Người 'đưa đò' cho 24 mảnh đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 20 năm qua, vợ chồng ông Phạm Duy Trực (69 tuổi, trú tại P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) thầm lặng chở che 24 mảnh đời bất hạnh...
 
Ông Trực lần giở những kỷ niệm với 24 đứa con nhận nuôi. ẢNH: HOÀNG SƠN
Những đứa “con tạm” được đôi vợ chồng già nhận về nuôi nấng, đứa ở ít nhất cũng 6 tháng, đứa lâu nhất có khi cả năm rưỡi.
Đưa các con qua ngày giông bão
Bế trên tay đứa bé 2 tuổi nhỏ thó như con mèo, mình mẩy đầy chốc ghẻ với đủ chứng bệnh, vợ chồng ông Trực không khỏi hoang mang: “Nếu chăm sóc không tốt, nhỡ không may có chuyện gì phải làm sao”. Nhưng rồi ông tặc lưỡi: “Thôi kệ! Đem con về, mình sẽ chạy chữa và tìm cách lo cho con, bà ạ!”.
Đó là buổi chiều 1.3.1996. Vợ chồng ông Trực đến Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi đón Đ.T.M.P (sinh năm 1994) về làm “con tạm” thuộc chương trình “Gia đình nuôi tạm” do Tổ chức Hỗ trợ trẻ em quốc tế (HOLT) triển khai.
P. mồ côi cha ngay khi vừa mới sinh ra. Mẹ P. suy sụp. Kinh tế gia đình kiệt quệ nên cho P. đến ở trung tâm nuôi trẻ mồ côi. Năm 1994, ông Trực đã biết “Gia đình nuôi tạm” là chương trình nhận nuôi các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trong một thời gian nhất định. Sau đó, các trẻ sẽ trở về với gia đình của mình. Dù đồng lương eo hẹp, lại đang nuôi 2 con nhỏ, nhưng vốn tính yêu thương trẻ thơ, ông Trực bàn với vợ nhận nuôi các trẻ với mong muốn duy nhất “làm bệ đỡ những mảnh đời bất hạnh”. Bà Trần Thị Thanh (vợ ông Trực) gật đầu cái rụp, rồi cùng chồng làm thủ tục để nhận P.
Kể từ đó, gia đình ông Trực có chút “đảo lộn” vì những tiếng oe oe khóc đêm, vì những lần ôm P. vào ra bệnh viện chạy chữa… Ông Trực kể, tuy đã có kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ nhưng khi đón P. về, vợ chồng ông gặp không ít bỡ ngỡ. Hằng ngày, vợ chồng ông thay nhau chăm sóc P. rồi hỏi han khắp nơi để chạy chữa cho bé. “P. nó theo tôi dữ lắm. Khi nào đi ngủ cũng muốn ngủ bên cạnh tôi. Ban đầu cứ nghĩ là “con tạm”, nhưng rồi bên cháu lâu tôi thêm thói quen xưng hô “ba, con” với P…”, ông Trực nhớ lại.
Được sự yêu thương, bảo bọc của ba Trực - mẹ Thanh, P. dần khỏe mạnh, bệnh tật khỏi hẳn. Từ những ngày đầu lo sợ P. không qua khỏi để rồi sau 1 năm, P. phát triển rất tốt từ thể chất đến trí tuệ… Cuối cùng, thời hạn P. trở về với gia đình của mình cũng đến. Đó là ngày 15.5.1997. Từ nay “đứa con út” P. sẽ không ở trong căn nhà nhỏ với vợ chồng ông nữa… 
 
Những dòng nhật ký xúc động ông Trực viết lúc chia xa các con
Trang nhật ký thấm tình cha con
Những dòng chữ ông Trực dành cho P. được viết cách đây 22 năm vừa chân thật vừa xúc động: “Đêm hôm ấy, mẹ khóc nhiều. Ba buồn không ngủ. Cả nhà như mất một cái gì đó rất lớn. Anh Thụy (con trai út ông Trực - PV), hay giỡn với P. nên lúc P. rời khỏi nhà, Thụy rất nhớ…”. Ông Trực bảo, dù biết trước cái cảnh sẽ chia tay đứa “con tạm” nhưng lúc P. về với mẹ đẻ, vợ chồng ông cứ bần thần nhớ nhung. “Rồi thời gian phôi pha, đứa thứ 2, đứa thứ 3, thứ 4… lại đến với gia đình. Vợ chồng tôi gọi đó là cái duyên. Cứ thế, tôi có đến 24 đứa con”, ông Trực trải lòng.
Tình yêu thương xuất phát từ lòng nhân ái cao cả...

Một cán bộ Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội TP.Đà Nẵng cho biết, gia đình ông Trực, bà Bích là 2 hộ tích cực nhất của chương trình “Gia đình nuôi tạm”. Gia đình nhận nuôi được hỗ trợ khoản tiền trên 1 triệu đồng/trẻ/tháng. “Những trẻ được gửi nuôi tạm thường còi cọc hoặc bệnh tật mà gia đình vốn dĩ khó khăn nên ít quan tâm. Khi về ở với gia đình mới, ba mẹ mới thật sự vất vả. Số tiền hỗ trợ đúng là chả thấm tháp gì. Bởi vậy, nhận nuôi các cháu, đó chỉ có thể là tình yêu thương xuất phát từ lòng nhân ái cao cả…”, cán bộ này cảm kích.


Mỗi đứa con nhận nuôi, ông đều ghi lại lý lịch rõ ràng và đóng thành từng tập một. Ông cẩn thận xếp theo thứ tự từ đứa đầu tiên là P. cho đến đứa thứ 24 là B.O. Ông bảo, những giấy tờ này sẽ là hành trang cho các con, để sau này đi học, đi làm… Có những đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị bỏ rơi thì đó là những trang giấy ghi lại gốc gác. Nói đoạn, ông bê thêm một thùng giấy đặt lên bàn, tỉ mẩn mở từng gói. Đó là ảnh kỷ niệm mà gia đình ông chụp lại khi những đứa con đang ở cùng. “Đây là P. Nhóc này thường hay sốt. Tôi hay trắng đêm với nó. Đây là N. Tôi thương nó lắm vì nó bị tâm thần nhẹ. Còn đây là H. Chân tay nó thường xuyên bó bột vì bị bệnh xương thủy tinh…”, mắt ông rưng rưng khi lướt qua mỗi bức ảnh.
Có thời điểm, vợ chồng ông Trực nhận nuôi cả 2 chị em, như chị em N.T.N.Y - N.V.N, N.T.Q - N.T.H. Có năm, trong khi đứa “cũ” chưa trở về với cha mẹ đẻ thì ông đón thêm đứa “mới”. Căn nhà nhỏ trở nên chật chội nhưng đầy ắp tiếng cười. Đó cũng là động lực để vợ chồng ông nhận những đứa con tiếp theo. 23 năm qua, 24 đứa trẻ đã lớn khôn. Như M.P bây giờ đã làm mẹ. Nhiều đứa khác đã thành những thanh niên khỏe mạnh, được học hành…
Trong số 24 đứa con, có 6 đứa giờ đã sang Mỹ theo bước chân của cha mẹ nuôi. Nhiều đứa mồ côi mang lại niềm vui cho nhiều gia đình hiếm muộn… “Nhưng cũng không ít đứa về với cha mẹ đẻ phải sống trong khổ sở vì vốn dĩ trước đó gia đình họ khó khăn mới cho con đi “ở tạm”. Như đứa con thứ 24 B.O có hoàn cảnh rất khó khăn, cha lại nghiện ngập… Con về lại với gia đình cũng không nhiều điều kiện để chăm bẵm. Tôi thương lắm!”, ông Trực xúc động. 
 
Dòng nhật ký cùng bức ảnh kỷ niệm của bé P.L đã sang Mỹ sống với ba mẹ nuôi. ẢNH: HOÀNG SƠN
Lan tỏa yêu thương
Trong số 24 đứa con, ông thương nhất là N.C.T - cậu bé bị mẹ bỏ rơi khi mới chào đời. Cũng vì lẽ đó mà cuốn nhật ký về các con, ông Trực dành phần nhiều để viết về T. Từng trang ông ghi lại những sinh hoạt của T., sự thông minh, lanh lẹ của cậu bé từ 6 tháng đến 2 tuổi. Hơn 15 tháng ở với cả nhà, T. từ đứa bé những tưởng là đứa “con tạm” trở thành đứa con nhận được yêu thương của nhiều người.
Một ngày tháng 10.1999, ông giao T. cho trung tâm để ba mẹ mới của T. đón về Mỹ. Nhưng vì thương nhớ T. nên những ngày sau, nhiều lần ông âm thầm tìm đến trung tâm. Đứng một góc, lặng lẽ nhìn T. và nước mắt ông cứ thế lăn dài. “Đúng 16 giờ 30 phút ngày 23.10, ba mẹ chở T. xuống. Đây là lần cuối cùng, T. rời khỏi nhà vĩnh viễn”, ông Trực viết trong nhật ký: “Mẹ và ba ru T. ngủ rồi đặt T.vào giường. T. ngủ ngon lành còn ba mẹ không kìm nổi nước mắt. Ra về và cả đêm ấy cả nhà hầu như không ai ngủ được”.
 
Vợ chồng ông Trực chụp ảnh kỷ niệm với các con. ẢNH: HOÀNG SƠN
Ông Trực kể, 2 người con của ông là Trinh và Thụy ai cũng thương T. và xem như đứa em út. “Đi học thì thôi, chứ ở nhà là cả hai đều sà vào chăm em. Nhà đón đến 24 đứa con mà cả Thụy và Trinh không bao giờ tị nạnh với các em, không lúc nào tỏ thái độ cách biệt…”, ông Trực nói. Còn bà Thanh, dù nhiều vất vả và bộn bề lo toan, nhưng chưa bao giờ than thở. Bà còn mang câu chuyện của mình kể cho người bạn thân là bà Trần Thị Bích (58 tuổi, trú P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu).
Là người có trái tim nhân hậu, bà Bích đã đến Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội TP.Đà Nẵng và nhận con về chăm sóc. Hơn 13 năm qua, bà Bích đã đón 7 đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn về nuôi nấng.
Ông Trực bảo, vợ chồng ông giống như người đưa đò. Các con ông nhận nuôi như người đi đò. Niềm vui lớn nhất của họ chính là sự bình an của các con…
Hoàng Sơn (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).