Khi cuộc chiến đi qua!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai cựu binh Mỹ vui mừng khi được gặp người "cán binh Việt Cộng có cỡ", từng gây cho binh lính Mỹ bao phen kinh hồn bạt vía
Nhân hôm đầu tháng 9 biết tin Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ (Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam), trao tặng Kỷ niệm chương "Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc" cho cựu binh Paul Cox, tôi lại nhớ chuyện đã từng dẫn Paul Cox đi thăm "những người từng bên kia chiến tuyến".
Đi để thấy trách nhiệm
Bữa đó tầm 9 giờ ngày 10-4-2010, điện thoại của tôi đổ chuông liên hồi.
Đầu dây bên kia, ông Nguyễn Hồng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), gấp gáp: "Cháu đến trụ sở hội giúp chú việc này xíu. Có hai ông cựu binh Mỹ muốn gặp người chỉ huy bộ đội Đức Phổ trong những năm chiến tranh. Chúng ta đưa họ đi thăm gia đình nạn nhân chất độc da cam rồi đến thăm người họ muốn gặp. Cháu cố gắng liên lạc giúp nhé!".
Ông Paul Cox (giữa) nhận bằng khen và Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” (ảnh của vufo.org.vn)
Tôi bấm máy gọi trung tá Đoàn Vinh Quang - người chỉ huy lực lượng vũ trang huyện Đức Phổ trong những năm chiến tranh chống Mỹ.
Hai người đàn ông luống tuổi, vóc dáng cao lớn, bắt tay tôi với nụ cười thân thiện. Thông dịch viên giới thiệu hai ông là Paul Cox và Michael Ulh, đều là cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ông Paul Cox là Trưởng đoàn cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình, chống chiến tranh, vừa sang Việt Nam. Hai ông và những thành viên trong đoàn hành trình "kiểm chứng và hành động" vì hai vấn đề hậu chiến tranh ở Việt Nam: Vật liệu nổ còn sót lại và hậu quả chất độc da cam.
Những người đi cùng đoàn kể rằng khi đến thăm 2 gia đình nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3, các thành viên của đoàn cựu chiến binh Mỹ lặng đi vì xúc động trước những đứa trẻ ốm đau dặt dẹo và sự ân cần đón tiếp của gia đình.
"Người Việt Nam thật độ lượng. Họ không oán hận mà còn vui vẻ đón tiếp khiến tôi cảm thấy hối lỗi khi chính quyền và quân đội Mỹ gây bao đau thương cho người dân Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi phải đi để thấy trách nhiệm của mình" - ông Paul Cox bộc bạch.
Sẻ chia ký ức
Paul Cox và Michael Ulh đều lộ rõ vui mừng khi nghe tin trung tá Đoàn Vinh Quang sẵn lòng tiếp đón hai ông đến thăm. Ông Quang nguyên là đại đội trưởng 219, 120 đặc công và là Huyện đội trưởng Đức Phổ với những chiến công lẫy lừng. Hai ông không thể tin sẽ được gặp người "cán binh Việt Cộng có cỡ", từng gây cho binh lính Mỹ bao phen kinh hồn bạt vía.
Trung tá Quang cùng một đồng đội cũ bước ra tận sân nhà niềm nở bắt tay hai người khách đến từ bên kia bán cầu. Quá bất ngờ trước sự nồng nhiệt của gia chủ, ông Paul Cox thốt lên: "Người Việt Nam có tấm lòng vị tha cao cả, ít dân tộc nào trên thế giới sánh được".
Hơn 5 tháng đóng quân ở Đức Phổ, trung úy Michael Ulh chứng kiến lính Mỹ và Việt Nam cộng hòa gây bao đau thương cho dân lành vô tội. Ông cho hay đã nhận ra rằng mình có mặt tại đây không mang lại no ấm và văn minh cho người dân bản xứ mà góp phần gieo rắc sự chết chóc cùng nỗi bất hạnh đối với dân chúng. Ông thấy nhiều lính Mỹ mặc đồ bảo hộ rồi phun chất độc hóa học xung quanh căn cứ quân sự Gò Hội. Cảnh lính Mỹ và Việt Nam cộng hòa bắt bớ, đánh đập và bắn giết người dân vô tội khiến ông từng phẫn nộ. Ông nhận ra rằng Mỹ không thể thắng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, bởi người dân Việt Nam chống lại Mỹ và quân chư hầu là cuộc chiến đấu chính nghĩa.
Michael Ulh cùng nhiều đồng đội đã phản đối chiến tranh, chống lại mệnh lệnh cấp trên trong những cuộc hành quân càn quét nên bị buộc giải ngũ trở về Mỹ vào tháng 8-1969. "Tôi thấy mình phản đối chiến tranh là hành động đúng đắn và không ân hận về điều đó. Nếu bây giờ ở vào hoàn cảnh đó tôi vẫn làm như thế" - Michael Ulh bộc bạch.
Hai năm ở chiến trường Quảng Trị và Đà Nẵng mang lại cho Paul Cox những kỷ niệm đau buồn. Hình ảnh những thường dân vô tội chết vì bom đạn của quân đội Mỹ luôn chập chờn trong tâm trí ông, cả trong giấc ngủ đầy mộng mị. Lòng đau nhói khi ông tận mắt chứng kiến những mảnh đời bất hạnh do phơi nhiễm chất độc da cam và bị sát thương bởi bom mìn sót lại trong chiến tranh. Điều đó thôi thúc ông tích cực vận động và trực tiếp tham gia các hoạt động chống chiến tranh. Ông cùng các thành viên trong Ban Vận động cứu trợ và trách nhiệm chất da cam Mỹ kêu gọi nhà hảo tâm chung tay chia sẻ khó khăn mà những nạn nhân chất độc da cam đang phải gánh chịu.
Ông Paul Cox (thứ hai từ trái sang) bắt tay trung tá Đoàn Vinh Quang
Khi được những người từng ở bên kia chiến tuyến cho xem vết thương và mảnh bom đạn còn nằm trong cơ thể, cả Paul Cox và Michael Ulh đều chắp tay trước ngực và "xin lỗi" bằng tiếng Việt. Họ cùng chuyện trò về chuỗi ngày đã qua, những vất vả trong cuộc sống sau chiến tranh. Họ chuyền cho nhau xem những bức ảnh của thời trai trẻ cùng đau thương mất mát trong cuộc đời.
Cả hai cựu binh Mỹ lặng người khi nghe ông Quang cho biết có đến ba em trai hy sinh trong chiến tranh, nhiều đồng đội ngã xuống cho quê hương yên bình nhưng vẫn chưa tìm thấy hài cốt… Mái tóc họ phủ màu sương gió, chạm vào nhau như muốn sẻ chia phần nào đau thương hằn sâu trong ký ức.
Rồi họ cùng thưởng thức chén trà thơm và cởi mở kể chuyện thông qua sự trợ giúp của thông dịch viên. Trung tá Quang nói với những người bạn mới gặp rằng ông mong muốn chính phủ Mỹ dũng cảm nhìn nhận sai lầm trong chiến tranh Việt Nam. Chính phủ và các công ty hóa chất của Mỹ không nên chối bỏ trách nhiệm trước những hậu quả mà quân đội Mỹ gây ra trên quê hương Việt Nam.
Michael Ulh và Paul Cox cho biết đó là mục đích chính của các ông trong những ngày còn hiện diện giữa chốn nhân gian. Ông Paul Cox khẳng định sẽ nỗ lực hết mình trong việc xây dựng và vận động thông qua dự luật Hỗ trợ các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam. Ông sẽ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ nạn nhân da cam kiện các công ty hóa chất Mỹ nhằm giành lại công lý cho các nạn nhân Việt Nam.
"Dự luật này sẽ phải đạt được hai mục tiêu chính là giúp dư luận hiểu được hậu quả của chất độc này và phải có điều khoản hỗ trợ các nạn nhân Việt Nam" - ông Paul Cox khẳng định.
Tiếp tục hành trình vì công lý
Cựu binh Michael Ulh tâm sự: "Nước Việt Nam là của các bạn. Người Mỹ chúng tôi lẽ ra không nên sang đây. Với chiến thắng ngày 30-4-1975, đa số nhân dân Mỹ và nhân loại trên thế giới đều vui mừng".
Ông khẳng định rằng Mỹ và Việt Nam sẽ là bạn. Những người Mỹ như ông sẽ tiếp tục cuộc hành trình giải quyết hậu quả chiến tranh bằng sự đồng cảm và chia sẻ sâu sắc nhất đối với nạn nhân chiến tranh Việt Nam. Ông vui mừng vì Đức Phổ có nhiều đổi thay so với thời điểm năm 1994, khi ông trở lại thăm lần đầu tiên sau chiến tranh. Ông mong muốn Đức Phổ phát triển nhiều hơn nữa để đem lại cuộc sống sung túc cho những người dân chịu nhiều đau thương do bom đạn.
Trước khi chia tay, cựu binh Michael Ulh tặng những người bạn mới quen cuốn sách mang tựa đề "Việt Nam thức tỉnh" do ông viết. Đó là những hồi ức của ông về Đức Phổ trong những năm lửa đạn, về cuộc chiến tranh vô nghĩa và sự tàn phá khủng khiếp mà con người phải gánh chịu.
Chúng tôi đưa hai cựu binh Mỹ đến bãi biển Phổ Vinh lộng gió. Bữa cơm trưa lúc 2 giờ chiều được dọn ra trên chiếc bàn nhỏ dưới mái che hàng quán tạm bợ. Michael Ulh lột vỏ những tép tỏi Lý Sơn thơm nồng trước bao ánh mắt ngỡ ngàng. Cả hai ông sử dụng đũa khá thuần thục, luôn tay gắp thức ăn vào chén chúng tôi.
Thưởng thức món mực kim hấp gừng chấm nước mắm, Paul Cox gật gù "ngon quá". Chị chủ quán tròn mắt nhìn hai ông thản nhiên cắn những trái ớt, ăn những nhánh tỏi sống rồi nâng ly nước ngọt cụng với chúng tôi cùng tiếng hô: "Dzô...".
Paul Cox bộc bạch: "Sau nhiều lần trở lại Việt Nam, tôi thấy món ăn của các bạn rất ngon, nhất là người Việt Nam rất hiếu khách. Tôi sẽ trở lại đây để đóng góp sức mình hàn gắn vết thương chiến tranh". 
Xua khỏi ký ức

Khi chia tay để tiếp tục hành trình "kiểm chứng và hành động", hai cựu binh ôm chặt tôi. Paul Cox bảo: "Không gì tồi tệ bằng chiến tranh. Những người lính như chúng tôi gắng xua đuổi chiến tranh khỏi ký ức. Cảm ơn bạn đưa chúng tôi đến gặp những người từng ở bên kia chiến tuyến để làm vơi đi nỗi đau trong tâm hồn. Tôi mong báo chí giúp độc giả hiểu rõ nỗi đau quá khứ, cùng hướng đến tương lai".

Trang Thy (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).