Ông chủ vườn chim trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Tôi chỉ bảo vệ được chim khi chúng về đây làm tổ, tránh được nạn săn bắn, tận diệt...”, đó là tâm sự của ông Hà Huyền Mộng.
 

Chim cò về trú ngụ ở vườn chim
Chim cò về trú ngụ ở vườn chim



“Tôi chỉ bảo vệ được chim khi chúng về đây làm tổ, tránh được nạn săn bắn, tận diệt...”, đó là tâm sự của ông Hà Huyền Mộng (60 tuổi, ngụ KP.4, P.3, TP.Tây Ninh, Tây Ninh), chủ khu vườn chim trời có một không hai ở ngay trung tâm TP.Tây Ninh.

Khu vườn tràm nước rộng gần 1 ha bao quanh căn nhà của ông Mộng, hiện đang là nơi cư trú của khoảng 2.500 - 3.000 con chim như cò, cồng cộc, sáo, ốc cao...

“Cha nuôi” của đàn chim trời

Một buổi chiều, chúng tôi tìm đến khu vườn của ông Mộng trong khung cảnh yên bình, đầy tiếng chim hót như đang chào đón khách lạ. Người dân trong khu vực ví von ông là "cha nuôi" của đàn chim trời bởi tính đến nay, gia đình ông đã có hơn 15 năm tái tạo khu vườn và thầm lặng bảo vệ những chú chim trời tránh khỏi nạn săn bắn, tận diệt. Khu vườn của gia đình ông được rào kín bằng lưới B40 nằm biệt lập ven một con rạch ở Tây Ninh. Dù chỉ cách trung tâm TP.Tây Ninh chưa đầy 1 km nhưng khó ai có thể ngờ được nơi đây lại tồn tại một khu vườn chim trời quy mô đến như thế.

Tiếp chúng tôi dưới mái hiên nhà, chốc chốc ông Mộng lại nhìn lên bầu trời, trông ngóng đàn chim bay lượn trên không trung. Chỉ tay lên đàn chim màu đen tuyền đang bay về hướng vườn tràm bên hông nhà, ông Mộng lý giải: “Từ 16 giờ, thời gian về tổ của chim cốc, mà người ta vẫn hay gọi là cồng cộc. Ngày nào mưa thì chúng về sớm hơn, khoảng 15 giờ 30”. Nhấp ngụm nước trà, ông Mộng hào hứng nói tiếp: “Còn cò thì thường về lúc 17 - 18 giờ. Khi về, con lớn đậu trên cành cao rồi chuyền dần xuống thấp để tìm chỗ ngủ. Đó là cách chúng tránh giông gió. Còn con nhỏ thì ngủ trên cao hơn. Có điều lạ, cứ hôm nào đàn cò về sớm bất thường là thể nào cũng sắp có mưa giông. Chim sáo thì về lúc trời vừa tắt nắng (khoảng 17 - 17 giờ 30), chúng thường chọn những cây lá rậm để ngủ”. Hỏi vì sao ông lại "thuộc bài" đến như thế, người chủ vườn chim trời cười khề khà lý giải: “Sống gần 15 năm với tụi nó nên hiểu rõ đặc tính từng loài”. Đắc chí, ông Mộng nói tiếp, cò trắng ở khu vườn tràm này có 2 loại: loại cò ma lúc đậu có màu nâu đất, thân hình nhỏ (khoảng 100 - 200 gr/con). Đây là giống cò sinh trưởng ở địa phương bởi chúng hay sinh sống quanh quẩn trong vùng. Một loài khác là cò di trú. Chúng có thân hình lớn (300 - 400 gr/con) và ở những vùng miền khác bay về theo mùa thức ăn.


 

Ông Hà Huyền Mộng
Ông Hà Huyền Mộng




Khoảng 17 giờ, khu vườn tràm nước nhà ông Mộng bỗng rào rạt tiếng chim bay về tổ. Tiếng cò, sáo kêu inh ỏi giữa không gian tĩnh lặng. Trước mắt chúng tôi, xuất hiện hàng ngàn con chim cồng cộc, cò... từ các hướng kéo về, đậu trên những ngọn cây tràm cao vút. Một đàn cò bay về nhưng không vội kiếm chỗ ngủ mà đảo qua đảo lại khoảnh ruộng trống ngay bên cạnh khu vườn để tranh thủ tìm thức ăn.

Đất lành chim đậu


 


Ông Mộng kể: “Vài tháng trước, tôi có nuôi bầy chim se sẻ khoảng 800 - 1.000 con. Tháng nào tôi cũng tốn 1 - 2 bao lúa cho chúng ăn. Thế nhưng, mới đây có nhóm người đến bẫy lưới ở cánh đồng gần nhà bắt toàn bộ đàn chim. Tôi chỉ bảo vệ được đàn chim khi chúng đã về đến tổ, chứ ra ngoài thì bó tay với nạn săn bắn”. Rồi ông không giấu được vẻ lo âu: “Chim ở khu vườn này đang giảm qua từng năm bởi nơi ngủ cho chúng ít dần trong khi nạn mua bán, săn bắn chim trời vẫn còn nhan nhản. Tối tối, ngồi trước nhà mà tôi nghe rõ mồn một thứ âm thanh bẫy các loài chim quốc, cúm núm”. Ông cũng thở dài khi nhắc đến khu chợ chim tồn tại ở cầu Nổi, xã Thanh Điền, H.Châu Thành, nơi mà Báo Thanh Niên từng phản ánh trong bài viết Tận diệt chim trời... làm mồi nhậu.
 

Nói về cái duyên của người “cha nuôi” bảo vệ chim trời, ông Mộng vui vẻ kể, hơn 15 năm trước, gia đình ông mua mảnh đất rộng hơn 1,5 ha ở đây. Do vùng này hay bị ngập nước nên ông quyết định trồng cây tràm nước để sau này có thu nhập.

“Một buổi chiều năm 2004, bỗng dưng có một đàn cò khoảng 300 - 500 con ở đâu bay về đây trú ngụ. Những đêm sau đó, cả gia đình tôi liên tục mất ngủ vì xuất hiện nhiều người lạ kéo đến săn bắn chim cò, mỗi ngày càng đông hơn. Nghe tiếng súng hơi chát chúa, tiếng ná thun bắn rào rạt trên những tán cây và những tiếng kêu của con cò bị trúng đạn khiến tôi suy tư rất nhiều. Lúc đầu, thấy người ta đến bắn chim tôi kêu đừng bắn nhưng lại bị họ chửi, họ nói 12 cá nước chứ có phải của tôi nuôi đâu mà cấm cản”, ông Mộng nhớ lại.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông Mộng bàn với vợ quyết định bỏ tiền mua lưới B40 để rào toàn bộ khu vườn rộng 1,5 ha. Dù được rào chắn cẩn thận nhưng người săn trộm vẫn xuất hiện ở bên ngoài. Lúc này, ông Mộng phải nuôi đến 5 con chó bẹc giê và thường xuyên dẫn chúng đi tuần hết các ngõ ngách khu vườn. "Giới săn trộm lúc này bắt đầu nản lòng vì không dám chui vào khu vườn để nhặt xác chim. Nhờ đó, chim cò từ các nơi về càng nhiều dần", ông Mộng kể.

Theo ông Mộng, dân gian có câu “Đất lành chim đậu” quả không sai tí nào, thấy khu vườn an toàn, nhiều loại chim trời bắt đầu kéo về đây làm nơi trú ngụ. Ngành kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cũng đến đặt một tấm bảng cấm săn bắt chim ở khu vực bên ngoài khu vườn. Đến khoảng năm 2015, khu vườn của gia đình ông Mộng trở nên quá tải với khoảng 5.000 - 6.000 con cò đậu trắng khắp các ngọn tràm, chưa kể nhiều loại chim khác.

Ông Mộng nói: “600 cây tràm, 100 bụi tre bát độ bị đàn cò chiếm làm nơi ngủ hết. Nếu như người lạ ở lại qua đêm tại đây có lẽ không thể nào ngủ được vì âm thanh mà chúng kêu réo đinh tai, nhức óc”. Rồi ông Mộng tâm sự: “Nhưng ở trong khu vườn này tôi cảm thấy cuộc sống mình vô cùng thanh thản”, rồi đổi giọng trầm ngâm: “Cứ vào khoảng tháng tư âm lịch, cò ở khu vườn này kéo nhau bay về miền Tây tìm thức ăn vì ở đó đang mùa gạn đồng (ruộng cạn), mồi rất nhiều. Đến đầu tháng tám âm lịch, đàn cò lũ lượt kéo về lại khu vườn. Nói thiệt, những lúc chim bay đi thì tôi nhớ tụi nó lắm. Gần ngày về, hầu như chiều nào tôi cũng nhìn lên trời chờ chúng. Cứ thấy lác đác vài con bay về là trong lòng vui khó tả”.



 

Năm 2016, nước lụt dâng cao bất thường khiến vườn tre gần như chết hết, tràm nước cũng ngả la liệt. Chỗ trú ngụ của chim bị mất dần khiến hơn một nửa số chim ở đây di tản sang những nơi khác sinh sống. Chưa hết, diện tích đất bị thu hẹp khi mảnh vườn vướng quy hoạch 0,3 ha làm dự án. Cuộc sống gia đình ông phụ thuộc hết vào măng tre thì giờ khó khăn hơn nên đành ngậm ngùi bán bớt 0,3 ha cây tràm để có tiền sinh sống.

Ông Mộng buồn bã nói: “Lúc tôi bán, người mua cũng đồng ý sau 3 năm mới chặt cây. Tôi chỉ muốn những con chim còn đủ nơi trú ngụ. Trước đây, tôi có nghe nói về một dự án mở rộng vườn chim làm điểm du lịch, gia đình tôi mừng lắm. Nhưng lâu rồi không nghe ai nhắc nữa. Điều tôi mong nhất hiện giờ là có những người khác cùng tâm huyết, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để cùng nhau bắt tay mở rộng thêm diện tích. Từ đó, giữ đàn chim ở lại trên mảnh đất lành này”.

 

Giang Phương (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Những cuộc đời ven kênh

Những cuộc đời ven kênh

Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Người của biển khơi

Người của biển khơi

Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.