Thợ sửa khóa: Chuyện nghề, chuyện đời...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sự có mặt kịp thời của những người thợ làm chìa khóa, sửa khóa đã “cứu nguy” cho không ít trường hợp làm mất chìa khóa nhà, khóa xe ô tô, xe máy. Nghề “copy” chìa, sửa khóa vì thế mà có đất sống với đội ngũ thợ lành nghề, sẵn sàng lao đi mọi lúc, mọi nơi khi khách hàng gọi. Xung quanh công việc đặc biệt này có rất nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng biết.
“Giải cứu” những ổ khóa mất chìa
Một trưa nắng, đang ở nhà trên đường Lê Lợi (TP. Pleiku), anh Nguyễn Văn Tuấn-thợ sửa khóa lưu động-nhận cuộc gọi của khách ở phường Yên Đổ nhờ tới mở chiếc khóa cổng do người này khi đi làm đã để quên chìa khóa trong nhà. Chỉ chưa đầy 5 phút sau, anh Tuấn đã có mặt. Quan sát kỹ chiếc ổ khóa, anh nhanh chóng lấy một đồ nghề phù hợp từ trong cốp xe máy ra để mở khóa. Tưởng dễ dàng, ai ngờ, loay hoay một hồi lâu, mồ hôi đẫm ướt lưng áo mà anh vẫn không tài nào mở được. Thử qua nhiều dụng cụ mang theo nhưng chiếc ổ khóa vẫn không nhúc nhích. Thỉnh thoảng, anh ngừng lại, thư giãn mấy ngón tay đã mỏi nhừ. Anh giải thích: “Lâu lắm tôi mới gặp một ca khó như thế này. Bình thường, với chiếc “máy mở chìa khóa vạn năng” của mình, tôi có thể mở mọi ổ khóa một cách nhanh chóng, dễ dàng”. Nói rồi anh đưa cho tôi và chủ nhà xem chiếc máy mở khóa vạn năng mà anh nói. Là người ngoại đạo, tôi thấy nó không khác gì một khối sắt gắn các chữ số từ 1 đến 9.
   Ông Nguyễn Quang Trân là một trong những thợ sửa khóa đầu tiên ở Pleiku sau giải phóng. Ảnh: M.C
Ông Nguyễn Quang Trân là một trong những thợ sửa khóa đầu tiên ở Pleiku sau giải phóng. Ảnh: M.C
Nghỉ tay một lúc, anh Tuấn lại tiếp tục công việc trước sự sốt ruột của khổ chủ. Trong lúc làm, anh liên tục nhận được cuộc gọi của các khách hàng cần anh tới giúp. “Đây là loại khóa khi đóng lại không cần đến chìa nên chủ nhà rất hay để quên chìa trong nhà, đến lúc nhớ ra thì đã quá muộn, phải gọi thợ đến “giải cứu”. Tôi đã mở chính chiếc khóa này tháng trước, mở rất nhanh, chỉ chưa đầy 1 phút là xong. Nhưng lần này, có lẽ do khóa bị kẹt vì trời mưa suốt cả tháng qua làm rỉ sét bên trong nên mới khó như vậy. Có cách khác nhanh hơn nhưng sẽ làm hỏng ổ khóa, đó là cách sau cùng người thợ cực chẳng đã mới ra tay, đó là phá khóa”-anh Tuấn nói.
Sự kiên nhẫn của anh Tuấn cuối cùng cũng được đền đáp khi ổ khóa bật mở cái “tách” trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của chủ nhà. Nhận 100 ngàn tiền công, chính người thợ sửa khóa trẻ cũng thở phào vì hoàn thành công việc giữa trưa nắng và giúp được khách hàng của mình không phải chịu cảnh trèo tường vào nhà hay phải phá khóa cổng. Anh Tuấn nói, làm nghề sửa khóa lưu động nên anh phải có mặt mọi lúc mọi nơi khi có điện thoại của khách hàng, bất kể ngày hay đêm. “Có lần 2-3 giờ đêm, khách hàng gọi nhờ mở khóa xe ô tô. Ngại lắm nhưng cuối cùng tôi cũng lên đường. Mệt thì có mệt nhưng bù lại, khách luôn trả công hậu hĩnh trong những trường hợp như vậy”-anh Tuấn kể.
Năm nay 32 tuổi nhưng anh Tuấn đã có thâm niên 16 năm trong nghề làm chìa, sửa khóa. Anh được truyền nghề từ cha mình-ông Nguyễn Quang Trân-một thợ sửa khóa có tiếng ở Phố núi Pleiku từ sau ngày giải phóng. Khác với thế hệ trẻ sau này thường đi sửa lưu động, ông Trân (nay đã 65 tuổi) chỉ ngồi cố định trên đường Lê Lai-đoạn trước cây xăng Trần Phú. Ông Trân kể: “Sau giải phóng, cả Phố núi có 3 người làm nghề này, đều ngồi trước nhà thờ Thăng Thiên. Từ năm 1975 đến 1979, ngoài làm chìa khóa cho người dân, chúng tôi có “mối lớn” là làm cho các đơn vị quân đội. Họ thường mang đến cả bao khóa hàng trăm cái không có chìa do Mỹ bỏ lại để làm chìa, tiếp tục sử dụng trong khi còn nhiều khó khăn. Đó là những ổ khóa sản xuất tại Mỹ, rất bền nhưng làm chìa lại khá đơn giản. Thợ lành nghề làm loại chìa này không mấy khó khăn. Thấy tôi làm không xuể, em trai tôi phụ giúp thêm. Sau đó, cậu ấy xin vào làm Nhà nước, chỉ còn mình tôi làm. Từ đó đến nay cũng đã 45 năm”.
Từ 3 người thợ sửa khóa khi mới giải phóng, hiện nay, ở Pleiku có khoảng 20 người, chủ yếu là thợ trẻ. Họ đặt tủ nhiều nhất ở khu vực đường Hùng Vương, Trần Phú, Lê Lai. Ông Trân nhận xét: “Ngày càng có nhiều loại khóa mới, hiện đại, năm sau đã khác năm trước. Công nghệ làm khóa hiện đại đến đâu thì thợ sửa phải theo kịp đến đó. Các loại máy móc hỗ trợ người thợ cũng phải thay đổi, nâng cấp liên tục mới theo kịp công nghệ”.
Giữ mình trước cám dỗ

“Với những loại khóa như Việt Tiệp, Địa Cầu, Hồng Kông (sản xuất từ năm 1975 đến 1990) hay khóa cơ của Mỹ trước kia thì người thợ chỉ cần kiên nhẫn, cần cù là “copy” được y chang những chiếc chìa khóa như nguyên bản bằng phương pháp thủ công. Nhưng các loại khóa mới sau này rất hiện đại, nhất là khóa điện tử; để sửa chữa, “copy” chìa, người thợ phải đầu tư máy móc, rẻ thì 8-10 triệu đồng, còn cao lên đến 70-80 triệu đồng. Nhưng cũng chính vì vậy mà thợ sửa khóa không cần giỏi nghề như lớp người trước, chỉ cần có tiền đầu tư máy móc và được hướng dẫn cách sử dụng máy là có thể kiếm sống được bằng nghề. Có máy móc, họ có thể “phay” được những đường răng thật đẹp, làm một chìa khóa mới chỉ 30 giây là xong”-ông Nguyễn Quang Trân cho biết.


Không bó tay trước bất cứ loại khóa nào, từ khóa cơ cho đến khóa điện tử, thậm chí cả những loại khóa chống trộm hiện đại nhất. Thế nhưng, những người thợ sửa khóa đôi khi cũng đối mặt với những dụ dỗ mật ngọt. Anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Có vài lần tôi nhận được những cuộc gọi đề nghị “làm ăn” với mức thù lao hậu hĩnh. Nhưng tôi biết ngay đó là những việc phạm pháp nên từ chối. Nếu không giữ mình khỏi những cám dỗ ấy, làm sao tôi có thể làm nghề đến hôm nay”.
Khi nói đến đạo đức nghề nghiệp, người thợ già Nguyễn Quang Trân tỏ ra khá trầm ngâm. Ông nói, giữ mình trước sự cám dỗ, trước những “lời mời” làm ăn phi pháp là chuyện đương nhiên nếu muốn sống với nghề. Nhưng cũng có trường hợp người thợ khóa vô tình tiếp tay cho kẻ xấu mà không biết, tưởng giúp người khác nhưng hóa ra không phải. Ông kể: “Làm nghề mấy chục năm, tôi chứng kiến nhiều hỷ-nộ-ái-ố ở đời. Có anh nhân viên trộm chìa khóa của cấp trên mang đến nhờ tôi làm thêm chìa mới. Đến khi xảy ra hậu quả, qua các anh Công an, tôi mới biết mình là một “mắt xích” trong việc làm trái pháp luật của người đó. Cách đây không lâu, một phụ nữ là người giúp việc đến nhờ tôi tới mở khóa phòng ông bà chủ. Dù người này đã giúp việc cho gia đình đó 10 năm theo như hàng xóm cho biết, nhưng chính sự thiếu tự nhiên khiến tôi cảnh giác ngay. Khi tôi đề nghị có thêm người chứng kiến thì chị ta khoát tay nói không cần nữa. Hay có nhiều trường hợp “quý tử” con nhà giàu gọi chúng tôi đến mở khóa tủ, két sắt để trộm tiền của bố mẹ. Những lần như vậy, chúng tôi rất dễ rơi vào “bẫy” vì làm sao biết được nội tình gia đình họ”.
Những lần vô tình tiếp tay cho người khác làm điều xấu như vậy, ông Trân nói rằng đó như một tai nạn nghề nghiệp. Nhưng từ những tai nạn ấy mà ông có thêm kinh nghiệm, sự cảnh giác cần thiết để biết từ chối những đề nghị ám muội. Với ông, cũng như con trai mình, nghề sửa khóa chỉ là để giúp người chứ quyết không phải là để tiếp tay cho cái xấu. 
 MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.