Lời khai người trở về và bài học đắt giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vụ án bắt nguồn từ sự "mất tích" bất thường của 149/153 khách du lịch sang Đài Loan bằng con đường du lịch.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, quá trình đấu tranh, đến tháng 5-2019, Cục An ninh Điều tra (ANĐT) phối hợp với Cục An ninh Đối ngoại và một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an đã phát hiện một đường dây "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi Đài Loan" tại thành phố Hà Nội và một số địa phương; khởi tố 5 bị can cùng về tội danh trên.
Câu chuyện của người trở về
Gần nửa năm trước, các phương tiện thông tin đại chúng bất ngờ đưa tin về sự "mất tích" bất thường của 149/153 du khách người Việt Nam, khi đi du lịch Đài Loan.
Cụ thể, từ ngày 21 đến 25-12-2018, hai công ty là Công ty TNHH Twin Bright và Công ty TNHH thương mại và du lịch Golden Travel đã liên kết với Công ty Etholiday của Đài Loan đưa 4 đoàn người Việt Nam gồm 153 người xuất cảnh qua các cửa khẩu Nội Bài, Tân Sơn Nhất sang du lịch Đài Loan. Khi sang đến nơi, 149 người đã bỏ trốn khỏi khách sạn.
Sau khi phát hiện sự việc trên, phía Đài Loan đã hủy thị thực, đồng thời tổ chức truy tìm những người bỏ trốn và đến thời điểm này đã trục xuất được 110 người về nước...
Năm đối tượng trong đường dây tổ chức cho khách đi du lịch rồi bỏ trốn.
Ngay khi có thông tin trên, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo hai đơn vị nghiệp vụ là Cục An ninh Đối ngoại chủ trì phối hợp với Cục ANĐT và Cục quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an, tiến hành xác minh thông tin. Bắt tay vào nhiệm vụ được giao, cán bộ, điều tra viên của các đơn vị gặp không ít khó khăn do đoàn khách du lịch sinh sống ở nhiều địa bàn khác nhau. Trong khi đó ở thời điểm tiếp nhận thông tin sự việc, vẫn có nhiều du khách đang lẩn trốn ở Đài Loan. 
Bắt đầu từ trường hợp đầu tiên, tự nguyện trở về nước là Huỳnh Thanh Toàn (trú tại tỉnh Hậu Giang), các đơn vị đã có những thông tin ban đầu về đường dây, dẫu là sơ sài.
Tại cơ quan an ninh, Toàn kể lại: Toàn có dì ruột đã sang Đài Loan sinh sống và làm ăn từ nhiều năm nay. Ở Việt Nam, Toàn không có việc làm ổn định nên khi dì gợi ý sang Đài Loan làm việc, anh ta cũng xuôi lòng. Dì của Toàn đã liên hệ với Nguyễn Thị Thanh Hà (sinh năm 1984, trú tại phường 7, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) thỏa thuận việc đưa người; chi phí đi lại như thế nào là do dì ruột của Toàn liên hệ với Hà.
Toàn chỉ biết, Hà yêu cầu làm thủ tục gì thì anh ta làm theo. Qua điện thoại, Hà đã hướng dẫn Toàn làm giấy tờ rồi gửi đến địa chỉ do đối tượng này yêu cầu. Trong quá trình giao dịch, Hà cũng nói với Toàn về việc sang Đài Loan bằng con đường du lịch, sau đó thì bỏ trốn ở lại lao động...
Thời gian thấm thoắt thoi đưa rồi cũng đến lúc dì ruột của Toàn thông báo thời điểm khởi hành. Khó có thể diễn đạt hết tâm trạng của Toàn khi đó, anh ta vừa hồi hộp, háo hức lại có chút lo âu, sợ hãi vì đây là lần đầu tiên xa nhà. Khi Toàn có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất thì đã có một số người chờ ở đó.
Sau khi nhận vé và hộ chiếu, Hà yêu cầu Toàn phải làm theo sự điều hành của trưởng đoàn. Sau khoảng 2h trên máy bay, Toàn cùng một số người đã đặt chân đến Đài Loan...
Đến tối cùng ngày, số khách ở trong đoàn đã bỏ trốn khá đông. Khi đó, dì ruột của Toàn cũng đến khách sạn gặp gỡ Toàn và được anh ta trao đổi lại diễn biến sự việc. Khi biết các thành viên trong đoàn bỏ trốn khá nhiều, dì ruột của Toàn khuyên anh ta nên về nước... Vì thế, Toàn là người đầu tiên đã tự nguyện trở về Việt Nam.
Cùng thời điểm các tổ công tác lặn lội đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước, xác minh thông tin về những trường hợp bỏ trốn thì một tổ công tác đã làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ visa cho 4 đoàn khách du lịch của Công ty Twin Bright và Công ty Golden Travel. Qua làm việc, xác định Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Du lịch kỳ nghỉ quốc tế là đơn vị cung cấp dịch vụ visa cho 4 đoàn khách du lịch của Công ty Twin Bright và Công ty Golden Travel.
Ngày 21-12-2018, một đoàn khách của Công ty Golden Travel khởi hành, tham quan Đài Loan 4 ngày nhưng đến ngày 24-12-2018, hướng dẫn viên không tìm thấy khách tập trung tại điểm hẹn. Ngày 23-12-2018, 3 đoàn khách của Công ty Twin Bright khởi hành đến Đài Loan (3 chuyến bay cùng ngày) và cũng không theo tour...
Dưới sự chủ trì của Cục An ninh đối ngoại, Cục ANĐT đã làm việc với các công ty đưa khách đi du lịch nhưng trốn ở lại. Thời gian sau đó, một số trường hợp đã bị bắt giữ và trục xuất trở về nước.
Quá trình đấu tranh, khai thác, cơ quan công an xác định: Tất cả các trường hợp sang Đài Loan đợt đó đều có mục đích chung là lợi dụng việc đi du lịch để ở lại lao động. Hầu hết họ đều tìm hiểu thông tin qua mạng xã hội. Một số không nhiều thông qua các trung gian môi giới để sang Đài Loan.
Với chi phí đi du lịch rất thấp, khoảng từ 20-40 triệu đồng/1 người, phương thức thanh toán đơn giản, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp qua chuyển khoản; thủ tục đơn giản, chỉ cần chuyển hồ sơ, chứng minh nhân dân, đặt cọc một phần tiền đã có thể ra nước ngoài.
Lời kể của một số trường hợp đã bị trục xuất về nước mà cơ quan an ninh làm việc đã phần nào cho thấy sự nguy hiểm của những cuộc phiêu lưu nhằm tìm kiếm một miền đất hứa. Một trong số đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Bích Huyền (trú tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).
Năm 2009, trong quá trình đi làm thêm, Huyền quen biết một người phụ nữ ở Quảng Trị có tên là T.. Sau khi Huyền nghỉ việc thì T. cũng sang Đài Loan lao động nhưng hai bên vẫn giữ mối liên hệ với nhau. Qua trò chuyện, T. rủ Huyền sang Đài Loan kiếm việc làm thông qua visa du lịch.
Câu chuyện của người phụ nữ tên T. có sức lôi cuốn đặc biệt với cô gái sinh năm 1994 có khát khao làm giàu nhanh chóng... Và rồi qua một người quen biết trên mạng xã hội, Huyền đã liên hệ để làm thủ tục đi Đài Loan với giá 40 triệu đồng.
Đối tượng yêu cầu Huyền đặt cọc 10 triệu đồng theo hình thức chuyển khoản. Cuối năm 2018, Huyền đã chuyển 10 triệu đồng vào tài khoản của chủ facebook trên... Huyền chờ khoảng 2 tháng thì chủ facebook liên hệ và yêu cầu Huyền có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 9h ngày 23-12-2018. Khi Huyền có mặt thì có chừng 30 người, tất cả cùng đi theo một người đàn ông...
Khoảng 11h cùng ngày Huyền và tất cả mọi người đến sân bay Đài Loan. Sau khi đi ăn trưa, họ cũng được hướng dẫn, đưa đi tham quan theo tour. Khoảng 19h cùng ngày về khách sạn, Huyền được sắp xếp ở cùng với chị Nguyễn Thị L. ở Nghệ An.
Đến khoảng 21h cùng ngày thì tất cả nhận lại được hộ chiếu mà trước đó các đối tượng đã thu. Với kế hoạch đã chuẩn bị từ trước, Huyền đã được một đối tượng tên T đến đón rồi ở lại qua đêm ở nhà đối tượng này.
Ngày 29-12-2018, thông qua kênh truyền hình, Huyền biết mình đang bị truy tìm nên hoang mang, lo sợ. Huyền sau đó đã chủ động liên lạc với chủ nhân của facebook hỏi lại thông tin thì người này yêu cầu Huyền xóa toàn bộ các tin nhắn liên quan đến việc đưa người sang Đài Loan.
Lúc này, Huyền muốn về nước nên đã gặng hỏi đối tượng này về thủ tục về nước thì được biết nếu ra đầu thú thì vẫn bị giam vài tháng để điều tra. Vì vậy, Huyền vẫn nằm ở nhà người tên T thêm một vài ngày nữa thì đi làm thuê cho một quán ăn, sau đó thì bị bắt. Sau khi bị giữ ở Đài Loan một thời gian, Huyền bị trục xuất về nước... 
Đường dây lộ diện và chân dung "Trưởng đoàn du lịch"
Từ lời khai của những người tự nguyện và các trường hợp bị trục xuất về nước, kết hợp với các tài liệu thu thập được, Cơ quan ANĐT Bộ Công an và Cục An ninh Đối ngoại đã xác định được danh tính, vai trò của một số đối tượng có liên quan.
Các đối tượng gồm: Trần Văn Danh (sinh năm 1989, trú tại phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Thị Thanh Hà (sinh năm 1984, trú tại phường 7, quận Gò Vấp); Nguyễn Lâm Sỹ (sinh năm 1984, trú tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Xuân Hùng (sinh năm 1978, trú tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội); Vũ Nhật Tuấn (sinh năm 1960, trú tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội).
Trong đó, Trần Văn Danh là đối tượng cầm đầu, tổ chức cho hơn 100 trường hợp công dân Việt Nam trốn sang Đài Loan; trực tiếp thu gom người thông qua đầu mối của Hà và Sỹ... để chuyển hồ sơ cho một số đối tượng có liên quan.
Hai đối tượng Sỹ và Hà có nhiệm vụ liên hệ trực tiếp hoặc thông qua các trung gian để thỏa thuận, thống nhất về phương thức đưa người, gom khách sau đó chuyển cho Danh. Nguyễn Xuân Hùng và Vũ Nhật Tuấn có nhiệm vụ đưa, dẫn đoàn làm thủ tục xuất nhập cảnh và quản lý trong thời gian đi Đài Loan.
Từ các căn cứ thu thập được, ngày 2-5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi Đài Loan" xảy ra tại Hà Nội và một số địa phương. Đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can đối với 5 đối tượng cùng về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài".
Cụ thể, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra lệnh khởi tố bị can, khám xét, bắt tạm giam 4 đối tượng, gồm: Trần Văn Danh, Nguyễn Thị Thanh Hà, Nguyễn Xuân Hùng và Vũ Nhật Tuấn. Quyết định khởi tố bị can, khám xét, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Lâm Sỹ. Cả 5 bị can trên cùng bị khởi tố về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài", theo quy định tại Điều 349 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quá trình đấu tranh, vụ án bước đầu được làm rõ: Danh đã từng làm việc ở nhiều nơi khác nhau, trong đó có dịch vụ môi giới khách hàng cho các công ty du lịch nên đã nắm bắt được nhu cầu sang Đài Loan lao động. Đối tượng đã xây dựng các chân rết, đồng thời lên mạng xã hội đăng tải thông tin.
Danh gom khách hàng từ các đầu mối của Hà và Sỹ rồi chuyển cho một số trường hợp làm visa cho khách. Đoàn khách 153 người xuất cảnh sang Đài Loan ngày 23-12-2018 là do Danh điều hành. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng có thủ đoạn rất tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng. Tất cả những người đi Đài Loan được chia thành nhiều nhóm nhỏ để tránh bị phát hiện.
Về chi phí, Danh thu của Hà là 16,5 triệu đồng/người; thu của Lâm Sỹ và một số đối tượng là 23 triệu đồng. Còn Danh trực tiếp thu gom thì lấy 18 triệu đồng/người.
Khi sang đến Đài Loan, lúc đầu khách vẫn đi theo lịch trình, sau đó quay về khách sạn. Đến tối cùng ngày, các đối tượng tổ chức chia nhỏ từng nhóm 2-3 người, nhằm tránh sự phát hiện của phía Đài Loan. Khi bỏ trốn, họ cũng không được mang theo hành lý, đồ đạc... Trong số này, có người đã thỏa thuận với các đối tượng tổ chức tìm kiếm việc làm, một số đã có người thân đến đón. 
Còn Nguyễn Lâm Sỹ quen biết Danh từ khoảng đầu năm 2018. Đến tháng 10-2018, Danh đề nghị Sỹ tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách có nhu cầu sang Đài Loan, bao gồm cả khách đi du lịch rồi lợi dụng việc du lịch, thăm thân để ở lại lao động bất hợp pháp. Danh giao cho Sỹ gom người, đồng thời là trưởng đoàn xuất cảnh.
Quá trình tổ chức, Sỹ đã được Danh trao đổi, hướng dẫn các thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng. Sau khi đến sân bay, khách du lịch không được trao đổi thông tin với người khác. Trên dọc đường đi từ sân bay đến khách sạn tất cả phải im lặng, không được để lộ ý định bỏ trốn. Chỉ khi đến khách sạn mới được liên lạc với người nhà.
Quá trình đấu tranh, đến ngày 14-5, đối tượng Nguyễn Thị Thanh Hà đã thừa nhận đã gom khoảng 50 khách hàng cho Danh. Hai đối tượng Nguyễn Xuân Hùng và Vũ Nhật Tuấn đã thừa nhận hành vi phạm tội. Hiện vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tiếp tục đấu tranh, làm rõ.
Xuân Mai (An ninh thế giới Online)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…