Lào: Đất lành của lao động trẻ Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Môi trường sống bình yên, cơ hội kinh doanh dịch vụ rộng mở và thu nhập cao là những gì mà lao động Việt đang tìm thấy ở Lào
Trong xu hướng hội nhập sâu rộng, lao động Việt đã tìm đến các nước bên ngoài lãnh thổ để mưu sinh, lập thân lập nghiệp. Nằm sát vách Việt Nam, Lào những năm gần đây đã thu hút rất đông người Việt sang làm việc.
Đa số lao động Việt sang Lào tuổi đều trẻ và tay nghề cao nên nhanh chóng có được vị trí công việc cũng như mức thu nhập tương xứng trên đất nước triệu voi. Những ngày đầu tháng 3-2019, phóng viên Báo Người Lao Động đã có chuyến tìm hiểu thực tế tại một số địa phương của Lào có đông lao động Việt để có cái nhìn trực quan, cận cảnh về đời sống, việc làm của họ.
Lập nghiệp trên đất bạn
Chúng tôi đón chuyến xe khách tuyến Pleiku (Gia Lai) đi Pakse, tỉnh Champasak (Lào). Xe rời bến lúc 7 giờ trong không khí se lạnh của núi rừng Tây Nguyên chở theo khá đông bạn trẻ người Việt sang Lào. Bắt chuyện với bạn Lê Ngọc Duy Thanh, quê Quảng Bình, tôi được biết đây là năm thứ 2 Thanh làm việc ở Lào và còn hơn tháng nữa là Thanh bước sang tuổi 23. Thanh kể ở quê khá khó khăn nên vào Gia Lai làm rẫy cho người quen, được gần 1 năm thì xin nghỉ để sang Lào thăm bạn. Sang Pakse, thấy bạn mở tiệm rửa xe và làm ăn được nên Thanh quyết định ở lại cùng làm. "Ở Pakse, dân đi ôtô nhiều nên nghề rửa xe rộng đất sống. Tôi và bạn cùng 5 lao động khác - có cả người Lào và Việt - làm việc từ sáng sớm đến tối mịt để phục vụ khách hàng. Nếu tính bình quân thu nhập thì với lao động phổ thông như tôi, ở Lào tôi có mức lương cao hơn khoảng 1,5 lần nếu làm cùng vị trí ở Việt Nam. Tôi và bạn đang có kế hoạch mở tiệm thứ 2 và cũng định hướng phát triển thành salon làm đẹp ôtô theo hướng chuyên nghiệp" - Thanh chia sẻ.
Nguyễn Thị Kim Nga (đứng), đang buôn bán tạp hóa tại chợ Talat lacxam, tỉnh Attapeu
Câu chuyện của Thanh khiến chúng tôi tò mò về đời sống việc làm của lao động Việt trên đất Lào anh em. Nhưng nơi Thanh đang làm còn cách nơi chúng tôi đặt chân đến hơn 200 km. Chúng tôi hẹn gặp lại Thanh ở Pakse bởi điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là "thủ phủ" của người Việt tại Lào: tỉnh Attapeu. Nơi đây, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đặt đại bản doanh và tất nhiên thu hút một lượng lao động khá đông người Việt sang làm việc, sinh sống tại vùng đất Nam Lào còn hoang sơ này.
Chúng tôi gặp Đào Quang Huy tại bản Conghan, huyện Samakkhixay, tỉnh Attapeu. Năm nay mới 21 tuổi nhưng Huy đã có gần 3 năm kinh doanh tại đây. Chàng trai trẻ quê Hà Tĩnh này cho biết sau khi học xong THPT, thay vì học tiếp, Huy chọn con đường kinh doanh để thỏa mong ước bôn ba khắp chốn để tìm kiếm con đường lập nghiệp vốn là đam mê từ nhỏ của anh. "Ai cũng có hướng đi riêng của mình. Việc tôi chọn Lào làm điểm đến để khởi nghiệp được bạn bè, người thân ủng hộ trong lo lắng nhưng tôi đã chứng minh cho họ thấy việc kinh doanh buôn bán ở Lào có nhiều cơ hội hơn. Chỉ sau 1 năm bán tạp hóa ở đây, tôi đã hoàn trả hết số vốn ban đầu khoảng 150 triệu đồng và còn dư chút đỉnh để tiếp mở rộng quy mô" - Huy cho biết. Bây giờ thì cửa hàng của Huy đã cung cấp gần như đầy đủ nhu yếu phẩm hằng ngày cho cả cái bản gần 5.000 dân này.
Khi chúng tôi hỏi bằng cách nào gây dựng được uy tín của mình trên một nước khác, Huy cho rằng phải học tiếng bản địa và tìm hiểu văn hóa của người dân địa phương. "Kinh doanh ở Lào phải trọng tình cảm, coi người dân bản xứ như người thân, có như vậy họ mới tìm đến ủng hộ mình" - Huy bộc bạch. Người Lào lâu nay thích sử dụng sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan, song trong thời gian gần đây đã chuyển sang dùng hàng Việt vì giá rẻ mà chất lượng không thua kém. Việc thay đổi thói quen tiêu dùng ấy của người bản xứ có đóng góp không nhỏ của những người trẻ như Huy.
Thích trải nghiệm
Đó là tâm sự của Nguyễn Thị Kim Nga, 19 tuổi, đang buôn bán tại chợ Talat Lacxam (chợ cây số 3) trung tâm tỉnh Attapeu. Nga cũng là người Việt trẻ tuổi nữa mà chúng tôi muốn kể cho độc giả bởi cách sống và suy nghĩ của cô gái này thật đáng trân quý.
Sau khi học xong THPT, gia đình khó khăn nên Nga tạm ngưng đến trường, chuyển sang học nghề trang điểm với mong muốn kiếm tiền phụ giúp cha mẹ lo cho các em ăn học. Khăn gói vào TP HCM học nghề được một thời gian thì Nga được một người bà con giới thiệu cơ hội kinh doanh, buôn bán ở Lào. Sau khi tìm hiểu kỹ, Nga xin phép ba mẹ cho mình sang Lào. Dù khá lo lắng cho con gái còn trẻ, chưa trải nghiệm nhiều nhưng trước quyết tâm của Nga, ba mẹ đã đồng ý cho con mình sang Lào lập nghiệp. "Cũng lo lắng lắm nhưng tôi nghĩ nếu cứ lo sợ thì làm được gì. Tôi quyết tâm bởi mình còn trẻ, cần trải nghiệm và cần một nơi thật an bình để bắt đầu sự nghiệp. Tôi lấy hàng từ Việt Nam sang bỏ mối cho các tiệm tạp hóa nhỏ và bán sỉ tại chợ. Công việc khá thuận lợi nên tôi có dự định làm ăn lâu dài tại đây" - Nga nói.
Kỳ tới: Lao động chất lượng cao lên ngôi
Giang Nam-Lê Phong (Người Lao động)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.