Ngóng chồng ở Hoàng Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cả làng chài Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang mong chờ sự trở về của cha con ngư dân Nguyễn Minh Hùng và các thuyền viên quê ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tàu QNg 90819 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa vào ngày 6/3. Trong khi vụ việc một tàu QNg 90559 TS bị đâm chìm vào năm 2015 vẫn chưa nguôi nỗi đau.
Khát tiếng... chồng
Chị Trương Thị Hoa là vợ thuyền trưởng Nguyễn Minh Hùng. Chiếc tàu QNg 90819TS chở theo chồng chị và người con trai là Nguyễn Minh Lên, 19 tuổi đi Hoàng Sa rồi gặp nạn. Chị vẫn nhớ như in, cả 2 cha con đã nói văng vẳng trong máy thông tin là “hai cha con tui còn sống, tàu bị Trung Quốc đâm chìm, giờ sắp lút mũi rồi, của mất, người còn…”.
 
Chị Trương Thị Hoa từng ngày mong ngóng tin chồng, con ở Hoàng Sa
Đối với người làm nghề biển, nếu trong trường hợp tàu bị đâm chìm thì ngư dân ngoài khơi thường dùng liệu pháp tinh thần, đó là người mất nhưng vẫn cứ báo là còn sống cho đến khi vào đến bờ mới nói thật. Vì vậy, chỉ khi nào “nghe được tiếng” thì mới chắc chắn là người còn. Sau khi nghe tiếng anh và con trai văng vẳng trong điện thoại, chị ngồi vuốt ngực, cảm giác nghẹt thở trôi qua, nhưng nỗi buồn thì vô cùng, vô tận.
Các ngư dân điện vào bờ diễn tả ngắn gọn, tàu QNg 90819 TS trong tình trạng chìm phần đuôi và chỉ còn nổi phần mũi, do trong hầm tàu có nhiều phao xốp. Những gì ngư dân diễn tả thì con tàu này giống như tàu cá ĐNa 90152 TS của bà Huỳnh Thị Như Hoa ở TP Đà Nẵng bị Trung Quốc đâm chìm vào năm 2014. Ngư dân phải huy động 5 tàu nối dây kéo suốt đêm, sau đó tàu vận tải của Hải quân ra kéo thì mới đưa được vào bờ. Riêng tàu cá của ngư dân Nguyễn Minh Hùng thì ngư dân không có khả năng cứu.
Ba ngư dân quê ở huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam đi cùng cha con ông Hùng trước chuyến đi toàn nhắc đến những từ “đánh bắt thành công, đầu năm trúng đậm”, nhưng ước mơ chỉ là mơ ước, họ sẽ trở về với 2 bàn tay trắng. Các ngư dân sống sót là nhờ thuyền trưởng để máy sống. Tức là máy Icom luôn kết nối trực tiếp với nhiều tàu, khi bị đâm chìm thì thuyền trưởng hét vào Icom thông báo tọa độ, nói lời tạm biệt, sau đó sẽ có tàu đến cứu vớt.
Ngôi nhà của chị Trương Thị Hoa nằm trong một ngõ nhỏ ở thôn Châu Thuận Biển. Chậu hoa trước nhà vẫn ngời sắc vàng của xuân, nhưng rồi những gì vừa diễn ra đã đẩy gia đình chị lâm cảnh xuân tàn. Chị kể, con tàu này mới đóng vào năm 2015. Chồng chị đóng tàu có chiều dài chỉ 16,8 mét, vì tàu càng nhỏ thì càng dễ tiếp cận vào các đảo nổi ở quần đảo Hoàng Sa và ít bị Trung Quốc chú ý như các tàu có chiều dài trên 20 mét.
Cha con đi khơi 
Sắm tàu nhỏ và chấp nhận nguy hiểm khi đi khơi, dù cha con ngư dân Nguyễn Minh Hùng cố ẩn mình, nhưng rồi từ ngày tàu hạ thủy, tai họa vẫn liên tục xảy ra. Năm 2018, tàu ra đánh bắt ở gần đảo Quang Hòa, khu vực vành đai cụm Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa (nơi từng diễn ra trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974) thì gặp nạn. Tàu tuần tra Trung Quốc áp tới rượt đuổi, sau đó lính Trung Quốc sang tàu tịch thu ngư lưới cụ. Lần đó vợ chồng anh chị thiệt hại trên 100 triệu đồng.
 
Cha con thuyền trưởng Nguyễn Minh Hùng đã được ngư dân ra tay cứu kịp thời
Tai nạn trên chỉ là một đoạn trong chuỗi hoạn nạn và vợ chồng ngư dân Nguyễn Minh Hùng đã hứng chịu. Anh Hùng năm nay 44 tuổi. Phía gia đình khuyên nhủ là “thôi làm nghề bờ cho đỡ cực”. Nhưng anh Hùng về vẫn nói với vợ là “đời tui chỉ bám biển để giữ biển đảo quê hương”. Vậy là cứ về nhà vài ngày rồi lại dóng thuyền ra Hoàng Sa. Chị Hoa kể, những người bạn đồng lứa với chồng mình, năng lực làm biển kém hơn, nhưng cuộc sống khá giả. Còn chồng mình thì quá cần cù và có nguyện vọng lớn, vì vậy liên tục gặp nạn. Năm 2012, anh Hùng quyết định mở ngư trường mới, vào Cà Mau, Tiền Giang và ký hợp đồng đưa tàu sang các nước đánh bắt, nhưng cuối cùng bị dính quả lừa. 

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu cho biết đã tiếp nhân vụ việc, báo cáo lên trên, kêu gọi bà con ngư dân hỗ trợ giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn.

Đối tượng Mai Hồng Khởi can tôi lừa đảo bị đi tù, nhưng vợ chồng anh chị mất trắng 1,4 tỷ đồng. Số tiền này vợ chồng mượn 4 sổ đỏ ngân hàng thế chấp. Sau vụ việc trên, vợ chồng trắng tay và tiếp tục hành trình làm, trả nợ, đến năm 2015 thì vay ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi, chi nhánh Sơn Tịnh để đầu tư một chiếc tàu nhỏ, nhưng chất lượng tốt, chịu sóng gió đường xa.
Đi khắp làng chài Bình Châu trong những ngày này, bà con liên tục báo cáo “nó không cho mình làm, tàu cứ tới là nó quậy, đuổi, đâm rầm rầm”. Buổi trưa nắng chói chang, chị Hoa ra bến nhìn về hướng Hoàng Sa từ phía cuối làng chài. Ngày con tàu đi biển, chị ra bến tạm biệt. Còn nay mai cha con trở về trên một chiếc tàu đã ra tay cứu vớt. Dù bị nạn, mất trắng, nhưng chị khẳng định, “anh về nhà rồi cũng tính trở lại biển Hoàng Sa, mình không ra đó giữ thì coi như mất biển”.
Chờ tin
Tôi trở lại làng chài vào ngày 14/3. Không khí buồn vẫn vương trên khuôn mặt vợ con các ngư dân. Mọi người đến chia sẻ chuyện buồn và nhắc đến người phát ngôn Bộ Ngoại giao vừa đề cập vụ việc tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm. Tất cả mọi thông tin liên quan đến số phận của các ngư dân đều được bà con cập nhật và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Tại buổi họp báo chiều 14/3, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định lập trường của Việt Nam về một số vụ việc và hoạt động gần đây của các nước trên Biển Đông. Về vụ việc tàu cá Việt Nam mang số hiệu QN-90819 TS bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 44101 đâm chìm ở cách Đà Nẵng khoảng 198 hải lý trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa
Bà Hằng cho biết, ngày 9/3, Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao, đã có thông tin về việc này. Theo Cục Lãnh sự, tàu QN-90819 TS gặp nạn và 5 ngư dân trên tàu đã được tàu Việt Nam cứu hộ an toàn. Các ngư dân tiếp tục hải trình và cho đến nay chưa quay về đất liền. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục xác minh, làm rõ thông tin vụ việc để triển khai các biện pháp đảm vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Lê Văn Chương (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.