Màu xanh trên chiến địa xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi vừa có cuộc hành trình lên Chư Nghé thăm lại chiến trường xưa. Trước ngày đi, nhờ anh em ở Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh tỉnh, tôi đã kết nối được với anh Bùi Trọng Yên-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Krai (huyện Ia Grai, Gia Lai) để hỏi thăm tình hình. Anh Yên hẹn: “Anh cứ lên trụ sở xã, em sẽ đón ở cổng. Đồi Chư Nghé ở ngay trước mặt trụ sở thôi mà!”.
Đường lên Chư Nghé
Từ Pleiku, chúng tôi theo tỉnh lộ 664 tiến lên phía Tây. Con đường này trong chiến tranh mang tên 5A, là đường cấp phối, chủ yếu phục vụ các loại xe cơ giới của quân đội Mỹ và các lực lượng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Quân khu 2 hành quân “tìm diệt”, “giải tỏa” nhằm tiêu diệt các lực lượng của ta, nay được nâng cấp mở rộng trải nhựa êm ru. Dọc hai bên đường là những dãy nhà san sát của các cơ sở sản xuất, kinh doanh xen lẫn màu xanh của cây trái. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã đến thị trấn Ia Kha. Tôi vẫn nhớ dịp áp Tết Canh Ngọ (1990) được đi cùng Thiếu tướng Trần Tất Thanh-Tư lệnh Quân đoàn 3 vào thăm và làm việc với huyện Chư Pah (cũ). Hồi đó, thị trấn này chỉ dài chừng hơn cây số bám theo trục đường, khu vực trung tâm nhà cửa còn thưa thớt, chủ yếu là cấp 4 và nhà tạm. Đầu năm 1996, huyện Ia Grai được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Chư Pah, thị trấn Chư Pah được đổi thành thị trấn Ia Kha. Mới hơn hai chục năm xây dựng mà Ia Kha đã mở rộng đến mấy chục lần. Đoạn tỉnh lộ 664 qua trung tâm thị trấn đã thành đường đôi mang tên Hùng Vương, người xe qua lại tấp nập. Hai bên đường là các công sở, cửa hàng, hiệu buôn, ngân hàng… với các khối nhà kiến trúc hiện đại. Thị trấn có nhiều đường ngang to rộng cùng những dãy phố dọc ngang như bàn cờ…
Qua thị trấn Ia Kha một đoạn là khu vực Y6 với dải đất bằng kẹp giữa hai dông đồi thoai thoải mà tháng 7-1974 đã diễn ra những trận giao tranh quyết liệt giữa Trung đoàn 9 (Sư đoàn 320) với Trung đoàn 41 (Sư đoàn 22 ngụy) lấn chiếm vùng giải phóng. Trong chiến dịch này, gần 2 tiểu đoàn địch bị diệt, nhưng ta cũng có hàng chục cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Nguyễn Văn Nấp (từng là Chính trị viên của đại đội tôi). Tháng 8-2013, Đội K52 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng gia đình và đồng đội đã khai quật trên diện tích gần 2.000 m2 cà phê thuộc khu vực trạm phẫu cũ, nơi mai táng anh và 51 đồng đội (nay thuộc thôn Hợp Thành, xã Ia Bă) để tìm hài cốt các liệt sĩ mà không thấy. Giờ qua đây, tôi lại nhớ anh và những đồng đội đã hy sinh hiện vẫn đang nằm lại đất này.
 Một góc thị tứ dưới chân đồi Chư Nghé. Ảnh: H.T
Một góc thị tứ dưới chân đồi Chư Nghé. Ảnh: H.T
Vượt qua đoạn đường đèo dốc quanh co, chúng tôi đến khu vực khá bằng phẳng. Mặc dù đã có nhiều đổi thay nhưng tôi vẫn nhận ra vị trí làng Không Tên (một làng cũ của đồng bào dân tộc thiểu số, trong bản đồ địa hình quân sự ngày trước chỉ thể hiện ba chấm nhỏ) sát bên phía Bắc đường. Đây là khu vực mà tháng 4-1974, Đại đội 1 (Tiểu đoàn 16) chúng tôi cùng các đơn vị trong Khối 1469 gồm các tiểu đoàn: 631 (Mặt trận Tây Nguyên), 14 pháo cối, 16 súng máy cao xạ 12,7 mm và 19 đặc công (Sư đoàn 320) do Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 631 Trần Tất Thanh chỉ huy đã tiến công diệt gọn cụm quân địch thuộc Trung đoàn 47 ngụy đi lấn chiếm gồm 2 đại đội bộ binh chốt giữ ở làng Không Tên, trận địa pháo 105 mm và 1 chi đội xe tăng M41 ở làng Krcông cách 2 km về phía Đông. Và trong trận tiến công địch ở làng Không Tên sáng 16-4-1974, khi vận động qua cửa mở, một quả cối 81 của địch nổ ngay phía trước, tôi đã bị 5 mảnh cối găm vào đầu, vai phải và đùi trái mà đến nay vẫn phải sống chung với chúng… Bây giờ, suốt hai bên đường từ làng Không Tên đến làng Krcông năm xưa đã mọc lên những cụm dân cư đông đúc thuộc địa phận xã Ia Tô. Dải rừng khộp ở phía Nam ngày ấy bây giờ là bát ngát màu xanh của cà phê, điều, cao su tiếp nối với màu xanh trùng điệp của rừng.
Đi hết đoạn đường quanh co, xe chúng tôi leo lên một con dốc cao rồi bò xuống một thung sâu có suối nước khá rộng chảy qua. Tôi đã nhận ra đây là ngầm Ia Yom mà ngay sau khi ta giải phóng Chư Nghé, những ngày cuối tháng 9-1973, địch đã cho Chiến đoàn 21 lên giải tỏa chiếm ngầm nhưng đã bị đơn vị tôi cùng Trung đoàn 48 tiêu diệt. Hồi đó, cái ngầm này khá dài, về mùa khô nước chảy xăm xắp đi lại được. Bây giờ, đường được tôn cao, có cầu bê tông vững chắc, xe cộ các loại thông thương thuận lợi. Lên đến đỉnh dốc thì gặp con đường chạy về phía Nam. Đây chính là đường 15 gập ghềnh năm xưa nối Chư Nghé với đường 19 ở ngã ba Phước Thiện, giờ đây được mở rộng trải nhựa phẳng lì. Vượt qua đoạn đường khá sầm uất với các nhà ở xen kẽ cửa hàng, hiệu buôn nhộn nhịp, chúng tôi rẽ trái lên con dốc nhỏ để vào trụ sở UBND xã Ia Krai. Tại đây, anh Yên đã đứng đợi sẵn và dẫn chúng tôi đến giới thiệu với anh Rơ Lan Hlinh-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã.
Màu xanh trên chiến trường xưa
Chúng tôi cùng lên đồi Chư Nghé. Từ cổng trụ sở UBND xã, chỉ sau ít phút đi bộ, chúng tôi đã tới một con dốc mà bên phải là một quả đồi nhỏ, bên trái là nhà ở của người dân. Đi thêm khoảng 200 m thì các anh nói dừng lại, chỉ lên quả đồi: Chư Nghé đây rồi! Chúng tôi cùng trèo lên. Đến đỉnh, nhìn bao quát một lượt, tôi thật sự ngỡ ngàng. Căn cứ biên phòng Chư Nghé năm xưa nằm trên quả đồi có hình củ khoai lang kéo từ Đông sang Tây diện tích hơn 2 km2 với hệ thống lô cốt, hầm ngầm, chiến hào, nhà lính, trận địa pháo kiên cố, liên hoàn do Tiểu đoàn 80 biệt kích biên phòng ngụy chiếm giữ; phía Tây Nam có sân bay Sùng Thiện cho máy bay vận tải C130 cất hạ cánh chở hàng tiếp tế cho căn cứ; xung quanh có trên 10 lớp hàng rào kẽm gai các loại; phía ngoài, từ Tây Bắc sân bay Sùng Thiện qua phía Nam về cổng căn cứ ở phía Đông, địch dùng chất khai quang và bom đạn hủy diệt thành vùng trắng… Vậy mà, giờ đây chỉ thấy một khoảng đất mỗi chiều vài chục mét, xung quanh cây cỏ mọc um tùm. Ở giữa khoảng đất còn dấu tích của một lô cốt kiên cố khá rộng đã bị phá hủy với những mảng tường bê tông hằn vết ghi sắt ngổn ngang còn sót lại. Cách khoảng hơn 10 m về phía Bắc còn một hố chiến đấu cá nhân có 3 mảng tường cao hơn 1 m… Nhìn về hướng Nam, tôi cố tìm vị trí trận địa 12,7 mm của chúng tôi chi viện cho Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 48) đảm nhiệm hướng chủ yếu nhưng không thể nào nhận ra, tất cả đã phủ một màu xanh ngút ngàn của cây trái.
Nghe tôi kể, hồi đánh Chư Nghé (22-9-1973), ở phía sau trận địa của đơn vị tôi khoảng hơn 2 cây số có một làng đồng bào dân tộc thiểu số thì anh Hlinh nói: “Làng mình đấy!”. Rồi anh cho biết, năm 1965, quân Mỹ xây dựng căn cứ này. Sau đó, địch dồn dân ở các làng trong vùng vào các ấp chiến lược quanh căn cứ để kìm kẹp và đỡ đạn cho chúng. Cuối năm 1972, ta đánh Chư Nghé, tuy không thành nhưng đã hỗ trợ cho đồng bào vùng lên phá ấp chiến lược trở về làng cũ làm ăn. Nhìn về hướng Bắc, ngay dưới chân đồi là khu hành chính xã, bao quanh là thị tứ với các khối nhà kiến trúc đủ loại, phía sau là dãy điểm cao-nơi đặt pháo bắn thẳng vào Chư Nghé năm xưa-cây rừng phủ một màu xanh thẫm. Nhìn về hướng Tây Nam, tôi không thấy sân bay Sùng Thiện mà chỉ thấy một màu xanh bát ngát của cà phê. Anh Yên cho biết, khu vực đó là diện tích canh tác của Công ty 705. Vậy là, vùng đất rộng lớn khô cằn trộn lẫn bom đạn địch năm xưa, nay đã trở thành một miền quê trù phú nơi vùng biên.
Trước khi rời Chư Nghé, tôi có cuộc gặp với Bí thư Đảng ủy xã Ia Krai-anh Rơ Lan Vinh. Trao đổi với anh, tôi được biết: Từ xã B13 của huyện 4 trong kháng chiến chống Mỹ, sau 1975, xã được mang tên Ia Krai, thuộc huyện Chư Pah và từ 1996 đến nay thuộc huyện Ia Grai. Khi thành lập, xã Ia Krai chỉ có vài trăm người Jrai sinh sống rải rác ở 6 làng. Đến nay, xã có trên 10.000 người gồm 4 dân tộc anh em (trên 70% là người Jrai) chung sống ở 15 thôn, làng. Năm 1977, Đoàn kinh tế quốc phòng 359 (nay là Công ty 705) vào khai hoang trồng cà phê, cao su đã làm cho vùng đất đầy bom đạn dần thay da đổi thịt. Đặc biệt, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, của huyện cùng với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong xã, từ chỗ du canh du cư sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, Ia Krai đã có bước phát triển về mọi mặt. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 19 triệu đồng. Tuy còn một bộ phận hộ nghèo nhưng có thể nói đời sống của bà con nơi đây đã được nâng cao. Có được cuộc sống như ngày hôm nay, đồng bào các dân tộc ở Ia Krai luôn ghi ơn hơn 200 bộ đội và du kích đã hy sinh cho vùng đất này.
Rồi anh Vinh bộc bạch: Xã đã nhận được quyết định của tỉnh về xếp hạng di tích Chiến thắng Chư Nghé. Đảng bộ và bà con trong xã rất mong được trên quan tâm sớm đầu tư xây dựng công trình Di tích lịch sử trên đồi Chư Nghé để nhân dân mọi miền đất nước, đặc biệt là đồng bào các dân tộc trong xã có nơi tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và cuộc sống yên bình hôm nay.
 HÙNG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.