ngón chân rồi bắt đầu với những dòng chữ nguệch ngoạc. Bàn chân bị tê cứng, phồng rộp sau những lần tập cầm bút, em đã khóc rất nhiều nhưng quyết không bỏ cuộc. Cũng chính vì thế, em học trễ hơn so với các bạn 1 năm. Dần dần, em đã biết đánh răng, chải tóc, giặt áo quần, nấu cơm… và nhiều công việc khác bằng đôi chân”.
Hlonh kể, lúc mới sinh do em không có 2 cánh tay nên mọi người nói bố mẹ em bị Yàng phạt. Cả nhà ai cũng buồn. Nhưng nhờ tình thương và sự động viên của bố mẹ, Hlonh mới được như ngày hôm nay. Khiếm khuyết về cơ thể không làm cô học trò này gục ngã, ngược lại em luôn suy nghĩ tích cực. Trừ những lúc đau ốm, Hlonh chưa nghỉ buổi học nào. Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Hlonh cho biết: “Nhà em thuộc diện cận nghèo, anh trai đã lấy vợ, sau em còn 3 đứa em đang đi học nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ đăng ký đi học nghề tại các trung tâm dành cho người khuyết tật để có thể nuôi sống bản thân và phụ giúp bố mẹ”.
Tình bạn đẹp đẽ
Trong khi chúng tôi đang trò chuyện thì một nữ sinh bước vào phòng, trên tay cầm bó rau và một ít cá khô. Hlonh giới thiệu đó là Đinh Thị Thiết (SN 2002, cũng ở làng Krối). Thiết là bạn đồng hành với em trong suốt 12 năm học, cũng là người tiếp thêm niềm tin cho Hlonh trong hành trình đến lớp.
 Thầy-cô giáo Trường THPT Lương Thế Vinh đến thăm, động viên  em Đinh Thị Hlonh (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: P.L
Thầy-cô giáo Trường THPT Lương Thế Vinh đến thăm, động viên em Đinh Thị Hlonh (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: P.L
Thầy Nguyễn Đình Thuận-Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh: “Hlonh là một học sinh đầy nghị lực. Chính sự cần cù, chăm chỉ của em đã truyền cảm hứng cho nhiều học sinh của trường. Tình bạn giữa Hlonh và Thiết cũng khiến cả trường cảm phục. Riêng với em Hlonh, chúng tôi sẽ kết nối, tìm hiểu thông tin ở các trường nghề để giúp em chọn nghề phù hợp”.

Thiết vui vẻ cho biết: Cũng như Hlonh, gia đình Thiết cũng thuộc diện hộ nghèo. Học cùng lớp suốt 12 năm qua nhưng cả 2 chỉ thực sự thân thiết khi từ những năm theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar. Dẫu biết Hlonh có thể tự làm được mọi việc nhưng Thiết vẫn xin thầy cô được ở cùng phòng để hỗ trợ bạn. “Thấy bạn Hlonh bị khiếm khuyết nhưng rất nghị lực, em vừa thương vừa ngưỡng mộ nên muốn đồng hành để giúp đỡ bạn”-Thiết cho hay.
Học lên bậc THPT, quãng đường từ nhà đến trường dài hơn 20 km nên nhà trường đã tạo điều kiện cho đôi bạn thân ở cùng phòng trong khu tập thể để giúp đỡ nhau. Trong sinh hoạt, Thiết luôn bên cạnh giúp bạn gội đầu, buộc tóc và cùng nấu ăn. Trong học tập, các thầy-cô giáo cũng sắp xếp cho 2 em ngồi cùng bàn. Vượt qua những khó khăn, tình bạn của 2 em càng thêm gắn bó. “Nhờ có bạn Thiết ở chung, em đỡ buồn hơn khi phải sống xa bố mẹ”-Hlonh chia sẻ. 3 năm qua, Đoàn trường cũng luôn đồng hành cùng các em trong sinh hoạt và học tập như: hỗ trợ gạo, dầu ăn và kinh phí từ nguồn quỹ “Tiếp sức đến trường”. Cứ khoảng 3 tuần/lần, bố mẹ Thiết hoặc anh trai của Hlonh lại đến trường chở 2 em về thăm nhà.
Nếu Hlonh dự định đi học nghề thì Thiết cho biết ước mơ của em là trở thành cô giáo. “Em sẽ đăng ký học ngành Sư phạm Mầm non để đem kiến thức đến cho những em nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc em không còn được đồng hành để giúp đỡ bạn Hlonh, nhưng em tin rằng với nghị lực mạnh mẽ, bạn ấy sẽ vượt qua khó khăn”.
Khi ngồi viết bài này, tôi đã gọi điện trò chuyện thêm với ông Đinh Đơng-bố của Hlonh. Nói về con gái, ông Đơng tự hào: “Mình không nghĩ Hlonh sẽ học đến lớp 12 đâu, nhưng thấy con cố gắng từng ngày, mình rất mừng và luôn động viên con. Cũng nhờ có sự giúp đỡ của thầy cô và cháu Thiết nên mình rất an tâm khi con trọ học xa nhà”.
Chặng đường phía trước của Hlonh và Thiết sẽ còn nhiều chông gai. Tuy nhiên với nghị lực vươn lên, tin rằng các em sẽ ngày một trưởng thành và tự tin với hành trình chinh phục ước mơ.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Những cuộc đời ven kênh

Những cuộc đời ven kênh

Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Người của biển khơi

Người của biển khơi

Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.