Mảnh đất "kỳ nhân"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mảnh đất ấy nằm lọt thỏm trong lòng sông Lam. Bên này là Nghệ An, bên kia là Hà Tĩnh. Vào mùa lũ lụt, đứng trên bờ đê sông Lam ngóng ra mảnh đất ấy chỉ thấy nước trắng xóa, mênh mông; làng mạc như đang phập phồng theo những lũy tre bao quanh. 
Mảnh đất có tên là Hưng Nhân (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), quê hương liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Mảnh đất này thực sự là đất “kỳ nhân”, bởi ở đó chúng tôi đã gặp những con người, câu chuyện kỳ lạ.
Vào làng gặp chuyện lạ
Vào làng Hưng Nhân, cây đa vẫn lừng lững bên làng, những lũy tre vẫn “tay ôm tay níu” bao bọc làng. Chính nhờ tre mà qua bao trận lũ lụt xóm làng không bị cuốn phăng ra sông. Năm 1978, sau trận lụt lịch sử, người ta định “bứng” toàn bộ xã Hưng Nhân vào Tây Nguyên, nhưng sau đó chỉ một phần làng ra đi, còn lại vẫn bám trụ với mảnh đất truyền đời của ông cha.
Để sống chung với lũ lụt, ngoài ngôi nhà chính, người Hưng Nhân làm một cái nhà gác gọi là “cồn tự cứu” với cầu thang thoai thoải bên cạnh. Khi lũ về, trâu, bò, heo, gà sẽ được đưa lên “nhà lầu” này. Ngày xưa, có một câu chuyện nói về cái khổ của người Hưng Nhân. Vì sống trong lòng sông, quanh năm toàn bùn với đất nên cả làng chỉ đi chân đất. Chân người khi nào cũng lấm đất, các ngón chân toe, tẽ ra.
Tôi ghé thăm đền Rậm, được cụ Võ Văn Việt (87 tuổi), người trông coi đền, cho biết: “Đền Rậm nổi tiếng linh thiêng không chỉ với người dân trong vùng mà ra khách tận Thanh Hóa, Hà Nội cũng tìm đến. Đền không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu tâm linh, mà còn trở thành nơi “nương tựa” tinh thần của người dân trong vùng”. Người ta đến đền không chỉ cầu gia sự, cưới xin, làm nhà... mà trâu bò đẻ khó, đi lạc, chủ cũng đến cầu xin được trợ giúp.
Chim cánh cụt
Thế hệ những năm 1960 - 1970, nhiều người biết cái tên Hoa Xuân Tứ, dù bị cụt cả 2 tay nhưng đã vượt lên chính mình, làm được những điều kỳ diệu. Năm 1955, khi ấy 5 tuổi, cậu bé Tứ theo anh trai đến chỗ ép mía chơi. Khi thấy con trâu kéo trục ép mía đi xoay vòng hay quá, bắt chước anh trai, Tứ cũng lấy một khúc mía bỏ vào. Do không rút tay ra kịp nên cả hai tay Tứ bị cuốn vào trục ép mía...
Vì mất đôi tay nên Tứ không được đến trường. Mặc dù vậy, mỗi khi các bạn học, Tứ lại đến “coi chữ”, rồi nhờ các bạn dạy lại. Thấy Tứ ham học, bố mẹ Tứ chiều con, cho đi học. Với sự khổ công, Tứ không những viết được bằng chân, cằm và vai mà còn học giỏi và làm được nhiều việc bình thường như các bạn.
Tấm gương vượt lên số phận của Hoa Xuân Tứ nổi tiếng khắp vùng. Nhiều người ở xa tìm đến “mục sở thị” cậu bé kỳ lạ này. Nhiều bài báo viết về Tứ, trong đó có bài của nhà văn Sơn Tùng. Bác Hồ đọc bài báo này và đặc cách cho mời Hoa Xuân Tứ dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ năm 1967. Các nhà văn, nhà thơ lấy tấm gương của Tứ làm cảm hứng, nhà thơ Quang Huy viết hẳn một cuốn truyện mang tên Hoa Xuân Tứ. Các nhạc sĩ sáng tác ca khúc về Tứ...
Công việc thường ngày của ông Hoa Xuân Tứ
Vào thăm ông Tứ, ông bảo, ở Hưng Nhân bây giờ cũng có một người giống ông, đó là anh Phạm Văn Thành ở xóm 2. Anh Thành làm thợ xây, bị tai nạn cụt cả hai tay nhưng anh vẫn làm được nhiều việc như người bình thường. Ông Tứ khoe, con trai ông sống trong Nam đã đưa vợ con về sống với ông bà. Ông vẫn chăn nuôi và còn làm 8 sào ruộng. Giờ vợ chồng ông còn đau đáu về Sen, đứa con gái tật nguyền hơn 30 tuổi vẫn như đứa trẻ nằm ở góc nhà.
Rồng đất
Ngồi dưới rặng tre bên làng, anh Đinh Văn Châu (trú xóm 1) chỉ cánh đồng nứt nẻ phía trước, bảo: “Nhìn khô khốc thiếu sức sống vậy, nhưng đến mùa rươi thì đó là cả cánh đồng lộc trời ban cho người dân quê tôi đấy”. Cả nước ta, trời chỉ ban rươi, còn gọi là rồng đất cho một số nơi như Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An. Người quê có câu: Bao giờ cho đến tháng mười/Bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy. Hưng Nhân như cái giỏ rươi trời ban cho vùng đất này.
Ruộng trồng lúa chính là ruộng rươi. Khi vào mùa rươi, ruộng không làm lúa, người dân đem lưới ra căng, ngăn theo bờ ruộng. Một năm rươi bắt đầu “mọc” từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch. Trong tháng, thường rươi chỉ “mọc” vào các ngày mùng 1, 5, 15, 25, 30. Từ khoảng 12 giờ đêm cho tới 7-8 giờ sáng hôm sau, rươi chui từ dưới đất lên và bơi phập phù trong nước. Người bắt rươi phải nhanh tay, nhanh mắt vớt cho kịp, nếu không rươi sẽ tự vỡ thân, tan lẫn vào nước. Không phải ai “đi rươi” cũng được rươi, mà phải có “duyên”.
Mặc dù nước tràn cả cánh đồng nhưng khi thì ruộng nhà này có rươi nhưng ruộng bên cạnh không có và ngược lại. Nhiều đêm đi canh rươi mỏi mắt, buồn ngủ về nhà nằm thì nghe tiếng chân thình thịch, cả làng nháo nhác vì rươi lại bất ngờ “mọc”, nhưng khi chạy ra đến ruộng, rươi lại lặn mất tăm. Vào mùa rươi, cả làng phấp phỏng nhưng vui như hội, già trẻ, trai gái gần như thức suốt đêm.
Rươi, “lộc trời” cho người dân Hưng Nhân
Anh Châu cho hay, người quê anh trồng lúa không bao giờ bón phân hóa học, thuốc trừ sâu, chỉ bón phân chuồng, ngay cả khi lúa bị sâu bệnh cũng không can thiệp bằng hóa chất. Bởi đơn giản, những thứ này sẽ hủy diệt, làm tiêu tan rươi, mà mất rươi là mất “lộc trời”. Giá rươi không bao giờ rẻ, cho dù vào chính vụ. Như vụ rươi năm vừa qua, giá bán ngay tại ruộng lên đến 50.000 đồng/lạng. So với giá lúa thì không ai dại gì đánh đổi. Vừa qua, hơn 70 hộ dân ở xóm 1 đã thống nhất chia lại ruộng, để nhà nào cũng có ruộng rươi.
Duy Cường (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.