Cụ Huỳnh ở xứ Tiên Giang…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng nằm ngay trên trục tỉnh lộ đi Bắc Trà My, cách TP. Tam Kỳ gần 40 km về hướng Tây, thuộc thôn 1, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Trước ngày giỗ cụ Huỳnh lần thứ 72 (21/4/1947 - 21/4/2019), lần đầu tiên tôi tìm về ngôi nhà xưa, nơi cụ sinh ra (năm 1876) để thắp nén tâm nhang cho người chí sĩ yêu nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Hiện nay, ngôi nhà cụ Huỳnh đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Mặc dù đã được trùng tu nhiều lần, có sự thay đổi so với cấu trúc, vật liệu ban đầu, nhưng ngôi nhà xây dựng năm 1869, đến nay vừa tròn 150 năm vẫn còn giữ được hồn cốt cổ. Ngôi nhà mang kiến trúc thuần Việt của người miền Trung với sườn gỗ, 3 gian 2 chái, lợp ngói vảy, được chạm trổ tinh vi trong khuôn viên rộng khoảng 4.000 m2. 
 Ông Huỳnh Văn Thoàn, chắt cụ Huỳnh Thúc Kháng giới thiệu về một số hiện vật tại nhà trưng bày.  Ảnh: K.N.B
Ông Huỳnh Văn Thoàn, chắt cụ Huỳnh Thúc Kháng giới thiệu về một số hiện vật tại nhà trưng bày. Ảnh: internet
Ngày xưa, dưới triều Nguyễn, quê hương chôn nhau cắt rốn của cụ Huỳnh-nơi có dòng Tiên Giang thơ mộng và được đặt tên tổng Tiên Giang Thượng-là vùng đất trung du, thuần nông, nghèo khổ. Tuy vậy, dân gian ta có câu “đất sỏi sinh chạch vàng”, nơi miền đất sông Tiên chảy ngược này, vào đầu thế kỷ XX, đời vua Thành Thái đã sản sinh 2 bậc đại khoa là Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng, được liệt vào bậc Tứ hùng của đất Quảng (bên cạnh 2 cụ Nguyễn Thành và Trần Quý Cáp). Cụ Huỳnh cũng như các bạn đồng liêu Đất Quảng, sinh ra vào thời đất nước tao loạn, triều đình Huế nhu nhược, giặc Pháp từng bước đặt ách đô hộ trên toàn cõi Việt Nam. Các cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp xâm lược lúc mạnh lúc yếu nhưng tất cả đều bị thất bại, những chí sĩ yêu nước đều bị giặc bắt giết, tù đày… Tuy nhiên, phong trào kháng Pháp của người dân nước Việt từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX chưa bao giờ ngừng nghỉ. Làm trai thời loạn, Huỳnh Thúc Kháng (lúc nhỏ có tên Huỳnh Hanh) dù nhà nghèo nhưng có tư chất thông minh, đã cố gắng dùi mài kinh sử, ôn luyện binh pháp, võ nghệ, nuôi chí đem tài lương đống để đuổi giặc, giúp nước. Năm 25 tuổi, trong khoa thi Hương (Canh Tý-1900), cụ Huỳnh đỗ giải nguyên (thủ khoa cử nhân); 4 năm sau, trong khoa thi Hội, cụ tiếp tục đỗ hội nguyên (thủ khoa thi Hội). Và kỳ thi Đình năm ấy, cụ Huỳnh đỗ thứ 3 trên bảng Đệ Tam Giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Vì có 2 lần đỗ giải nguyên nên người đương thời gọi cụ là ông nghè song nguyên.
Mặc dù đường khoa cử thành đạt nhưng cụ Huỳnh từ chối làm quan, trở về quê dạy học, đọc sách và giao du với các chí sĩ yêu nước như Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp. Khi phong trào chống thuế ở Quảng Nam lan rộng cả miền Trung, thực dân Pháp lấy cớ cụ Huỳnh giao du với Phan Bội Châu và xướng thuyết dân quyền nên bắt giam, đày đi Côn Đảo 13 năm. Sau khi được tha, Nam triều và thực dân Pháp có mời cụ ra làm việc nhưng cụ Huỳnh từ chối và trở về quê tiếp tục dạy học, làm thuốc. Năm 1926, cụ Huỳnh ra ứng cử và trúng vào Viện Dân biểu Trung Kỳ và làm Viện trưởng. Với cái ghế dân biểu này, cụ đã công khai chỉ trích các chính sách thực dân hà khắc ở Trung Kỳ; đấu tranh với các tên khâm sứ coi thường ý kiến dân chúng, bảo vệ các quyền dân sinh, được đông đảo đồng bào ủng hộ. Năm 1927, cụ Huỳnh từ chức Viện trưởng Viện Dân biểu và bước sang địa hạt báo chí. Cụ chủ trương thành lập tờ Tiếng Dân, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Trung Kỳ và trở nên nổi tiếng trên cả nước. Bấy giờ, tờ Tiếng Dân thu hút được nhiều cây bút uy tín và có tư tưởng tiến bộ như: Đào Duy Anh, Võ Nguyên Giáp… 
Sau Nhật đảo chính Pháp 1945, vua Bảo Đại có mời cụ Huỳnh tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim nhưng cụ khước từ. Đến khi Cách mạng tháng Tám thành công (tháng 8-1945), nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ tham gia Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, khi Bác Hồ sang Pháp đàm phán, cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Quyền Chủ tịch nước. Năm 1947, cụ được cử làm Đặc phái viên của Chính phủ vào chỉ đạo kháng chiến ở Trung bộ. Khi đến Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, cụ Huỳnh lâm trọng bệnh và mất tại đây. Trong thư vĩnh biệt cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: “… Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập, đến ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chính phủ ta mời cụ ra. Tuy đã 71 tuổi, nhưng cụ vẫn hăng hái nhận lời. Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái ai cũng ra sức phụng sự Tổ quốc”.
Ngôi nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Tiên Phước hiện nay được chính quyền địa phương duy tu, bảo tồn khá tôn nghiêm. Bên trong có hương án thờ phụng cụ Huỳnh và các tiền nhân. Các hiện vật, hình ảnh liên quan đến cuộc đời cụ Huỳnh được bảo quản và trưng bày khá đầy đủ. Hàng năm, đến ngày giỗ cụ Huỳnh, lãnh đạo địa phương cùng bà con gần xa đều đến dâng hương tưởng nhớ công đức của người chí sĩ yêu nước của đất Quảng thân yêu.
 BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).