Quay cuồng trong cơn sốt đất-Kỳ 6: Những cơn 'sốt' lạ thường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian gần đây, nhiều khu vực từ thành thị cho đến nông thôn tại tỉnh Tây Ninh bỗng dưng lên cơn “sốt đất” lạ thường.
 
Những lô đất được rao bán phía sau dự án bệnh viện Xuyên Á, thuộc H.Trảng Bàng. ẢNH: DƯƠNG PHAN
Trong cơn sốt đất, bờ ao, ruộng lúa... tăng giá vùn vụt 
Hàng loạt bất động sản từ nhà, đất ở khu vực thành phố, thị trấn cho đến vùng ven của các huyện, thành phố như Tây Ninh, Hòa Thành, Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành... bỗng dưng lên “sốt” giá. Những bờ ao, ruộng lúa ở tận vùng nông thôn xa xôi ít người lui tới cũng quay cuồng trong cơn sốt đất từng ngày. Đất đai được rao bán ồ ạt trên... hàng trăm fanpage Facebook, cả trong và ngoài tỉnh Tây Ninh.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các hoạt động mua bán đất diễn ra sôi động chưa từng có. Nhiều giao dịch mua bán, đi xem đất diễn ra đến tận 20, 21 giờ.
Anh N.H.B, 31 tuổi, một “cò” đất lâu năm ở Tây Ninh, nói: “Bây giờ cứ ra ngõ gặp 'cò' đất ”. Anh B. lý giải, trước đây, để bán được một mảnh đất, giới “cò” đất như anh phải chạy đôn chạy đáo, dùng hết các mối quen biết, mới bán được một mảnh. Hơn 1 năm trở lại đây, đâu đâu cũng lên cơn sốt đất, dần dần chính người dân địa phương khắp nơi cũng trở thành “cò” để hưởng hoa hồng môi giới.
Ông N.T.C, 45 tuổi, một “cò đất” ngụ H.Hòa Thành, nói chính ông cũng ngán ngẩm với "ma trận" thông tin về đất đai đang... loạn cào cào.
“Không dễ dàng tìm được đất chính chủ vì giới “cò” bằng nhiều cách biến mình như chính chủ để thổi giá”, ông C. nói.
 
Đất đai tại những vùng quê tỉnh Tây Ninh bỗng dưng lên cơn "sốt" giá. ẢNH: DƯƠNG PHAN
Lý giải thêm, ông C. cho biết: “Cò” đất hiện tại có rất nhiều loại, ngoài “cò” môi giới hưởng hoa hồng như tụi tui hồi giờ, thì  dạo này có nhiều "cò" chuyên nghiệp hơn, dám "bung vốn" đi “săn” đất đẹp để trữ bán. Số đông “cò” còn lại với vốn ít hơn thì tranh thủ “đặt cọc” để chính danh là chính chủ, rồi thổi giá, được giá là sang tay liền. Thế nên, giá đất thực tế từ chính chủ cho đến người mua chênh lệch từ vài chục triệu đến cả trăm triệu/m ngang là thường”.
 
Con đường bê tông dân tự mở để phân lô mảnh đất tại H.Trảng Bàng. ẢNH: DƯƠNG PHAN
Tại Tây Ninh, các đội "cò" ngày đêm sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm, bươn ra tận ngoài ruộng xa, tìm mua đất. Giá đất vì thế tăng cao gấp từ 3 - 5 lần so với thời điểm cuối năm 2018.
Giá đất tại H.Hòa Thành như xã Long Thành Nam, Long Thành Trung, Long Hải, Trường Đông những ngày này dậy sóng... Các vùng ven của khu vực TP.Tây Ninh cũng không kém, như xã Bình Minh, Tân Bình, Thạnh Tân, Hiệp Ninh. Tại H.Châu Thành, cơn sốt đất tập trung mạnh nhất tại các xã Thanh Điền, Trí Bình, Thái Bình...
Chứng kiến mảnh đất trước nhà đổi chủ nhanh như chong chóng, ông Nguyễn Văn Bình, ngụ xã Trí Bình, H.Châu Thành, cho biết chỉ trong vòng 6 tháng, mảnh đất đã mua bán liên tục qua đến 5 chủ.
Ông Bình cho biết mảnh ruộng lúa sau nhà ông bỗng dưng cũng được nhiều người hỏi mua với giá khá cao, làm ông cũng băn khoăn.
Sốt đất theo... tin đồn
Đất đai quanh khu vực núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân, Tân Bình (TP.Tây Ninh) và xã Bàu Năng (H.Dương Minh Châu), nơi có "thông tin" về các dự án du lịch "khủng", giá đất tăng chóng mặt.
Tại 2 huyện Trảng Bàng và Gò Dầu, hiện có nhiều dân buôn đất từ TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai đổ về. Nhiều mảnh đất bỏ hoang trước đây giờ gắn biển rao bán đất nền, giá tăng vùn vụt. Trong khi đó, các phòng giao dịch mua bán, ký gửi nhà đất mọc lên như nấm, các phòng công chứng giấy tờ tư nhân cũng phất lên nhờ các dịch vụ chứng thực mua bán đất.
Trước khi quyết định về tách thửa đất của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành có hiệu lực chính thức từ 6.5.2019, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đỗ Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND xã An Tịnh, H.Trảng Bàng, cho biết trên địa bàn xã dù không có một dự án bất động sản nào được cấp phép, nhưng trung bình mỗi ngày, UBND xã đều ký thủ tục sang nhượng đến vài chục bộ hồ sơ, gấp 5 - 10 lần so với trước đây. Trong đó, nhiều thửa đất lớn được các chủ đất “băm nhỏ” thành từng mảnh để bán.
"Đây là đất do cá nhân bán với nhau nên chính quyền không thể can thiệp", ông Vũ cho biết.
Trước tình hình “cò đất” hoành hành, ông Vũ cho biết thêm là UBND xã An Tịnh đã có văn bản báo cáo UBND huyện và các ngành chức năng của huyện để kịp thời có biện pháp can thiệp.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nguyên nhân cơn sốt đất là do các nhà đầu tư “đón gió tin đồn” khu vực A sắp lên thị xã, khu vực B sắp xây dựng khu thương mại, khu vực C ăn theo dự án bệnh viện Xuyên Á... Tất cả khiến giá đất biến động từng ngày.
Ông Trương Văn Rưa, Chủ tịch UBND xã Phước Đông, H.Gò Dầu, cảnh báo, trước sự phát triển mạnh của KCN Phước Đông, nhiều “cò” đã mua đất có diện tích lớn ở các xã lân cận, phân lô để rồi sau đó quảng cáo mời khách.
Thế nhưng, qua thực tế tìm hiểu, những nền đất ven KCN mà "cò” rao bán trên mạng đều cách xa khu trung tâm xã, không giống như những lời quảng cáo “có cánh” của “cò”.
Ông Rưa khuyến cáo: “Người dân phải thận trọng trong quá trình giao dịch mua bán đất, tìm hiểu kỹ tại các cơ quan chức năng để tránh bị lừa đảo”.
Tây Ninh ban hành quyết định quy định về phân lô, tách thửa

Một trong những động thái để ngăn chặn nạn phân lô, bán nền bát nháo, mới đây, quyết định quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành chính thức có hiệu lực từ 6.5.2019.

Trong đó, diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách thửa đối với đất tại phường, thị trấn có lộ giới quy hoạch lớn hơn hoặc bằng 20 m là 45 m2; đường có lộ giới quy hoạch nhỏ hơn 20m thì diện tích tối thiểu bằng 36 m2. Tại các xã, đường có lộ giới quy hoạch lớn hơn hoặc bằng 20 m thì diện tích tối thiểu được tách là 60 m2; đường lộ giới quy hoạch dưới 20 m thì bằng 50 m2.

Đối với đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp đã được quy hoạch sử dụng đất là đất ở để xây dựng nhà ở. Trong đó, thửa đất có diện tích nhỏ hơn 500m2 nếu sau khi tách thửa tiếp giáp với đường giao thông được thể hiện trên bản đồ địa chính thì được tách theo quy định như trên; nếu thửa đất không tiếp giáp với đường giao thông hiện trạng thì người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với thửa đất có diện tích từ 500 m2 đến 2.000 m2, trước khi thực hiện tách thửa người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Thửa đất có diện tích trên 2.000 m2, người sử dụng đất phải thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các quy định khác liên quan đến đầu tư được cơ quan nhà được có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện thủ tục tách thửa…

Dương Phan (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.