Giáo viên vùng cao Gia Lai băng rừng tìm học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày đầu năm học mới 2019-2020, mặc trời mưa như trút nước, một nhóm thầy-cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Krong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) vẫn vượt núi băng rừng vận động học sinh đến trường.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS (PTDTBT Tiểu học-THCS) Krong lọt thỏm giữa bốn bề núi cao và cách thị trấn Kbang khoảng 50 km. Đây là xã có 100% dân số là người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào Bahnar. Cuộc sống của người dân nơi đây còn khó khăn nên chuyện học của trẻ chưa được chú trọng. Để học sinh đến trường theo học con chữ, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học-THCS Krong thường xuyên phải gõ cửa từng nhà hay vượt rừng vận động phụ huynh cho con đến trường.
Mặc dù trời mưa như trút nước nhưng các thầy-cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học-THCS Krong vẫn tranh thủ đến từng nhà vận động gia đình các em. Chúng tôi cùng thầy Dương Văn Phúc-Phó Hiệu trưởng nhà trường và một nhóm giáo viên đến các làng: Pờ Ngăl, Adrong, Blur, Klưk… tìm học sinh. Đưa tay vuốt nước mưa chảy ướt khuôn mặt, thầy Phúc nói: “Đi miết nên quen thôi. Không đi vận động thì các em không đến trường mà ở nhà phụ việc gia đình và sẽ thất học. Có gia đình vì không có phương tiện chở con đến trường, chúng tôi đến chở giúp”.
Giáo viên đến tận nhà vận động học sinh đến trường. Ảnh: Hoành Sơn
Giáo viên đến tận nhà vận động học sinh đến trường. Ảnh: Hoành Sơn
Mưa vẫn không ngớt. Chúng tôi chạy xe đến làng Klưk. Trong ngôi nhà sàn, Đinh Niem (lớp 6) đang đắp chăn nằm trên giường, bà ngoại em túc trực bên cạnh. Niem đang bị sốt. Bà ngoại em bảo là đã nghe Trưởng thôn báo lại là nhà trường nhắn đưa hai chị em Niem và Nươi đến trường học hành. Gia đình định đưa đi nhưng em Niem sốt nên để khi nào khỏi thì cho 2 chị em đi học luôn.
Rời nhà em Niem, chúng tôi đến nhà em Miu. Năm nay, Miu lên lớp 9 nhưng hay ngại nên không muốn theo học nữa. Mấy lần trước, thấy giáo viên đến thì em trốn sang nhà khác. Hôm nay gặp ở nhà, em bảo mai sẽ đến trường.
Chúng tôi tiếp tục theo chân các giáo viên đến các làng khác tìm học sinh nhưng rất khó gặp. “Bà con làm rẫy trong núi cách xa làng rồi ở lại trong các nhà đầm. Đang giữa mùa mưa, nước sông Ba lớn gây chia cắt đường về làng nên họ thường ở trong đó nhiều ngày. Hôm sau khô ráo, chúng tôi sẽ quay lại làng vận động hoặc lên nhà đầm tìm các em”-thầy Nguyễn Quốc Việt chia sẻ.
Đến cuối ngày, sau nhiều nỗ lực, hai em Dioe và Key (lớp 6, trú làng Pờ Ngăl) được gia đình đồng ý để thầy giáo chở đến trường theo học. Niềm vui hiện lên trong ánh mắt của các em và cả giáo viên đi vận động.
Giáo viên trên đường đưa học sinh về trường. Ảnh: H.S
Giáo viên trên đường đưa học sinh về trường. Ảnh: H.S
Trao đổi với P.V, thầy Nguyễn Văn Thuấn-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học-THCS Krong có 236 học sinh. Trong đó, bậc Tiểu học có 5 lớp với 121 học sinh; bậc THCS có 4 lớp với 115 học sinh. Riêng lớp 1 có 27 học sinh nhưng hiện chỉ còn 2 em chưa đến nhận lớp vì đang ở trong nhà đầm với bố mẹ. Trong số 236 học sinh thì có 144 em thuộc diện bán trú, được ăn ở tại trường. Hiện nay, khoảng 95% học sinh bán trú đã đến trường”.
Bước vào năm học 2019-2020, nhà trường đã vận động các tổ chức từ thiện hỗ trợ quần áo, sách vở, gạo cơm cho học sinh. Nhờ đó, bữa cơm của các em những ngày đầu theo học được tươm tất hơn. Những bộ quần áo của các em được sạch sẽ hơn. “Trường vùng sâu nên còn nhiều khó khăn lắm. Đặc thù của trường là đông học sinh dân tộc thiểu số nên việc duy trì sĩ số được chúng tôi rất chú trọng. Những năm học gần đây, tỷ lệ chuyên cần thường đạt 95-98%. Năm học này, nhiều học sinh cũ đã hoàn thành chương trình THCS đang theo học THPT tại các trường ở thị trấn Kbang và thị xã An Khê. Đây là niềm động viên lớn với chúng tôi”-thầy Thuấn cho biết thêm.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.