Suối Giàng lan man ký

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hồi còn trong chiến tranh chống Mỹ, ở hậu cứ, tôi có được vinh hạnh làm quen với vài đồng đội quê ở Nghĩa Lộ (nay là thị xã thuộc tỉnh Yên Bái). Bấy giờ, Nghĩa Lộ là đơn vị hành chính cấp tỉnh và là tỉnh kết nghĩa với Gia Lai.
Nghe bạn kể về quê hương Nghĩa Lộ với người Mông, người Thái, với những bản mường cheo leo trên lưng chừng vách núi và một nền văn hóa đa dạng, phong phú, tôi mơ ước đến ngày thống nhất Bắc Nam sẽ ra thăm Nghĩa Lộ. Thế mà tới hơn 4 thập kỷ sau ngày “đoàn tụ” ấy, tôi mới có cơ hội thực hiện ước mơ của mình!
  Người dân Suối Giàng thu hoạch chè shan tuyết. Ảnh: internet
Người dân Suối Giàng thu hoạch chè shan tuyết. Ảnh: internet
“Đã đến Nghĩa Lộ mà không lên Suối Giàng là coi như chưa biết gì về Yên Bái”-bạn tôi, bác sĩ Đặng Phương Lan làm việc ở Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã Nghĩa Lộ, cũng là dân văn chương báo chí-nói với tôi như vậy. Vậy nên, sau hơn 4 giờ đồng hồ xe chạy tính từ Hà Nội, điểm đến của chúng tôi là Suối Giàng. Suối Giàng ở huyện Văn Chấn, cách Nghĩa Lộ chừng 20 cây số. Từ thị xã Nghĩa Lộ, theo quốc lộ 32, sau hơn nửa giờ đồng hồ xe chạy, chúng tôi đã có mặt ở nơi cần đến. Bạn đồng nghiệp trẻ Trần Nhật Minh cầm lái, dẫu “con xe” Mitsubishi đời... cổ lỗ đã xộc xệch lắm nhưng Minh vẫn cho nó cái quyền “tự do” vun vút lao về phía trước trên con đường quanh co uốn lượn, chui vào những động mây mù trắng xóa. Thỉnh thoảng, ngược chiều với chúng tôi là những đôi trai gái trong trang phục dân tộc đặc trưng trẻ trung xinh xắn trên những chiếc xe máy lao qua, chưa kể những chiếc ô tô lớn nhỏ ăm ắp người, Tây có ta có. “Tối qua, họ ngủ lại Suối Giàng đấy”-một bạn có vẻ thạo việc trong nhóm chúng tôi bảo vậy.
Đứng trên đỉnh một ngọn núi phía bên đồi chè shan tuyết cổ thụ trăm năm, nơi được coi là có độ cao cách mực nước biển gần 1.400 m, chúng tôi nhìn bao quát toàn cảnh thị xã Nghĩa Lộ nép mình trong những rừng cây xanh thăm thẳm; hơn thế, phía xa là cánh đồng lúa ngút ngát vàng ươm đang chờ người thu gặt. Đó là cánh đồng Mường Lò, một trong 2 cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc, cho ra những hạt nếp, hạt gạo thơm ngon đến lạ thường. Trong căn nhà chất đầy thành phẩm trà shan tuyết, cha con anh Bùi Dũng tranh thủ giới thiệu với khách về xứ mình và đặc biệt là sản phẩm của nhà anh làm ra-trà shan tuyết hái từ những cây chè trên trăm năm tuổi. Theo chân anh Dũng, chúng tôi men theo con đường nhỏ, ngoằn ngoèo khúc khuỷu lưng chừng ngọn đồi. Những cây chè cổ thụ dần hiện ra. Anh Dũng bảo, loại trà chế biến từ những búp chè này được người ta gắn cho nó cái danh mới nghe đã thấy... khổ lắm rồi: Trà “năm cực”. Thấy cái tên quá lạ lẫm, tôi gặng hỏi thì được biết, loại trà này khi trồng và thu hái rất chi là “cực khổ”; từ điều kiện khí hậu và môi trường trong lành đặc trưng ở Suối Giàng mà sản phẩm shan tuyết “cực sạch”; còn “cực hiếm” là bởi loại chè này thuộc hàng quý hiếm không chỉ ở ta mà cả trên thế giới nữa. Những người thạo về ngành chè bảo, có lẽ trà shan tuyết là nguồn cội của các loài chè trên thế giới, “cực ngon” tất nhiên sẽ... “cực đắt”. Thì ra “năm cực” là thế.
Với bữa trưa đạm bạc ngay trong nhà anh Dũng, chúng tôi được thưởng thức vài món được coi là đặc sản. Nhớ nhất là món gà nướng lá mắc mật chấm với “chẳm chéo”-thứ mà lần đầu tôi biết đến; dù là không phải người bản địa, nhưng anh Dũng tự tay mình chế biến “chẳng thua kém bà con ở đây”-mấy bạn trẻ đã từng được thưởng thức món gà nướng kiểu này khen hết lời. Thêm một món nữa cũng là gà, nhưng là gà kho, kho kiểu gì thì tôi chịu, nhưng với cơm nấu từ gạo trên cánh đồng Mường Lò thì không thể tả nổi sự ngon đến như thế nào khi nó “kết hợp” với nhau: gà-cơm. Và trà. Nhâm nhi chén trà nóng sau bữa trưa muộn, anh Dũng bảo: “Mấy anh thấy đấy, cây chè shan tuyết già da mốc meo vẫn cứ hiên ngang trong sương gió, nắng mưa cả mấy trăm năm vẫn bám rễ sâu vào lòng đất nơi lưng đồi và sườn núi cheo leo, có lẽ thế mà shan tuyết cho ra một loại “nước” xanh một màu xanh quyến rũ và đặc biệt là hương thơm, vị đậm”. Không phải là người sành về trà, nhưng nghe anh Dũng kể, tôi hiểu rằng mình đang được thưởng một loại nước của đất trời ban tặng.
Chiều xuống, phía những ngọn đồi xa xa chìm dần trong mây mờ đùng đục và cái lạnh se se đầu xuân. Mấy bạn nữ đường xa vừa ùa đến vây quanh nơi chúng tôi dựng trại, các cô khoác lên người những chiếc áo gió có mũ đính kèm màu tím nhạt e ấp, hờ hững phủ qua đầu, như tô thêm cho những đôi môi hồng lên, đôi má thắm thêm mà chẳng thứ mỹ phẩm nào thay thế được, làm mấy chàng trai trẻ trong nhóm chúng tôi như trẻ hơn ra, tươi tắn, năng động hơn và nói cười rộn rã không dứt. Chúng tôi chia tay chủ nhà và tốp khách lạ vừa đến. Chủ căn homestay ven đô Nghĩa Lộ đã có lời nhắc qua tin nhắn, rằng họ đã sẵn sàng mọi thứ chờ chúng tôi. Theo lời bác sĩ  Lan, tỉnh Yên Bái chủ trương kêu gọi đầu tư vào ngành “công nghiệp không khói” bằng nhiều hình thức phù hợp với tiềm năng địa phương, trong đó chú trọng đến việc vận động bà con trong các thôn, bản làm du lịch homestay. Nơi chúng tôi sẽ dừng chân qua đêm là một địa chỉ như vậy.  
Rượu đã ngà ngà, tôi thấy mình như “bay” cùng những cô gái Thái trẻ trung tươi tắn đang nhảy sạp trong điệu nhạc đặc trưng khó lẫn. Các cô rất xinh đẹp trong áo váy đồng phục 2 màu đen-trắng, với những đường viền hoa văn xanh-tím rất sinh động, khéo léo ôm chặt lấy người và phô ra những đường cong con gái mềm mại, uyển chuyển. Và cứ thế cho đến khi đêm chìm sâu về sáng. Chị chủ homestay người Thái đen có tên là Hoàng Loan thuộc hàng U50 nhưng nhìn qua còn rất trẻ và nhanh nhạy. Theo bác sĩ Lan, chị Loan nguyên là cán bộ có năng lực của Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương, người đầu tiên trong bản Sà Rèn (xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ) nghĩ và làm du lịch theo kiểu homestay này. Nhà chị bên cạnh con lộ nhỏ chạy qua, phía trước là nậm (sông/suối) Khia đang trong mùa cạn. Dòng nước trong veo lững lờ trôi, 2 bên bờ là lũy tre ken dày như che chở cho bản trong những mùa mưa bão, lũ lụt; ở đó, mùa nước cạn, những chiều xuống là nơi các cô gái làng khoe mình trong dòng nước mát... Phía sau nhà chị Loan là cánh đồng chạy dọc dài từ đầu đến cuối bản Sà Rèn, đang mùa lúa chín cho hương ngây ngất, hứa hẹn một mùa bội thu...
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.